(Lại nói về) Truyện cực ngắn

TRẦN NHÃ THỤY:

Quan niệm của chị thế nào về truyện cực ngắn/ và vì sao chị chọn truyện cực ngắn?"

HẬU KHẢO CỔ;

- Truyện cực ngắn là truyện… cực ít chữ, và giản dị. Bằng một hai chi tiết, hình ảnh “gợi” nhiều hơn là “kể”, truyện cực ngắn thường “ý tại ngôn ngọai”.

- Tôi thích viết ngắn vì nó như một thách đố: Càng ngắn gọn càng chính xác thì càng đạt đến sự giản dị. Viết truyện cực ngắn cũng rất thú vị vì thường mang lại bất ngờ: định viết thế này mà khi hòan chỉnh lại ra một truyện hòan tòan khác hẳn.

Nguồn: http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=463866&ComponentID=172

Mời xem thêm/ xem lại :)

http://haukhaoco2010.blogspot.com/2011/08/truyen-rat-ngan-ve-thang-bay.html

CÀ PHÊ VỈA HÈ MỘT SÁNG ĐẸP GIỜI :)


Với Tuấn Khanh
Ng Đình Bổn và Tiểu Anh

Tiểu tiểu muội
Khương Hà Bùi
Một sáng thứ Bảy cà phê vỉa hè cùng những người bạn. Sài Gòn đẹp giời, mát, xanh và nhẹ nhõm :)

XIN TẠ ƠN NGƯỜI...

Biết về Lễ Tạ ơn đã lâu nhưng mình chỉ chú ý đến ngày Lễ này từ khi mình và bạn tìm thấy nhau nhờ thế giới mạng hỗn độn, ảo mà cũng thật - giản đơn!

Nơi bạn sống Lễ Tạ ơn có lẽ là ngày Lễ lớn nhất trong năm của từng gia đình, như bạn kể, các con đi đâu thì đi, ngày Lễ nào có thể không về nhưng Lễ tạ ơn thì dứt khoát phải trở về nhà, cả nhà tập hợp ở ngôi nhà chung nơi có cha mẹ, ông bà. Mặc dù chưa đến những ngày từ biệt năm cũ đón chào năm mới nhưng trong hình dung của mình, dịp lễ Tạ ơn giống như ngày Tết của quê mình, cũng có những món ăn truyền thống, cũng quây quần cả gia đình, cũng nghi lễ giản đơn mà trân trọng thể hiện lòng biết ơn những ai những gì đã mang lại cho mình một năm có cơm ăn áo mặc, có người thân yêu bên cạnh…

Tất nhiên so sánh nào cũng là khập khiễng, vì mỗi lễ hội truyền thống có nguồn gốc khác nhau, nhất là giữa hai thế giới Đông – Tây, giữa hai dân tộc có quá trình hình thành và tồn tại khác nhau, giữa vô vàn sự khác nhau về lối sống, phong tục tập quán và quan niệm đạo đức… Nhưng qua tất cả, trên tất cả lại là sự giống nhau ở tính nhân văn của những ngày lễ đó. Ở đâu cũng vậy, mình nghĩ, lòng biết ơn là nhân tính đầu tiên và cơ bản của con người. Biết ơn vũ trụ tươi đẹp đã bao dung cho loài người và cho mỗi con người, biết ơn ông bà cha mẹ đã tạo ra hình hài và dạy ta từng tiếng nói đầu tiên, biết ơn thế giới quanh ta cho ta những nhận thức và niềm tin, biết ơn Đất Mẹ cho vụ mùa bội thu, biết ơn từng cơn mưa từng dải nắng mang lại sức sống diệu kỳ cho mỗi rừng cây mỗi bông hoa… Tất cả đã nuôi dưỡng cho ta đủ đầy cả “bánh mì và hoa hồng”… Biết ơn từng ánh mắt dịu dàng từng bàn tay ấm áp từng bờ vai vững vàng ở bên ta mỗi khi khốn khó. Biết ơn sự chia sẻ niềm chung vui với ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Biết ơn từng nắm gạo từng hột muối từng cọng rau ta được chia sớt khi đói lòng…

Ở quê mình, lòng biết ơn ít khi được thốt ra bằng lời “cám ơn”, nhưng một nụ cười thay lời muốn nói, một lần thăm hỏi khi nhớ đến nhau, một nén nhang cho người mà ta mang ơn khi họ nằm xuống và nhiều năm sau nữa… Ơn người mang đến cho ta và rồi ta lại dành mang cho người khác… Làm ơn không nên nhớ mang ơn chớ nên quên, đạo lý ông bà cha mẹ đã truyền cho tụi mình như thế, phải không?

