Truyện mini về Tháng Bảy (note cũ)


 
Cầu Ô thước
Trước khi anh đi công tác xa họ tổ chức đám cưới đúng vào tháng bảy âm lịch. Cha mẹ hai bên lo lắng vợ chồng họ sẽ như "Ngưu lang Chức nữ". Họ cười, bây giờ có internet, email, chát chit, điện thọai, webcam... có xa xôi gì đâu khi hàng ngày gặp nhau trên mạng?
 Vài năm qua. Anh trở về. Sống chung dưới một mái nhà mà bỗng nghe xa ngái...
Chẳng ai muốn bắc Cầu Ô thước dù đã nhiều tháng bảy mưa ngâu...

  Ăn chay
Tháng bảy, quán ăn chay đông nườm nượp. Người đến đây như chứng tỏ mình cũng chay tịnh như ai, dù các món ăn chay đều phỏng theo món mặn.
Giữa quán hàng rực rỡ nhiều màu áo bỗng xuất hiện một bóng áo nâu sồng. Nhiều ánh mắt nhìn theo có vẻ... lạ lùng "Thầy chùa mà cũng ăn chay?".
Đạo đời lẫn lộn chay mặn khó lường… khi nhiều người tự hỏi như thế!

 Xá tội vong nhân
Tháng bảy, mùa xá tội vong nhân. Những ngôi chùa lớn nhỏ sáng tối đông người lui tới đèn nhang.
Tháng bảy mưa Ngâu... Sài Gòn áp thấp nhiệt đới, phố xá khuất trong mưa, nhà cửa mờ sau màn nước.
Từ trong ngôi chùa lớn một chiếc xe hơi sang trọng chạy ra,  qua vũng nước  làm bắn tung tóe lên người ông già bán vé số đang nép dưới mái hiên ở cửa chùa.
Mô Phật. Ông già khẽ nói.
Mô Phật. Giọng trầm bổng mấy Thầy ngồi trên xe cũng nói.

Từ những tấm bản đồ cổ


Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn) ngày 18/8/2012.

Sau khi tiến sĩ Mai Hồng, nguyên trưởng phòng tư liệu thư viện - Viện Hán Nôm, trao tặng Bảo tàng lịch sử Quốc gia tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc thực hiện từ thời Thanh) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa, một số nhà sưu tầm và nghiên cứu đã phát hiện thêm một số bản đồ khác của Trung Quốc cũng giống bản đồ trên. Điều này cho thấy từ lâu nay, do chưa có điều kiện để quan tâm đầy đủ, chưa có sự hiểu biết về giá trị đặc biệt của bản đồ cổ nên trong nhân dân đã lưu giữ những tài liệu như thế mà chưa được phát hiện. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển Đông và hai quần đảo Hòang Sa – Trường Sa, những tấm bản đồ cổ và tài liệu lịch sử thành văn khác có một ý nghĩa và giá trị đặc biệt quan trọng về pháp lý.
Khỏang vài năm nay nhà nước ta được những cá nhân, gia đình, dòng họ hiến tặng khá nhiều tư liệu lịch sử liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam, ví dụ như sắc phong, lệnh chỉ… tìm thấy tại đảo Lý Sơn, những văn bản triều Nguyễn chẳng hạn... nhưng hầu hết những tư liệu này đều giao cho một số cơ quan không có chức năng nghiên cứu và lưu giữ tài liệu lịch sử tiếp nhận. Sau đó việc thẩm định, đánh giá và sử dụng những tư liệu này cũng không được đề cập đến.
Để đảm bảo giá trị khoa học của những tài liệu mới phát hiện như bản đồ cổ, văn bản Hán - Nôm có nội dung liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam,  những tài liệu này cần được giao cho cơ quan chuyên ngành là Viện Hán Nôm, Viện Sử học... là nơi có chức năng lưu giữ, nghiên cứu, dịch và công bố tòan bộ nội dung và cũng như thẩm định giá trị khoa học của những tài liệu đó, bổ sung kho tư liệu lịch sử góp phần vào việc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay. Đặc biệt cần được lưu giữ và truyền lại cho nhiều thế hệ sau, bởi vì việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc là việc làm không chỉ của một thế hệ.
Liên quan đến những tấm bản đồ còn một hiện tượng khác: gần đây cơ quan công an phát hiện được khá nhiều bản đồ Việt Nam in sai sự thật về biên giới trên bộ và cả vùng lãnh hải Việt Nam. Những tấm bản đồ này do Trung Quốc sản xuất và bán công khai ở nhiều tỉnh biên giới nước ta. Việc phát hiện, tịch thu và ngăn chặn sự phát tán những tấm bản đồ “hàng giả” này là kịp thời và rất cần thiết. Nhưng cần thiết và quan trọng hơn là chúng ta phải có nhiều “hàng thật, hàng chất lượng cao” để chống lại hàng giả: xuất bản bản đồ Việt Nam đầy đủ, chính xác về biên giới và lãnh hải, bày bán rộng rãi khắp nơi, sao cho trong mỗi trường học, lớp học, mỗi công sở, mỗi gia đình đều có bản đồ Việt Nam. Trong giáo dục thì việc in bản đồ Việt Nam trên bìa sách giáo khoa, tập vở... sẽ giúp con em chúng ta hàng ngày nhìn thấy và ghi nhớ sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải của Tổ quốc! Cần thiết in bản đồ Việt Nam trong tất cả các cuốn sách và tờ giới thiệu, hướng dẫn du lịch và phát rộng rãi cho du khách, đặc biệt lưu ý tên BIỂN ĐÔNG cần được ghi đúng trên những tấm bản đồ này, tránh tình trạng ghi tên “South China Sea” trên các bản đồ du lịch Việt Nam và cả ở bản đồ hướng dẫn vùng bay trên các máy bay của Vietnam Airlines.
Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ngay từ ý thức mỗi người và từ những việc làm giản đơn như thế!

