LINH TINH LANG TANG (15)



CẢI

Các lọai cải nói chuyện với nhau.
-         Dạo này bọn người nói về tụi mình hơi bị nhiều nhỉ. Chắc nói về em vì họ  ăn em nhiều nhất. Cải Xanh vênh mặt nói.
Cải ngọt cãi: chú cứ tự tin quá đáng, nói về chị, nhá. Chị thì xào luộc nấu canh lẩu đều được, dễ ăn, không đắng cay như chú.
Cải bắp khinh khỉnh: này, “báo lá cải” có nguồn gốc nước ngòai như là tôi, các cô cậu biết gì mà tranh nhau.
Người làm vườn nghe thấy bèn quát lên: là nói tao, nhá. Ai trồng ai tưới? Trồng lọai nào là tao, bán ra chợ lọai nào cũng tao. Tóm lại tao cho người ăn gì thì phải ăn nấy. Hiểu chưa?!


HẾT CHUYỆN

Nhà kia có mấy anh em trai. Mỗi người một nghề nhưng gặp nhau là đủ chuyện,  từ chuyện chính trị - xã hội đến chuyện văn hóa – giải trí… Không hiểu sao dạo này tòan nói chuyện cướp giết hiếp chân dài lộ hàng đại gia gái bao… Ông bố nghe chả nói gì, thỉnh thỏang còn tham gia bàn tán. Bà mẹ thấy chướng tai nhưng nghe mãi hình như cũng quen.
Đến một ngày thấy đứa cháu nội cũng lanh chanh góp chuyện, bà mẹ mắng: - Chúng mày không còn chuyện gì hay sao mà tòan chuyện tào lao thế?
Thằng Ba cười: tào lao mà nhiều người thích mẹ ơi, nhờ thế mà con cưa được khối em.
Thằng Hai nghiêm giọng: chú tòan nói chuyện bậy bạ, lọai gái đến với chú cũng chả ra gì.
-         Vâng, anh nói chuyện nghiêm túc tử tế. Bởi vậy mới ế dài ra đấy!
-         Tử tế khối ra đấy. Anh tòan nịnh bố mẹ thôi, em còn lạ gì. Thằng Tư nói.
-         Trong nhà cũng phải có đứa ăn nói đàng hòang chứ. Mất dạy hết như chúng mày để thiên hạ người ta chửi cả bố lẫn mẹ à?
Thằng Út khinh khỉnh: người ta chửi lâu rồi, từ khi bố mẹ không nuôi được bắt chúng con phải tự kiếm sống.
-         A thằng kia mày hỗn phỏng? Chó không chê chủ nghèo mà chúng mày chê bố mẹ hả? Ai bảo chúng mày muốn giàu nhanh sang vội? Mà ai cấm chúng mày làm giàu tử tế, sao cứ rúc vào mấy cái chỗ không ra gì mà kiếm tiền?
-         Chỗ tử tế mẹ tưởng dễ vào lắm à? Đấy, anh Hai kiếm tiền tử tế nên bố mẹ cứ phải bao cấp mãi đấy.
-         Nhìn lên ko bằng ai nhưng nhìn xuống xem nhà mình còn hơn khối nhà. Sao chỉ biết có tiền mà không coi ai ra gì? Tiền kiếm được vào túi chúng mày chứ có nuôi bố mẹ nuôi thằng Hai ko mà tỵ nạnh?
-         Vâng, không nuôi ai, mẹ tưởng chúng con ăn một mình chắc? Mẹ hỏi bố xem tiền đâu bố đi chơi golf, ngày nào cũng nhà hàng khách sạn 5 sao, năm nào cũng du lịch khắp nơi, chưa kể… Thằng Ba nói mặt lạnh tanh.
-         Thằng kia im đi kể lể gì? Mày làm ăn bậy bạ không có tao che chắn chạy chọt thì có tồn tại mà kiếm được tiền như thế ko?
-         Ối giời ơi, cả ông cả bố như thế, sau này các cháu tôi liệu có nên người không?!


DIỆN MẠO DI SẢN PHẢI LÀ DIỆN MẠO CỘNG ĐỒNG

Khu vực Chợ Lớn hình thành vào khỏang thế kỷ XVII với những nhóm cư dân người Hoa làm nhiều nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Lúc đó trung tâm thương nghiệp Đàng Trong là cảng sâu Cù Lao Phố trên sông Đồng Nai, cũng do người Hoa lập ra và phát triển. Sau cuộc chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh (1778), Cù Lao phố bị tàn phá, người Hoa ở đây đổ về Chợ Lớn và khu vực này trở thành một đô thị mang sắc thái kinh tế - văn hóa “khu phố Tàu” - trung tâm thương nghiệp, thủ công nghiệp với nghề làm gốm nổi tiếng. Trong nửa đầu thế kỷ XX Sài Gòn – Chợ Lớn nối liền với nhau song vẫn là hai khu vực có chức năng khác nhau: Sài Gòn chủ yếu là trung tâm hành chính - chính trị còn Chợ Lớn là khu thương mại, tập trung các chợ đầu mối hàng hóa cho thị trường đồng bằng sông Cửu Long cũng như đầu mối thu gom nông sản, nhất là lúa gạo, từ đồng bằng sông Cứu Long để xuất khẩu.

Dự án Bảo tồn và phát triển Chợ Lớn trên cơ sở kiểm kê hệ thống di tích (nhà ở, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, cảnh quan kiến trúc đô thị, cảnh quan văn hóa…) đã lựa chọn đề xuất những tuyến, điểm tiêu biểu nhất để bảo tồn cảnh quan và không gian, những tuyến điểm khác sẽ có sự “phát triển” – xây dựng mới – khai thác giá trị hiện hữu của đô thị hóa nhưng vẫn phù hợp với không gian rộng lớn và lịch sử phát triển của cả thành phố. Khu vực “bảo tồn” là điểm tựa và khu vực “phát triển” là đòn bẩy để Chợ Lớn thực sự trở thành một “đô thị di sản” như nhiều đô thị di sản  nổi tiếng trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng như nhiều Dự án bảo tồn khác ở nước ta, ở khu vực bảo tồn dường như mục đích “phục vụ du lịch” (khai thác kinh tế) vẫn là hàng đầu và quan trọng nhất, mà lẽ ra, vì cộng đồng dân cư phải là mục đích chính. Bởi nếu không chú trọng đến cộng đồng đã tạo nên di sản văn hóa thì khó có thể bảo tồn và phát triển. Nói đến Chợ Lớn là nói đến cộng đồng người Hoa và những sinh họat kinh tế - văn hóa đặc trưng. Tuy đã dự tính  những tác động đến dân cư khi Dự án tiến hành nhưng đó mới chỉ là “bề nổi”, “bề sâu” là cần nhận biết kết cấu cộng đồng người Hoa ở khu vực này từ vài chục năm nay đã biến đổi thế nào và sự biến đổi đó tác động thế nào đến di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) ở đây? Đánh giá được điều này sẽ cho một dự báo, cảnh báo cho hiện tại và tương lai của khu vực Chợ Lớn. Ta đã biết người Hoa có lối sống, truyền thống sinh họat từ gia đình đến cộng đồng rất gắn bó (tam tứ đại đồng đường, các bang hội nhóm…). Diện mạo di sản không thể tách rời diện mạo cộng đồng đã gắn bó và làm chủ di sản trong quá khứ. Cộng đồng nào thì sẽ xây dựng hoặc làm biến đổi di sản theo văn hóa của mình.

Thứ hai, ở các đô thị lớn nếu “mặt tiền” đường phố thể hiện sức sống thì những con hẻm chằng chịt phía sau, bên trong chính là mạch máu nuôi sống đô thị ấy. Ở khu vực Chợ Lớn điều này càng rõ ràng. Đơn cử ví dụ: cung cấp hàng hóa cho Chợ đầu mối Bình Tây và nhiều tiệm hàng hóa khác có một phần quan trọng từ những ngôi nhà là “kho hàng” trong các hẻm nhỏ, nghề “bỏ mối” hàng hóa bằng xe máy, xe ba gác rất linh họat đã nuôi sống nhiều người, chưa kể những cơ sở tiểu thủ công nhỏ lẻ trong các hẻm này. Ngòai ra, có thể nói ở khu vực Chợ Lớn vẫn còn duy trì khá rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa “huyết thống” và “cư trú” trong các hẻm (lý, hạng – theo cách gọi của người Hoa) Vì vậy, quy họach bảo tồn các “ô phố” gồm cả mặt tiền và hệ thống hẻm lớn nhỏ cần được dự án chú ý hơn.