Nơi bạn ở, dù lời “cám ơn” và “”xin lỗi” có thể nghe thấy ở mọi nơi mọi lúc, luôn được nói ra với thái độ chân thành, vậy nhưng Lễ Tạ ơn vẫn là ngày Lễ quan trọng nhất của tất cả mọi người bất kể tôn giáo nào sắc tộc nào. Mình đọc ở đâu đó, rằng Lễ Tạ ơn mới hình thành chỉ vài trăm năm, so với nhiều lễ hội của các dân tộc khác đây là khoảng thời gian không dài. Vậy mà nó đã thu phục được những ai đến và sống trên mảnh đất ấy, dù họ thuộc tộc người nào đến từ châu lục nào và mang theo văn hóa truyền thống nào. Bên cạnh sự hòa nhập về lối sống, mình nghĩ, ý nghĩa nhân văn của Lễ Tạ ơn vẫn luôn được cộng đồng dân cư nơi đấy biến thành sự thật bằng những hành xử cụ thể và có hiệu quả để giúp đỡ những người mới đến. Dù con người đến và đi trong cuộc đời này chỉ là khoảnh khắc nhưng lòng nhân từ, sự biết ơn luôn nối tiếp nhau, Tạ Ơn đời đời…

Khi những Lễ hội được cộng đồng dân cư tiếp nối và duy trì như thế, Lễ hội đó thực sự là di sản văn hóa mà không cần đến một sự “vinh danh” giả dối từ bên ngoài.

Một Lễ Tạ ơn đầm ấm, vui vẻ và an lành cùng gia đình, bạn nhé!

VỀ TRƯỜNG CŨ

Mình làm MC trong ngày gặp mặt (nghề của nàng thời sinh viên, heheh)

Là trường mình học đại học, rồi ở lại làm giảng viên hơn 10 năm sau đó, bây giờ thỉnh thỏang có giờ chuyên đề cho sinh viên chuyên ngành Khảo cổ học, sinh viên cao học khảo cổ, cao học văn hóa: trường Đại học Tổng hợp, nay là Khoa học xã hội nhân văn TPHCM.

Khi mình thi vào đại học (1976) trường còn mang tên Đại học Văn khoa Sài Gòn. Mình thi vào khoa Sử nhưng điểm văn cao hơn (đâu như 9 điểm thì phải). Mình nhớ mang máng đề văn là “Em hãy viết thư cho bạn giới thiệu…” gì đó. Ngày học phổ thông nếu được chọn thể lọai văn để trình bày một vấn đề nào đó mình luôn chọn văn viết thư, vì dễ mở bài và kết luận, còn thân bài cũng thỏai mái viết như nói chuyện với bạn. Có lẽ vì “đúng tủ” thể loại “văn viết thư” nên điểm văn của mình cao hơn điểm sử, địa – lúc đó còn nặng về thuộc lòng.

Khi nhận giấy nhập học thấy ghi là Khoa Văn, mình lo lo vì có biết viết văn làm thơ gì đâu! A, hồi trước ai cũng nghĩ học khoa Văn tổng hợp đương nhiên sẽ trở thành nhà văn nhà thơ, đâu biết còn nhiều ngành rất hay như Văn học dân gian, Ngôn ngữ, Hán – Nôm… Bởi vậy, mới sau một tháng chỉ học mỗi môn Văn học VN cổ đại của thầy C. mình ngán quá, bao nhiêu mơ mộng văn chương bay biến hết. Lại nghe mấy bạn khoa Văn luôn tự hào mà rằng “đã vào trường Văn Khoa thì phải học khoa Văn!”. Thế thì đây chả việc gì “phải” nhé, đây vác đơn lên trường xin về khoa Sử. Và cho đến giờ, không hối hận vì quyết định này.

Làm cho mình yêu thích Sử suốt 4 năm học và sau này theo nghề dạy hơn 10 năm là giảng viên của khoa, rồi chuyển vài cơ quan nhưng vẫn theo nghiệp Sử - Khảo cổ, công đầu tiên là nhờ những giờ lên lớp tuyệt vời của các thầy từ Đại học Tổng hợp HN vào thỉnh giảng: Môn Khảo cổ học của Thầy Trần Quốc Vượng, Thầy Hà Văn Tấn, môn Lịch sử VN cổ trung của Thầy Phan Huy Lê, môn LS thế giới cận đại của Thầy Vũ Dương Ninh, LS thế giới cổ đại của Thầy Nguyễn Gia Phu, môn Dân tộc học của Thầy Vương Hòang Tuyên… Các Thầy không chỉ truyện đạt kiến thức mà còn truyền cả tình yêu đối với môn học, đối với nghề giáo, qua đó các Thầy còn dạy cho sinh viên về nhân cách. Khóa bọn mình khá đông. Sau này ra trường nhiều người theo nghề giáo ở nhiều nơi, và hầu như không ai bỏ nghề dù đã có những năm nhà giáo vô cùng khốn khổ trong cái khốn khó chung của cả nước. Tháng 8/2010 khóa mình kỷ niệm 30 năm ra trường, bạn bè về tụ tập ở Sài Gòn khá đông, người làm “quan” người là dân nhưng ai ai cũng nhắc nhớ thời đi học và kỷ niệm với các thầy.