Linh tinh lang tang (19)

Đi đâu cũng nhớ cơm Việt



Một phần nhỏ của món lẩu đêm



Cúng mùng Một tháng Bảy âm lịch


Ly cà phê có mùi vị như ly nước bột đậu :)



Chim sáo không phải của ngày xưa :)


Người đàn bà và con chó nhỏ xíu :)

Chuồn chuồn khủng trong công viên :)

THÁI ĐỘ VỚI DI TÍCH LÀ THÁI ĐỘ VỚI LỊCH SỬ


 TUỔI TRẺ  16/8/2012 "Nguy cơ xóa sổ ụ tàu 124 tuổi"

Việc bảo tồn di sản văn hóa thể hiện thái độ của con người, của xã hội, của thời đại đối với lịch sử nói chung, đối với những vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử cụ thể nói riêng. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có bộ Luật về Di sản văn hóa, được cụ thể hóa bằng chính sách chủ trương bảo tồn các lọai hình di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng như những cổ vật, bảo vật quốc gia, đồng thời hạn chế và dần lọai bỏ những yếu tố, điều kiện làm  hủy hoại di tích lịch sử - văn hóa.
Đô thị Sài Gòn có hơn 300 năm hình thành và phát triển, nhiều lọai hình di tích đã ghi dấu những giai đọan lịch sử liên tục của thành phố. Di tích “Sài gòn 300 năm” thuộc loại hình di tích “khảo cổ học công nghiệp và đô thị”, đây cũng là một ưu thế của di sản lịch sử thành phố khi so sánh với những thành phố khác trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa chung của cả nước. Từ góc độ Khảo cổ học đô thị thì cần thiết phải bảo tồn tòan bộ những di tích lịch sử phản ánh quá trình đô thị hóa của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, mà hiện nay, trải qua nhiều biến động xã hội, lọai hình di tích này còn lại không nhiều!
Một trong những di tích đó là xưởng đóng tàu Ba Son. Ngòai việc nơi đây là cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Sài Gòn – Gia Định, trong đó có vai trò quan trọng của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng, Công xưởng Ba Son còn là chứng tích của ngành đóng tàu Việt Nam từ “xưởng thủy” thời chúa Nguyễn (thế kỷ 18) và được “hiện đại” lần thứ nhất vào thời Pháp, mà chứng tích hiện thời chỉ còn lại hai ụ tàu và khu nhà xưởng xây dựng vào khỏang cuối thế kỷ 19. Công xưởng Ba Son đã ghi dấu về sự hình thành và phát triển ngành đóng tàu Việt Nam, và đó không chỉ là sự phát triển của một ngành công nghiệp mà đó còn là bằng chứng của một nền kinh tế biển, góp phần khẳng định Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền biển từ lâu đời. Chính vì ý nghĩa quan trọng đó mà Công xưởng Ba Son đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Cần khẳng định một điều: Những di tích lịch sử văn hóa “cấp quốc gia” nằm ở bất cứ địa phương nào, trước hết là di tích của cả nước. Vì vậy, thái độ ứng xử với di tích quốc gia chính là thái độ đối với lịch sử đất nước. Trong cơn lốc “hiện đại hóa” những di tích văn hóa đô thị luôn bị đặt trên “bàn cân”  giữa “bảo tồn và phát triển”: phá hủy di tích để xây dựng một khu dân cư mới và hiện đại hơn. Những thành phố với kiến trúc mới tự nó chưa đủ để mang nghĩa là một “thành phố hiện đại”, mà một thành phố hiện đại phải là một thành phố có sự quy họach cân bằng giữa không gian đô thị mới và không gian ký ức lịch sử của chính nó. Thiếu vắng không gian lịch sử, thành phố mới trở nên “vô hồn”.  Ký ức lịch sử là mạch ngầm  nuôi dưỡng thành phố phát triển bền vững.
Nếu một thế hệ phá bỏ di sản văn hóa đã là đặt một bậc thang cho những thế hệ sau tiếp tục xóa hết chứng tích lịch sử của một thành phố, một quốc gia.