 “Bảo tồn và phát triển” là hai yêu cầu đồng thời là điều kiện quan trọng nhất của các dự án bảo tồn di sản văn hóa, nhất là đối với những ‘di sản sống cùng thành phố” như Chợ Lớn.

SGTT NGÀY 30/5/2012
http://sgtt.vn/Goc-nhin/164454/Dien-mao-di-san-phai-la-dien-mao-cong-dong.html

Đàn Nam Giao nhà Hồ mới hẳn?

Thứ Tư, 30/05/2012, 06:05 (GMT+7)
Đàn Nam Giao nhà Hồ mới hẳn?
TT - So với phần di tích đã được khai quật trước đó, đàn tế Nam Giao “mới” đã được xây thêm phần tường đàn, nâng cao nền, làm thêm cả phần trung tâm của đàn tế gọi là viên đàn...
Di tích đàn tế Nam Giao thuộc quần thể di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) đang được tôn tạo - Ảnh: Hà Đồng
TS Vũ Thế Long (Viện Khảo cổ học - người tham gia khai quật đàn tế Nam Giao) cho rằng: “Việc phục dựng một di tích phải có cơ sở khoa học của nó, không thể bịa tạc lịch sử. Theo tôi, với đàn tế Nam Giao nên giữ ở dạng nguyên bản là tốt nhất. Chỉ nên phục dựng khi có bản vẽ chi tiết. Chứ hiện nay, phần trung tâm của đàn tế họ xây lên trông như cái bánh gatô, tôi hoàn toàn không ủng hộ”.
Ông Long nhớ lại các chuyên gia Nhật từng giúp VN phục dựng điện Cần Chánh ở Huế đã làm rất thận trọng và có trong tay bản chụp điện trước khi bị phá hủy.
“Không thể tưởng tượng để phục dựng một di tích như thế” - TS Long nói.
Tôi thật sự chưa nghe đến mô hình “bảo tồn cấp thiết” kiểu này. Đây có lẽ là một khái niệm mới. Tôi nghĩ “bảo tồn cấp thiết” là còn cái gì thì phải che chắn, bảo vệ nó. Nhưng khái niệm này chỉ đối với những di tích kiến trúc còn trên mặt đất có nguy cơ đổ sập, liên quan đến đời sống tâm linh của người dân. Còn đối với di tích khảo cổ dưới lòng đất thì thế giới cũng sử dụng phương pháp khác. Trước hết là khai quật ra hết, đừng để người ta phá đi hoặc xây dựng đè lên. Với đàn tế Nam Giao, nếu chưa có cơ sở khoa học thì không nên xây dựng bất cứ thứ gì lên. Nếu muốn người tham quan hiểu, có thể dựng mô hình giả định trong bảo tàng hoặc panô trên di tích. Làm như vậy mới là tôn trọng di tích và cả người đến xem.
Nguyễn Thị Hậu
(tiến sĩ khảo cổ học)
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Tống Trung Tín (viện trưởng Viện Khảo cổ học - đơn vị cố vấn cho dự án này) cho rằng: “Đây không phải phục dựng mà là bảo tồn. Những hàng đá xây thêm nhằm mục đích diễn giải cho người xem hiểu về cấu trúc bức tường này có thể cao như thế, đồng thời bảo vệ phần nguyên gốc bên dưới. Việc này không làm biến dạng di tích đàn tế cổ. Còn viên đá cổ nào chúng tôi đánh số viên đó, đắp giấy Nhật lên rồi mới xây thêm vào. 5-10 năm nữa bỏ lớp xây thêm đi thì phần di tích bên dưới vẫn được duy trì nguyên dạng”.
Cũng theo ông Tín, mục đích của việc này là để người tham quan dễ dàng hình dung được một đàn tế Nam Giao như thế nào, “giống như những đàn tế ở Bắc Kinh, Nam Kinh mà nhiều người nhìn thấy tuy về hình thức, cấu tạo đơn giản hơn”. Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định: “Đây là bảo tồn cấp thiết chứ không phải phục dựng vì hiện nay chưa có cơ sở nào để phục dựng cả. Việc khai quật khảo cổ học mới chỉ tiến hành một nửa. Nếu muốn phục dựng chắc phải nghiên cứu ít nhất 3-4 năm nữa”.
Trong khi đó có tin cho rằng “đàn tế mới” này sẽ trở thành một điểm quan trọng trong chương trình chào mừng sự kiện đón bằng công nhận Thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới, sẽ được UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức tối 16-6. Quá trình xây sửa đàn tế Nam Giao cũng được thực hiện khá gấp gáp với chi phí lên tới 3 tỉ đồng. Một chuyên gia trong ngành bảo tồn cho rằng không thể phục dựng vì mục đích tham quan du lịch và cũng không thể “làm gấp” để phục vụ hoạt động đón nhận di sản thế giới diễn ra giữa tháng 6 của Thành nhà Hồ.
Với tư cách là một người từng tham gia khảo cổ học tại đàn tế Nam Giao đồng thời là chuyên gia về khảo cổ học kiến trúc, TS Nguyễn Hồng Kiên bày tỏ bức xúc: “Không có một cơ sở nào để phục dựng đàn tế Nam Giao ở Thành nhà Hồ cả. Tôi từng tham gia và đứng tên chủ trì khai quật di tích này nhưng nhìn ảnh mới chụp cũng không thể tin vào mắt mình nữa. Ai đã cho phép phục dựng thế này?”.
HÀ HƯƠNG

 http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/494101/Dan-Nam-Giao-nha-Ho-moi-han.html

CHUYỆN TRÊN ĐƯỜNG (3)

Sơn La. Buổi sáng, hỏi thăm cô phục vụ khách sạn, cô nói: Chị cứ ra đầu dốc Phượng đón xe từ Hà Nội lên Điện Biên, nhiều xe lắm ạ.
Thế là sau khi ăn sáng, chào các anh chị cùng đi “các bác xuôi nhé, em ngược đây”. Mọi người trêu “khổ, thân gái dặm trường, nhớ bảo trọng nhé”, “mà này, đừng có làm lọan cả Điện Biên lên đấy” – “ấy chết, sao các bác lại óanh giá iem cao thế”, mọi người cười ầm ĩ…

Dốc Phượng, chả có cây phượng nào nhưng có dàn bông giấy hoa trắng hoa tím cực đẹp. Phía dưới mấy chị người Thái ngồi bán trái cây: mận, bưởi, dưa hấu… có cả mấy bó măng lay. Đang định hỏi một chị trông rất xinh tóc búi cao hơi lệch, rằng khỏang mấy giờ có xe Hà Nội qua đây, thì thấy mọi người nhốn nháo thu dọn thùng hoa quả. Hóa ra có mấy anh cảnh sát đang đến. Cũng đôi co cũng năn nỉ cũng nói ngang cũng quát nạt… cuối cùng mấy thùng hoa quả cũng phải dịch lên phía trên, chỉ cách khỏang… 20m, cũng hè phố ấy.

Chờ từ 8g đến 10g mới có chuyến xe đi Điện Biên đầu tiên đi qua. Nhìn thấy xe dừng trả khách đã định không lên xe này, nhưng một ý nghĩ rất nhanh: nhỡ còn lâu mới có xe khác thì sao, kệ, lâu không đi xe dù, cứ đi xem sao? Thế là xách túi bước lên xe. Bác tài, chừng ngòai 40 tuổi, áo sơ mi đóng thùng giày da đen phủ đầy bụi, nhìn qua gương chiếu hậu, hỏi:
- Em chờ xe lâu chưa? Tưởng hỏi ai nên không trả lời. Bác tài hỏi lần thứ 2 mới biết, bảo: từ 8g.
- May cho em đấy, hôm nay có ít xe lên Điện Biên lắm.
- Vâng.
Trong xe có khỏang 6,7 khách, tòan các cô cậu thanh niên quần jeans áo thun tóc nhuộm nâu vàng đủ kiểu. Hành lý để ngổn ngang thùng gói bao bị đủ cả. Sàn xe một lớp bụi đỏ dày. Xe không máy lạnh, mấy cái rèm buộc chặt cứ đập phành phạch vào cửa kính. Xe chạy là cả cửa sổ và cửa lên xuống đều kêu lọc xọc lọc xọc như đệm với tiếng còi xe bim bim bác tài cứ bấm liên tu bất tận.