Ngày 20 tháng 11 năm nay khoa Sử Đại học KXHHNV TPHCM đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Mình về Khoa chung vui với bạn bè, đồng nghiệp. Gặp lại nhiều Thầy Cô đã nghỉ hưu, gặp lại một số sinh viên cũ, nhìn thấy các em sinh viên mới… mình lại nghĩ: ngày xưa mình may mắn còn sinh viên bây giờ học mình là “thiệt thòi” vì không được học những người Thầy tuyệt vời như thế. Bởi vậy, mình luôn đùa (mà hổng đùa) với đồng nghiệp: đừng để mỗi giờ lên lớp lại phải dọa rằng “các em có trật tự có tập trung ko, thầy cô giảng lại từ đầu bây giờ?!”

Đi dạy, cũng là một nghề bình thường như mọi nghề khác (mình chẳng thích cái từ “tôn vinh” chút nào. Cái gì thiếu thì người ta hay nhắc đến!). Dù vậy, nghề giáo không chỉ là lên lớp hòan thành đủ giờ dạy đúng giáo án, mà là sự “di truyền văn hóa”. Tri thức, kiến thức là những gien, giáo dục chính là môi trường chọn lọc. Khi môi trường không tốt thì khó có thể chọn lọc được gien ưu tú để qua di truyền tạo thành những hạt giống tốt cho thế hệ sau.

BA TÔI CŨNG LÀ MỘT THẦY GIÁO

Nguyễn Ngọc Bạch - một đời sân khấu (nhà văn Nguyễn Quang Sáng)

Hơn nửa thế kỷ trước, năm 1942, thầy Nguyễn Ngọc Bạch về dạy ở trường tiểu học huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên, nay là An Giang. Thầy dạy lớp nhì một năm, tôi học lớp nhì hai năm. Tôi không học trực tiếp với thầy nhưng gần gũi với thầy hơn các học trò của trường. Là thầy nhưng thầy có “máu đờn ca xướng hát”. “Thầy mà cũng biết đờn tụi bây ơi!”, thầy giáo mà biết đờn đối với đám học trò chúng tôi là một điều lạ – Sau buổi học chiều, học trò lớp nào cũng được, thích hát thì thầy dạy. Thầy dạy hát với tiếng đàn “banjo” nghe dòn tan. Trường chúng tôi nằm ngoài phố chợ, lặng lẽ bên hàng cây “dái ngựa”. Tiếng hát của bọn trò nhỏ chúng tôi cứ vang xa, vang xa. Chính thầy là người mang niềm vui qua tiếng hát cho một phố huyện buồn. Rồi thầy tuyển chọn một số trong chúng tôi, thầy lập gánh hát, ngày hè, thầy dẫn chúng tôi đi khắp nơi, chúng tôi đi đến đâu dân làng vui đến đó …

Rồi kháng chiến, học trò trở về trường, nhưng thầy không dạy nữa, thầy đã vào bưng biền kháng chiến rồi, thầy đã “Cương quyết ra đi” như lời bài hát đầu tiên của thầy trên khắp nẻo đường kháng chiến, thầy lập đoàn hát “Cứu quốc đoàn” –“Tuyên truyền xung phong” từ sông Tiền dài xuống sông nước đất U Minh, từ đó thầy gắn với sân khấu, từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc trở về Nam cho đến hết cả cuộc đời.

Sau này gặp lại, thầy không cho tôi gọi thầy bằng thầy nữa mà gọi bằng anh, anh Bảy. Tôi trở thành bạn vong niên của anh, ở cùng một thành phố, tôi thường gặp anh và bạn bè vào những buổi chiều, lai rai.

Quen với anh lâu vậy, nhưng tôi biết về anh quá ít. Tôi hiểu được điều này là nhờ những trang viết của anh – Trong quyển sách này đã có một số được in với hình thức là bài báo. Còn tất cả, từng đoạn đời của anh, và những điều sâu kín nhất của anh thì không ai biết – Anh viết nhật ký, đúng với cái nghĩa nhật ký, viết nhật ký là viết cho riêng mình.