Đi qua 300 năm Sài Gòn – TP.HCM

Thiết kế đô thị đường Võ Văn Kiệt

SGTT.VN - UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt. Với “quy hoạch nền” này, hy vọng về một “con đường di sản chạy suốt hơn 300 năm hình thành và phát triển Sài Gòn – TP.HCM” có cơ sở để trở thành hiện thực. Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung quan trọng được thể hiện trong hai quy định trên và ý kiến của một số nhà khoa học về các điểm nhấn cần lưu ý khi tiến hành quy hoạch và thực hiện quy hoạch tuyến đường này.
Kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – con kênh chạy suốt trục đường – ở đây sẽ hình thành khu chợ nổi vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán hiện tại, vừa tái hiện không gian những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn. Ảnh: Thanh Hảo
Không gian đô thị dọc theo trục đường sẽ được xây dựng theo hướng phát triển đô thị hiện đại, hài hoà về cải tạo, chỉnh trang trên cơ sở phát triển các cụm công trình nhà ở kết hợp chức năng thương mại, dịch vụ, phát huy tốt lợi thế về giao thông, cải tạo không gian, cảnh quan và môi trường đô thị. Đây là nội dung chính của quyết định duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 và quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt mà UBND TP.HCM vừa ban hành.
Phân khu theo hiện trạng
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về những nghiên cứu bước đầu của công trình này, đại diện trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM (đơn vị được giao nghiên cứu đồ án thiết kế đô thị tuyến đường) cho biết, đường Võ Văn Kiệt có chiều dài gần 24km đi qua bốn khu vực đô thị với những đặc thù riêng biệt, gồm: đô thị mới Thủ Thiêm, trung tâm tài chính văn phòng lâu đời ở quận 1, trung tâm buôn bán mang sắc thái của người Hoa ở quận 5, và vùng cảnh quan sông nước mang đậm dấu ấn “trên bến dưới thuyền” một thời nhộn nhịp kinh doanh xa xưa ở quận 6, quận 8.
Tuyến du lịch đặc biệt của TP.HCM
Dự án thiết kế đã có sự kết hợp tuyến đường bộ hiện đại – đại lộ Võ Văn Kiệt – với đường sông – kênh Bến Nghé – Tàu Hũ là một trong những đặc trưng của đô thị Sài Gòn từ khi mới hình thành. Trên tuyến “hành lang xanh và hướng đến bảo tồn” này nếu thể hiện được cả ba đặc trưng sau của di sản văn hoá đô thị Sài Gòn trên từng khu vực, thì đây sẽ là tuyến du lịch đặc biệt của thành phố, vừa bằng đường bộ vừa bằng đường sông, có thể đi qua “300 năm Sài Gòn – TP.HCM chỉ trong một ngày”:
– Sài Gòn là một đô thị sông nước: hệ thống sông rạch làm nên cảnh quan “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn: những con sông, kênh rạch với những bến sông nổi tiếng sinh hoạt buôn bán, cảnh quan văn hoá đặc trưng: sông – bến chợ – phố chợ ven sông – làng ven sông – giao thông đường thuỷ – ghe thuyền – cầu qua sông…
– Sài Gòn là một đô thị của giao lưu văn hoá: những di tích lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng của người Việt, người Hoa, những khu phố buôn bán sầm uất ở Chợ Lớn, những toà nhà kiến trúc kiểu Pháp, công xưởng, phố thị từ cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20.
– Sài Gòn là thành phố xanh – hiện đại: khu vực giải toả xây dựng các công trình mới hai bên đại lộ Võ Văn Kiệt và kênh Bến Nghé – Tàu Hũ.
TS Nguyễn Thị Hậu
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những kiến trúc hiện đại. Khu quận 1 sẽ lưu giữ lại một số kiến trúc Pháp tiêu biểu cho một Sài Gòn xưa. Một số kiến trúc hiện đại ở đây sẽ được nghiên cứu cho hài hoà với không gian chung. Khu vực quận 5 và cả quận 6, 8, là các hoạt động thương mại nhộn nhịp gắn với kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – con kênh chạy suốt trục đường – của cả người Việt lẫn người Hoa. Dự kiến ở đây sẽ hình thành một khu chợ nổi để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán hiện tại, vừa tái hiện không gian của những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn.
Giữ gìn bản sắc trăm năm
Ngày ấy, hàng hoá từ miền Tây Nam bộ đa phần được đưa lên TP.HCM bằng đường thuỷ và cập bến ở khu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé. Do vậy, mục tiêu của nghiên cứu là biến nơi đây thành những khu chợ đông đúc, trở thành điểm hấp dẫn khách du lịch.
Để đạt được mục tiêu đường Võ Văn Kiệt là hành lang xanh hướng đến bảo tồn, các khu nhà ở cao tầng được đề xuất bố trí ở những khu vực có quỹ đất lớn, dọc trục đường với khoảng lùi lớn và đảm bảo tiếp cận không ảnh hưởng đến giao thông xuyên suốt trên trục đường. Các khu phức hợp (ở, thương mại, văn phòng) xung quanh các khu vực thuận lợi để phát triển giao thông công cộng và dịch vụ đậu xe… Đối với những khu nhà ở hiện hữu có cấu trúc đô thị hoàn thiện, đồng bộ, kiến trúc, cảnh quan sẽ được cải tạo chỉnh trang.
Bên cạnh đó, sở cũng đề xuất bảo tồn và phát huy những công trình có ý nghĩa về lịch sử và văn hoá như: trụ sở ngân hàng, sở Giao dịch chứng khoán, bảo tàng Hồ Chí Minh, khu nhà cũ bột giặt NET và các đình, chùa, miếu… Đối với một số dãy nhà phố cổ còn lại tại quận 1, 5, 6, 8 cần có cơ chế chính sách quản lý, hoạt động, phù hợp, tạo thu nhập cho chủ sở hữu theo hướng gắn với việc hình thành các tuyến du lịch gồm các cụm công trình có chức năng dịch vụ, du lịch và các công trình có giá trị kiến trúc lịch sử, văn hoá, bảo tồn dành cho khách tham quan.
Đồ án cũng đề xuất tăng cường giao thông công cộng dọc tuyến đường, bao gồm các tuyến đường thuỷ bộ, (có phục vụ du lịch trên sông), tuyến giao thông vận chuyển hành khách công cộng tốc độ nhanh, số lượng người lớn (tuyến tramway, tuyến tàu điện ngầm, hoặc tuyến xe buýt nhanh) và các tuyến đi bộ. Nghiên cứu đầu tư hệ thống xe buýt tốc độ cao dọc theo trục đường, với cự ly bến dừng, bãi đậu xe hợp lý – có kết hợp với các trung tâm thương mại dịch vụ, công trình công cộng và nhà ở cao tầng.
Ông Hồ Quang Toàn, phó giám đốc sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM cho biết, hiện sở Quy hoạch – kiến trúc cũng đang gấp rút hoàn thành thiết kế đô thị chi tiết của tuyến đường để trình UBND thành phố phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
V. Nguyên

