BUỔI TRƯA TRONG QUÁN CÀ PHÊ hay là MƠ GHE

Thỉnh thoảng, buổi trưa ra quán café ăn cơm văn phòng. Nói là ăn cơm nhưng chủ yếu là ngồi với bạn bè, “tám” đủ chuyện để xả  xì-trét, lấy sức cho buổi chiều và cho vài hôm sau nữa.

Cũng thi thoảng, buổi trưa ra quán café, ngồi một mình, có khi ăn cơm có khi không, nhưng bao giờ cũng kêu ly café đá, nhâm nhi. Đọc một cái gì đó, nghe một cái gì đó, và gõ trên máy tính một cái gì đó, như bây giờ chẳng hạn.

Sài Gòn mấy bữa nay nắng rát người, mặt đường hực lên hơi nóng, oi bức quá thể… Ngồi trong phòng máy lạnh nhìn ra dường như ngoài đường mọi thứ đều uể oải: cây im không một ngọn gió, người trùm kín mít, xe phóng nhanh thế mà vẫn không thoát được cái nắng, đứng dưới bóng râm ven đường cũng không thấy mát hơn chút nào…Giờ này không muốn làm gì, chỉ muốn làm biếng, trôi đi đâu thì trôi, mà mắc vào đâu thì mắc (dưới gầm cầu hay dười giề lục bình cũng được nhưng hy vọng không bị mắc dưới kênh đen mà ở dưới sông Sài Gòn, đoạn gần ra đến cửa biển Cần Giờ thì càng hay).

Bỗng nhớ đến việc ai đó nhắn vô điện thọai mình (đùa hay thật cũng chả biết): “cần bán nhà ở trung tâm Phú Mỹ Hưng, có 3 mặt nhìn ra sông, giá 1 tỷ VND, miễn trung gian”. Sao rẻ thế nhỉ, với vị trí như thế thì rẻ quá, dù 1 tỷ với mình là số tiền rất xa lạ… không hình dung được là bao nhiêu và như thế nào. Nhưng vì ai mua đất mua nhà cũng đều nói số tiền từ vài tỷ trở lên nên mình nghĩ 1 tỷ là rẻ. Nghĩ mãi nghĩ mãi, thậm chí còn thì thầm với con gái “giá mẹ có tiền…”. Con gái cũng ngơ ngẩn một hồi rồi bảo: chắc là họ bán cái ghe đấy mẹ ạ, đậu giữa sông thì 4 mặt là sông, còn đầu sát bờ thì có 3 mặt sông còn gì? Ừ nhỉ, thế mà nghĩ không ra.

Nhưng bỗng ước gì có tiền mua ngay chiếc ghe ấy (gíá một tỷ thì ghe chắc còn tốt) để thực hiện ước mơ từ xửa xưa là được lang thang trên những con sông miền Tây Nam bộ. Đầu tiên là từ cửa Cần Giờ đi vào đến ngã ba Nhà Bè sẽ lại phân vân như người xưa “Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Bây giờ theo sông Đồng Nai ngược lên đến Cù Lao Phố đã là một vùng đô thị rồi, không còn một thương cảng sầm uất như thủa xa xưa… Ngược lên nữa đến Cù lao Rùa thuộc đất Bình Dương, nơi xưa kia có những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp ẩn mình trong vườn trái cây sum sê quanh năm. Bây giờ nghe nói đất đai nơi ấy các đại gia về mua vườn lập villa hết rồi. Thôi thì đi ngược nữa lên qua thác Trị An đến vùng Đồng Nai thượng  vậy… “rừng đã cháy và rừng đã hết”. Ở đó ta như nhiều người bỗng dưng “không chốn nương thân”.

Thôi thì theo sông Sài Gòn vào đất Gia Định vậy. A, đã không muốn ở thành phố mới mua ghe đi lang thang, vậy còn vô đây chi vậy? Kẹt xe ngập đường do trời mưa do triều cường do trời mưa kết hợp với triều cường chứ không phải do con người. Đằng nào cũng lội cũng bơi, vậy… ở ghe là đúng nhất rồi còn gì. Mỗi khi “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” thì mình đã có sẵn ghe bơi tung tăng cho bà con nhìn thấy tức chơi, ở trên ghe mình còn nhóm bếp cà ràng nướng cá khô sặc trộn gỏi xoài dưa leo, ngồi nhâm nhi nhìn bà con dắt xe chết máy lội bì bõm… thiệt là một “thú vui tao nhã”…

Nhưng mà muốn thực hiện ước mơ mua ghe để có thể trở thành “người sang trọng có thú vui tao nhã” như thế thì phải có tiền, tức là phải đi làm vì mình không đủ tài để “bỗng dưng giàu có” như người khác. Tức là bây giờ phải đứng lên, trả tiền café, lao ra ngoài trời nắng hầm hập để về cơ quan, chịu đựng tất cả những gì có thể chịu đựng được, làm những gì phải làm, để kiếm tiền mà sống và… mơ ghe.

Có lẽ khi mình kiếm đủ tiền thực hiện ước mơ mua ghe, Sài Gòn của mình vẫn chưa hết những “dòng sông uốn quanh” để mình được “sống trên du thuyền” như người “sang trọng, tao nhã”.
Thôi mình đi về đi làm đây.

