Linh tinh lang tang (39) Một ngày không như mọi ngày.


1. Một cuộc tình chia tay ko mấy tốt đẹp sẽ là vết thương không thể lành. Người phụ tình có lý lẽ của kẻ mạnh khi họ có những hành xử làm tổn hại, tổn thương người bị phụ tình, bởi vì theo họ, tình đã hết! Nhưng nếu nghĩ, nhớ đến cái “nghĩa” của những năm mặn nồng thì chắc họ sẽ cư xử phải đạo hơn, dù đã hết tình thì cũng không nên làm người kia phải đau lòng thêm nữa. Còn người bị phụ tình, dù biết chẳng thể trông đợi điều gì khi người kia đã dứt áo ra đi, vậy mà vẫn trách móc hờn giận, vì sao người ấy lại có thể hành xử vô tâm vô tình đến thế. Dù biết rằng hành xử ấy khoét sâu hơn nỗi đau của sự chia ly, vết thương càng sâu càng khó lành, nhưng đã Bỏ thì nên Buông… cho nhẹ lòng. Mất một người bạn nhưng không mất một tình yêu đẹp, của mình.
Từ chuyện tình nho nhỏ nghĩ về chuyện lớn hơn.


2. Một cuộc chiến kết thúc gần 40 năm, vậy mà nỗi đau (hình như) ngày càng di căn. Bên này bên kia có gia đình nào không mất mát không chia ly, kiểu này hay kiểu khác? Bên nào không có những di chứng kéo dài chắc chắn không chỉ một, hai thế hệ? Nhưng lạ, đọc những gì tràn ngập trên mạng những ngày này, có những nỗi đau chỉ cần một hai câu từ cũng làm nhói lòng người. Nhưng cũng có câu chữ… chỉ thấy như là đang a dua theo những nỗi đau những sự mất mát. Có một câu nói rất hay “ngoài đau bụng mọi cái đau khác chỉ là sự tưởng tượng. Nhưng ai không cảm nhận được những nỗi đau ấy thì đó không phải là người tử tế”. Vâng, khi không thực sự cảm nhận nỗi đau của những người trong cuộc thì xin đừng khoét sâu hơn vết thương ngày cũ.
Vì mỗi người dù còn căm hận hờn giận thì vẫn còn đó một quê hương mà ta không thể chối từ.


3. “Không một điều gì, không một ai bị lãng quên”. Nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào… Những bà mẹ đau nỗi đau mất đi những đứa con, có phân biệt đứa con bên này bên kia? Những người đang yên nghỉ ở những nghĩa trang bạt ngàn mộ trắng, ở trên cao xanh họ có còn phân biệt bên thắng bên thua? “Năm tháng trôi qua, các cuộc chiến tranh sẽ thôi gào thét… chỉ còn tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng…”. Bao giờ những ngày Tháng Tư này sẽ là Ngày Hòa Hợp, Hòa Giải của chúng ta?


4. Bảo tàng Ký ức chiến tranh ở Hàn quốc, ngay sảnh chính có một bức tranh lớn kín một bức tường. Bức tranh vẽ rừng cây hoa lá tràn ngập, ở giữa là giới tuyến Bàn Môn Điếm và hai lá cờ Hàn quốc và Triều Tiên nhỏ xíu. Dòng chữ lớn chạy suốt “Bán đão Triều Tiên có bốn mùa xuân hạ thu đông nhưng đang bị chia thành hai nước”. Có quốc gia nào không có khát vọng thống nhất, chỉ khác nhau sự lựa chọn con đường đi đến thống nhất mà thôi. 