Giữ không gian đẹp và kiến trúc quý: bài toán khó
Trục đường Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt hoàn toàn có thể biến thành một không gian đẹp vừa mang tính chất lịch sử và hiện đại, bởi những công trình kiến trúc và cảnh quan vật chất hiển thị trên trục đường này được trải ra theo dòng lịch sử, người khách phương xa có thể đọc được một phần lịch sử thành phố qua tổ chức không gian một cách thú vị. Nó có phần lịch sử văn hoá và kiến trúc của thời Pháp thuộc địa, có văn hoá và kiến trúc của người Hoa, xen kẽ với người Việt và những kiến trúc hình khối hộp hiện đại. Không phải thành phố nào cũng có được một không gian kiến trúc liên tục chạy từ trung tâm ra ngoại vi như thế. Tuy nhiên bảo tồn và phát triển điều này hoàn toàn không phải dễ, bởi nếu không cao tay ấn thì rất dễ tạo ra một dải trưng bày các cảnh vật lộn xộn một cách tuỳ tiện theo chủ nghĩa tự nhiên. Tình trạng như hiện nay (xây mới chèn khu dân cư cũ) phải chấp nhận cách thiết kế mỹ thuật bất đối xứng giữa cái cũ và mới, giữa cao và thấp, giữa khối hộp và dị dạng, giữa thấp và cao, đồng thời xen kẽ nhiều cây xanh, công viên hẹp, tượng tròn và phù điêu trang trí; một điều quan trọng nữa là phải cấy vào những sinh hoạt cộng đồng.
Rất tiếc việc thiết kế đô thị về cảnh quan và bảo tồn cho trục đường này nay mới bàn đến thì cũng đã có phần muộn, bởi một số công trình đã bị phá huỷ không còn nữa, chẳng hạn như những dãy phố cổ được cấu tạo bởi những nhà hình ống của người Hoa, được xây dựng từ đầu thế kỷ 17 nằm trên trục đường Trần Văn Kiểu chạy dọc kênh Tàu Hũ, hay cây cầu sắt ở bến Bình Đông. Tất nhiên, việc lưu giữ nguyên trạng và nguyên khối của các di tích là rất khó, nhưng nếu khéo léo thì vẫn có thể làm được một cách mỹ thuật và tinh tế, chẳng hạn chỉ cần giữ lại một hai căn nhà phố cổ làm điểm nhấn tham quan, việc giữ lại cây câu sắt cũ như một nhân chứng lịch sử cạnh cây cầu mới, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến nhau mà còn tôn nhau lên nữa. Chúng ta đang sở hữu một thành phố đa dạng văn hoá, tôn giáo và đa dạng tộc người nhất cả nước, do vậy mà việc biết giữ cái cũ (cho dù là của bất cứ ai) và xây cái mới hiện đại là một điều cần thiết, nhưng đó là một bài toán không dễ. Việc cần có thêm nhiều ý kiến đóng góp của người dân là rất quan trọng, nên chăng thành phố có một cuộc triển lãm công khai ý tưởng này ở nơi người dân dễ tiếp cận, thì sẽ nhận được sự đồng thuận và góp ý của người dân.
TS Nguyễn Minh Hoà