(SG đang những ngày nắng nóng kinh người, post lại note cũ có tựa cho cuốn tản văn mới xuất bản)

Đọc sách "Buổi trưa trong quán cà phê"



Hải Anh  (Văn nghệ Tp Hcm Số 196 ngày 5-04-2012)


Buổi trưa trong quán cà phê là tập tản văn thứ 2 của tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, do nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ in ấn và phát hành quý I, 2012 sau Quay qua quay lại (tản văn, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2010), Đi và tìm trong đất (Ký và tạp bút, Nxb Thanh Niên, 2008), Khảo cổ học bình dân Nam bộ Việt Nam, từ thực nghiệm đến lý thuyết (viết cùng TS Lê Thanh Hải, chuyên khảo, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2010), 100 câu hỏi đáp về khảo cổ học TpHCM (đồng tác giả, Văn Hóa Sài Gòn, 2008).  

Tên gọi của tập tản văn Buổi trưa trong quán cà phê gợi lên một không khí rất Sài gòn. Nghĩa là có…cà phê (dĩ nhiên rồi), tiếng ồn ào bụi mù, có cái nắng hầm hập, rát người, có một Girval của quá khứ và có chủ nghĩa Mackeno. Mỗi ngày lướt web, các tin tức tràn ngập những cướp, giết, hiếp trên mạng hoặc chứng kiến những cảnh tượng đau lòng từ đời thực mà nhiều người lại có lối ứng xử rất “kỳ lạ”, thậm chí còn hôi của, cười cợt trên nỗi đau của người khác. Chị đã kịp ghi lại những bức xúc rất đời thường nhưng vẫn mãi thời sự ấy trên trang viết: “Không thể không tự hỏi, vì sao được nhiều người cảm phục và tôn vinh nhưng những con người đã hành động “mình vì mọi người” lại thường đơn độc trong việc làm dũng cảm của họ? Ai sẽ bảo vệ khi họ bị trả thù? Vì sao họ không có cuộc sống ổn định như họ xứng đáng được có vì những điều thiện họ đã làm cho xã hội? Câu trả lời luôn bị bỏ ngỏ, ngay cả với những người có trách nhiệm phải trả lời!” (Dửng dưng và bất lực, tr.40). Hay: “Nếu cái tốt lui bước thì cái xấu dần dần sẽ được coi là bình thường! Đáng sợ nhất là khi tốt xấu không còn phân biệt, mọi giá trị đảo lộn, lúc đó con người trở nên thờ ơ với cái xấu, thờ ơ lẽ phải, với sự thật!” (Chuyện nghe từ người không quen, tr.206) .

Bên cạnh đó, đọc sách chợt thấy cái nhíu mày của chị vì sự lộn xộn của cảnh quan đô thị khi quy hoạch thành phố còn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, nhưng cũng có ánh mắt tràn đầy yêu thương dành cho những con hẻm ở Sài Gòn: “Nhiều hẻm yên tĩnh đến mức hầu như không có ai đến đó dán các tờ quảng cáo, các số điện thoại dạy kèm học thêm hay khoan cắt bê tông. Trong hẻm rợp mát giàn bông giấy, bông hoàng anh… những cành hoa rực rỡ trên nền lá xanh mướt vươn ra từ sau song sắt trên cao. Có lần nào đó bạn hãy rẽ vào một hẻm nhỏ để tránh con đường ầm ào như cơn lũ ngoài kia. Đi xe chầm chậm trong hẻm bạn sẽ thấy lòng chợt bình yên lạ lùng”. (Hẻm phố Sài gòn, tr.45).

Nhưng giống nhiều người khác, tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi biết chị Nguyễn Thị Hậu có gốc gác là  An Giang- Cao Lãnh vì khi trò chuyện, chị vẫn giữ chất giọng Hà Nội đặc sệt. Chị cho biết những năm 1954-1955, gia đình tập kết ra Bắc thế nên “Hà Nội- miền Bắc, đó là tuổi thơ của tôi, tuổi thơ nghèo khó nhưng thật sự êm đềm, thật sự “thơ”. Có thể nói rằng nền tảng văn hóa cơ bản của tôi được hình thành ngay từ khi ấy” (Gửi lại tuổi thơ tôi, Hà Nội…, tr.182). Vì thế không ngạc nhiên khi chị có những trang viết rất đẹp, rất “mùi vị” Hà Nội khiến kẻ xa lạ như tôi ngồi ngẩn ngơ mơ tưởng: “Trong ký ức của tôi Hà Nội là những sớm mùa đông lạnh giá theo tàu điện leng keng tôi đi từ Chợ Hôm qua đền Voi Phục đến trường Yên Hòa ở tận Cầu Giấy; là buổi tối mùa hè râm ran tiếng ve kêu cùng bạn bè kéo nhau lên Tràng Tiền thi ăn kem cốm…” (tr.183, Gửi lại tuổi thơ tôi, Hà Nội…).