Nhật ký của anh là những mẩu chuyện nhỏ, từng kỷ niệm không thể quên trên đường công tác của anh. “Bà má Năm”, “Một chuyến liên lạc”, “Má Hai vùng tạm chiếm” v.v… Đây là những mẩu chuyện trọn vẹn với nhân vật rất sống, rất sinh động – Đọc “Bà má Năm” ta nhớ những bà má chiến sĩ, nhớ từng gương mặt, từng cử chỉ lo lắng chăm sóc cán bộ, chiến sĩ từng miếng ăn cho đến giấc ngủ – Cách viết của anh giản dị như những con người giản dị của Nam Bộ thời kháng chiến. Đặc sắc là lời ăn tiếng nói của con người Nam Bộ, tiếng nói chân chất, thật thà nhưng rất hình tượng, thể hiện sâu sắc tấm lòng của người dân với Cách mạng.

“Tôi ngồi lặng he … Sao đứng lựng xựng vậy …”

Đã lâu, tôi quên đi ngôn ngữ này của người dân Nam Bộ, từ những ngôn ngữ ấy đã thổi lên trong tôi những năm đánh Pháp ở miền Tây Nam Bộ.

Xin bạn đọc cho phép tôi lạc đề. Ngoài lời giới thiệu của cuốn sách, tôi muốn ghi lại một kỷ niệm về anh mà trong quyển sách này không có.

Cũng lâu lắm, cỡ hơn hai mươi năm, anh Bảy đưa đoàn Văn công của thành phố mà anh vừa làm đạo diễn vừa làm trưởng đoàn về phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, là tỉnh nhà của anh Ham vui, tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tháp tùng theo anh. Sau đêm phục vụ, trước khi về, anh, Trịnh Công Sơn và tôi đến Hội Văn Nghệ An Giang, vui chia tay.

Đúng 6 giờ chiều, khi vào mâm, anh tuyên bố:

- Chúng ta chơi đến 6 giờ sáng – Chúng ta lai rai, uống, nói chuyện và cùng nhau ca hát, không ai được nằm, kinh nghiệm một đời đi diễn của tôi, đang nhậu mà nằm là uể oải lắm, đã ngồi thì ngồi liền một mạch. Phải ngồi cho tới 6 giờ sáng rồi lên xe.

Theo “lệnh” và cũng quá vui, chúng tôi vừa lai rai, vừa chuyện trò, vừa hát hò cho đến sáng trắng, rồi lên xe về. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nổi tiếng uống dai, ngồi lâu cũng phải ngán – Anh nghệ sĩ như vậy đó, thoải mái, phóng khoáng nhưng với nghệ thuật thì rất nghiêm chỉnh và sáng tạo.

Tôi có cảm giác, anh vừa đi lưu diễn vừa viết, viết với tâm hồn nghệ sĩ, viết miệt mài của một nhà giáo.

Thời chiến, thời bình, cả ba miền đất nước, lúc nào ở đâu, anh có mặt và hai cánh màn sân khấu mở ra, đều được ghi chép trên trang viết của anh, rất sinh động – Đọc “Nguyễn Ngọc Bạch, một đời sân khấu”* của anh tôi biết thêm nhiều nơi, nhiều điều dù đã qua, nhưng rất mới lạ.

Vẻ đẹp của quá khứ dành tặng tương lai

TTCT - Trên một hành trình dài, bắt đầu từ Warsaw và Krakow (Ba Lan) sang Budapest (Hungary), qua Prague (Cộng hòa Czech) và Vienna (Áo), tôi chứng kiến sự hòa hợp kỳ lạ giữa cuộc sống hiện đại và sức sống từ các di sản hiện diện ngay trong lòng các đô thị ấy.

Quảng trường trung tâm Praha - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Những thành phố kể trên đều là thủ đô từ thời trung cổ nên hệ thống thành cổ, cung điện, lâu đài, công trình công cộng được xây dựng qua vài thế kỷ được bảo tồn khá nguyên vẹn. Khu vực thành cổ hay những lâu đài lớn (của một dòng họ quý tộc) thường ở trên đồi hay sườn núi với tường thành xây bằng đá hoặc gạch, bên trong là quần thể cung điện, lâu đài, nhà thờ lớn ở trung tâm, xung quanh là khu phố buôn bán...

Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ giới hạn trong phạm vi di tích mà đã trở thành một bộ phận quan trọng của quy hoạch đô thị và được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển đô thị, ở đó lịch sử hiện diện qua từng viên gạch trên đường phố, ở đó ký ức đô thị được lưu giữ trong từng ngôi nhà, từng hàng quán... bằng âm nhạc cổ điển, bằng tác phẩm của các danh họa... Đó chính là vẻ đẹp của quá khứ dành tặng tương lai.