5. Và THỜI GIAN sẽ trả lại công bằng cho tất cả… nhanh lắm, có khi không hết một đời người… 

 
(29/4/2013)

DI SẢN VĂN HÓA ĐÔ THỊ SÀI GÒN – TP. HỒ CHÍ MINH



Bài đăng trên Lao Động số ra 30/4/2013


Những năm gần đây thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều thay đổi:  không còn những xóm nhà lá lụp xụp nhếch nhác trên kinh nước đen, xây dựng những khu đô thị mới… Tuy nhiên sự thay đổi này đã làm mất đi khá nhiều những dấu tích xưa cũ là “hồn vía” của Sài Gòn. Nguy cơ trước mắt là cơn lốc đô thị hóa tràn lan hiện nay đã phá đi khá nhiều di sản văn hóa thể hiện bản sắc Sài Gòn. Việc cố gắng bảo tồn những di tích lịch sử văn hóa của một đô thị chính là xây dựng đô thị hiện đại có một không gian sống với chiều sâu ký ức của nó. Sống trong không gian đó con người sẽ giàu có hơn về mặt tinh thần khi họ được thế hệ trước di truyền lại những ký ức về vùng đất mà họ đang sống. Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ dù đẹp đến đâu.  
Những di sản lịch sử - văn hóa đặc trưng
 Sài Gòn là đô thị sông nước: Sông Sài Gòn là giao thông đường thủy quan trọng nhất, cảng Sài Gòn là cửa ngõ thông thương với nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc là những con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hóa khác từ đồng bằng sông Cửu Long lên Cảng Sài Gòn để xuất khẩu.  Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn.
- Hệ thống đường sông, kênh rạch ở Sài Gòn phục vụ cho sự phát triển của nghề thủ công làm gốm nổi tiếng: “Xóm Lò Gốm” của Sài Gòn xưa còn lại dấu tích là kênh Lò gốm, đường Lò Siêu, khu lò lu, bến mảnh sành, cầu lò chén… Vùng Gốm Sài Gòn sản xuất nhiều loại gốm gia dụng và kiến trúc trang trí độc đáo, rất được ưa chuộng ởViệt Nam.
- Hệ thống sông rạch làm nên cảnh quan “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn: những con sông, kênh rạch với những bến sông nổi tiếng sinh họat buôn bán, cảnh quan văn hóa đặc trưng: sông – bến chợ – phố chợ ven sông - làng ven sông – giao thông đường thủy – ghe thuyền - cầu qua sông…
Hiện nay đại lộ Đông Tây được xây dựng đã mang lại vẻ đẹp hiện đại cho thành phố, nhưng trả giá cho việc này là dọc hai bên sông – cũng là dọc theo đại lộ, từ quận 6, quận 8, quận 5, đến quận 4, quận 1 những dãy nhà phố liên kết kiểu thị tứ buôn bán biến mất, những tòa cao ốc đã và đang mọc lên. Đâu rồi vẻ đẹp cổ xưa “trên bến dưới thuyền” sầm uất mà hồi giữa thế kỷ XX vẫn còn được ghi nhận?
Sài Gòn là đô thị của sự giao lưu và hội nhập văn hóa.
          Sự hình thành đô thị Sài Gòn là quá trình tụ cư và hội nhập văn hóa nhanh chóng của người Việt, người Hoa với những tộc người bản địa. Trong quá trình khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… cư dân người Việt, người Hoa đã duy trì và phát triển những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của quê hương làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Đình, chùa của người Việt; đền, miếu, hội quán của người Hoa; chùa của người Khmer; nhà thờ của người Chăm Hồi giáo, nhà thờ Công giáo, Tin lành… thể hiện sự đa dạng và hội tụ văn hóa của nhiều cộng đồng cư dân và những sinh hoạt tinh thần của họ. Cùng với di sản văn hóa vật thể nói trên cư dân Sài Gòn còn lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể: ẩm thực, trang phục, lối sống, ngôn ngữ, lễ hội, sinh họat của từng cộng đồng…Từ nửa sau thế kỷ XX đến nay Sài Gòn là đô thị có lượng người nhập cư lớn nhất nước, văn hóa Sài Gòn ngày càng đa dạng phong phú.
Sài Gòn là đô thị kiểu phương Tây:
Sài Gòn còn là nơi hình thành cơ sở công nghiệp đầu tiên, từ cuối thế kỷ XIX Gòn trở thành một trung tâm công nghiệp ở phía Nam: nhà máy điện, nhà máy nước, nhà ga và hệ thống đường xe lửa… Thành phố bắt đầu phát triển theo kiểu đô thị Tây phương bằng chương trình quy hoạch khoa học và chi tiết. Từ cuối thế kỷ XIX các dự án thiết kế và xây dựng Sài Gòn chủ yếu dọc theo cảng Bến Nghé, những gò đất cao quanh đó mọc lên các công trình và trở thành khu trung tâm của thành phố. Đó là các công sở, dinh thự, công trình công cộng như trường học, bảo tàng, rạp hát, chợ… Nhiều công trình trong số đó đến nay vẫn còn giữa được công năng, là “dấu ấn Sài Gòn” đối với người đi xa và người đến Sài Gòn. Cảnh quan đô thị khu trung tâm thành phố là những con đường với hàng cây cao vút, những biệt thự mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển châu Âu nhưng gần gũi và đã trở nên quen thuộc, là một phần không thể thiếu của thành phố. 
Cũng như những thành phố khác, khi giải quyết mâu thuẫn giữa việc bảo tồn kiến trúc cổ với việc phát triển công trình mới thì phần thiệt thòi luôn về phía kiến trúc cổ. Chủ trương chính sách về bảo tồn di sản văn hóa của nhà nước Việt Nam, của thành phố Hồ Chí Minh đã có nhưng việc thực thi chưa tốt. Nguyên nhân thì có nhiều: trình độ quản lý đô thị thấp, nhận thức không đầy đủ về di sản văn hóa đô thị, chưa có quy họach phát triển kinh tế – văn hóa mang tầm chiến lược… Các ngành liên quan như văn hóa, kiến trúc, quy hoạch, xây dựng chưa phối hợp đồng bộ trong việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị và chưa thực thi đúng Luật di sản văn hóa VN. Việc bảo tồn di sản văn hóa không chỉ có kiến thức khảo cổ, bảo tồn nói riêng mà cần có sự kết hợp giữa nhà khảo cổ và kiến trúc sư tu bổ công trình và người chủ dự án tôn tạo, dưới sự điều hành của chính quyền đô thị, cùng vì một mục đích tối thượng là bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
                                                          