Nhưng có lẽ khi đọc “Buổi trưa trong quán cà phê”, tôi thích nhất là cảm giác chìm đắm vào thế giới lãng đãng, mơ mộng của tiếng phong cầm, của vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên kín đáo và tuyệt diệu trong: Berlin-mùa thu xanh, Trên cầu tình yêu, Bắt đầu từ “Blue Danube”, Tiếng phong cầm trên đường phố Potsdam, Đường mùa thu, Cà phê Paris, Starbucks coffee. Thử đọc: “Con đường mùa thu qua những ngôi làng nhỏ. Những ngôi nhà vút qua cũng nhỏ nằm giữa khu vườn xinh xinh trồng hoa, những luống rau, vài cây táo trong sân, hàng rào gỗ sơn nâu, mái ngói xám dốc đứng, cửa sổ tầng sát mái như đôi mắt lặng ngắm con đường thẳng tắp chạy qua chia ngôi làng làm hai nửa.” (Đường mùa thu, tr.123)


Chuyện đi đường

Đi đâu đường dài bằng xe hơi tôi hay chọn ngồi ghế trước cạnh lái xe. Hồi trước là vì hay bị say xe, sau này hết say xe thì thích ngồi trước tiện chụp hình phong cảnh, vả lại khi đi xe hầu như tôi không ngủ nên ngồi đó tiện trò chuyện với bác tài cho vui. Còn lính lác ngồi sau ngủ ngáy như kéo gỗ…

Các chuyến công tác hay đi với nhân viên là nam, phần lớn là học trò của tôi ở trường, vì vậy tuy là “sếp” nhưng kiêm luôn vai trò hậu cần vì chúng nó có biết mua bán gì đâu. Vì vậy đến đâu có chợ là tranh thủ nhảy xuống mua đồ ăn, thậm chí hỏi đường giùm bác tài… Có lần khi đến cơ quan kia mấy người ngồi sau bước xuống trước, trong đó có 1 cậu trông rất nghiêm túc đạo mạo. Cơ quan bạn ra đón, bắt tay cậu kia chào hỏi rối rít vì tưởng là sếp. Tôi thì quần jeans áo thun, lại ngồi phía trước ghế “lơ xe” nên ai cũng nghĩ là nhân viên. Đỡ được màn chào hỏi xã giao, hihi.

Có chuyến đi xe ra miền Bắc, khi trở về tự nhiên hai chân tôi rất mỏi và đau nhức. Tôi nói với cậu lái xe: tòan ngồi trên xe mà sao chị đau chân quá? Cậu lái xe cười: chị biết sao không, đi đường em thấy khi em đạp thắng là hai chân chị cũng… ghì xuống sàn xe giống như đạp thắng vậy á. Hèn chi…

Ngồi với lái xe được nghe nhiều chuyện hay, từ chuyện nơi nào có đặc sản gì, chuyện hàng quán nào ăn ngon mà rẻ, nơi nào ngủ ở khách sạn hay bị em út gõ cửa… Một lần trên đường đi bọn tôi ghé Tam Kỳ - khi ấy mới trở thành thị xã của tỉnh Quảng Nam tách ra từ tỉnh Quàng Nam – Đà Nẵng. Đòan có tôi và mấy cậu em đồng nghiệp. Lúc đó đã khỏang 8 giờ tối, lái xe đi vòng vòng không tìm được chỗ nghỉ đêm, hỏi đâu cũng hết chỗ vì tỉnh có đại hội gì đó nên dành hết khách sạn phục vụ đại biểu.

Đành tìm mấy nhà trọ bình dân. Nhưng chỗ nào cũng trả lời không có phòng dù tôi thấy rõ ràng còn nhiều phòng trống. Một câu trong đòan bảo: lát nữa chị để em xuống hỏi. Quay lại  nhà trọ kia cậu ta vừa bước xuống xe, chưa kịp hỏi đã có người chạy ra: lấy phòng ko em? Mấy phòng để chị xếp? Nghe vậy mừng quá tôi lật đật bước xuống, vừa thấy tôi người nhà trọ nói luôn: hết phòng rồi! và quay ngóăt đi vào, tôi không kịp hỏi thêm câu nào.

Lên xe cậu em vừa cười vừa nói: “bà” ơi phòng trọ này chỉ cho nam thuê phòng thôi. Em định lấy mấy phòng xong mới bảo “bà” vào, ai bảo “bà’ nhanh nhẹn làm gì hỏng hết việc. Cả bọn nhao nhao trêu tôi: uh đi với bà này chả làm ăn gì được. Vừa buồn cười vừa bực mình, tôi bảo: tối nay tao ngủ trên xe, để chúng mày tự do tìm chỗ ăn chơi cho dễ! Cuối cùng cũng tìm được nhà trọ và chỉ ngủ được 4,5 tiếng vì sáng sớm hôm sau lại đi tiếp.

Trên đường quốc lộ rất hay có người băng ngang đường. Cậu lái xe bảo: chị để ý nha, nếu thấy người lớn nắm tay con nít thì yên tâm vì người lớn giữ chắc, nếu con nít nắm tay người lớn thì phải cẩn thận hơn vì con nít là hay bất ngờ buông tay chạy đại, không lường trước được.

