RA CHỢ MÀ NGHE


Người ta hay nhận xét: ăn nói kiểu chợ búa, ăn nói như hàng tôm hàng cá… Và xã hội cũng mặc định rằng, chợ, và người buôn bán ở chợ chỉ có kiểu ăn nói đanh đá, ghê gớm, “vô văn hóa” như thế!

Có thật ngôn ngữ ở chợ từ xưa đến nay chỉ có như thế không?

Năm 1975 về Sài Gòn. Lần đầu đi chợ tôi được nghe mời chào bằng giọng nói ngọt ngào: Mua bán trả giá lời lẽ nhẹ nhàng, nếu có đôi co một chút cũng chỉ như phân trần giải thích… Dù bán được hay không cũng đều có lời cám ơn, dù không mua được hàng, thậm chí mua đắt hơn một chút nhưng người mua vẫn vui lòng vì cảm giác mình tự nguyện mua, không bị ai ép buộc. Cái sự “thuận mua vừa bán” này phổ biến từ gian hàng đồ dùng cao cấp đến hàng rau cá thịt. Thi thoảng có cuộc to tiếng thì thường là giữa những người bán hàng với nhau, một lời can ngăn từ bất cứ ai cũng có thể ngăn chặn cuộc cãi vã.

Đang “quen” với việc mua bán ở mậu dịch và phải luôn “ngọt nhạt” với các cô mậu dịch viên nên ấn tượng nhất của tôi về “ngôn ngữ chợ búa” ở đây chính là cách xưng hô thân mật: người bán xưng “dì” (nếu lớn tuổi), xưng “con” nếu nhỏ tuổi, gọi người mua là con, là dì, là cậu… Đây chính là cách xưng hô trong gia đình của người Việt ở Nam bộ, anh chị em ruột thịt về phía mẹ có chỉ có 2 danh xưng là Dì (chị và em gái) và Cậu (anh và em trai) của mẹ. Việc đem hệ thống xưng hô từ gia đình ra ngoài xã hội là một đặc điểm của ngôn ngữ Việt Nam, phần nào “quy định” cách ứng xử ngoài xã hội. Có lẽ vì người bán mua chủ yếu là phụ nữ nên việc “hướng về” bên ngoại như một điều tất nhiên, cách xưng hô cũng “quy định” cách ứng xử nơi “chợ búa” tựa như đều là những người có bà con về bên ngoại: gần gũi, thân mật, không khách sáo và có phần xa cách như với bên nội?

Cách xưng hô ở chợ như vậy cho ta nhận ra dấu ấn “văn hóa mẫu hệ” khá rõ của người Việt Nam bộ, có lẽ đã được gìn giữ từ thời lưu dân Ngũ Quảng vào khai phá vùng đất phương Nam. Có thể suy luận thêm chút nữa, phải chăng cho đến thế kỷ 16, 17 người Việt vẫn thiên về “mẫu hệ” - truyền thống cơ bản của văn hóa Đông Nam Á?

Cách xưng hô, ứng xử theo kiểu “mẫu hệ” như thế này đã mai một. Bây giờ chỉ ở chợ thôn quê, vài chợ nhỏ chợ hẻm, nơi kẻ mua người bán không mấy xa lạ với nhau… ta còn nghe được người bán người mua gọi nhau thân mật gần gũi như thế. Ở những chợ lớn, chợ nơi thị thành xưng hô nói năng đã khác.

Mà bây giờ, ăn nói “kiểu chợ búa”, “hàng tôm hàng cá”… đâu cần phải ra đến chợ mới có!

1 nhận xét:

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...