 TS. Nguyễn Thị Hậu




























Truyện 100 chữ (phần 2) 114 - 116



114. Bão

Trước bão là ngày trời xanh nắng vàng biển êm gió lặng. Bất ngờ bão tới, đất trời như không còn phân biệt, biển giành từng mét đất, đất giữ từng gốc cây, cây giữ từng chiếc lá...
Gió lặng dần, mưa ngừng rơi. Bão tan, ngày lại nắng vàng trời xanh gió lặng biển êm. Nhưng tất cả đã tan hoang.
Mỗi cuộc chia tay cũng giống như ngày sau bão. Người ở lại dọn dẹp những đổ vỡ mất mát, người vội vã bỏ đi nơi khác...
Có nơi nào không bao giờ có bão?

115. Giảm cân
Gặp chuyện buồn nó mất ăn mất ngủ một thời gian, kết quả sụt 5 kg còn 52 kg. Bạn thấy vậy hỏi thăm nhưng ai cũng vui vẻ nói: thế là may đấy, đàn bà tụi mình mà bị sì-chét lại hay tăng cân, cậu mà tăng 5 kg nữa thành 62 kg thì... Nhìn lại thấy mình  thon thả hẳn dù chân cũng chẳng dài hơn, nó nghĩ: ừ thật, cứ coi như mình ăn kiêng để giảm cân.
Vậy thì hãy *cám ơn chuyện buồn*, tại sao không?