Kinh nghiệm này tôi học được từ cậu lái xe và luôn nhớ vì không chỉ  là chuyện trên đường đi. Tôi đã biết có những người như trẻ nhỏ, không thể biết lúc nào họ nói ra những câu “khó đỡ” vì sự vô duyên, không tế nhị, thậm chí gây khó chịu cho người nghe. Mọi người đành im lặng hoặc lảng sang chuyện khác… Vậy nhưng họ cứ tưởng những câu nói đó là hay ho lắm, lần sau tiếp tục “nói không kịp cản”. Trường hợp như thế này thì không thể đề phòng, cẩn thận như cậu lái xe dặn, chỉ còn một cách là “bò né” người đó thôi. Nhưng, mình tránh họ nhưng họ nào có tránh mình, cứ nhảy vào chuyện của mình mà phát tùm lum ngôn. Cái này thì đúng là tai nạn!

Ai có cao kiến gì cho tui không J

EM KỂ CHUYỆN NÀY

Sáng nay đi đường gặp 1 chuyện giống y như chuyện của mình mấy tháng trước, bỗng thấy ngán ngẩm cho đờn ông thời nay (xin lỗi các bạn đàn ông xịn :)
Chuyện của mình hồi tháng 1/2012 là thế này:


“Em kể chuyện này”

Sáng có việc hẹn bạn ở cà phê sau Dinh Thống Nhất. Lúc ra về, mình từ trong đi xe máy ra đến cổng thì có 1 xe hơi cua gấp từ Huyền Trân công chúa vô, Bảo vệ nói: xe hơi  dze chút đi, nhưng xe vẫn lách vào ép mình sát lề xém té.  Mình phải thả 2 chân để giữ thăng bằng cho xe máy. Xe hơi dừng, chàng (hao hao diễn viên hài Quốc Khánh) bước xuống, quát (giọng bắc): em đi kiểu gì thế? – Sao anh hỏi vậy, em đi từ trong ra trước, đáng lẽ anh phải dừng lại chứ! Chàng chăm chú nhìn xe hơi: xe chàng quệt vào đuôi xe mình bị trầy chút xíu bằng đốt tay, quay lại mình: đi đứng mắt mũi để đâu thế? – Mắt anh để đâu, nếu tôi ko chống chân xuống thì tôi té rồi đấy! Mọi người xung quanh: anh kia cho xe vào sân đi, sao cứ đứng giữa cổng ra vô? Chàng bèn 1 tay giữ đuôi xe mình, một tay móc chùm chìa khóa trong túi ra, cầm 1 chiếc và… vạch mạnh vào cốp xe Attila cũ xì của mình. Mình: - Anh có là đàn ông không đấy!!!
Mình phóng đi, về đến cơ quan nhìn lại xe: hoho chàng vạch vào… chỗ dán đềcan hoa tím nên chỉ trầy đềcan thôi. Hahaha,  mà nếu có trầy xe Attila thì cũng ko đau bằng trầy xe hơi mới, nhỉ, ANH CHÀNG KO PHẢI LÀ ĐÀN ÔNG KIA!

Trên "Tủ sách tuổi trẻ" của báo Tuổi trẻ

Thứ Sáu, 13/04/2012, 00:05 (GMT+7)
Tin sách
Buổi trưa trong quán cà phê với Nguyễn Thị Hậu
TT - Tập tản văn thứ hai của tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu tập hợp các bài tản văn chị viết đăng trên các báo và các trang blog. Dù là bài dài, bài ngắn thậm chí rất ngắn, thì bao trùm vẫn là tâm thế của một người luôn đau đáu trách nhiệm xã hội qua những quan sát cá nhân.
Từ cách sống thờ ơ, vô cảm với các tệ trạng quanh mình đến những vấn nạn đô thị ngập lụt mà con người đồng phạm với thiên nhiên gây ra.
Sách do NXB Văn Hóa - Văn Nghệ ấn hành - Ảnh: Thuận Thắng
Từ cái cách có thể xây đắp cho hạnh phúc gia đình mà chưa cần tới thật nhiều tiền bạc đến cái cách chạy theo các hư danh đến nỗi đánh mất cả ý nghĩa đích thực của sự bình đẳng. Dễ dàng nhận ra trong từng bài viết cái cách bộc lộ tâm trạng không màu mè, không làm dáng của một cây bút sống chân thành và viết chân thành về những gì bản thân trải nghiệm.
N.T.T.

Phục sinh, vâng, hy vọng thế.

 Biết về lễ Phục sinh là từ tiểu thuyết cùng tên của L. Tolstoi, mà cũng chỉ biết qua loa, đại khái đây là một ngày lễ của Thiên chúa giáo, mừng Chúa sống lại. Còn thì tòan nhớ về mối tình trong trắng của cô hầu gái Maxlova với chàng sinh viên Nekhliudov, về số phận bị rơi xuống tận đáy xã hội rồi “phục sinh” trở lại con người tốt đẹp của cô.  Hồi đó, khi xem tiểu thuyết này đã rất cảm phục Nekhliudov vì chàng đã tự nhận trách nhiệm, rằng tình cảnh đau khổ và tội lỗi của nàng Maxlova là do chính mình gây ra; chàng ăn năn hối hận, tìm cách chuộc tội. Nekhliudov quyết tâm tìm mọi cách xin ân xá cho Maxlova, chàng hứa với Maxlova sẽ cưới nàng để chuộc lại lỗi lầm xưa.