Đường đèo dốc thế mà xe phóng như điên. Bác tài vừa lái xe vừa nói chuyện điện thọai, chửi nhau, nịnh gái, hỏi hàng hóa gì đó, nói chuyện như cãi lộn… Thế mà vẫn nhìn qua gương chửi cô bé say xe bị ói: Đ.m con kia đã bảo lấy túi lon (nilon) mà lôn vào đấy…
Thỉnh thỏang xe dừng đón khách. Khi là mấy người đàn bà cùng mấy bao tải mận, khi là hai, ba em học sinh của trường nội trú, khi thì mấy người thợ mộc đi làm thuê… Không có phụ lái nên bác tài kiêm luôn bốc vác hàng hóa vứt lên xe hay chuyển lên mui, rồi thu tiền của khách. Nghe mấy màn trả giá mới vui. Với mấy chị buôn mận:
-         5 người 5 bao thì bao nhiêu? (nói tiếng Kinh lơ lớ)
-         120 nghìn một người cả bao.
-         100 thôi, đ. gì mà đắt thế? (ối giời, cả nói bậy cũng bằng tiếng Kinh)
-         Trăm mốt, đưa đây không ông vứt mẹ xuống đường hết giờ.
-         Đây. Gớm… (lầu bầu cái gì đấy, chắc chửi bằng tiếng Thái :)
Với mấy em học sinh nội trú:
-         Mấy thằng kia đưa tiền đây. Biết tiếng Kinh không?
-         Bao nhiêu ạ?
-         Trăm hai một đứa.
-         Chúng cháu lên sau nhà chị kia mà…
-         Lên sau bao nhiêu. Trăm mốt, đưa nhanh lên. Ơ kìa, 3 thắng cơ mà. Đ. biết tiếng Kinh à? Học lớp mấy rồi mà không biết cộng hả…
Với mấy ông:
-         Cho nhà xe xin tiền đây. Tám chục một người.
-         Đ. gì, tao đi mãi có sáu chục thôi.
-         Thì sáu chục. Đ.m, xăng lên giá mà giả tiền thế lần sau đi bộ nhé.
-         Đ. gì, không đi xe này có xe khác, thiếu đ, gì mà tinh tướng…
Rồi người trong xe:
-         Cái ông kia, tắt mẹ thuốc lá nhà ông đi nhá, đang say xe ngạt đ. chịu được – Cô gái quần jeans lưng thấp, lúc lên xe trèo qua mấy bao tải mận lòi hết cả quần lót ra, gào lên từ cuối xe.

Các chị người Thái váy dài lượt thượt, áo chẽn tay ngắn hoa văn kim tuyến lóng lánh, tóc búi cài trâm gắn hột đá giả cũng lóng lánh…thì thầm trò chuyện bằng tiếng Thái, thỉnh thỏang đệm vào vài từ tiếng Kinh. Rồi điện thọai di động réo lên đủ lọai nhạc. Rồi bác tài bật video Thúy Nga Paris từ năm nảo năm nào, tòan bài hát về Xuân và Tết giữa trưa nắng như nung và giữa những tiếng nói chuyện điện thọai như chửi nhau của bác tài.
Một lúc lại có người lên xe, rồi người xuống xe. Xe cứ chạy lồng lên rồi lại phanh gấp dúi dụi. May là đường trưa vắng, thi thỏang mới có chiếc xe đi ngược chịều  cũng phóng như điên làm cả bác tài cũng… giật mình.
Cũng chả thấy dừng đâu ăn trưa, mình cũng chả đói, chỉ khát. May mà có mang theo chai nước. Đầu gối phải co lại đụng ngay ghế trên, chả còn chỗ mà duỗi cái chân một tí. Ai bảo "chân dài" là sướng, cứ đi xe đò như mình lúc ấy thì biết ngay, hic. Qua đèo Pha Đin chỉ tòan thấy bảng quảng cáo hàng ăn với nhà nghỉ… Cũng không còn quá dốc đứng ngoằn ngòeo như hồi xưa. Chắc chỉ còn cái tên đèo vẫn thế…

Hai giờ chiều xe đến Điện Biên. Không vào bến xe mà đậu gần đấy. Nắng như đổ lửa. cái mặt mình đen sạm vì bụi vì nắng. Haizzzz, ai "ước ao khát khao làn da tr/nâu" thì đi xe dù, không chỉ nâu mà thành hoa hậu châu Phi  luôn, nhá.
Nhìn quanh. Thành phố Điện Biên hệt như mọi thành phố khác khắp đất nước này.
 Tô Hòai ơi, Miền Tây của ông đâu rồi…?

LINH TINH LANG TANG (14)

ĐÓN VÀ ĐƯA TIỄN


Cô ra phi trường đón một người, chuyến bay của anh sẽ đến vào lúc nửa đêm.
Từ chập tối, đi làm về cô vội vàng ăn gói mỳ, rồi mở máy tranh thủ xem có email không. Vừa lướt qua những tài liệu được gửi đến cô vừa nhìn đồng hồ dù khách sạn cô ở cách sân bay chỉ nửa giờ xe taxi. Khi còn gần hai tiếng nữa, cô tắm và mặc một chiếc váy màu xanh. Trên đường ra sân bay cô mới nhận ra chiếc váy này cô đã mặc và chụp hình gửi cho anh vài ngày trước khi anh đi. Càng hay, anh có thể nhận ngay ra mình, cô mỉm cười.
Các chuyến bay từ nửa vòng trái đất thường đến vào giờ này, khi thành phố bắt đầu vắng lắng thì sân bay lại tấp nập. Bảng đèn nhấp nháy báo hiệu các chuyến đến liên tục nhưng chưa hiện số hiệu chuyến bay của anh. Lơ đãng giở tờ tạp chí ra xem, lại nhìn đồng hồ… rồi tự cười mình “làm như là con nít mới lớn…”. Rồi chuyến bay của anh cũng hạ cánh. Dòng người đổ ra quanh băng chuyền nhận đồ đạc rồi đi ra… mãi vẫn chưa thấy anh. Hay là anh qua rồi mà không nhận ra mình? Rùng mình vì ý nghĩ vừa thóang qua thì cô nhìn thấy anh. Anh cũng nhận ra cô, tay kéo valy tay kia giữ cái ba lô trên vai, sải những bước dài đi về phía cô.
Sau này mỗi khi nhớ anh hình ảnh này lại trở về, cảm giác quen thuộc gần gũi đến nao lòng…

***
Thời gian qua nhanh. Ngày chia tay. Lần này anh đưa cô đi nhưng vào lúc trời rạng sáng. Dường như cả đêm đó cô không ngủ, vậy mà khi anh lay nhẹ vai cô, cô vẫn giật mình thảng thốt.
Ngồi trên xe taxi cô chỉ mong quãng đường ra sân bay dài hơn chút nữa. Nhà ga vẫn đông như mọi ngày. Họ đứng bên nhau, im lặng, thỉnh thỏang cô tìm ánh mắt anh. Hình như anh không nhận ra cô lại mặc chiếc váy xanh ngày đi đón anh. Ở cổng an ninh, sau cái ôm vội vã anh quay đi, vẫn những bước sải dài… Cô ngóai nhìn lưng áo trắng của anh khuất dần sau bao nhiêu gương mặt.
Có một điều cô định nói với anh mà cứ quên mất: Đã bao nhiêu chuyến đi và về nhưng đây là lần đầu cô có một người thân yêu để được đón và đưa tiễn.
Mà bây giờ có lẽ không cần nói nữa.


Đọan trên đây có thể coi là một truyện ngắn mini, có đủ chi tiết cảm xúc và những ẩn dụ liên tưởng…
Nhưng cũng có thể chỉ là đọan mở đầu và kết thúc của một truyện ngắn, truyện dài hay truyện vừa… tùy người đọc tự thêm vào đọan giữa, diễn biến của truyện.
Bạn sẽ có một câu chuyện như thế nào…?

