Ý KIẾN (bé như con kiến thôi) TRÊN TUỔI TRẺ

Thứ Năm, 24/05/2012, 03:12 (GMT+7)
Không thể phỏng dựng di tích
TT - Bài báo “Sao lại phỏng dựng di tích Lam Kinh? (Tuổi Trẻ ngày 21-5) đã nhận được ý kiến đồng tình từ những nhà chuyên môn. Tuổi Trẻ trích đăng:
Một chân tảng kê cột cái của chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa) còn tương đối nguyên vẹn - Ảnh: Hà Đồng
* Là người có thâm niên trong nghiên cứu khảo cổ học môi trường, tôi đã có dịp đến khảo sát hệ cây và vùng đất, địa hình Lam Kinh. Với những hiện vật còn sót lại như chân cột, tượng đá, bia đá, giếng nước, hệ thống cây cổ..., người làm khảo cổ phải cố hình dung ra được hình hài của những cung điện nguy nga xưa nhưng không thể nào vẽ lại toàn bộ bản thiết kế thật của cung điện ấy. Chuyện dựng lại khi không có tư liệu chính xác mà chỉ qua một phần di tích, phế tích và vài dòng ghi chép trong sử sách là điều không thể thực hiện được. Không ai được phép bịa đặt ra lịch sử dù với bất cứ mục đích gì. Có thể dựng phim qua tưởng tượng nhưng không thể “phỏng dựng” theo kiểu này.
Tôi được biết cái giếng cổ nguyên bản ở Lam Kinh xưa là giếng vuông gần giống như giếng ở đàn Nam Giao (trong quần thể di tích Thành nhà Hồ) nhưng qua tôn tạo di tích, người ta đã xây lại thành giếng tròn! Nếu quả thế thì thật tệ hại. Cần phải trả lại như nguyên gốc.
TS Vũ Thế Long (Viện Khảo cổ học VN)

* Theo tôi biết, Luật di sản văn hóa Việt Nam (2009) không có khái niệm “phỏng dựng”, đồng thời cũng không thể tùy tiện dùng phương pháp nội suy trong nghiên cứu trùng tu, bảo tồn di tích.
Nhiều nhà khoa học đã không đồng tình với việc “phỏng dựng” này vì những gì còn lại (tư liệu khảo cổ, tài liệu lịch sử...) không đủ căn cứ khoa học. Chúng ta đã biết nhiều trường hợp địa phương trùng tu di tích không theo phương pháp, nguyên tắc khoa học làm giảm giá trị lịch sử - văn hóa của di tích. Nay lại có thêm kiểu “phỏng dựng” thì không biết di sản văn hóa chúng ta để lại cho đời sau sẽ như thế nào?
Ngoài ra, tôi rất băn khoăn một điểm khác, đó là “vì tính gấp rút, quyết liệt của địa phương nên có một số ý kiến cho rằng “thôi, tạm dùng khái niệm phỏng dựng vậy”. Bởi thế ngày 25-8-2010, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản thẩm định dự án phỏng dựng chính điện di tích Lam Kinh”. Vậy, từ nhu cầu của một địa phương về việc phỏng dựng di tích được cơ quan quản lý chấp thuận cả về thủ tục, cả về khoa học thì liệu sẽ có những trường hợp như thế nữa không? Địa phương này làm được thì địa phương khác cũng làm được. Di tích thời Lê quan trọng thì thời khác cũng không kém... Sức ép của địa phương sẽ dẫn việc quản lý, bảo tồn di tích đi đến đâu? Đây chính là thể hiện mối quan hệ và hợp tác giữa cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về di sản văn hóa là Bộ VH-TT&DL với lãnh đạo các địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hóa vì cần nhìn nhận: di tích lịch sử - văn hóa,  nhất là những di tích cấp quốc gia, không phải chỉ là của địa phương mà trước hết là của đất nước.
NGUYỄN THỊ HẬU (tiến sĩ khảo cổ học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...