Nên khai thác tối đa giá trị con sông
Cung đường Võ Văn Kiệt hình thành mang nhiều giá trị về mặt kinh tế và kiến trúc: giải quyết mặt giao thông, di dời được những căn nhà ổ chuột, cải tạo được môi trường nước và tạo cảnh quan đẹp cho hai bên bờ sông. Tuy nhiên, để con đường này phát huy hết được những giá trị thì trong thiết kế đô thị, ngoài việc khai thác tối đa giá trị con đường chúng ta cũng cần phải có những phương án phát huy hết giá trị về mặt kinh tế của con sông.
Về quy hoạch lâu dài, con sông Tàu Hũ – Bến Nghế sẽ trở thành một điểm đến cho du khách với các hình thức du lịch trên sông. Do đó, trong thiết kế đô thị, phải nghiên cứu hình thành ở đây những nhà hàng nổi, những điểm du lịch hấp dẫn như nơi hát ca cổ, ẩm thực uống trà, ẩm thực ăn uống… để vừa có thể khai thác hết giá trị của du lịch đường thuỷ, đồng thời tạo nên giá trị kinh tế cho tuyến đường. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thiết kế, xây dựng vị trí các bến tàu, tạo dựng cảnh quan hai bên bờ sông những cây trồng, màu sắc phù hợp với cảnh quan sông nước.
Ai cũng biết con sông Tàu Hũ – Bến Nghé từng là một hoạt cảnh ký ức phát triển của đô thị TP.HCM, nơi tạo ra nguồn sống đô thị trong thời kỳ phát triển, cho nên trong giải pháp khi nghiên cứu chúng ta nên tổ chức thêm những hình tượng mô tả những hoạt động trong thời kỳ mới phát triển như cảnh trên bến dưới thuyền, cảnh ông già ngồi câu cá, đánh cờ, cậu bé tắm sông, cảnh khuân vác gạo từ những ghe bầu thời xa xưa… tại những điểm du lịch hay những nhà hàng, để thông qua đó chúng ta có thể tự hào giới thiệu cho du khách những nét đặc trưng của Sài Gòn thời xa xưa.
Về mặt kiến trúc cảnh quan dọc tuyến đường, chúng ta nên giới hạn những công trình nhỏ, ưu tiên phát triển những công trình công cộng và công trình có khối tích lớn. Những công trình này cần được quan tâm đến hình dáng kiến trúc và nghệ thuật chiếu sáng cho công trình, và hai bên bờ sông để tạo một sức hút cho khách du lịch về đêm.
Còn đối với những công trình mang giá trị ký ức như những kho gạo, những khu nhà cũ có giá trị ký ức thì chúng ta có thể tái tạo bằng những mô hình để có thể giới thiệu cho du khách. Những công trình nào mang kiến trúc cổ thì nên giữ lại mặt tiền để tái tạo lại những hình ảnh của những con phố cổ.
KTS Khương Văn Mười (chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM)
 http://sgtt.vn/Thoi-su/167191/Di-qua-300-nam-Sai-Gon-%E2%80%93-TPHCM.html

Dạy tiếng Việt ở Lào

  http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120813/day-tieng-viet-o-lao.aspx
Phòng máy vi tính ở lớp học tiếng Việt
Phòng máy vi tính ở lớp học tiếng Việt - Ảnh: N.T.Hậu

Ở thủ đô Vientiane (Lào) có một ngôi trường khang trang mang tên Nguyễn Du do Hội Việt kiều Vientiane thành lập và điều hành.