Ý KIẾN (bé như con kiến thôi) TRÊN TUỔI TRẺ

Thứ Năm, 24/05/2012, 03:12 (GMT+7)
Không thể phỏng dựng di tích
TT - Bài báo “Sao lại phỏng dựng di tích Lam Kinh? (Tuổi Trẻ ngày 21-5) đã nhận được ý kiến đồng tình từ những nhà chuyên môn. Tuổi Trẻ trích đăng:
Một chân tảng kê cột cái của chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa) còn tương đối nguyên vẹn - Ảnh: Hà Đồng
* Là người có thâm niên trong nghiên cứu khảo cổ học môi trường, tôi đã có dịp đến khảo sát hệ cây và vùng đất, địa hình Lam Kinh. Với những hiện vật còn sót lại như chân cột, tượng đá, bia đá, giếng nước, hệ thống cây cổ..., người làm khảo cổ phải cố hình dung ra được hình hài của những cung điện nguy nga xưa nhưng không thể nào vẽ lại toàn bộ bản thiết kế thật của cung điện ấy. Chuyện dựng lại khi không có tư liệu chính xác mà chỉ qua một phần di tích, phế tích và vài dòng ghi chép trong sử sách là điều không thể thực hiện được. Không ai được phép bịa đặt ra lịch sử dù với bất cứ mục đích gì. Có thể dựng phim qua tưởng tượng nhưng không thể “phỏng dựng” theo kiểu này.
Tôi được biết cái giếng cổ nguyên bản ở Lam Kinh xưa là giếng vuông gần giống như giếng ở đàn Nam Giao (trong quần thể di tích Thành nhà Hồ) nhưng qua tôn tạo di tích, người ta đã xây lại thành giếng tròn! Nếu quả thế thì thật tệ hại. Cần phải trả lại như nguyên gốc.
TS Vũ Thế Long (Viện Khảo cổ học VN)

* Theo tôi biết, Luật di sản văn hóa Việt Nam (2009) không có khái niệm “phỏng dựng”, đồng thời cũng không thể tùy tiện dùng phương pháp nội suy trong nghiên cứu trùng tu, bảo tồn di tích.
Nhiều nhà khoa học đã không đồng tình với việc “phỏng dựng” này vì những gì còn lại (tư liệu khảo cổ, tài liệu lịch sử...) không đủ căn cứ khoa học. Chúng ta đã biết nhiều trường hợp địa phương trùng tu di tích không theo phương pháp, nguyên tắc khoa học làm giảm giá trị lịch sử - văn hóa của di tích. Nay lại có thêm kiểu “phỏng dựng” thì không biết di sản văn hóa chúng ta để lại cho đời sau sẽ như thế nào?
Ngoài ra, tôi rất băn khoăn một điểm khác, đó là “vì tính gấp rút, quyết liệt của địa phương nên có một số ý kiến cho rằng “thôi, tạm dùng khái niệm phỏng dựng vậy”. Bởi thế ngày 25-8-2010, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản thẩm định dự án phỏng dựng chính điện di tích Lam Kinh”. Vậy, từ nhu cầu của một địa phương về việc phỏng dựng di tích được cơ quan quản lý chấp thuận cả về thủ tục, cả về khoa học thì liệu sẽ có những trường hợp như thế nữa không? Địa phương này làm được thì địa phương khác cũng làm được. Di tích thời Lê quan trọng thì thời khác cũng không kém... Sức ép của địa phương sẽ dẫn việc quản lý, bảo tồn di tích đi đến đâu? Đây chính là thể hiện mối quan hệ và hợp tác giữa cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về di sản văn hóa là Bộ VH-TT&DL với lãnh đạo các địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hóa vì cần nhìn nhận: di tích lịch sử - văn hóa,  nhất là những di tích cấp quốc gia, không phải chỉ là của địa phương mà trước hết là của đất nước.
NGUYỄN THỊ HẬU (tiến sĩ khảo cổ học)

TRÒ CHUYỆN VỚI ĐỖ NGỌC (Phunuonline)



     Xin chị cho biết rõ hơn về mối liên quan giữa công trình khảo sát khảo cổ học ở Cần Giờ (do chị làm chủ nhiệm đề tài) đóng góp cụ thể ra sao cho vấn đề quy hoạch, xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ hiện nay và tương lai?

Các di tích khảo cổ ở Cần Giờ được khảo sát khai quật nhiều lần nhằm nghiên cứu lịch sử - văn hóa mà chưa thực sự gắn với mục đích phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Vì vậy đề tài khảo sát hệ thống di tích khảo cổ do tôi làm chủ nhiệm, ngòai việc bổ sung tư liệu khoa học còn nhằm mục đích chính là cung cấp thông tin cho các nhà quản lý và quy họach, để họ có thể sử dụng trong việc họach định phát triển, xây dựng Cần Giờ một cách phù hợp với tiểm năng tự nhiên và nhân văn, và khai thác sử dụng tốt những di sản văn hóa, đồng thời tránh việc phá hủy di tích trong quá trình đô thị hóa.
 
  Khi tham gia khai quật, khảo sát một di tích khảo cổ, điều gì thu hút sự quan tâm của chị nhất? Điều gì làm nên giá trị cho một công trình khảo sát, khai quật : vật dụng đắt tiền vì giá trị trăm, ngàn năm hay những  câu chuyện có giá trị văn hóa, lịch sử được kể qua hiện vật?

Mỗi cuộc khai quật, mỗi đợt khảo sát khảo cổ học đều có khả năng mang lại những điều mới mẻ, bất ngờ, và đó là sức hấp dẫn đối với người trong ngành, thu hút sự quan tâm của người ngòai ngành, nhất là giới truyền thông. Giá trị của một công trình khảo cổ học (từ khi khảo sát, khai quật đến khi hòan thành báo cáo khai quật hay xuất bản công trình nghiên cứu) là ở giá trị lịch sử - văn hóa của di tích và di vật: có thể là niên đại xa xưa, có thể là lọai hình chất liệu quý hiếm, có thể là một di tích khác lạ chưa từng biết… tất cả đều chứa đựng những câu chuyện của con người thời cổ mà khảo cổ học phải “giải mã” qua nghiên cứu tất cả những gì được tìm thấy. Những câu chuyện này không phải là có thể hiểu ngay, hiểu hết mà có khi phải qua nhiều năm nghiên cứu mới đi đến nhận thức rõ ràng về đời sống con người trong quá khứ. Tổng hợp tất cả những cái đó làm nên giá trị một công trình khảo cổ học.
 
   “Khảo cổ học bình dân” là cụm từ mới mẻ (với người “ngoại đạo”) nhưng nó có sức hút không nhỏ. Vì sao lại gọi là bình dân, phải chăng muốn nói những di vật còn “mới”, không đắt tiền, hay…?

Đây không phải là một khái niệm mới, trên thế giới đã dùng và phổ biến khá lâu rồi. Nói ngắn gọn là những nghiên cứu khoa học không giới hạn “trong phòng” mà hướng đến cộng đồng, những người dân bình thường, ở cả 2 góc độ: thu nhặt kiến thức từ người dân – nghiên cứu để trở thành những tri thức khoa học  và phổ cập trở lại giúp người dân có thêm những hiểu biết mới về những di sản văn hóa của cộng đồng, ngay nơi họ sinh sống. Khơi gợi cho họ lòng yêu thích và luôn tìm hiểu về những vốn quý của chính họ.
Còn nói nôm na là: từ những thực phẩm sạch, không độc hại, thậm chí cao cấp, nhưng chế biến thành món ăn bình dân, quen thuộc, ai cũng ăn được và ăn hòai không ngán. Một quy luật bình thường là con người sẽ biết bảo vệ những gì mình yêu quý. Trong việc bảo tồn di sản văn hóa biết vận dụng quy luật này là rất hữu ích.
 
   Xin chị cho biết nét độc đáo của hệ thống di tích khảo cổ học ở Cần Giờ, điều gì khiến nó được xếp là lọai hình di sản văn hóa độc đáo của Nam bộ?