116. Tự do
Chim sẻ sống từng bầy vô tư. Thấy họa mi bị nhốt trong lồng chim sẻ tỏ vẻ coi thường và chê bai họa mi không biết đi tìm tự do, nhưng chúng chẳng giúp gì cho họa mi cả.
Một ngày cả bầy chim sẻ bị bắt. Được *phóng sinh* trong ngày rằm tháng Bảy chúng càng tự hào vì sự tự do của mình. Nhưng lần sau thì không may mắn: chim sẻ trở thành đặc sản trong nhà hàng.

Sách mới :)



Sách gồm các bài viết từ hai Hội thảo khoa học do Viện NCPTTP tổ chức.
Niềm vui nho nhỏ cho khoảng thời gian dài trước đó :)



Tháng Tư, và bạn và tôi

http://www.viet-studies.info/NguyenThiHau_ThangTuBanToi.htm

Tháng Tư là một khoảng thời gian “âm tính” bởi những ký ức từ gần 40 năm trước luôn luôn quay về, mỗi năm như không hề nhạt bớt với cả bên “thắng cuộc” hay bên “thua cuộc”. Nỗi đau của thế hệ tham chiến bên này lẫn bên kia không chỉ vì sự hy sinh đã không được đáp đền xứng đáng mà còn là nỗi đau của những lý tưởng đã không trở thành hiện thực… Họ, cả hai bên, như những người anh em ruột thịt, thù/ hận/ ghét nhau nhưng không thể quên nhau, càng không thể dửng dưng như những người xa lạ.
Nhưng cũng từ ngày cuối tháng Tư năm ấy, thế hệ hậu chiến đã ra đời và trưởng thành. Nhiều người trong họ tự nhận mình là “bên bỏ cuộc” – không muốn nhắc lại “hận thù nợ máu” của những chính thể, mất mát tổn thất của gia đình, họ nhìn về tương lai nhiều hơn, họ bình thản và cũng xa lạ với nhau hơn khi cùng nhìn về quá khứ. Như những người “đồng hương”, mối liên hệ bà con xa gần giữa họ như một sợi dây mà thời gian càng dài càng trở nên mỏng manh trong cái thế giới ngày càng phẳng…
Lại có những người ở giữa hai thế hệ trên, họ là thế hệ “vùng biên” của thời chiến và thời bình, tuổi thơ của họ là chiến tranh, bắt đầu trưởng thành là cuộc sống khốn khó thời bao cấp, bước vào tuổi trung niên dù ở trong hay ngoài nước hầu hết họ có một cuộc sống tương đối ổn định. Ở họ vừa có sức chịu đựng của thế hệ tham chiến, lại vừa có sự bất mãn không cam chịu của thế hệ thời hậu chiến. Ký ức chiến tranh tưởng đã biến mất nhưng thật ra vẫn ẩn sâu trong tâm thức họ, để có khi vào một lần nào đó, nhân một chuyện gì đó, tâm thế bên này bên kia ở họ sẽ vô tình bộc lộ, nhói đau như chọc phải cái răng sâu lâu nay nằm im chưa gây nhức nhối.
Bạn và tôi thuộc thế hệ “vùng biên” này.
Chúng ta đều ý thức được rằng, thế hệ chúng ta có trách nhiệm cần phải mở đầu, thúc đẩy và tiến hành những mối quan hệ nhằm làm lành vết thương của thế hệ tham chiến, làm cầu nối cho những trái tim thế hệ hậu chiến còn thờ ơ đến được với nhau, bởi chúng ta có sự trải nghiệm chiến tranh có cả sự hiểu biết của thời *toàn cầu hóa* để chia sẻ với thế hệ cha anh và thế hệ con cái chúng ta.
Nhưng, từ sự hiểu biết đến việc chia sẻ được vẫn là một khoảng cách không gần, khoảng cách tạo ra bởi thiếu vắng sự cảm thông và lòng bao dung ngay trong mỗi chúng ta. Chúng ta có thể thông cảm với hoàn cảnh của cả xã hội, một cộng đồng hay một nhóm người yếu thế ở nơi này nơi kia… Nhưng với mỗi con người, trong những trường hợp cụ thể thì dường như “cái tôi” vẫn quá lớn, chỉ từ mình, vì mình, cho mình… Hiếm khi nào ta thử đặt ta vào vị thế của người khác, vì thế sự khác biệt của chúng ta có vẻ như ngày càng nhiều, có khi còn là hơn được thắng thua dù những điều ấy không phải là quá quan trọng trong cuộc sống.
Nói cho cùng, sự thiếu hụt tình cảm bao dung và lòng vị tha là một biểu hiện khác của *mặc cảm thất bại* mà một thế hệ bị mất mát và tổn thương về tinh thần đã không cố gắng để bù đắp lại những mất mát và tổn thương ấy… Sự mặc cảm – dù ẩn dưới hình thức nào: kiêu ngạo của ý chí hay yếu đuối của cảm xúc cũng cần được nhìn nhận, nếu không chúng ta sẽ không có được sự đồng cảm trong hành xử, mọi điều ta nói chỉ là lý thuyết, những việc ta làm sẽ là duy ý chí.
Thế hệ chúng ta đã ở vào lứa tuổi của thế hệ cha anh khi chiến tranh kết thúc. Nếu chỉ biết trăn trở chỉ có ước mơ bạn và tôi sẽ không bao giờ thực hiện được điều gì dù chỉ là một điều giản đơn nho nhỏ: làm sao để những người Việt Nam từng ở bên này bên kia có thể gặp nhau ở bất cứ đâu một cách thoải mái, chân tình, ấm áp như người ruột thịt, để cho người bạn vong niên thân quý của chúng ta có thể về lại quê hương, sống bình an vào những năm cuối đời…
Gần 40 năm rồi sao chúng ta vẫn chưa thực sự ra khỏi cuộc chiến… Câu hỏi này đến lúc nào và ai sẽ trả lời, nếu không bắt đầu từ bây giờ, từ bạn và tôi?