Khuôn viên của trường rộng hơn 10.000 m2, có 3 tòa nhà làm phòng học, thư viện, phòng tin học, một hội trường lớn cũng là nơi ăn trưa của học sinh (HS) bán trú, sân bóng chuyền, bóng rổ.
Trường có lớp từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS. Là trường tư thục nên nguồn thu chính là học phí để trả lương các thầy cô giáo. Những chi phí khác chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Hội Việt kiều và tài trợ của một số doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Phần lớn giáo viên của trường là nữ, trong đó 2 cô giáo được Bộ GD-ĐT cử sang làm chuyên gia, cùng 13 cô giáo là Việt kiều dạy môn tiếng Việt.
Hiện nay, HS học xong bậc THCS của trường thường được gia đình gửi về Việt Nam học tiếp THPT. Theo kế hoạch, từ năm học 2013 - 2014 trường sẽ có bậc THPT để thuận tiện hơn cho các em chuẩn bị thi vào ĐH ở Việt Nam.
Theo kết quả năm học 2011 - 2012, có khoảng 20% HS nghe nói đọc viết tiếng Việt tốt (thường là Việt kiều thế hệ thứ 2); khoảng 60% HS Việt kiều thế hệ thứ 3, 4 sử dụng tiếng Việt trung bình, 20% HS Lào biết ít tiếng Việt. Vì vậy nhà trường tổ chức bồi dưỡng tiếng Việt miễn phí cho HS trung bình và yếu, kể cả HS Lào. Trong những sinh hoạt khác, nhà trường cũng khuyến khích các em sử dụng tiếng Việt.
Vào thăm một lớp mẫu giáo, các cháu đứng dậy khoanh tay và thưa gửi lễ phép: “Chúng con chào các bác các cô chú ạ”. Tôi hỏi các cháu: “Cha mẹ là người Việt hay người Lào, cháu mấy tuổi, có thích đi học không?…”, các cháu đều trả lời được, tiếng Việt non nớt ngọng nghịu. Ở các lớp lớn, các em nói tiếng Việt rành hơn, nhất là những bé gái còn líu lo kể chuyện cho nhau nghe, thậm chí có em nói “đặc giọng” Nghệ Tĩnh, hỏi ra bố mẹ các em là người Nghệ Tĩnh.
Hầu hết các gia đình Việt kiều tại Vientiane hay ở khắp đất nước Lào đều rất chú trọng việc dạy tiếng mẹ đẻ cho thế hệ sau. Không chỉ học ở trường do Hội Việt kiều thành lập, tiếng mẹ đẻ còn được truyền dạy bằng hình thức thi văn nghệ, qua việc các bà, các mẹ thi nấu và thuyết minh về món ăn Việt… Các cô giáo khi lên lớp giờ tiếng Việt đều mặc áo dài. Vào những ngày lễ, nhà trường còn đưa HS đến viếng Đài tưởng niệm các chiến sĩ tình nguyện quân Việt Nam.
Các cô giáo có cách riêng để tiếng Việt phát triển. Cô giáo và mẹ thường xuyên nói tiếng Việt với các bé gái vì các bé này tiếp thu tiếng Việt nhanh hơn bé trai. Ngôn ngữ là phương thức di truyền văn hóa quan trọng nhất. Cho dù ở phương trời nào và trải qua bao nhiêu thời gian, nếu còn những phụ nữ Việt nói tiếng mẹ đẻ với con cháu thì nơi ấy sẽ còn “người Việt”, còn văn hóa Việt Nam.

Chuyện trên đường (4)



(Xảy ra từ tháng trước)