Hệ thống di tích khảo cổ học huyện Cần Giờ TP.HCM tiêu biểu cho các giá trị văn hoá thời tiền sử của vùng đất thành phố và khu vực Miền Đông Nam bộ, mang tính chất độc đáo của văn hoá tiền sử Đông Nam Á. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích này là vấn đề được nhiều nhà khảo cổ, các học giả trong nước và quốc tế quan tâm. Trong khoảng Thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, tại vùng rừng ngập mặn nơi cửa sông – vịnh biển thuộc địa bàn huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, đã tồn tại một hệ thống di tích khảo cổ học đặc biệt là những di tích cư trú – sản xuất gốm – mộ táng phát triển liên tục từ khoảng 3000 – 1500 năm cách ngày nay.
Phương thức mai táng của cư dân cổ nơi đây gồm mộ huyệt đất sét, mộ chum và mộ đất, trong đó hung táng trong mộ chum là chủ đạo. Đây là tài liệu quan trọng để nghiên cứu vấn đề táng tục và chủ nhân của các táng thức nói trên trong thời đại sắt sớm ở Việt Nam và Đông Nam Á. Di vật tìm thấy trong văn hóa Cần Giờ cực kỳ phong phú về số lượng, đa dạng và độc đáo về loại hình, thể hiện một số đặc trưng văn hóa riêng biệt và những mối quan hệ giao lưu mật thiết với văn hóa Đồng Nai, văn hóa Sa Huỳnh, với một số di tích mộ chum ở Đông Nam Á. Cần Giờ  với vị trí đặc biệt của nó đã hình thành một “cảng thị sơ khai” vào những thế kỷ trước sau Công nguyên. Xét về lịch đại, những bằng chứng của sự phát triển từ văn hoá Cần Giờ lên văn hóa Óc Eo đã góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc bản địa của văn hóa Óc Eo. Đồng thời đóng góp những vấn đề lý luận cho việc nghiên cứu quá trình chuyển biến từ thời Tiền – Sơ sử đến thời cận đại ở Nam bộ và Trung bộ Việt Nam.
 
    Chị là nhiều nhà trong một: nhà khoa học, nhà quản lí, nhà văn, thích du lịch, chơi blog, tham gia diễn đàn mạng…Làm sao có thể tích hợp từng ấy “nhà”, từng ấy sở thích hài hoà với nhau để ra một bà “Hậu khảo cổ” tài năng, nhẹ nhàng, duyên dáng, an nhiên và rất trẻ trung nữa chứ…Viết  là cách chị trải mình, thư giãn hay “xả” năng lượng viết của mình?

Chả biết có là nhiều “nhà” như chị ưu ái gọi thế không… nhưng nói thật nhé, tôi cứ nghĩ ai được gọi là “nhà này nhà khác” thì khổ như con rùa ấy, suốt đời vác cái mai nặng trên lưng… đi đứng khó nhọc chậm chạp… có nguy hiểm gì thụt đầu vào mai thì chỉ làm cho người ta túm dễ dàng và nhanh hơn… J
Cứ nghĩ thế và sống như chính mình thôi. Công việc của xã hội thì cố gắng làm một cách có trách nhiệm, với các mối quan hệ thì như lời bài hát Điều giản dị của Phú Quang “hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế…”, sống sao cho hội ngộ thì ấm áp vui vẻ và chia tay thì thanh thản nhẹ nhõm…
Tôi thích gặp gỡ trò chuyện cùng bạn bè, vì học hỏi và biết thêm nhiều điều mình không thể học từ nhà trường hay sách vở… cuộc sống sinh động và thay đổi nhanh chóng lắm… Giao lưu trên thế giới MẠNG cũng vậy. Viết là một cách chia sẻ với bạn bè, cũng như khi đọc của mọi người mình cũng chia sẻ và nhẹ nhõm được ít nhiều.

    “Đi và tìm trong đất” khái quát đầy đủ nghề nghiệp và nick của chị. Say sưa và chuyên tâm với hoạt động khảo cổ, sau một đời tìm kiếm chị đã tìm được gì cho đời và cho mình?

Do phải chuyển công tác nên về danh nghĩa tôi không được làm khảo cổ từ 6,7 năm nay, nhưng “Đi và tìm trong đất… thấy người”, đó là điều mà đến giờ tôi mới hiểu. Có lẽ đó là tài sản quý giá nhất mà tới giờ tự tôi đã tích lũy được.
 
  Bà Hậu khảo cổ trong gia đình là một người phụ nữ như thế nào với “công trình gia đình” của mình?

À, có lẽ cũng như mọi người phụ nữ khác. Về nhà thì vẫn những công việc “đàn bà” cơm nước, chăm sóc con cái nhà cửa, và bây giờ khi con đã lớn thì đỡ vất vả hơn, tôi thường trò chuyện, chia sẻ với chồng con nhiều điều… Nói chung tôi nghĩ, nếu thiết lập được một “tình bạn” giữa những thành viên trong gia đình thì sẽ đỡ đi nhiều “ràng buộc” đôi khi làm cho chúng ta mệt mỏi… điều mà không ai muốn nhưng vẫn vô tình gây ra.
 
Ngoài công việc, thú vui giải trí của chị là gì

Thích đi du lịch, nhưng chưa đi du lịch đúng nghĩa. May mắn là tôi hay đi công tác nên bao giờ cũng tìm thấy, ngòai mục đích công việc, là những điều tốt đẹp mà cuộc sống mang lại: phong cảnh, con người, những câu chuyện, phong tục tập quán, văn hóa vùng miền… Ngòai ra, đọc sách là thói quen từ nhỏ của tôi, bây giờ còn thích đi cà phê “tám” với bạn bè thân thiết…

http://www.phunuonline.com.vn/clbntt/Pages/nguyen-thi-hau.aspx

ĐIỆN BIÊN (5/2012)

 Hầm chỉ huy của quân Pháp

 Công sự quân Pháp trên đồi A 1

 Trên đồi A 1 và dưới kia là phố mới

 Nghĩa trang liệt sĩ Điên Biên phủ nhìn từ đồi A 1



 Thành phố Điện biên phủ

 Cầu Mường Thanh qua sông Nậm Rốm (cầu cũ)

 Mùa gặt trên cánh đồng Hồng Cúm

 Đền thờ Hòang Công Chất trong thành Bản Phủ

 Nhà ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy ĐBP (Mường Phăng)

 Lúa Mường Phăng

 Hồ chứa nước Pạ Khoang




 Sân bay Mường Thanh nay là sân bay Điên Biên


SƠN LA





 Di tích nhà tù Sơn La

 Lòng hồ thủy điện Sơn La


 Tổ máy số 5 đang vận hành (duới chân). Vị trí này sâu cách mặt đập tràn khỏang 50m :)


Chuyện trên đường (2)




Đi công tác với đồng nghiệp nam có nữ có, đi từ khi còn trẻ đến giờ sắp về hưu. Trên xe hay nghe mọi người nói chuyện, nhận ra mọi người thường nói về những chuyện sau.
ĐÀN ÔNG: - Lúc còn sinh viên hay mới ra trường: lúc đầu bàn tán về em này xinh em kia kiêu em nọ ngoan em khác lăng nhăng… Một lúc cũng quay về chuyện… túng tiền, chuyện mượn tiền cầm đồ ăn chịu…
-         Tuổi trung niên, đã có gia đình: chuyện tiếu lâm mặn nhạt đủ cả, rồi chuyện “đấu đá” ghế nọ ghế kia…
-         Tuổi sắp về hưu: vẫn chuyện tiếu lâm, kể “xấu” các bà vợ, chuyện “thế sự” cấp cao trong đến ngòai nước…
-         Về hưu: Tiếu lâm về cái sự “bất lực” “trên bảo dưới không nghe”, cuối cùng là chuyện sức khỏe: huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, gan thận…
ĐÀN BÀ: - Còn trẻ: chuyện quần áo giày dép, chuyện phim sách… cuối cùng là nói… chuyện người khác.
-         Có gia đình: chuyện con cái, chuyện chồng say xìn, chuyện bồ bịch ông nọ bà kia. Rồi lại… chuyện người khác xấu.
-         Gần về hưu: chuyện con dâu con rể, chuyện giữ eo giảm cân… rồi vẫn chuyện xấu của người khác.
-         Về hưu: chuyện cháu nội cháu ngọai, chuyện sức khỏe thuốc huyết áp tim mạch… rồi lại chuyện người khác xấu.
(“người khác” trong chuyện của đàn bà phần lớn là…những đàn bà khác).

Túm lại: Đàn ông hay nói/ tiếu lâm về… tình dục; đàn bà hay “tám” về (thói xấu) đàn bà khác. Nhưng mức độ “ác liệt”, nói nhiều nói to thì cả đàn ông và đàn bà như nhau. Hehe…


Trường Sa của tôi

http://www.baomoi.com/Home/DuLich/www.thanhnien.com.vn/Truong-Sa-cua-toi/8454635.epi

Chuyến đi Trường Sa của tôi có thể coi là “hành trình xanh”, bởi từ đầu đến cuối chuyến đi nhìn đâu cũng thấy một màu xanh bất tận.

