TRÒ CHUYỆN VỚI ĐỖ NGỌC (Phunuonline)



     Xin chị cho biết rõ hơn về mối liên quan giữa công trình khảo sát khảo cổ học ở Cần Giờ (do chị làm chủ nhiệm đề tài) đóng góp cụ thể ra sao cho vấn đề quy hoạch, xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ hiện nay và tương lai?

Các di tích khảo cổ ở Cần Giờ được khảo sát khai quật nhiều lần nhằm nghiên cứu lịch sử - văn hóa mà chưa thực sự gắn với mục đích phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Vì vậy đề tài khảo sát hệ thống di tích khảo cổ do tôi làm chủ nhiệm, ngòai việc bổ sung tư liệu khoa học còn nhằm mục đích chính là cung cấp thông tin cho các nhà quản lý và quy họach, để họ có thể sử dụng trong việc họach định phát triển, xây dựng Cần Giờ một cách phù hợp với tiểm năng tự nhiên và nhân văn, và khai thác sử dụng tốt những di sản văn hóa, đồng thời tránh việc phá hủy di tích trong quá trình đô thị hóa.
 
  Khi tham gia khai quật, khảo sát một di tích khảo cổ, điều gì thu hút sự quan tâm của chị nhất? Điều gì làm nên giá trị cho một công trình khảo sát, khai quật : vật dụng đắt tiền vì giá trị trăm, ngàn năm hay những  câu chuyện có giá trị văn hóa, lịch sử được kể qua hiện vật?

Mỗi cuộc khai quật, mỗi đợt khảo sát khảo cổ học đều có khả năng mang lại những điều mới mẻ, bất ngờ, và đó là sức hấp dẫn đối với người trong ngành, thu hút sự quan tâm của người ngòai ngành, nhất là giới truyền thông. Giá trị của một công trình khảo cổ học (từ khi khảo sát, khai quật đến khi hòan thành báo cáo khai quật hay xuất bản công trình nghiên cứu) là ở giá trị lịch sử - văn hóa của di tích và di vật: có thể là niên đại xa xưa, có thể là lọai hình chất liệu quý hiếm, có thể là một di tích khác lạ chưa từng biết… tất cả đều chứa đựng những câu chuyện của con người thời cổ mà khảo cổ học phải “giải mã” qua nghiên cứu tất cả những gì được tìm thấy. Những câu chuyện này không phải là có thể hiểu ngay, hiểu hết mà có khi phải qua nhiều năm nghiên cứu mới đi đến nhận thức rõ ràng về đời sống con người trong quá khứ. Tổng hợp tất cả những cái đó làm nên giá trị một công trình khảo cổ học.
 
   “Khảo cổ học bình dân” là cụm từ mới mẻ (với người “ngoại đạo”) nhưng nó có sức hút không nhỏ. Vì sao lại gọi là bình dân, phải chăng muốn nói những di vật còn “mới”, không đắt tiền, hay…?

Đây không phải là một khái niệm mới, trên thế giới đã dùng và phổ biến khá lâu rồi. Nói ngắn gọn là những nghiên cứu khoa học không giới hạn “trong phòng” mà hướng đến cộng đồng, những người dân bình thường, ở cả 2 góc độ: thu nhặt kiến thức từ người dân – nghiên cứu để trở thành những tri thức khoa học  và phổ cập trở lại giúp người dân có thêm những hiểu biết mới về những di sản văn hóa của cộng đồng, ngay nơi họ sinh sống. Khơi gợi cho họ lòng yêu thích và luôn tìm hiểu về những vốn quý của chính họ.
Còn nói nôm na là: từ những thực phẩm sạch, không độc hại, thậm chí cao cấp, nhưng chế biến thành món ăn bình dân, quen thuộc, ai cũng ăn được và ăn hòai không ngán. Một quy luật bình thường là con người sẽ biết bảo vệ những gì mình yêu quý. Trong việc bảo tồn di sản văn hóa biết vận dụng quy luật này là rất hữu ích.
 
   Xin chị cho biết nét độc đáo của hệ thống di tích khảo cổ học ở Cần Giờ, điều gì khiến nó được xếp là lọai hình di sản văn hóa độc đáo của Nam bộ?