Trong thành cổ Buda ở Budapest, khu vực khai quật khảo cổ học liền kề với những công trình còn nguyên vẹn, du khách có thể nhìn thấy nền móng của các kiến trúc đã sụp đổ, hầm ngầm, đường bí mật sâu dưới lòng đất... Có hố khai quật xong được lấp lại và trồng cỏ tạo thành vườn hoa nho nhỏ, có hố được giữ lại để khách có thể nhìn tận mắt các tầng văn hóa của di tích. Hiện vật tìm thấy được trưng bày trong bảo tàng nhỏ ngay tại tòa thành hay lâu đài ấy.

Công trường đang khai quật có mái che bảo vệ hiện trạng, di tích khai quật xong thì tất cả các lớp kiến trúc được bảo tồn làm bằng chứng cho từng giai đoạn xây dựng vào những niên đại khác nhau. Khu di tích nào cũng có một mô hình bằng đồng đặt gần lối ra vào, giúp khách tham quan nhận biết tổng thể khu di tích qua các công trình kiến trúc còn nguyên và những phế tích do khảo cổ học khai quật.

Hầu như không có công trình nào xây lại mới hoàn toàn trên nền móng cũ, riêng thành cổ Warsaw là một trường hợp đặc biệt vì Thế chiến 2 đã biến Warsaw thành những đống đổ nát, trong đó có thành cổ xây dựng từ thế kỷ 12, 13. Sau năm 1945, Ba Lan xây dựng lại Warsaw và tòa thành cổ như trước chiến tranh.

Trong thành, trên đường phố hẹp hay quảng trường rộng còn nguyên những viên đá nhỏ được lát thành hoa văn hình vỏ sò, hình xoáy ốc... vừa đẹp vừa dễ rút nước khi mưa và mùa tuyết tan, giảm trơn trượt khi băng giá. Tôi đã nhìn thấy một công nhân tỉ mỉ gắn lại vài viên đá bị bật lên trong khi người qua lại đi chậm và nhẹ chân hơn.

Lâu đài cổ ở Krakow - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Những người đánh xe ngựa trong trang phục xưa đều là hướng dẫn viên nhiệt tình và thú vị, chính họ kể lại những câu chuyện xưa về thành cổ, về từng địa điểm, từng nhân vật lịch sử... Thành cổ lúc nào cũng nhộn nhịp du khách nhưng vẫn duy trì một nhịp sống bình thản, êm đềm.

Tháng 10, khi mùa du lịch cao điểm ở châu Âu đã qua, nơi đây vẫn không hề vắng khách. Những người làm bảo tồn và du lịch ở đây sáng tạo nhiều hình thức tham quan, đáp ứng nhu cầu, điều kiện khác nhau của du khách: tham quan toàn bộ lâu đài, cung điện hay chỉ một phần như hầm mộ trong lâu đài hoặc nơi liên quan đến một nhân vật nổi tiếng (như tour tham quan các phòng trong cung điện mùa hè ở Vienna, nơi hoàng hậu Sisi từng sống).

Có rất nhiều di tích tham quan miễn phí, nhất là những nhà thờ cổ, nơi ở của các nhân vật lịch sử và danh nhân văn hóa, nhà hát, kể cả những tòa nhà là công sở còn đang hoạt động. Tôi được chứng kiến lễ đón khách của tổng thống Hungary với đội danh dự duyệt binh trong khi du khách đứng xem trong sân dinh tổng thống, chỉ có vài cảnh sát làm nhiệm vụ giữ trật tự.

Di tích khảo cổ bảo tồn bên cạnh tòa nhà đang sử dụng ở Warsaw - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Di tích khảo cổ trong thành cổ Buda - Ảnh: Nguyễn Thị Hậu

Bảo tồn di tích cổ là làm cho chúng trở thành những “bảo tàng mở”, ngược lại những “bảo tàng mở” ấy mang lại sức sống cho di tích được bảo tồn. Điều đó tạo điều kiện cho công chúng có thể tiếp cận di sản văn hóa một cách dễ dàng nhất, tiếp nhận những giá trị lịch sử - văn hóa một cách phong phú, hấp dẫn nhất.

Các đô thị ấy cũng đã qua “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, cũng từng chịu sức ép của quá trình “đô thị hóa, hiện đại hóa” và phát triển kinh tế sau chiến tranh, nhưng các di sản văn hóa được gìn giữ trân trọng trước hết là cho chính mình và rồi “hữu xạ tự nhiên hương” trở thành di sản của thế giới. Thành công ấy có được từ một điều giản dị: di sản văn hóa phải có một đời sống của chính nó, nhờ con người và vì con người.

