Cám ơn bạn bè đã/ vẫn coi mình là "người Hà Nội"

Nguyễn Thị Hậu – người xa Hà Nội yêu Hà Nội (TT&VH)
Ít người biết chị sống ở Sài Gòn đã 35 năm vì chất giọng Hà Nội “đặc sệt” của chị… Không phải chỉ là thói quen, mà đây là chủ ý của Nguyễn Thị Hậu – như một bảo chứng về một mảnh đời sống mà chị không bao giờ quên – mảnh Hà Nội. Bao giờ chị cũng có hai quê, một – Chợ Mới, An Giang, và một – Hà Nội.


1. Vào những năm 1954 – 1955, cha mẹ chị cùng hàng vạn người con Nam Bộ đã tập kết ra miền Bắc. Mãi hai mươi năm sau, những người di cư vì công việc và thời cuộc ấy mới lại đặt chân về quê hương… Hai mươi năm, một thế hệ mới đã kịp ra đời và lớn lên ở Hà Nội – miền Bắc, đó là thế hệ của Nguyễn Thị Hậu – một thế hệ có hai quê.
Năm 1975, thống nhất đất nước, Nguyễn Thị Hậu là cô gái Hà Nội 17 tuổi, bỗng nhận ra mình còn có một miền quê có thật, chứ không phải chỉ trong lời kể. Trong con người chị có sự nhẹ nhàng, tinh tế, thanh lịch của người Hà Nội, và sự mạnh mẽ, chân thành, thẳng thắn của người phương Nam.
Trong chị, ký ức về một Hà Nội nghèo khó mà nên thơ còn mạnh hơn nhiều người Hà Nội cùng thời, vì với chị, Hà Nội là kỷ niệm cần lưu giữ. Đó là những sớm mùa đông, tiếng tàu điện; tiếng ve mùa hè, là kem cốm Tràng Tiền; là hoa violet Hà Nội gần Tết, là đạn bom trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, là đi sơ tán...
Gặp chị giữa đám bạn bè văn nghệ, đọc tản văn và truyện ngắn của chị, không ít người ngạc nhiên khi biết chị là TS khảo cổ học có đóng góp nhiều cho việc nghiên cứu Hoàng Thành - Thăng Long và giai đoạn tiền - sơ sử vùng đất Sài Gòn – TPHCM. Nhìn vẻ bình dân, xuề xoà của chị cùng bạn bè trong những quán cơm bụi, bên cốc bia hơi Hà Nội, khó hình dung chị hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM và là nhà giáo (dạy ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM và nhiều trường khác) và tại Hội khoa học lịch sử Việt Nam, chị là Phó Tổng thư ký. Ở chị, chất hồn hậu, thực chất luôn khiến người ta gần gũi và quý trọng, trước hết như một người bạn hiểu biết, chứ không phải như là một nhà khoa học đạo mạo, càng không phải một quan chức diệu vợi.
Với Nguyễn Thị Hậu, lịch sử là đời sống với đầy đủ nghĩa. Chị say sưa nói về việc phát hiện di tích di vật từ trong lòng đất và những nghiên cứu sử liệu chữ viết để phác dựng lại sự phát triển từ Chạ Chủ (làng Chủ) đến kinh đô Cổ Loa trong thời đại kim khí. Ngành khảo cổ đã tìm thấy ở đây hàng vạn mũi tên, hàng trăm lưỡi cày, rìu cuốc và nhiều trống đồng. Trống Cổ Loa là một trong ba chiếc trống Đông Sơn đẹp nhất và cổ xưa nhất. Cổ Loa sớm trở thành trung tâm giao lưu với nhiều vùng và là trung tâm kinh tế. Trên cơ sở đó vua Thục An Dương Vương đã cho xây dựng tòa thành Cổ Loa. Đây là công trình vĩ đại thể hiện tài trí và sức lực của những tộc người Việt cổ cùng góp công sức xây dựng kinh đô đầu tiên của quốc gia.

2. Nguyễn Thị Hậu là một trong những người tổ chức cuộc trưng bày “Cổ vật Hoàng thành Thăng Long” (tại Bảo tàng Lịch sử VN – TPHCM). Với chị, đây không chỉ vì trách nhiệm công việc, mà còn là một lời cám ơn với mảnh đất nơi mình đã lớn lên. Chị nhắc câu thơ nổi tiếng của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:

“Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng.
Từ thủa mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Tôi đủ biết tình chị với Hà Nội. Nó vừa đầy xúc cảm nguyên sơ bồng bột, vừa sâu thẳm của người đã thấm cái lẽ có và mất.
Biết chị là nhà khoa học, và viết văn, tôi và Nguyễn Thị Hậu đã có nhiều cuộc trao đổi, tranh luận về các chủ đề nhân văn. Phải nói, Hậu là người có tư duy thông thoáng và cởi mở. Chị đọc nhiều, chịu lắng nghe, thậm chí chị nghe và hiểu được ngay tinh thần hậu hiện đại do một số văn hữu chúng tôi, vốn hay phổ biến bằng cách phát ngôn và phát tiết khá văng mạng, chủ yếu trong những cuộc nhậu. Thời chị học, chưa có những lý thuyết như thế, nhưng chị rất chịu khó cập nhật. Bởi theo chị, lịch sử là quá trình đi tìm dấu vết con người. Mà đời sống con người, thời nào cũng thế, chứa đầy những điều nghịch dị, không bao giờ xuôi xị và thẳng thớm như nhiều diễn giải giản đơn, vì ngây thơ hoặc vì minh hoạ.
Trong con người chị, dường như mọi việc được sắp xếp gọn gàng đâu ra đấy, mà vẫn rất uyển chuyển. Chị đi nhiều vì nghề nghiệp, và vì thích xê dịch. Nhưng chị cũng là con người của gia đình và con cái. Khoa học, quản lý, văn chương, gia đình, con cái, bạn bè... Tất cả chu toàn vì bản tính thích chăm lo và nhường nhịn của chị. Cộng đồng khoa học biết đến TS Nguyễn Thị Hậu nghiên cứu nghiêm túc, cộng đồng blogger biết đến cái nick Hậu - khảo - cổ vui vẻ, ấm áp.
Và người Hà Nội, luôn nhớ đến Hậu, như nhớ một người Hà Nội.
Cũng như Hậu, luôn nhớ về Hà Nội, nhớ để trở về.
Tôi nhớ những đoạn văn của chị, có thể khiến người ta rưng rưng:
“Bao lần trở về, mình đã muốn cùng bạn lang thang chợ hoa Nhật Tân vào lúc rạng ngày đang sáng, để cùng ngắm những cành hoa đủ màu đủ sắc còn đẫm sương đêm, nồng nàn hương thơm...”


Lê Anh Hoài

12 nhận xét:

  1. http://thethaovanhoa.vn/132N20100706163614403T0/nguyen-thi-haunguoi-xa-ha-noi-yeu-ha-noi.htm

    Trả lờiXóa
  2. Tại sao lại "vẫn" ạ, phải là "luôn coi chị là người Hà Nội" chứ ạ. Hôm nay off nhắc chị từ đầu tới cuối luôn.
    Em Bí đây.

    Trả lờiXóa
  3. Người HN hay không không quan trọng , em thấy mến chị ngay từ lần gặp đầu tiên :-)

    Trả lờiXóa
  4. Hà hà! Sáng nay đọc bài này trên Thể thao Văn hóa (báo in) ở cafe. Tự nhiên nhớ tới lần gặp vừa rồi, bạn hẹn chúng tôi là trung tuần tháng 6 ra, mà giờ đã sắp sửa tháng 7 rồi đấy!

    Trả lờiXóa
  5. Ơ, rõ là em đã còm ròi mà bay mất tiêu.
    Không biết chị là người HN hay không, em thấy mến chị ngay từ lần đầu tiên gặp cái đã. Hè hè...

    Trả lờiXóa
  6. @ Bí, Titi, A Thụy: Quan trọng nhất là tụi mình quý mến nhau. Tuy nhiên, hình như chính cái phần HN trong mỗi đứa đã làm mình hợp nhau đến thế! Người HN nào mà chẳng có một nhà quê, nhưng sống ở HN thì ngấm được cái chất HN, phải ko?
    @ A Thụy: giờ là tháng 7 rùi... H cũng đang thu xếp để ra HN đây :))

    Trả lờiXóa
  7. Chị ơi cái còm của anh Thụy là chính xác nhưng chưa nói hết đâu. Hôm qua tụi em nhắc đến vụ off-tháng-6-đỏ-mặt, anh ấy vẫn đỏ mặt lúng túng y như hồi tháng 6 ấy :))

    Trả lờiXóa
  8. @ Lana: này, các em cứ làm anh T đỏ mặt là anh í lại trốn ko off đấy, ta sẽ mất một nhà tài trợ :))

    Trả lờiXóa
  9. @ Vừa xong còm bên kia , em chỉ ghé Hà nội đôi ba lần , nhưng ấn tượng về giọng Hà nội & người Hà nội vẫn in đậm trọng em chị a.
    Riêng em có đôi lần nghe giọng Hà nội khi tình cờ gặp chị Lê Vân ,cô Bống Hồng Nhung.
    Rồi em lại ước mơ có một ngày đẹp trời nào đấy cùng ngồi cà phê với chị , Lana ,và cái Nga.cùng các blogger khác nữa thì hẳn vui lắm chị ơi!

    Trả lờiXóa
  10. @ Trina: Uh, sẽ có lần như thế. lúc ấy chỉ sợ em phát mệt vì... nghe tòan giọng HN thôi :))

    Trả lờiXóa
  11. Ôi chị ơi, chị còn nhớ lần trước (khi em chưa biết thật nhiều về chị như thế này) em đã mong được gặp chị. Kỳ này em đang lên lịch để liên hệ với chị trước khi được gặp (không phải là em thấy người sang rồi đi làm thân đâu, chị làm chứng cho em nhé) Nhưng mà tình hình là sau khi về đến SG thì tự nhiên mũi của em nổi một cái mụn, em dời lại lịch cho chuyện êm êm tí rồi hy vọng được diện kiến chị Hậu. Hồi hộp quá.

    Trả lờiXóa
  12. @ HPLT: uh để cái sừng ở mũi hết đã, ko có gặp chị nhỡ em thấy... ghét, húc cái thì chít :))
    Đùa thôi, liên lạc sớm nhé :)

    Trả lờiXóa

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...