Hệ thống di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ TP.HCM tiêu biểu cho các giá trị văn hoá thời tiền sử của vùng đất thành phố và khu vực Miền Đông Nam bộ, mang tính chất độc đáo của văn hoá tiền sử Đông Nam Á. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích này là vấn đề được nhiều nhà khảo cổ, các học giả trong nước và quốc tế quan tâm. Trong khoảng Thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, tại vùng rừng ngập mặn nơi cửa sông – vịnh biển thuộc địa bàn huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, đã tồn tại một hệ thống di tích khảo cổ học đặc biệt là những di tích cư trú – sản xuất gốm – mộ táng phát triển liên tục từ khoảng 3000 – 1500 năm cách ngày nay.
Phương thức mai táng của cư dân cổ nơi đây gồm mộ huyệt đất sét, mộ chum và mộ đất, trong đó hung táng trong mộ chum là chủ đạo. Đây là tài liệu quan trọng để nghiên cứu vấn đề táng tục và chủ nhân của các táng thức nói trên trong thời đại sắt sớm ở Việt Nam và Đông Nam Á. Di vật tìm thấy trong văn hóa Cần Giờ cực kỳ phong phú về số lượng, đa dạng và độc đáo về loại hình, thể hiện một số đặc trưng văn hóa riêng biệt và những mối quan hệ giao lưu mật thiết với văn hóa Đồng Nai, văn hóa Sa Huỳnh, với một số di tích mộ chum ở Đông Nam Á. Cần Giờ  với vị trí đặc biệt của nó đã hình thành một “cảng thị sơ khai” vào những thế kỷ trước sau Công nguyên. Xét về lịch đại, những bằng chứng của sự phát triển từ văn hoá Cần Giờ lên văn hóa Óc Eo đã góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc bản địa của văn hóa Óc Eo. Đồng thời đóng góp những vấn đề lý luận cho việc nghiên cứu quá trình chuyển biến từ thời Tiền – Sơ sử đến thời cận đại ở Nam bộ và Trung bộ Việt Nam.
 
    Chị là nhiều nhà trong một: nhà khoa học, nhà quản lí, nhà văn, thích du lịch, chơi blog, tham gia diễn đàn mạng…Làm sao có thể tích hợp từng ấy “nhà”, từng ấy sở thích hài hoà với nhau để ra một bà “Hậu khảo cổ” tài năng, nhẹ nhàng, duyên dáng, an nhiên và rất trẻ trung nữa chứ…Viết  là cách chị trải mình, thư giãn hay “xả” năng lượng viết của mình?

Chả biết có là nhiều “nhà” như chị ưu ái gọi thế không… nhưng nói thật nhé, tôi cứ nghĩ ai được gọi là “nhà này nhà khác” thì khổ như con rùa ấy, suốt đời vác cái mai nặng trên lưng… đi đứng khó nhọc chậm chạp… có nguy hiểm gì thụt đầu vào mai thì chỉ làm cho người ta túm dễ dàng và nhanh hơn… J
Cứ nghĩ thế và sống như chính mình thôi. Công việc của xã hội thì cố gắng làm một cách có trách nhiệm, với các mối quan hệ thì như lời bài hát Điều giản dị của Phú Quang “hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế…”, sống sao cho hội ngộ thì ấm áp vui vẻ và chia tay thì thanh thản nhẹ nhõm…
Tôi thích gặp gỡ trò chuyện cùng bạn bè, vì học hỏi và biết thêm nhiều điều mình không thể học từ nhà trường hay sách vở… cuộc sống sinh động và thay đổi nhanh chóng lắm… Giao lưu trên thế giới MẠNG cũng vậy. Viết là một cách chia sẻ với bạn bè, cũng như khi đọc của mọi người mình cũng chia sẻ và nhẹ nhõm được ít nhiều.

    “Đi và tìm trong đất” khái quát đầy đủ nghề nghiệp và nick của chị. Say sưa và chuyên tâm với hoạt động khảo cổ, sau một đời tìm kiếm chị đã tìm được gì cho đời và cho mình?

Do phải chuyển công tác nên về danh nghĩa tôi không được làm khảo cổ từ 6,7 năm nay, nhưng “Đi và tìm trong đất… thấy người”, đó là điều mà đến giờ tôi mới hiểu. Có lẽ đó là tài sản quý giá nhất mà tới giờ tự tôi đã tích lũy được.
 
  Bà Hậu khảo cổ trong gia đình là một người phụ nữ như thế nào với “công trình gia đình” của mình?

À, có lẽ cũng như mọi người phụ nữ khác. Về nhà thì vẫn những công việc “đàn bà” cơm nước, chăm sóc con cái nhà cửa, và bây giờ khi con đã lớn thì đỡ vất vả hơn, tôi thường trò chuyện, chia sẻ với chồng con nhiều điều… Nói chung tôi nghĩ, nếu thiết lập được một “tình bạn” giữa những thành viên trong gia đình thì sẽ đỡ đi nhiều “ràng buộc” đôi khi làm cho chúng ta mệt mỏi… điều mà không ai muốn nhưng vẫn vô tình gây ra.
 
Ngoài công việc, thú vui giải trí của chị là gì

Thích đi du lịch, nhưng chưa đi du lịch đúng nghĩa. May mắn là tôi hay đi công tác nên bao giờ cũng tìm thấy, ngòai mục đích công việc, là những điều tốt đẹp mà cuộc sống mang lại: phong cảnh, con người, những câu chuyện, phong tục tập quán, văn hóa vùng miền… Ngòai ra, đọc sách là thói quen từ nhỏ của tôi, bây giờ còn thích đi cà phê “tám” với bạn bè thân thiết…

http://www.phunuonline.com.vn/clbntt/Pages/nguyen-thi-hau.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...