Chuyện về những vòi nước cổ

Vòi nước công cộng ở Prague (mới)

Vòi nước c63 ở Berlin
Ở thành cổ Buda
Trên đường phố ở Budapest
Sưu tầm trên mạng
Sưu tầm trên mạng
Ở Roma (ảnh Trương Quý)

Trong các thành phố châu Âu ta dễ dàng bắt gặp những vòi nước cổ trên đường phố.

Ngày xưa người ta xây những vòi nước công cộng dành cho kẻ lỡ độ đường hoặc chính người trong cộng đồng sử dụng. Thường bên vòi nước công cộng còn có cả bồn nước lớn có mái che dành cho các bà nội trợ mang quần áo đến giặt, cũng là nơi gặp gỡ chuyện trò, hò hẹn gái trai. Bây giờ chỉ còn lại những vòi nước trên hè phố, nhiều người lơ đãng không biết rằng mình vừa đi qua một chứng tích của cuộc sống từ vài trăm năm trước.

Vòi nước cổ thường được đúc bằng gang, dựng thành trụ trên vỉa hè hay gắn vào tường ngôi nhà ven đường. Miệng vòi có khi đúc thành hình miệng thú. Dòng nước từ vòi chảy nhè nhẹ thẳng xuống cống thóat nước phía dưới. Vòi nước dùng cần bơm tay hay tự chảy (do áp lực từ tháp nước) nhưng đều là nước sạch có thể uống được ngay. Hầu hết các vòi nước cổ được bảo tồn khá tốt: chúng được sơn chống rỉ, bệ gang hay bệ đá phía dưới được quét dọn thường xuyên không có rác làm nghẹt cống. Xung quanh vòi nước cũng sạch sẽ. Quan trọng là nguồn nước dẫn đến những vòi này luôn đảm bảo vệ sinh nên những người đi đường vẫn thường ghé miệng uống nước từ vòi một cách tự nhiên và thích thú. Uống nước từ vòi nước mà mạch nước có từ hàng trăm năm trước không chỉ là giải khát mà còn mang lại cảm giác dường như đang sống ở thời xa xưa.

Hệ thống cấp nước ở những thành phố này thời xưa gần như có chung một nguyên tắc: nước từ nguồn trên núi, từ sông hay suối, hoặc từ giếng bơm… đều được dẫn đến tháp nước chung của một thành phố (nếu thành phố lớn thì có nhiều tháp nước). Tại đó nước được lọc sạch và theo các ống dẫn về từng khu vực mà đầu tiên là đến các vòi nước công cộng. Sau này hệ thống nước vào từng ngôi nhà nhưng những vòi nước trên đường phố vẫn được duy trì để sử dụng. Sinh họat từ một nguồn nước nên cư dân có thói quen bảo vệ nguồn nước chung.

Không chỉ có vòi nước công cộng, các thành phố châu Âu còn có nhiều Đài phun nước ở quảng trường, có khi trong khu vườn, trong công viên… Tại những quảng trường – mở rộng từ giao lộ của những con đường chính trong thành phố, đài phun nước thường có các nhóm tượng nổi chìm mờ trong làn hơi nước phun ra từ chính những bức tượng ấy. Các tia nước được phun ra theo nhiều hình dạng khác nhau. Nước ở đây như chưa bao giờ ngừng chảy và du khách hầu như ai cũng dừng chân ghé lại, ngồi chơi trên bệ đá, khỏa bàn tay mình vào bể nước trong biếc, có thể hứng từ những tia nước ấy để uống hay để xoa lên mặt lấy phước, lấy may. Họ chụp hình, đôi khi những bức hình rất đẹp bởi phía sau màn nuớc bỗng ánh lên ngũ sắc cầu vồng… Những đài phun nước ở trung tâm thành phố, nhiều người cầm đồng tiền nhỏ, đứng quay lưng vung tay ném qua đầu mình xuống bể nước trước khi tạm biệt, để mong ước có ngày được trở lại nơi đây.

Chỉ từ câu chuyện vòi nước cổ hay những đài phun nước cũng cho ta biết về “quy họach đô thị” của những thành phố này từ hàng trăm năm trước. Nó được tính tóan đến từng chi tiết nhưng lại hữu hiệu lâu dài bởi vì không chỉ là việc xây dựng các công trình, nhà cửa, đường xá, quảng trường, đài phun nước, công viên cho cộng đồng, mà còn là những vòi nước trên đường cho từng khách bộ hành từng gia đình … Bài học giản đơn cho một “không gian đô thị bền vững”: Khi cộng đồng chú ý đến nhu cầu của từng con người thì mỗi con người cũng có ý thức gìn giữ không gian ấy cho cả cộng đồng.