Buổi sáng đi từ Lý Sơn vào Sa Kỳ bằng tàu VN-Express chỉ khỏang 1 tiếng, hơn 9 giờ tới cảng Sa Kỳ. Bạn bè đi nhiều đã dặn vào đến Sa Kỳ thì thuê taxi mà đi Đà Nẵng cho nhanh và an tòan vì “các bà chị tòan là hàng không mẫu hạm cả rồi”. Vậy là xuống tàu ba chị em tiến thẳng đến chiếc taxi Mai Linh (duy nhất) đậu bên ngòai bến tàu, cô em nhanh nhẹn hỏi giá rồi “trả giá” cho có, sau khi bác tài đã vui vẻ nói đây là giá quy định của công ty. Xe mới, bác tài nhiệt tình, hòa nhã… thế là ok luôn, ba “hàng không mẫu hạm” lên xe, cô em biết và thích lái xe ngồi trước kế bác tài, hai bà chị ngồi sau. Xe chạy. Qua cầu Trà Khúc cô em xúyt xoa: đẹp quá, em mà đi một mình thế nào cũng dừng đây, xách máy xuống bờ sông chụp hình.
Qua ruộng bắp, tự nhiên nổi cơn thèm bắp nấu, mấy chị em cứ ngó nghiêng xem dọc đường có chỗ bán bắp nấu hay có xe bán rong không? Bác tài liền nói: ở đây người ta chỉ bán bắp nấu vào chiều tối, buổi sáng không có. Để đi qua chợ nào tui ghé vô cho mấy chị mua thử coi có không.
Chạy một đỗi xa xa bác tài ghé vô một cái chợ cũng khá lớn nhưng mới khỏang 10g sáng đã vắng người. Cô em xuống xe đi tìm vòng vòng một hồi quay ra, tay xách một bịch trái cây nhưng vẻ mặt đầy thất vọng: không có bắp nấu! Lát ra tới Đà Nẵng em phải tìm mua, thèm là phải ăn ngay mới ngon. Cô chị thủng thẳng: cái gì thèm ăn ngay mà chả ngon. Ha ha , he he…
Lại đi tiếp. Tốc độ xe trong giới hạn cho phép dù đường không đông. Cô em hỏi bác tài: không nhanh hơn được hả anh? Bác tài mới nhấn ga chút thì “bíp bíp…”, bác tài cười: xe báo vượt quá tốc độ đấy, cứ 3 lần báo như vậy là bị trừ lương, 5 lần là phạt nghỉ lái một tuần. Công ty làm nghiêm lắm. Bà chị lớn nói ngay: xe mày cũng phải lắp bộ phận này đi, gớm, mày lái xe cứ lao như xiếc ấy. Cô em le lưỡi cười.
 Cách Đà Nẵng khỏang 40 km đến đọan đường hẹp do một bên đang sửa, bác tài lái chậm hẳn lại. Ba chị em cũng đang luyên thuyên gì đấy. Phía trước một xe container từ từ đi tới. Bác tài lái xe sát lề đường. Bỗng từ sau xe container một chiếc xe tải lách ra vượt qua xe container, và lao thẳng vào xe taxi. Bác tài chỉ kịp đánh tay lái vào lề thì “cách” một tiếng, xe tải vụt qua va vào kiếng chiếu hậu xe taxi bể nát!
 Chạy thêm mươi thước xe taxi dừng lại. nhìn lại cũng thấy chiếc xe tải tấp vào lề. Bác tài vừa mở cửa xuống xe thì đằng kia chiếc xe tải cũng bỏ chạy. Cô em nói nhanh như quát: quay lại, đuổi theo xe tải, ghi lại biển số của nó! Bác tài nhảy ngay vào, quay đầu xe và đuổi theo khỏang trăm met mới bắt chiếc xe tải dừng lại được.
Cậu lái xe tải mặt non chọet, ngồi ở cabin mắt tái mét. Một người đàn ông trung niên ngồi kế bước xuống. Bác tài taxi chửi ầm ầm (mà giận quá chửi đặc tiếng Quảng Ngãi nên nghe câu được câu mất), ông kia chỉ mỗi câu “anh thông cảm để em đền tiền thay kính”. -  “Đ. mẹ, tiền cái gì, mày có biết mày chạy thế là chuyện chết người không? Mày định giết người à? Mày muốn chết thì kệ mẹ mày sao làm người khác chết theo???”. Bác tài nhắc đi nhắc lại câu này! Cô chị ngồi trong xe quát ra “đã đụng còn bỏ chạy, may mà đuổi theo chứ không thì ông xin lỗi ai?!”. Cô em tinh ý hỏi người đàn ông: để phụ lái lái xe phải không? Ông kia nửa gật nửa lắc, cô em truy tiếp: phụ lại không có bằng lái phải không? Ông kia im lặng nhìn lảng đi. Bà chị quát: tài xế lái đêm rồi ban ngày ngủ để phụ lái, không gây tai nạn mới là chuyện lạ!
Nhiều người xúm quanh bảo gọi công an đi. Ông kia quýnh quáng, thương lượng năn nỉ bác tài taxi, bác tài bấm điện thọai gọi về công ty báo gì đó… Một hồi cũng giải quyết xong.
Xe đi tiếp. Trong xe lặng hẳn. Lúc này mọi người mới “hỏang” vì chợt nhận ra vừa rồi chỉ tích tắc thôi là mình đã đi theo ông bà. Cô em thảng thốt: lúc đó bất giác em nhắm mắt lại nghĩ thôi xong rồi! Cô chị: chị cũng thế. Còn bà chị lớn thì bảo: tao chả kịp nghĩ chuyện gì!
Lại im lặng… về đến tận Đà Nẵng. Không ai nhắc đến chuyện mua bắp nấu nữa, cũng không thấy đói bụng dù đã gần 1 giờ trưa. Trên chuyến bay về Sài Gòn, cô em thì thầm: này, nếu hồi trưa ba chị em mình bị làm sao thì chồng con tụi mình sẽ thế nào nhỉ…?
Không ai trả lời… Uh, về con thì chắc họ đang nghĩ giống nhau, nhưng nghĩ về chồng thì… ai biết, hehe J