Tháng 4/2013

Gửi Gió cho mây…


Một tối chớm thu. Chị bay từ SG ra đến HN đã gần nửa đêm, vậy mà em vẫn chờ và rủ “lang thang chút không chị”. Uh, đi đâu? Thiếu gì chỗ, cứ để em đưa đi nhé. OK.
Vậy là chị em mình đi, chị ngồi sau ngắm nhìn Hà Nội về đêm. Yên tĩnh, mát mẻ, và… lãng mạn. Chị cười: đáng lẽ giờ này em phải chở 1 cô bé nào đấy chứ nhỉ?
– Cô nào hả chị?
– Thì một em trẻ trung xinh đẹp nào đó…
– Có ai đâu chị. Em cười hiền lành.
Con đường đê về đêm dưới ánh đèn vàng bỗng mềm mại như một dải lụa. Thỉnh thỏang có chiếc xe hơi chạy ngược chiều, ánh đèn quét lên đường những vệt sáng lóng lánh như họa tiết hoa văn.
Rẽ xuống con đường làng nhỏ hai bên vẫn những bụi tre, vườn cây nhưng không còn những ngôi nhà lá đơn sơ, mà là những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự kín cổng cao tường… Hai chị em đến bến hàn quốc, lúc này đã vắng tanh, chỉ còn một hai hàng nước chè với ngọn đèn dầu leo lét…
Em kể chị nghe về thời thơ ấu vất vả của em, về gia đình có thời sa sút khi gặp lúc rủi ro, về người mẹ hiền lành mà vững vàng trong những lúc gia cảnh khó khăn nhất, nuôi dạy các con nên người. Em kể chị nghe về những lần em chứng kiến sự vô cảm của con người trước tai nạn, bất công của người khác. Em bảo, khi em can thiệp vào những chuyện bất bình, em đã ko có người ủng hộ mà còn bị chê bai, thậm chí còn bị “vạ lây”. Em không thể giải thích vì sao con người lại có thể tàn nhẫn với nhau như thế…
Những vất vả, cực nhọc, kể cả khi em bị tù tội trong một hòan cảnh trớ trêu… đã không làm em mất đi lòng nhân hậu, không làm mất đi sự chính trực ở con người em. Đêm Hồ Tây sương giăng mờ mặt nước, lãng đãng hương sen… Chị ngồi yên lặng, nghe em, và hiểu thêm nhiều điều, về CON NGƯỜI. Thương em quá... nước mắt chị cứ lăn dài trên má. Em lúng túng châm điếu thuốc, rồi hí hóay nhắn tin... Chị mở điện thọai: chị đừng khóc, khóc nữa là em đi về đấy. Chị cười, nước mắt lại trào ra...
Lần này chị ra Hà Nội sẽ không gặp được em. Nhưng cái đêm Hồ Tây ấy vẫn còn mãi trong chị, và chị tin rằng, nó luôn đi cùng em, dù em ở bất cứ nơi nào. Thế nào cũng có ngày chị em mình gặp lại nhau, với hương sen với sương đêm với con đường như dải lụa…
Ngày ấy không xa, phải không em?