Những ngày tháng tư âm lịch vẫn còn trong thời gian thuận lợi cho những chuyến đi biển dài ngày, gió nhẹ, nắng nóng. Ra khỏi cửa Cần Giờ là biển hiện ra một màu xanh hiền hòa. Cứ vậy suốt gần ba ngày đầu của hành trình xung quanh là sắc biển xanh biến đổi khôn lường. Mỗi sáng, mỗi chiều, nhìn gần, nhìn xa… biển xanh nhạt, xanh thẫm, xanh tím, xanh đen… Vào lúc bình minh và hoàng hôn mặt trời đỏ rực phía chân trời, biển chuyển màu vàng cam nhưng chỉ thoáng chốc lại trở về với sắc xanh bất tận của mình.
Hành trình miệt mài trên biển cứ ngong ngóng khi một chấm, rồi một dải xanh mờ hiện lên, rõ dần, mọi người lại nôn nao... Đảo của ta đấy, những tên đảo đã thân quen tự khi nào mà bây giờ mới được tận mắt nhìn thấy: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Len Đao, Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa lớn… Đảo nổi đảo chìm xanh màu lá trên nền xanh của biển của trời. Ca nô cặp sát tàu đưa từng nhóm vào đảo.

Đảo Song Tử Tây - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu
Đảo xanh, có thể gọi tất cả những hòn đảo của Trường Sa như vậy bởi màu xanh của cây lá có mặt khắp nơi. Có hai loại cây phổ biến là bàng trái vuông và phong ba đều có lá đan nhau rậm rạp, từng chiếc lá to dày che chắn cho nhau dưới ánh nắng như nung. Mùa này bàng trái vuông chưa có nhiều trái, thấp thoáng trong đám lá chùm nụ hoa xinh xắn chờ đêm tối nở bung nhụy lấp lánh như đèn lồng, vài trái non xanh đong đưa trong gió. Mấy anh lính trẻ luyến tiếc chưa có trái bàng để tặng cho người từ đất liền vì ai cũng muốn có được một trái bàng vuông mang về làm kỷ niệm. Nhưng thôi, mọi người bằng lòng chụp hình và mang những tấm hình trái bàng vuông về đất liền khoe với bạn bè, để trái bàng kia trên cây cho chúng già đi, hạt lại mọc mầm nảy lên cây mới, mang lại làn gió mát, mang lại màu xanh mà sau này ai ra thăm đảo cũng được nhìn thấy cây bàng trái vuông độc đáo.
Đảo nổi còn có lớp cát san hô mỏng trên mặt nhưng các đảo chìm thì chỉ có nhà xây nổi trên mặt nước. Vậy mà đảo nào cũng xanh trên từng mét vuông mặt đất hay trên giàn treo nho nhỏ lấn ra biển cả. Rau trồng bằng hạt theo từng luống nhỏ xíu: rau muống, rau cải, mồng tơi... chăm sóc từng cây. Hầu như đảo nào cũng trồng rau muống, lính ta nói đùa “rau muống còn thì đảo ta còn, đảo ta còn thì biển trời ta còn”. Đảo Song Tử Tây còn có chuối, ớt, lá lốt, rau ngót... Đảo Sinh Tồn Đông có cả giàn bầu trái sai lúc lỉu, đảo chìm trồng cả sả, riềng và lá mơ. Có nơi phải đóng dàn rồi dùng ni lông quấn xung quanh vườn rau nhỏ để tránh gió mang hơi nước mặn làm cháy hết lá. Ngay trên nhà giàn DK1, trong cái vuông đất nhỏ xíu cao hàng chục mét chênh vênh trên mặt biển còn trồng cả hành và thìa là nữa (món cá biển làm sao thiếu rau thìa là?). Nước tiết kiệm qua nhiều lần dùng và lần cuối để tưới rau. Mà cũng đâu được tưới thoải mái. Rau cũng như người, chắt chiu từng giọt nước ngọt hứng từ cơn mưa đỏng đảnh thất thường ở Trường Sa hay dành dụm từ những thùng nước ngọt theo tàu từ đất liền ra đảo. Ở nơi đảo xa này mới thấy quý từng giọt nước, từng nắm đất, mới càng hiểu hơn hai chữ  ĐẤT NƯỚC thiêng liêng!
Màu xanh Trường Sa của biển cả, của ngọn rau quê nhà, là gương mặt tỉnh táo người lính đảo dõi canh biển trời, là ánh mắt vời vợi người mẹ, người em gửi thương gửi nhớ… Hành trình của chúng tôi đi theo màu xanh Trường Sa đầy sức sống mãnh liệt mà bình dị. “Tấc đất ngọn rau ơn Chúa, tài bồi cho nước nhà ta; bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó” *. Hàng ngàn năm lịch sử mỗi tấc đất, mỗi tấc biển đảo là mồ hôi nước mắt, là xương máu tiền nhân.
 
Vườn rau trên nhà giàn DK1
Màu xanh Trường Sa nhắc nhớ không ai có thể quên điều đó.
Bàn tay người lính
Đi trong mênh mông trời biển, khi nào nghe thấy tiếng còi tàu rúc lên là biết đã gần tới đảo. Hồi còi báo hiệu tràn ngập niềm vui. Mọi người đổ ra boong ngóng về phía xa để được nhìn thấy một chấm nhỏ hay một vệt mờ hiện ra, rõ dần, lớn dần… Kìa ngọn đèn biển vươn cao vững chãi, kìa những cánh quạt gió như những cánh chim chấp chới, kìa màu xanh của cây bàng trái vuông, của cây bão táp, phi lao… Có đi biển dài ngày mới hiểu nỗi bồi hồi khi thấy đảo như thấy đất liền. Ba hồi còi tàu rúc lên, đã nhìn thấy áo trắng áo xanh của lính đảo nơi cầu tàu.
 
Đàn gà trên đảo Song Tử Tây
Lên đảo, việc đầu tiên là đứng trước cột mốc chủ quyền chụp hình kỷ niệm, lại còn “tranh nhau” đứng cạnh người lính đang bồng súng nghiêm trang bên cột mốc chủ quyền. Đôi lúc quên mất là anh lính đang làm nhiệm vụ, xúm lại hỏi thăm anh, em, cháu, con tên gì, quê đâu, ra đảo lâu chưa? Vẫn trong tư thế đứng nghiêm, có người trả lời dõng dạc như quân lệnh, cũng có chú lính ngượng ngùng “xin lỗi, con đang làm nhiệm vụ”. Ít phút sau thay ca, chú lính ào vào náo nức trò chuyện với chúng tôi.
Trên đảo Song Tử Tây, phía sau doanh trại có mấy cái chuồng gà, khi được thả ra chúng đập cánh đua nhau gáy ầm ĩ làm lũ vịt đang nằm tránh nắng dưới bóng cây nhao nhao đứng dậy. Hỏi một người lính: sao toàn là gà trống thế hả cháu?
Chú lính trẻ vui vẻ trả lời:
 - Gà mái đi tàu ra đảo bị say sóng chả sống được cô ạ.
- Thật à? Khổ thân bọn gà trống.
Lỡ lời đùa rồi tôi ân hận ngay khi nghe chú lính nửa đùa nửa thật:
- Sao cô chả khổ thân bọn cháu, cả năm có nhìn thấy bóng dáng con gái đâu hả cô?
Nhưng cũng cậu lính ấy tếu táo: không sao cô ạ, bọn gà trống ghê lắm, chúng nó toàn đi “yêu” bọn vịt đấy. Không tin cô chờ tí nữa mà xem.