BẠN VỀ QUÊ Ở




Anh nhắn: chiều ngồi đâu lai rai chút, mai tui về quê. Hỏi: Bao giờ lên? Anh: Về ở luôn dưới đó, đồ đạc sách vở chuyển đi hết rồi.
Anh là một người nghiên cứu “tự do”: không làm ở một cơ quan nào cả, không bị ràng buộc bởi các quy định của công chức và đương nhiên không có đồng lương cơ bản cùng những thu nhập khác ngòai lương, tuy ít ỏi nhưng cũng neo được nhiều người trong cái bộ máy cồng kềnh của nền học thuật hành chánh. Nhưng nhờ vậy mà anh có thể tòan tâm tòan ý theo đuổi những gì mình say mê: nghiên cứu, biên dịch tài liệu cổ sử, những vấn đề văn hóa… khi rảnh rang còn viết cả truyện ngắn. Thu nhập thất thường vì không phải ai cũng hiểu được giá trị những tư liệu anh công bố (nhưng cũng có trừờng hợp chính vì người ta hiểu quá rõ giá trị của tư liệu nên...).
Từ nhiều năm qua để lại vợ con ở quê, anh sống một mình ở thành phố này, lặng lẽ, khiêm nhường, cần mẫn làm nhiều việc để kiếm sống. Dù làm việc gì anh cũng không từ bỏ niềm đam mê nghiên cứu cổ sử của mình. Nhiều lần kêu anh đi cà phê, anh nói không có rảnh, bạn bè chọc: ông làm gì mà bận, chảnh dữ ha. Anh cười: đang viết bài trả nợ nè. “Nợ” là chính anh tự nợ mình một vấn đề khoa học chứ đâu phải nợ ai tiền bạc. Và bạn bè biết sắp được anh chia sẻ một công trình nghiên cứu nghiêm túc và có giá trị. Được in hay không, với anh không quan trọng, vấn đề là anh đã làm được nhiều việc chắn chắn hữu ích cho những ai quan tâm đến lịch sử văn hóa hôm nay và mai sau. Không có nhiều “nhà” nghiên này cứu nọ trong các viện, trường mà viết được như anh. Có lẽ khi tự thóat khỏi những ràng buộc cơm áo sân si chức vị đời thường, từ ý thức công dân và bằng tri thức của mình, người nghiên cứu sẽ tìm thấy không gian tư duy tự do cho ý tưởng bay lên, như cánh diều trên bầu trời lộng gió.
Dọn về quê, đồ đạc của anh không có gì, nhiều nhất chỉ là sách. Hàng ngàn cuốn sách quý anh cân nhắc chọn lựa mua bằng đồng nhuận bút khiêm tốn, tìm kiếm trong hầu hết các hiệu sách cũ khắp Sài Gòn, Chợ Lớn… Không hiểu sao anh có thể sắp xếp hết chừng đó sách vở trong ngôi nhà anh ở thuê nhỏ xíu không đủ chỗ mà quay qua quay lại? Có người nói đùa: số sách này bán đi ông sống khỏe cả đời. Anh cười hiền lành: sống đui mù cực lắm ông ơi.
Năm nào cũng vậy, gần Tết là anh mua giấy dó mực tàu rồi cùng bạn bè ngồi ở một nơi nào đó, viết chữ cho bạn, cho cả người qua đường. Thư pháp Hán Nôm của anh tuyệt vời, mềm mại mà cứng cỏi, thanh thóat. Mỗi người đều nhận ra mình trong mỗi chữ nôm na anh tặng.
Những lần ngồi lai rai trong quán nhỏ bên bờ kè, anh kể chuyện xưa chuyện nay bằng cái giọng từ từ, tưng tửng… Bạn bè mỗi người góp một câu rồi cùng cười nghiêng ngả. Sau những trận cười là nỗi đắng cay, người viết có tâm thời nào cũng vất vả…
Thời buổi lạm phát, nơi đô thành sống khó khăn quá thì anh cứ về quê mà ở nhưng đừng đi ẩn nhé. Về đó yên tĩnh mà viết lách, theo đuổi công việc nghiên cứu nhọc nhằn…  Sài Gòn – Định Tường đâu có xa xôi, xe cộ giờ rất sẵn. Rảnh thì nhắn nhe lên xuống thăm nhau, nếu có ngồi bờ kè nhớ nhau thì kêu điện thọai, mà cần gì còn có email, khó gì…
Tưởng chỉ ngày xưa mới có chuyện vào lúc thời buổi nhiễu nhương trắng đen lẫn lộn vàng thau khó lường, thì các nho sĩ bèn rời bỏ kinh thành về quê ẩn dật… Bỗng ngậm ngùi. Người như anh dường như “vận” cả số phận quê hương…

Hội thảo Hè 2011 Singapore


Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...