VIẾT CHO SINH NHẬT CÔNG CHÚA BOOM BÓOM


Sinh nhật Công chúa Bóom Bóom năm nay con đã đi làm được gần hai năm, nhưng trong mắt mẹ, con vẫn bé bỏng như ngày nào. Ngày mà con đi nhà trẻ, nhớ mẹ con bỏ ăn mấy ngày liền, cô bảo mẫu sợ mất điểm thi đua đòi trả con về cho mẹ. Ngày con đi mẫu giáo, mỗi sáng phải dỗ con bằng quần áo đẹp thì con mới chịu đến trường, chiểu phải dỗ con bằng bong bóng con mới chịu rời lớp. Ngày con học cấp 1, trưa về thấy bà lão bán trái cây ngồi ế ẩm bên hè, con nước mắt vòng quanh xin mẹ mua giùm vì tội nghiệp bà quá. Ngày con thi đại học, mẹ lo đứng lo ngồi còn con cứ tỉnh queo. Kết quả con đậu vào lọai điểm cao. Ngày con tốt nghiệp và đi học xa, tối nào cũng chat với con vậy mà mẹ chỉ mong đến hè đến Tết con về… Bao giờ cũng vậy, nhớ đến con gái mẹ là nhớ nụ cười hồn nhiên và đôi mắt trong veo lạ lùng…

Nhiều năm trước, khi mẹ dè dặt bước vào thế giới blog đầy hấp dẫn, một lần lang thang trên mạng, tình cờ gặp blog của một cô bé nào đó, theme rực rỡ có chú mèo kitty trắng thắt nơ hồng xinh xắn. Lướt qua những entry mẹ thấy quen quen, sao cô bé này có tâm trạng giống công chúa Boóm boóm nhà mình đến thế! Những suy nghĩ hồn nhiên và cũng thật sâu sắc, “người lớn” của cô bé làm mẹ phải giật mình. Nhìn lại nick name, đúng là con gái út của mẹ. Nhưng mà càng đọc mẹ càng “hết hồn”, có lúc phát cáu vì vừa đọc vừa phải đóan xem con viết gì. Trời ơi, từ ngữ kiểu gì mà tòan là bùn wé, chán như con gián, buồn như con chuồn chuồn, hồn nhiên như bà điên, em hok hỉu… và … Tóm lại là nhiều chỗ “hiểu chết liền”! Mẹ bèn comment mắng mỏ vài câu. Con gái tròn mắt ngạc nhiên, sao mẹ vào được blog của con, mẹ đã add con đâu? Mẹ cũng ngơ ngác, add là gì, mẹ chả biết, tự nhiên thấy thì đọc. Mà con viết bằng từ ngữ ở đâu ra vậy?! Con gái cười hihi, giời ơi, mèo béo ơi (đấy, suốt ngày gọi mẹ là “mèo béo”, dù mẹ thấy mình đâu đến nỗi…), bây giờ mọi người đều viết trên blog như thế, viết kiểu như mẹ “xưa rồi Diễm ơi” ai người ta thèm xem? Mà con đã chỉ cho mẹ nhiều cách trang trí sao blog của mẹ chẳng đẹp tẹo nào, trông “chuối cả buồng” lắm mẹ ui!

Bây giờ blog đã trở thành thế giới quen thuộc của mẹ con mình. Blog còn là nơi con nói về tình yêu thương dành cho cha mẹ, về tình cảm thân thiết của hai chị em, cả những lần con mượn blog để xin lỗi vì đã làm cho mẹ buồn lòng… Từ blog mẹ gần con hơn, hiểu con hơn qua những entry như thế. Và con - như một người bạn nhỏ - cũng hiểu mẹ hơn từ những gì mẹ không thể nói bằng lời…

Blog là nơi đầu tiên con đăng những truyện ngắn con viết, như những lời tự sự của tuổi mới lớn, đôi lúc buồn nhưng con vẫn nhìn đời thật trong sáng. Blog là nơi con tập dịch truyện mà giờ đây trên mạng nhiều người đã quen thuộc với nick Dennis Q và trông chờ những bản dịch online của con. Sách con dịch được in nhiều hơn sách của mẹ rồi đấy.

Blog là nơi kết nối con với bạn bè, nhiều người bạn đã thân thiết với con dẫu chỉ biết nhau qua blog. Thật vui khi có người bạn trẻ cũng yêu quý mẹ như con, và – điều này lạ hơn nè – nhiều người bạn của mẹ cũng làm “bạn” với con và thương yêu con, như mẹ. Hãy giữ cho blog luôn là ngôi nhà vui vẻ thân thiện và… hài hước, bởi cuộc sống của chúng ta vốn đã quá phức tạp và nhiều mệt mỏi.