Cho đến bây giờ vẫn luôn tự hỏi, hình như trong văn học Việt Nam không có nhân vật nào như thế…?!

Sau này khi chị gái đi học ở Hungary, mỗi mùa Phục sinh hay gửi về những tấm bưu thiếp hình quả trứng Phục sinh trang trí rất đẹp, thực sự là những vật phẩm mỹ nghệ tuyệt tác.

Sau nữa mới để ý, lễ Phục sinh là vào khỏang đầu mùa Xuân. Ngày lễ chính của Lễ Phục sinh cũng vào một ngày trong tuần Trăng. Không biết có sự trùng hợp nào không giữa ý niệm “sống lại”, biểu tượng quả trứng… với quan niệm mùa xuân là mùa bắt đầu một chu kỳ mới của thiên nhiên? Tự hỏi như vậy là vì nhiều tộc người ở Đông nam Á có Tết năm mới hoặc phổ biến nhìều lễ hội vào khỏang tháng Tư, thời gian chuyển từ mùa khô sang mùa mưa – bước vào thời vụ của nông nghiệp trồng trọt. Trăng – Nước – Phụ nữ, 3 yếu tố có quan hệ với nhau khá mật thiết trong tín ngưỡng nông nghiệp ĐNA…

Haizzz, cứ liên tưởng linh tinh lang tang… Thôi thì gì cũng được dù là khởi đầu hay bắt đầu lại một vòng quay mới của thiên nhiên, một vòng đời của con người, của một mối quan hệ giữa những con người… thì Phục sinh luôn mang ý nghĩa tốt lành.

A quên, ngày Chúa Nhật của lễ Phục sinh, người ta còn trao nhau những nụ hôn cùng lời hân hoan: Chúa sống lại rồi!

Một mùa Phục sinh bình an và vui vẻ cho mọi người.

CÀ PHÊ ở SÀI GÒN :)


Từ trong quán ra vỉa hè, mà vỉa hè thì thường xuyên hơn, vì có nhiều bạn bè, vì rẻ, vì thỏai mái và vì... rất Sài Gòn :)

HẬU TÂM KHẢO




Đọc BUỔI TRƯA TRONG QUÁN CÀ PHÊ – TẢN VĂN
của NGUYỄN THỊ HẬU, Nxb Văn hóa  - Văn nghệ, 2012

Đọc hết cuốn tản văn, tự nhiên trong tôi bật ra cái “tít” nghe ngồ ngộ HẬU TÂM KHẢO.
Thực ra, tôi mới quen biết tác giả này chừng hai năm nay, chưa có mối quan hệ thân thiết. Nguyên là tôi cũng hay tham gia, nhưng không thường xuyên, những câu chuyện, những đề tài liên quan tới đa ngành văn hóa ở quán Cafe Thứ Bẩy.Tôi gặp chị tại buổi chị giới thiệu cuốn sách mới phát hành về khảo cổ của chị. Tôi mài mại nhớ buổi đó, chị, với sự nhiệt thành, tâm huyết, đã nêu những vấn đề khoa học và thế sự nóng, nhạy cảm, bức thiết của đất nước thông qua chuyên nghành khảo cổ học của chị.
…..
Qua tập tản văn Buổi trưa trong quán cà phê, như tôi nghiệm ra, trong chị có hai con người: một con người khoa học “Khảo” cổ sắc sảo, Tâm huyết, tỉ mỉ, chính xác, hệ thống và quy luật, một con người làm văn tinh tế, Tâm thiện, tinh tế, mộng mơ, bao dung và khái quát. Cả hai con người này cùng có TÂM: tâm huyết, tâm thiện, còn có Tâm KHẢO (khảo sát, khảo cứu, khảo nghiệm, khảo thí, cả tra khảo... ) là phương thang giải cái nghiệpTâm, duy kết sao cho mọi việc đều cho có HẬU, như ý hướng của gia đình khi đặt tên Hậu, chắc chắn muốn con cái sống phúc hậu, có trước có sau. Sống phúc hậu cũng là hậu, có trước (tiền) có sau (hậu) cũng là hậu. Gì thì gì, mọi sự, mọi việc, ở con người này, đều xuất tự một hệ TÂM, mà muốn có Tâm thì tất phải có Trí (có Trí để “khảo”dị)! Thế là cái tít HẬU TÂM KHẢO trình làng.

Tập tản văn hiện rõ cái Tâm trong khoa học, cái Tâm trong việc văn ở chỗ, các bài viết khảo tả kỹ lưỡng tất cả hiện tượng trong vòng quan sát, đều thấy “giầu chất văn hóa dưới một dáng vẻ lùi xùi” (147), sự “đồng quy văn hóa” (186) thể hiện sự tính cội nguồn. Chị đã dùng phương cách so sánh đối chiếu của khoa học để làm bật lên cái mâu thuẫn thời đại trong bài “Tản mạn về chợ” (62) mang dấu ấn của “văn hóa mẫu hệ” với nét đặc trưng “thuận mua vừa bán”... cho nhận xét xác đáng “Tên gọi các chợ hiện đại – phần nhiều là tên nước ngoài – nghe nhạt hoét... không mang chút ký ức văn hóa nào cả” (66), từ một thực tế rất đời “Mà bây giờ, ăn nói “kiểu chợ búa”, “hàng tôm hàng cá” đâu cần phải ra đến chớ mới có”, còn nội dung chức năng của chợ vẫn nguyên là “Chợ – ký ức của những con người được di truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ ...mong mẹ đi chợ về...” (67).

