Chuyện đi đường

Đi đâu đường dài bằng xe hơi tôi hay chọn ngồi ghế trước cạnh lái xe. Hồi trước là vì hay bị say xe, sau này hết say xe thì thích ngồi trước tiện chụp hình phong cảnh, vả lại khi đi xe hầu như tôi không ngủ nên ngồi đó tiện trò chuyện với bác tài cho vui. Còn lính lác ngồi sau ngủ ngáy như kéo gỗ…

Các chuyến công tác hay đi với nhân viên là nam, phần lớn là học trò của tôi ở trường, vì vậy tuy là “sếp” nhưng kiêm luôn vai trò hậu cần vì chúng nó có biết mua bán gì đâu. Vì vậy đến đâu có chợ là tranh thủ nhảy xuống mua đồ ăn, thậm chí hỏi đường giùm bác tài… Có lần khi đến cơ quan kia mấy người ngồi sau bước xuống trước, trong đó có 1 cậu trông rất nghiêm túc đạo mạo. Cơ quan bạn ra đón, bắt tay cậu kia chào hỏi rối rít vì tưởng là sếp. Tôi thì quần jeans áo thun, lại ngồi phía trước ghế “lơ xe” nên ai cũng nghĩ là nhân viên. Đỡ được màn chào hỏi xã giao, hihi.

Có chuyến đi xe ra miền Bắc, khi trở về tự nhiên hai chân tôi rất mỏi và đau nhức. Tôi nói với cậu lái xe: tòan ngồi trên xe mà sao chị đau chân quá? Cậu lái xe cười: chị biết sao không, đi đường em thấy khi em đạp thắng là hai chân chị cũng… ghì xuống sàn xe giống như đạp thắng vậy á. Hèn chi…

Ngồi với lái xe được nghe nhiều chuyện hay, từ chuyện nơi nào có đặc sản gì, chuyện hàng quán nào ăn ngon mà rẻ, nơi nào ngủ ở khách sạn hay bị em út gõ cửa… Một lần trên đường đi bọn tôi ghé Tam Kỳ - khi ấy mới trở thành thị xã của tỉnh Quảng Nam tách ra từ tỉnh Quàng Nam – Đà Nẵng. Đòan có tôi và mấy cậu em đồng nghiệp. Lúc đó đã khỏang 8 giờ tối, lái xe đi vòng vòng không tìm được chỗ nghỉ đêm, hỏi đâu cũng hết chỗ vì tỉnh có đại hội gì đó nên dành hết khách sạn phục vụ đại biểu.

Đành tìm mấy nhà trọ bình dân. Nhưng chỗ nào cũng trả lời không có phòng dù tôi thấy rõ ràng còn nhiều phòng trống. Một câu trong đòan bảo: lát nữa chị để em xuống hỏi. Quay lại  nhà trọ kia cậu ta vừa bước xuống xe, chưa kịp hỏi đã có người chạy ra: lấy phòng ko em? Mấy phòng để chị xếp? Nghe vậy mừng quá tôi lật đật bước xuống, vừa thấy tôi người nhà trọ nói luôn: hết phòng rồi! và quay ngóăt đi vào, tôi không kịp hỏi thêm câu nào.

Lên xe cậu em vừa cười vừa nói: “bà” ơi phòng trọ này chỉ cho nam thuê phòng thôi. Em định lấy mấy phòng xong mới bảo “bà” vào, ai bảo “bà’ nhanh nhẹn làm gì hỏng hết việc. Cả bọn nhao nhao trêu tôi: uh đi với bà này chả làm ăn gì được. Vừa buồn cười vừa bực mình, tôi bảo: tối nay tao ngủ trên xe, để chúng mày tự do tìm chỗ ăn chơi cho dễ! Cuối cùng cũng tìm được nhà trọ và chỉ ngủ được 4,5 tiếng vì sáng sớm hôm sau lại đi tiếp.

Trên đường quốc lộ rất hay có người băng ngang đường. Cậu lái xe bảo: chị để ý nha, nếu thấy người lớn nắm tay con nít thì yên tâm vì người lớn giữ chắc, nếu con nít nắm tay người lớn thì phải cẩn thận hơn vì con nít là hay bất ngờ buông tay chạy đại, không lường trước được.

Kinh nghiệm này tôi học được từ cậu lái xe và luôn nhớ vì không chỉ  là chuyện trên đường đi. Tôi đã biết có những người như trẻ nhỏ, không thể biết lúc nào họ nói ra những câu “khó đỡ” vì sự vô duyên, không tế nhị, thậm chí gây khó chịu cho người nghe. Mọi người đành im lặng hoặc lảng sang chuyện khác… Vậy nhưng họ cứ tưởng những câu nói đó là hay ho lắm, lần sau tiếp tục “nói không kịp cản”. Trường hợp như thế này thì không thể đề phòng, cẩn thận như cậu lái xe dặn, chỉ còn một cách là “bò né” người đó thôi. Nhưng, mình tránh họ nhưng họ nào có tránh mình, cứ nhảy vào chuyện của mình mà phát tùm lum ngôn. Cái này thì đúng là tai nạn!

Ai có cao kiến gì cho tui không J

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...