BẠN VỀ QUÊ Ở




Anh nhắn: chiều ngồi đâu lai rai chút, mai tui về quê. Hỏi: Bao giờ lên? Anh: Về ở luôn dưới đó, đồ đạc sách vở chuyển đi hết rồi.
Anh là một người nghiên cứu “tự do”: không làm ở một cơ quan nào cả, không bị ràng buộc bởi các quy định của công chức và đương nhiên không có đồng lương cơ bản cùng những thu nhập khác ngòai lương, tuy ít ỏi nhưng cũng neo được nhiều người trong cái bộ máy cồng kềnh của nền học thuật hành chánh. Nhưng nhờ vậy mà anh có thể tòan tâm tòan ý theo đuổi những gì mình say mê: nghiên cứu, biên dịch tài liệu cổ sử, những vấn đề văn hóa… khi rảnh rang còn viết cả truyện ngắn. Thu nhập thất thường vì không phải ai cũng hiểu được giá trị những tư liệu anh công bố (nhưng cũng có trừờng hợp chính vì người ta hiểu quá rõ giá trị của tư liệu nên...).
Từ nhiều năm qua để lại vợ con ở quê, anh sống một mình ở thành phố này, lặng lẽ, khiêm nhường, cần mẫn làm nhiều việc để kiếm sống. Dù làm việc gì anh cũng không từ bỏ niềm đam mê nghiên cứu cổ sử của mình. Nhiều lần kêu anh đi cà phê, anh nói không có rảnh, bạn bè chọc: ông làm gì mà bận, chảnh dữ ha. Anh cười: đang viết bài trả nợ nè. “Nợ” là chính anh tự nợ mình một vấn đề khoa học chứ đâu phải nợ ai tiền bạc. Và bạn bè biết sắp được anh chia sẻ một công trình nghiên cứu nghiêm túc và có giá trị. Được in hay không, với anh không quan trọng, vấn đề là anh đã làm được nhiều việc chắn chắn hữu ích cho những ai quan tâm đến lịch sử văn hóa hôm nay và mai sau. Không có nhiều “nhà” nghiên này cứu nọ trong các viện, trường mà viết được như anh. Có lẽ khi tự thóat khỏi những ràng buộc cơm áo sân si chức vị đời thường, từ ý thức công dân và bằng tri thức của mình, người nghiên cứu sẽ tìm thấy không gian tư duy tự do cho ý tưởng bay lên, như cánh diều trên bầu trời lộng gió.
Dọn về quê, đồ đạc của anh không có gì, nhiều nhất chỉ là sách. Hàng ngàn cuốn sách quý anh cân nhắc chọn lựa mua bằng đồng nhuận bút khiêm tốn, tìm kiếm trong hầu hết các hiệu sách cũ khắp Sài Gòn, Chợ Lớn… Không hiểu sao anh có thể sắp xếp hết chừng đó sách vở trong ngôi nhà anh ở thuê nhỏ xíu không đủ chỗ mà quay qua quay lại? Có người nói đùa: số sách này bán đi ông sống khỏe cả đời. Anh cười hiền lành: sống đui mù cực lắm ông ơi.
Năm nào cũng vậy, gần Tết là anh mua giấy dó mực tàu rồi cùng bạn bè ngồi ở một nơi nào đó, viết chữ cho bạn, cho cả người qua đường. Thư pháp Hán Nôm của anh tuyệt vời, mềm mại mà cứng cỏi, thanh thóat. Mỗi người đều nhận ra mình trong mỗi chữ nôm na anh tặng.
Những lần ngồi lai rai trong quán nhỏ bên bờ kè, anh kể chuyện xưa chuyện nay bằng cái giọng từ từ, tưng tửng… Bạn bè mỗi người góp một câu rồi cùng cười nghiêng ngả. Sau những trận cười là nỗi đắng cay, người viết có tâm thời nào cũng vất vả…
Thời buổi lạm phát, nơi đô thành sống khó khăn quá thì anh cứ về quê mà ở nhưng đừng đi ẩn nhé. Về đó yên tĩnh mà viết lách, theo đuổi công việc nghiên cứu nhọc nhằn…  Sài Gòn – Định Tường đâu có xa xôi, xe cộ giờ rất sẵn. Rảnh thì nhắn nhe lên xuống thăm nhau, nếu có ngồi bờ kè nhớ nhau thì kêu điện thọai, mà cần gì còn có email, khó gì…
Tưởng chỉ ngày xưa mới có chuyện vào lúc thời buổi nhiễu nhương trắng đen lẫn lộn vàng thau khó lường, thì các nho sĩ bèn rời bỏ kinh thành về quê ẩn dật… Bỗng ngậm ngùi. Người như anh dường như “vận” cả số phận quê hương…

Hội thảo Hè 2011 Singapore


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...