(6/2009 – Những ngày mong tin em…)

4/2013 - May mắn nhé, NBG!

CHIANG MAI





 lễ hội Songran (té nước) mừng Năm mới của Thailand. Chỉ đi một đoạn đường được dội nước ướt nhẹp :)

Ngã ba sông Mekong biên giới Thailand - Laos - Mianmar



Người Mỹ dạy bài học cô bé Lọ Lem như thế đấy!

Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem. Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ Lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?

Học sinh (HS): Em thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa nhưng không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.

Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?

HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm.

Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy.

HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.

Thầy: Vì sao thế?

HS: Vì... vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.

Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt.
Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.

Bây giờ thầy hỏi một câu khác: Bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội?

HS: Vì có cô tiên giúp ạ. Cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.

Thầy: Đúng, các em nói rất đúng. Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?

HS: Đúng ạ.

Lọ Lem được cô tiên giúp để trở nên xinh đẹp hơn

Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không?

HS: Không ạ.

Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không?

HS: Không ạ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.

Để gặp mặt Hoàng tử, Lọ Lem được rất nhiều bạn bè giúp đỡ

Thầy: Đúng quá rồi! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử?

HS: Chính là Cinderella ạ.

Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào?

HS: Phải biết yêu chính mình ạ.

Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không?

Phải tự biết yêu thương bản thân mình

HS: Đúng ạ, đúng ạ!

Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không?

HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.

Thầy: Trời ơi! Các em thật giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp CharlesPerrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem - chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?

Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo.


http://www.facebook.com/banchuabiet

Linh tinh lang tang (37) Ám ảnh




 Có lần, lâu rồi, mình nghe kể về câu chuyện sau:


Sau trận bom, một người đàn bà tỉnh dậy thấy mình nằm úp mặt vào một xác người đầy côn trùng. T đó bà mắc chứng nấc cục kéo dài không cách gì chữa khỏi khiến bà mau chóng suy kiệt gần chết.
Một vị bác sĩ tình cờ biết được liền đến thăm bệnh cho bà. Ông hỏi cặn kẽ và biết
rằng bà luôn có cảm giác trong người đầy côn trùng khiến bà phải nấc cục. Bác sĩ liền nói: bà cần phải mổ để lấy hết côn trùng ra. Bà kia vui mừng đồng ý đến bệnh viện và ở đó bác sĩ đã mổ một đưng nhỏ ở bụng. Sau vài ngày vết thương lành và từ đó bà mất hằn chứng nấc cục.
Nhiều năm sau trong một lần trò chuyện, bác sĩ kể lại với bà: thực ra chẳng có côn trùng nào trong bụng bà cả, chứng nấc cục là do bà bị ám ảnh về tâm lý mà thôi.
Nghe xong tái phát ngay bệnh nấc cục và từ đó nấc cục cho tới chết.

(hình ảnh không liên quan gì cả, chỉ là tình cờ lượm trên mạng!)

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...