 Hát cùng lính đảo - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu
Thế là mấy cô cháu cười òa vui vẻ.
Để vào được mấy đảo chìm, tàu phải neo đậu xa hơn. Bước lên bờ là bước vào “nhà”, cũng đủ nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách. Đứng bên mấy cô ca sĩ trẻ trên ban công đón gió biển, bàn tay anh lính vụng về mà trìu mến đội cho cô gái chiếc mũ hải quân rồi bối rối khi cô kế bên chụp hình lưu niệm. Mắt tôi nhòe đi… Bao giờ bàn tay kia được cài vòng hoa cô dâu lên đầu một người con gái?
Và chúng tôi hát, không phân biệt đâu là lính, đâu là ca sĩ, đâu già, đâu trẻ. Vừa rối rít nhận đồng hương đấy, nhưng khi cất tiếng hát tất cả đều là đồng đội. Có người lính trẻ đứng trong công sự mắt dõi nhìn biển trời mà bàn chân anh vẫn vô tình nhịp theo bài tình ca quen thuộc.
Thời gian trên đảo qua nhanh lắm, chưa kịp ấm bàn tay đã nghe còi bùi ngùi nhắc trở về tàu. Ca nô quay mũi, những bàn tay vẫy. Sẽ còn gặp lại, sẽ còn gặp lại. Lời chào chung cũng là niềm hy vọng của mỗi người.
Đi qua vùng biển Len Đao -Cô Lin - Gạc Ma và vùng biển trên thềm lục địa, mọi con tàu đều tổ chức lễ tưởng niệm những người lính đã hy sinh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Buổi lễ thiêng liêng không chỉ là nghi thức mà là tình cảm thật sự của những người còn sống dành cho các anh. Khi vòng hoa đỏ và những bông cúc vàng được thả xuống biển xanh, trong mờ ảo khói nhang trầm, các anh như đang hiển hiện quanh đây… Ba hồi còi tàu vang lên: Các anh không bao giờ mất, những người lính đã nằm lại với biển Đông hay ngã xuống nơi biên giới phía Bắc, chừng nào chúng ta còn nhớ đến họ, còn tiếp tục những công việc mà họ đã làm.
Đất nước trọn vẹn một màu xanh. Xanh núi xanh sông xanh rừng xanh biển, bởi trong màu xanh bất tận ấy có màu máu đỏ của biết bao con người…
 TP.HCM 7.5.2012
Nguyễn Thị Hậu

Ngày của MẸ

 Má ở Sài Gòn (1950)
 Má và hai chị em ở Hà Nội 1959


Với má, Hà Nội 1964

Má tôi là một người phụ nữ Nam bộ.
Ông ngọai tôi có một nhà máy xay lúa ngay con rạch Cái Tôm ở Hòa An, gần chợ Cao Lãnh. Mỗi ngày thợ làm công có đến vài chục người. Cả nhà, từ ông bà ngọai đến các dì các cậu đều làm việc ở nhà máy này. Người lo máy móc, người lo điều thợ, người lo nhận, giao lúa gạo… Bà ngọai và mấy cô con gái lo chợ búa cơm nước cho cả nhà và đám thợ, cho cả khách hàng từ xa tới lỡ con nước chưa về được. Má tôi được giao việc đi chợ mua đồ ăn và phụ dì Hai nấu cơm. Bữa cơm chung chủ thợ ngon lành và đầm ấm như người trong một nhà. Nhờ vậy nhà máy xay luôn đông khách, làm ăn khấm khá.
 Quê nội và quê ngọai tôi chỉ cách nhau một nhánh sông Tiền, có bến đò nhỏ nối liền làng Mỹ Hiệp bên Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới, An Giang với làng Hòa An, Cao Lãnh. Xưa, dân Cù Lao Giêng vẫn qua chợ Cao Lãnh đi chơi, mua bán, nhất là vào ngày lễ tết. Các bà cô của ba tôi đã “tìm thấy” cô con dâu tương lai là má tôi trong những lần qua chợ Cao Lãnh như thế. Tiêu chuẩn tìm dâu của các bà là: vén khéo chợ búa, ăn nói dịu dàng, và dung nhan phải “coi được”. Vậy là má tôi, lúc đó tròn 20 tuổi, lọt vào “mắt xanh” của các bà cô. Và chỉ vài tháng sau ông bà nội tôi qua coi mắt má tôi. Ba tôi khi ấy là thầy giáo đang dạy học ở Cái Răng, Cần Thơ. Ông kể, ông nội viết thơ kêu về cưới vợ, bữa đám nói, ông chỉ kịp thấy người bưng khay nước đi ngang qua có cái lưng áo dài thon thả với búi tóc tròn dày, không kịp nhìn thấy mặt người vợ tương lai. Rồi đám cưới ba má tôi diễn ra vào đầu năm 1945. Từ ấy, ba má tôi đã bên nhau trọn 40 năm, cho tới ngày ba tôi đi xa.
  Biết mình không thừa hưởng được nét phúc hậu gương mặt trái xoan và nước da trắng trẻo của cô gái miệt vườn Cao Lãnh, tôi vẫn thường nói đùa với má: Chắc má yêu ba lắm nên con mới giống ba có nước da ngăm ngăm. Má cười dịu dàng, con giống bà nội, còn chị giống bà ngọai, vì má thương bà nội bà ngọai như nhau.
 Ngày sinh của Má chúng tôi không biết, Má cũng không biết, chỉ nghe bà ngọai kể rằng sinh Má vào một đêm cuối năm. Dù bận rộn đến đâu thì những ngày cuối năm chúng tôi vẫn nhớ rằng Má đã già đi hơn một tuổi. Tuy nhiên Má không bao giờ đồng ý cho chúng tôi tổ chức mừng sinh nhật. Má nói: các con sống sao cho ba má không buồn lòng, thế là có hiếu, không cần phải bày vẽ làm gì. Các con gái tôi thì thường so sánh: mẹ nấu ăn không ngon bằng ngọai! Còn phải nói, con gái Cao Lãnh nấu ăn ngon có tiếng! Nhưng quan trọng hơn là suốt cuộc đời Má, mỗi món ăn là tình yêu Má dành cho Ba, cho các con các cháu. Thứ gia vị ấy đâu phải ai cũng có và biết sử dụng nó trong cuộc sống hiện nay…
Về với Má bao giờ tôi cũng như trẻ nhỏ để được nằm bên nghe Má thủ thỉ chuyện “hồi đó…”. Hồi đó có một cô gái Cao Lãnh lấy chồng bên Cù lao Giêng…

(Đã in trong tập tản văn QUAY QUA QUAY LẠI, 2010)

Những gói bột pha sẵn




Chủ nhật mưa bão. Làm biếng đi chợ nên tôi vô siêu thị gần nhà, loanh quanh giữa những kệ hàng hóa đầy ắp chưa biết mua gì, bỗng nhìn thấy một ngăn xếp những gói bột pha sẵn: bột bánh xèo, bột bánh cuốn, bột bánh khọt, bột bánh bèo, bột chiên xù chiên giòn đủ lọai… Cầm một gói lên xem thử: bao bì đẹp, ghi đầy đủ công thức thành phần, hướng dẫn cụ thể cách chế biến. Ừ, mua một gói bột bánh xèo về làm thử, trời mưa này ăn bánh xèo là nhất.
Ghé quầy thức ăn tươi mua miếng thịt ba rọi, trăm gram tôm đất tươi chong, giá, hành tây, rau sống… À, miếng mỡ heo nữa chứ. Vậy là buổi trưa được bữa ăn tươi.
Bột pha nước theo tỷ lệ hướng dẫn, cho thêm chút bột nghệ và hành lá xắt nhuyễn. Thau bột màu vàng nhạt điểm xanh lá hành trông đã thấy ngon. Nhớ hồi xưa khi xay bột bao giờ cũng phải cho thêm chén cơm nguội vô xay cùng, tôi pha thêm chút bột gạo nữa. Để chi vậy mẹ?- Cho bánh giòn con ạ.
Một khay để kế bên bếp gồm: Thịt heo xắt mỏng, tôm lặt sạch râu để nguyên đầu đuôi cho đẹp, hành tây xắt mỏng, giá, miếng mỡ heo. Còn rau sống rửa sạch sắp sẵn lên đĩa bên cạnh tô nước mắm chua ngọt đã pha. Tất cả sẵn sàng cho… chiếc bánh đầu tiên.
Chảo gang bắc lên bếp cho thật nóng, cục mỡ heo xoa lên khắp chảo cho láng, hành tây, thịt heo và tôm cho vào chảo đảo nhanh tay. Một vá bột đổ nhanh vào chảo, kết hợp tay đổ bột và tay nghiêng chảo sao cho bột tròn dàn đều khắp chảo. Một nhúm giá để vào giữa. Đậy nắp vung. Khỏang 1 phút mở nắp, dùng vá lật gấp đôi chiếc bánh rồi xúc ra đĩa. Xong.
Chiếc bánh vàng đều, gìòn rụm nhất là ở rìa bánh. Nhân bánh là tổng hợp các vị béo, bùi, dai, giòn của thịt heo, bột, tôm và giá vừa chín tới. Ăn bánh xèo phải ăn nóng ngay khi vừa lấy khỏi chảo, vừa đổ vừa ăn, một người đổ có thể 3 người cùng ăn. Bánh xèo cuốn rau sống chấm nuớc mắm…ăn quên no. Khi ngán bánh xèo mặn mà còn bột thì sẽ pha thêm nước cốt dừa và đường để đổ bánh xèo ngọt, lại thấy ngon và ăn nữa được ngay.
Sau bữa bánh xèo ngon lành và… không mất công lắm, con gái nói: tuần sau mình làm bánh khọt đi mẹ. Uh, để ra chợ mua cái khuôn bánh khọt bằng đất nung. Mẹ cũng chưa đổ bánh khọt bao giờ, làm thử xem có được như bánh khọt “cô Ba Vũng Tàu” không nhé.
Ngày trước muốn ăn bánh xèo bánh khọt phải ngâm bột trước một ngày, mang đi xay hay tự xay nếu nhà có cối. Xay xong phải “bòng bột” tức là đựng bột nước trong bao vải dày và dùng vật nặng ép lên cho bột ra bớt nước. Rồi mới pha bột theo kinh nghiệm riêng từng người (tùy theo lọai gạo, ít hay nhiều nước cốt dừa…). Bây giờ chỉ còn khó ở phần đổ bánh. Các công đọan trước như ngâm xay bột, pha bột… đều được làm sẵn và có công thức cả rồi. Những “bí quyết” xay bột pha bột của từng người không còn cơ hội thể hiện nhưng bù lại là sự thuận tiện cho nhiều người nội trợ.
Từ những gói bột pha sẵn thế này dư vị những món ăn dân dã ngon lành sẽ sống lại trong nhiều ngôi nhà. Mỗi gian bếp ấm cúng hơn mỗi gia đình quây quần bên nhau nhiều hơn… điều đó thật cần thiết trong không gian thị thành vội vã về thời gian mà như lỏng lẻo hơn về các mối quan hệ con người.