Phương cách so sánh chị thường dùng, như  vừa dẫn ở trên, tựa hồ nhẹ tênh, nhưng tâm tư thì nặng trĩu...Chị hành nghề khảo cổ với cái đích của khoa học khảo cổ là khảo tìm cội rễ, nguồn gốc. Khúc tản văn “Chuyện về những vòi nước cổ” (117) chứng minh việc trên đường khảo tìm nguồn cội, khi ngửa cổ uống ngụm nước nguồn mạch trong lành, mát ngọt từ những vòi nước cổ thì cùng lúc bật ra những thắc thỏm, ngẩn ngơ tiếc...“nhiều người lơ đãng không biết rằng mình vừa đi qua một chứng tích của cuộc sống từ vài trăm năm trước. Những vòi nước ấy là những “di sản văn hóa phải có đời sống của chính nó, nhờ con người và vì con người”. Nhờ nghề khảo cổ chị có được cái nhìn xuyên suốt, thấu triệt, khẳng định đầy tự hào có một nền văn hóa Đông Nam Á cổ: “Trong lịch sử, vùng Hoa Nam từ phía nam sông Trường Giang nằm trong khu vực văn hóa Đông Nam Á cổ với kỹ nghệ đúc đồng và nông nghiệp trồng trọt hình thành và phát triển từ rất sớm. Nhưng từ thời Hán vùng này xa dần văn hóa truyền thống Đông Nam Á”. Chị còn xác định tính cách Lạc Việt trong  Bách Việt, như một sự cảnh tỉnh cộng đồng. Nhưng hiện thực thì, thật tiếc, vì cái thói quen an phận “nước nhỏ” đến mức tự ti, đẻ ra cách ứng xử hiện thời là, hình như, thường xuyên cam chịu ở thế dưới, cam phận nhận cái nhìn từ trên cao nhìn xuống, cái nhìn “hạ cố”, ban ơn của ngoại bang và cũng của chính người bản địa với nhau, còn ta - chủ thể thì cứ yên phận, cam chịu mà “ngước nhìn”. Và một câu hỏi buột ra, nhẹ thểnh ...“Có ai nhận ra điều đó không?!” (82)

Tôi không biết gì về khoa học, trót dặm lời, lỡ viết nhăng đoạn văn lủng củng này,.. Thôi thì, dù sao cũng trót lỡ!...

Tiếp đến chuyện cái bìa sách. Bìa cuốn tản văn vẽ một tách cà phê. Nước cà phê màu nâu sánh. Một phần nước cà phê sủi bọt màu nâu nhạt chiếm non nửa vành miệng tách, hình cong cong, ôm lấy phần nước cà phê màu nâu đậm, tạo hình cũng cong cong. Ở giữa lòng tách cà phê, điểm một “tim” son đỏ chót, rõ ràng là có chủ ý, dẫn tôi liên tưởng ngay tới đồ hình “thái cực” ở phần lý thuyết  của Dịch Lý (là cái lý của sự chuyển dịch, xê dịch!). Tách cà phê  được cố ý đặt lên một viên sỏi. Bìa sách này tự nó đã gợi lên tâmtính của không chỉ một con người, có tấm lòng son, hóa hiện lên trong dòng thời gian miên viễn chảy, đã biết theo quy luật “thuận thời sinh sinh”, và do vậy lại làm bật trong tôi sự liện tưởng tới khái niệm không - thời gian hợp nhất của Đông phương...

 Về chuyện chữ nghĩa và nội dung. 
Nét đầu tiên, tôi chú ý, ấy là những chữ mang tính tổng  kết ở cuối mỗi đoản văn, kiểu như: “Giá mà,.. Thôi cứ là,..Bất giác,..lúc nào đấy Bỗng nhiên,.. Chừng nào,..Hình như,.. Chỉ thấy,..Chắc rằng, ..Nguy cơ...Tất cả những con chữ viện dẫn ở trên, với tôi, rất gợi, dễ luận rằng con người này có vẻ dễ cam phận trước thực trạng nhoáng nhoàng (63, 194), bát nháo, mất gốc, mất bản sắc, đang tàn lụi,..nhưng, thực ra, trong những con chữ nhẹ tênh ấy lại đang găm giữ sự khắc khoải nặng nề, ý thức và tự ý thức về cuộc đời, về con người ở trong những con người còn có lương tâm, có trách nhiệm, suy nghiệm nhiều đến mức những kiến thức và hiểu biết thu nhận biến thành một phần máu thịt, theo kiểu ý thức biến thành vô thức thông qua các phản ứng tức thì, chẳng cần suy nghĩ . Cách dùng chữ dụng công ấy làm bật ra hàm ngôn sâu, rộng và ngữ nghĩa lan tỏa của tản văn.

