Đọc sách "Buổi trưa trong quán cà phê"



Hải Anh  (Văn nghệ Tp Hcm Số 196 ngày 5-04-2012)


Buổi trưa trong quán cà phê là tập tản văn thứ 2 của tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, do nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ in ấn và phát hành quý I, 2012 sau Quay qua quay lại (tản văn, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2010), Đi và tìm trong đất (Ký và tạp bút, Nxb Thanh Niên, 2008), Khảo cổ học bình dân Nam bộ Việt Nam, từ thực nghiệm đến lý thuyết (viết cùng TS Lê Thanh Hải, chuyên khảo, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2010), 100 câu hỏi đáp về khảo cổ học TpHCM (đồng tác giả, Văn Hóa Sài Gòn, 2008).  

Tên gọi của tập tản văn Buổi trưa trong quán cà phê gợi lên một không khí rất Sài gòn. Nghĩa là có…cà phê (dĩ nhiên rồi), tiếng ồn ào bụi mù, có cái nắng hầm hập, rát người, có một Girval của quá khứ và có chủ nghĩa Mackeno. Mỗi ngày lướt web, các tin tức tràn ngập những cướp, giết, hiếp trên mạng hoặc chứng kiến những cảnh tượng đau lòng từ đời thực mà nhiều người lại có lối ứng xử rất “kỳ lạ”, thậm chí còn hôi của, cười cợt trên nỗi đau của người khác. Chị đã kịp ghi lại những bức xúc rất đời thường nhưng vẫn mãi thời sự ấy trên trang viết: “Không thể không tự hỏi, vì sao được nhiều người cảm phục và tôn vinh nhưng những con người đã hành động “mình vì mọi người” lại thường đơn độc trong việc làm dũng cảm của họ? Ai sẽ bảo vệ khi họ bị trả thù? Vì sao họ không có cuộc sống ổn định như họ xứng đáng được có vì những điều thiện họ đã làm cho xã hội? Câu trả lời luôn bị bỏ ngỏ, ngay cả với những người có trách nhiệm phải trả lời!” (Dửng dưng và bất lực, tr.40). Hay: “Nếu cái tốt lui bước thì cái xấu dần dần sẽ được coi là bình thường! Đáng sợ nhất là khi tốt xấu không còn phân biệt, mọi giá trị đảo lộn, lúc đó con người trở nên thờ ơ với cái xấu, thờ ơ lẽ phải, với sự thật!” (Chuyện nghe từ người không quen, tr.206) .

Bên cạnh đó, đọc sách chợt thấy cái nhíu mày của chị vì sự lộn xộn của cảnh quan đô thị khi quy hoạch thành phố còn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, nhưng cũng có ánh mắt tràn đầy yêu thương dành cho những con hẻm ở Sài Gòn: “Nhiều hẻm yên tĩnh đến mức hầu như không có ai đến đó dán các tờ quảng cáo, các số điện thoại dạy kèm học thêm hay khoan cắt bê tông. Trong hẻm rợp mát giàn bông giấy, bông hoàng anh… những cành hoa rực rỡ trên nền lá xanh mướt vươn ra từ sau song sắt trên cao. Có lần nào đó bạn hãy rẽ vào một hẻm nhỏ để tránh con đường ầm ào như cơn lũ ngoài kia. Đi xe chầm chậm trong hẻm bạn sẽ thấy lòng chợt bình yên lạ lùng”. (Hẻm phố Sài gòn, tr.45).

Nhưng giống nhiều người khác, tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi biết chị Nguyễn Thị Hậu có gốc gác là  An Giang- Cao Lãnh vì khi trò chuyện, chị vẫn giữ chất giọng Hà Nội đặc sệt. Chị cho biết những năm 1954-1955, gia đình tập kết ra Bắc thế nên “Hà Nội- miền Bắc, đó là tuổi thơ của tôi, tuổi thơ nghèo khó nhưng thật sự êm đềm, thật sự “thơ”. Có thể nói rằng nền tảng văn hóa cơ bản của tôi được hình thành ngay từ khi ấy” (Gửi lại tuổi thơ tôi, Hà Nội…, tr.182). Vì thế không ngạc nhiên khi chị có những trang viết rất đẹp, rất “mùi vị” Hà Nội khiến kẻ xa lạ như tôi ngồi ngẩn ngơ mơ tưởng: “Trong ký ức của tôi Hà Nội là những sớm mùa đông lạnh giá theo tàu điện leng keng tôi đi từ Chợ Hôm qua đền Voi Phục đến trường Yên Hòa ở tận Cầu Giấy; là buổi tối mùa hè râm ran tiếng ve kêu cùng bạn bè kéo nhau lên Tràng Tiền thi ăn kem cốm…” (tr.183, Gửi lại tuổi thơ tôi, Hà Nội…).

Nhưng có lẽ khi đọc “Buổi trưa trong quán cà phê”, tôi thích nhất là cảm giác chìm đắm vào thế giới lãng đãng, mơ mộng của tiếng phong cầm, của vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên kín đáo và tuyệt diệu trong: Berlin-mùa thu xanh, Trên cầu tình yêu, Bắt đầu từ “Blue Danube”, Tiếng phong cầm trên đường phố Potsdam, Đường mùa thu, Cà phê Paris, Starbucks coffee. Thử đọc: “Con đường mùa thu qua những ngôi làng nhỏ. Những ngôi nhà vút qua cũng nhỏ nằm giữa khu vườn xinh xinh trồng hoa, những luống rau, vài cây táo trong sân, hàng rào gỗ sơn nâu, mái ngói xám dốc đứng, cửa sổ tầng sát mái như đôi mắt lặng ngắm con đường thẳng tắp chạy qua chia ngôi làng làm hai nửa.” (Đường mùa thu, tr.123)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...