Những mảnh vỡ (31)


Qua cầu treo

Voi và chuột đi qua cầu treo. Thấy cây cầu lắc lư chuột sợ quá bèn trèo lên người voi. Khi đã yên vị trên lưng voi, chuột nói: cậu xem này, cây cầu oằn xuống dưới sức nặng của chúng ta!
Vừa lúc đó voi nghiêng mình giữ thăng bằng, thế là chuột rơi tuột khỏi lưng voi và lộn nhào xuống sông.
 Ở trên cao đừng vội huênh hoang, nhất là khi đứng trên lưng người khác.


Mèo hay chuột

Mâm cơm cúng bị hất đổ, thức ăn nay tha vào gầm giường mai ở hốc tủ, đàn gà con bị cắn chết… Bà tức lắm: thủ phạm là con mèo nhà hàng xóm chứ còn “ai” vào đây nữa! Bà chửi bóng chửi gió, rồi bà sang nhà hàng xóm mắng vốn và dọa sẽ thuốc chết con mèo để “ổn định tình hình” nhà bà.
Hàng xóm cười nhạt: vâng, cứ thuốc đi, mèo ăn bậy mèo chết. Bằng không để lũ chuột thành tinh của nhà bà chết hết đi cho cả xóm này nhờ!


Tầm nhìn

Ông kia nói với bác sĩ nhãn khoa: Tôi không thể nhìn thấy những vật ở xa.
- Bây giờ ông nhìn xem, cái gì ở trên trời?
- Thấy chói chói... Mặt trời?
- Nhìn xa đến thế ông còn muốn tới cỡ nào nữa?!
Từ đó ông này luôn tự hào về tầm nhìn của mình. Một ngày ông ta gặp tai nạn vì mải nhìn giời nên rơi xuống “hố tử thần” đầy trên đường thành phố J


Những mảnh vỡ (30)



Tình mới

Biết cô qua những vần thơ đầy vẻ dịu dàng, từ nơi xa anh quyết về tìm gặp. Cô kể về cuộc hôn nhân bất hạnh, một mình vất vả nuôi con... Anh đi và để lại một số tiền lớn cho cô sinh sống, chờ anh làm thủ tục bảo lãnh.
Vài tháng sau tình cờ anh biết cô mới thành lập một công ty mà giám đốc là người mà cô đã cặp kè từ lâu.
Đồng tiền bao giờ cũng có ích, nhất là khi nhờ nó ta hiểu thêm về con người.

 Gà Vịt

Mỗi khi gà trống gáy ò ó o báo hiệu bình minh là người thức dậy, buổi trưa gà mái đẻ xong cục tác thì người đến ổ nhặt trứng. Người còn vãi thóc cho gà ăn. Thấy vậy vịt trong chuồng cũng cạp cạp ầm ĩ nhưng chẳng có ai đến. Kêu mãi kêu mãi khản đặc cả giọng, thế là người lùa vịt ra đồng bắt nhặt lúa rơi.
Vịt bèn đẻ trứng trắng đồng, người phải đi theo mà nhặt.

 Chê

Ông kia ăn gì cũng chê mặn nhạt, cay đắng, thơm thối... thậm chí chưa ăn đã chê, chỉ nghe kể cũng chê. Nhiều người nghĩ ông sành ăn.
Nhưng có đứng gần mới biết miệng ông rất hôi, như bị bệnh đường tiêu hóa hay bị sâu răng. Miệng thế... ăn gì mà chả chê, chê mãi thành thói quen.
Chỉ có vợ nấu là ông không dám chê vì nếu chê sẽ bị cho nhịn đói!
Tự nhủ, muốn chê món gì hãy xem mình có bị hôi miệng không đã, nhé.

Tiếng kẻng báo động trên “vùng trời bình yên”


Báo TUỔI TRẺ ngày 8/5/2012

Chúng tôi lên đảo Sơn Ca vào buổi sáng (30/4/2012) biển trời thăm thẳm một màu xanh thanh bình. Sau phút chào đón xúc động những ánh mắt những bàn tay xiết chặt, những nghệ sĩ của Trung tâm ca nhạc nhẹ thành phố bắt đầu chương trình văn nghệ phục vụ chiến sĩ. Cùng hát với các ca sĩ trẻ là những người lính đảo. Thật bất ngờ, nói như nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm, MC của chương trình, lính đảo hát hay không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp. Những tiết mục nối nhau tạo nên không khí khi sôi nổi khi sâu lắng, trên gương mặt những người lính đảo tràn đầy nét vui tươi hồn nhiên, tưởng như không phải họ là những người đang ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn nguy hiểm.
          
 Khi ca sĩ Yến Nhi đang bay bổng lời ca Từng vòng tay trao hơi ấm, rộn rã, đôi tim mừng vui gặp gỡ, trong ngày mới… của ca khúc VÙNG TRỜI BÌNH YÊN thì bỗng một hồi kẻng dồn dập vang lên. Báo động! Những người khách còn đang ngơ ngác thì chủ nhà đã đâu vào đấy trong nháy mắt. Chưa dứt tiếng kẻng bộ đội đã có mặt đúng vị trí, mũ sắt buộc nghiêm chỉnh, vũ khí trong tư thế sẵn sàng.
Một lúc sau khi kẻng báo yên, nhanh thoăn thoắt, những người lính lại ùa về “sân khấu”, cả chủ và khách lại hồn nhiên tiếp tục Nắm tay ta về vùng trời bình yên…

Đã lâu lắm mới nghe thấy tiếng kẻng báo động dồn dập căng thẳng, tôi chợt nhớ lại những phản xạ quen thuộc của thời chiến: chạy nhanh, nhảy xuống hầm trú ẩn gọn, mũ rơm đội ngay lên đầu. Nhìn những người lính còn rất trẻ nhưng đã thuần thục các thao tác quân sự, ranh giới mong manh giữa thời chiến và thời bình trên đảo này, trên vùng biển này hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Trong cái khoảnh khắc “thời chiến” vừa vụt qua, sự sống bỗng quý giá hơn gấp ngàn lần, sự sống của mỗi con người, của mỗi chàng trai cô gái chỉ như những đứa con của tôi. Bao thế hệ đã làm tất cả để tuổi trẻ được sống trong hòa bình, để không bao giờ họ phải làm quen và thuần thục với thứ phản xạ mà nếu chậm trễ chỉ giây lát sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi, nhưng hòa bình chỉ thật sự đến khi  những “phản xạ thời chiến” không còn có cơ hội “di truyền” cho thế hệ sau.

 http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/490694/Tieng-keng-bao-dong-tren-%E2%80%9Cvung-troi-binh-yen%E2%80%9D.html

Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...