Nét thứ hai, tôi chú ý cách dùng biện pháp “tâm khảo” để so sánh cái “đương đại” – thói hãnh tiến trong “Phụ nữ thành đạt” (208), đối chiếu với cái thường hằng theo truyền thống “văn hóa nông nghiệp” để tự ý thức về “sống chậm” (161), tự rút bài học, tự nhủ “Thôi cứ là một người phụ nữ bình thường cho lành. Có một nghề tử tế để làm...Và khi cáu giận bực bội có thể “dang tay giữa trời mà...hét” ...với tôi (nhà văn), thế là “thành đạt” lắm rồi, chẳng cần gì hơn”. (211).

Suốt cả cuốn tản văn tác giả luôn tự rút ra bài học, nhưng không để cho riêng mình...Bài học bắt đầu từ hoài niệm, qua các trải nghiệm từ thời chiến tranh tới buổi hòa bình, tạo cho tôi – người viết bài này có điều kiện để tự thấy “cuộc đời những túi bụi quên/ quên bị bỏ rơi vì túi bụi/ quên tiếng súng trong giấc ngủ vùi/quên tương lai hiện nguyên hình trong quá khứ/ vẫn nguyên những chớp lửa ùng oàng/ hiện vẫn đang nghi ngút khói/ gặp những huyền dị ở cõi người...

Tâm hồn Tản văn trong sáng, cực nhậy.
Trên bước “Đường mùa thu” (121), Tản văn cộng cảm với chú Vàng  của người khiếm thị, thảng thốt, trầm tình  “Chú Vàng ơi, nếu ông chủ không bị khiếm thị thì đôi mắt chú có buồn đến thế..?”. Sự cộng cảm này đang vang động trong tôi – người đọc, cũng...“đến thế”.

Rồi “Tiếng Phong cầm trên đường phố Potsdam”: “Bỗng đâu tiếng phong cầm rộn vang cả một đoạn đường. Giai điệu của những bài hành khúc Liên xô không lẫn vào đâu được. (117)... “phối bè đặc Nga như thế”. Tiếng phong cầm mà tác giả đã nghe, đã cảm ấy lại gởi mở, lại lay động trong tôi… Tôi cộng cảm cùng bức tranh minh họa ở trang 117, tôi đã săm soi nhìn.. tôi chợt hình dung thấy một đàn Sếu đã bay qua, để lại một khoảng không hoang vắng, trên cái nền đó hiển hiện “Người lính Xô viết tay bồng bé gái, tay kia cầm thanh kiếm  mũi chúc xuống  đất. ...” và phía trời xa hiện lên bóng cây thập ác chiến tranh. Có lẽ, không chỉ riêng người lính, chỉ bằng duy cảm thôi cũng thấy chiến tranh. Duy cảm một cách tự nhiên như tự nó, trái ngược với thói đời nay thời thượng, vô cảm, vô cảm bắt đầu từ sự dửng dưng, bất lực, tạo ra “chủ nghĩa MAKENO”  “Ý thức cộng đồng đang băng hoại từ sự dửng dưng như thế”(42) Bởi quá nhiêu lời hứa, quá nhiều du di, quá nhiều ban khen và quá nhiều lệ làng hội hè, đình đám...song tất cả chỉ chuyên trị bằng lời hứa, lạm dụng Ngôi LỜI, thừa mứa, bất lực! “Khi ngôn từ bất lực thì bạo lực lên ngôi” (43), dĩ nhiên!

“Mơ ghe” là hoài niệm về một thời chưa xa mà đã xa tít tắp, thể tính hiện trong trạng thái “giờ này không muốn làm gì, chỉ muốn làm biếng, trôi đi đâu thì trôi, mà mắc vào đâu thì mắc...”(50) vì cảnh thực “rừng đã cháy và rừng đã hết.” Không còn rừng thì không còn nguồn nước, cuộc sống không nước tất sẽ tiêu vong, như cái ghe nằm chết khô, đang chình ình trên cạn! Tất cả hiện đang, hình như đảo lộn: sông không còn nước, còn “phố bỗng là dòng sông uốn quanh”.  Bởi vì, có lẽ, do cạn kiệt tài nguyên, do đời người đang bị quăng quật vì miếng cơm manh áo, mà nguyên cớ lớn nhất là do thói cao ngạo, hãnh tiến, hám quyền, hám tiền, như Tản văn đã dẫn ra một thực tế là “Khu tưởng niệm Hồng quân Liên xô...một nơi rất it khi có khách Việt đến tham quan (91), rất ít các tour du lịch của người Việt đến đó (105) cũng tại một phần do cái sự nghèo, phần khác là do xa dần cái bản sắc văn hóa, đánh mất dần cái gốc văn hóa ở trong mỗi thực thể người, dẫn tới sự dửng dưng, vô cảm! Trước cảnh người như thế nên: “Ly cà phê chợt đắng!” (132)! Mà như tôi thấy thì không chỉ đắng mà, lúc này đắng ngắt! tuy vẫn biết “hương vị cà phê mỗi mùa mỗi khác đấy” (130)... đang thấy những  ki ốt sách cũ đìu hiu thì vẫn thế...thấy những cuốn sách vàng mặt đang ghìm giữ thời gian, vẫn mốc thếch hiu hiu, vẫn buồn tênh cô quạnh, những cuốn sách vẫn gói hồn thiên thu, vẫn mở lòng trải nghiệm, vẫn vừa cũ và vừa mới tinh tươm, vẫn lặng thinh trải nghiệm, và một câu hỏi lại bật lên trải lòng cùng trang sách cũ biết còn có những ai, những ai đang còn dấm lửa và thổi lửa trong những trang sách ấy?

Qua Tản mạn, qua ký ức và hoài niệm tác giả vốn quê nội ở Chợ Mới An giang, ao ước, trở về nơi sống thời thơ ấu là Hà nội với bao nhiêu tâm cảm, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu bồn chồn, thắc thỏm, nhớ một thời sơ tán, nhớ một thời chiến tranh:.. “đã cắt lìa tuổi thơ tôi với ba má(55) với cảm cái giác “bị bỏ rơi”, “sự tổn thương không ai muốn” (56) và bài học của muôn đời là : “sự hy sinh to lớn của các thế hệ chính là để bảo vệ sự sống, sự hồn nhiên của trẻ thơ ở bất cứ nơi nào trên trái đất (109) với: “Cái tôi cần là anh làm thế nào cho người ta ghê sợ chiến tranh,để sống tử tế hơn...cho trẻ con được lớn lên dưới bầu trời xanh”... và bây giờ, trong buổi hòa bình, Hà nội đang thay đổi, nhà cao tầng đang choán chật, những gì là hồn vía thì đang phách tán hồn xiêu...và còn, vẫn còn đang sự hám lợi danh và giầu nghèo quay quắt!

Cuộc sống vẫn tiếp tục trôi xuôi. Con người vẫn tiếp tục sống, chấp nhận thực tại như vốn nó là thế... Và tác giả tự bằng lòng với thực tại, tự khẳng định tiếp tục cuộc sống như đã sống “Thôi mình về đi làm đây.” (53)... Và rồi lại cũng sẽ cùng bè bạn, có những buổi chiều ở một nơi nào đó, ngẫm nghĩ bâng quơ, tay lơ đễnh,  nhè nhẹ nâng ly rượu rỗng không, để hồn mình chìm vào hoang vắng,cho đôi mắt nhìn không đâu, xem dòng đời trôi lờ lững ...Và thế rồi thực tại lại trở về là ‘đi ngủ, và mơ.”(31) lại những cà phê, những buổi trưa và những quán...tưởng, thư thái trong bận rộn ngập đầu!

Thứ tư, ngày 4 tháng 4, 2012, 
Mạc Tuấn ĐINH TRẦN TOÁN
 (Giảng viên tiếng Nga và văn học Nga - Xô Viết. Đã nghỉ hưu. Thích văn chương và nghiên cứu văn hóa)

THÁNG TƯ VỀ




Tháng Tư
Trên những con đường Hà Nội gánh hàng rong thong thả màu vàng mơ chùa Hương, vòng xe đạp tinh khôi những bông loa kèn trắng… Tôi gọi tháng Tư Hà Nội là mùa dịu dàng, khi đông đã qua mà hạ còn ngập ngừng chưa đến.
Tháng Tư.
Mỗi sáng mỗi chiều sương giăng mờ đường phố. Quán bên đường thơm mùi café… Tháng Tư ơi sao vẫn làm người ta ngần ngại khi muốn ngồi xích lại gần nhau...
Tháng Tư.
Đêm bên Hồ Gươm vừa quen vừa lạ. Lòng vẫn mềm khi nhắc về chuyện cũ dù lời nói như bông đùa. Bạn chắc đã quên sao mình còn nhớ mãi…?
Tháng Tư. Một lời nhắn vu vơ… hẹn rồi nhưng không gặp. Ừ, cuộc đời đôi lúc cũng là mạng ảo mà thôi…
Tháng Tư đi… nhớ hẹn tháng Năm về…

Tháng Tư…
Trên những con đường Sài Gòn hoa lẫn trong nắng vàng đầu hạ. Cánh
điệp vàng bay theo từng làn gió mát. Hoa bò cạp rực rỡ từng chùm đong đưa theo dòng xe hối hả. Tôi gọi tháng Tư Sài Gòn là mùa thương nhớ, khi người ra đi và người ở lại mãi mong một ngày được về lại bên nhau…
Tháng Tư.
Cái nắng cuối mùa oi bức làm người ta chỉ mong tìm một nơi bóng râm mát mẻ, ngồi đó và trò chuyện về thời đã qua, thời mà ta chia tay chỉ vì phải chia xa như thế…
Tháng Tư.
Nơi bạn ở hoa mùa xuân tràn đường tràn phố. Hơi ấm quay về sau một mùa đông giá lạnh. Xe chạy trên xa lộ mang theo lời ca nhắn nhủ “về đây nghe em, về đây nghe em…” *
Bao nhiêu năm đã trôi qua, cuộc sống dẫu dài nhưng cuộc đời mỗi người là hữu hạn.
Tháng Tư ơi hãy để bạn tôi trở lại Sài Gòn…

* Bài hát Về đây nghe em của Trần Quang Lộc

(Tháng 4/2010)

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...