Con gái vẫn bảo, con sẽ ở với mẹ đến khi nào mẹ chán mẹ đuổi… cũng không đi. Uh, để xem con gái có giữ lời không nhé? Thêm một tuổi, con sẽ trưởng thành hơn. Buớc vào đời hãy sống chân thành con sẽ nhận được nụ cười yêu mến từ những người xung quanh. Nếu những va chạm không tránh khỏi có thể sẽ làm con bị tổn thương thì con cũng hãy giữ mãi sự trung thực và đừng đánh mất trái tim nhạy cảm dịu dàng, con gái nhé!

CHIỀU MƯA

Chớm đông, cuối mùa mưa mà Sài Gòn vẫn còn những cơn mưa bão như giữa mùa hè.

Ngày mưa, nếu công việc rảnh rỗi một chút, tôi thường ra ngồi ở bộ bàn ghế kê ngòai hiên. Ngồi và làm một việc gì đó, nghe tiếng mưa rào rào trên mái ngói, nhìn những hạt mưa đan xéo nối nhau rơi xuống mà tưởng như ai đó làm đứt sợi dây chuyền kết bằng những hạt pha lê trong suốt. Ngồi đó nghe hơi mát lạnh thấm vào da thịt, thấy mình trong veo…

Ngày mưa. Nếu không bắt buộc phải đến cơ quan (hay là có thể trốn được công việc), tôi mang laptop đến một nơi nào đó, một ly cà phê ít sữa thật đậm thật nóng, và lang thang trên mạng. Ngó nghiêng nhà người quen người lạ, buôn dưa với bạn lạ bạn quen, có lúc cười một mình (chắc lúc đó nhìn hổng giống con giáp nào) có lúc lại bần thần… Thế giới phẳng có quá nhiều điều dù không mấy quan tâm nhưng vẫn làm mình suy nghĩ.

Ngày mưa. Những chuyến đi hiện về. Này là họp hành này là cà phê vỉa hè, này là lang thang phố cổ bảo tàng di tích… Có lần được gặp người bạn chỉ quen qua mạng nhưng như thân thiết tự khi nào. Di chuyển liên miên, tưởng mọi cái đã trượt ra ngòai ký ức vậy mà vẫn còn neo lại đó. Đủ sức nặng để làm chùng cả ngày mưa.

Ngày mưa. Nếu đang phải làm việc dù gấp đến mấy cũng bứt mình ra, một phút thôi, để đắm mình vào cảm giác thật lạ kỳ khi mưa, dù “nắng mưa là chuyện của trời” từ bao giờ, đâu có gì là lạ khi cuộc đời đã mấy chục năm qua…

Ngày mưa… Chợt nhận ra quanh mình thật trống trải dù có khi ngồi cùng những người bạn. Dường như lúc mưa trái tim mình cũng trú mưa dưới một mái hiên nào đó, quanh nó là những trái tim xa lạ. Cùng bâng quơ chuyện trời mưa nắng, rồi những trái tim kia cũng lần lượt nhập vào dòng xe chảy ngòai mưa. Chỉ còn một mình nó. Muốn lao ra dầm mình trong màn mưa nhưng rồi lại thôi. Có ai ngăn cản đâu, chỉ là tự nó thấy không còn muốn phiêu lưu nữa.

Bỗng dưng muốn nhái một lời ca của Trịnh : Ngòai phố trời mưa… đôi tay anh là bếp lửa nồng…

Sài Gòn bây giờ bước ra đường là nắng, bụi, khói xe, đào đường, kẹt xe, lô cốt, hố tử thần… Không dễ có một ngày bình yên.

Ngày mưa để ký ức quay về cũng hiếm dần.

Mà thôi, cứ nhớ mãi làm gì cho nặng lòng... Cuộc sống giản đơn lắm, chỉ có con người là phức tạp, nhỉ...

KHẢO CỔ HỌC ĐÔ THỊ - BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN

Việc bảo tồn di sản văn hóa thể hiện thái độ của con người, của xã hội, của thời đại đối với lịch sử. Hầu hết các quốc gia đều có Luật về bảo vệ di sản văn hóa, được cụ thể hóa bằng chính sách chủ trương bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, những cổ vật, bảo vật quốc gia. Tuy nhiên hiện nay tình trạng nhiều di tích lịch sử - văn hóa bị hủy họai là khá phổ biến, nhất là ở những quốc gia đang phát triển. Từ mục đích phát triển kinh tế, dấu tích ít ỏi của lịch sử đã bị phá hủy, nhường chỗ cho những công trình hoành tráng với trang trí và vật liệu kiến trúc hiện đại. Tại các thành phố và những vùng đô thị hóa, việc “bảo tồn” hay di dời giải tỏa di tích để “phát triển” cũng đang bị đặt trên “bàn cân” mà trọng lượng thường nghiêng về phía “phát triển”. Vì vậy bảo tồn các di tích khảo cổ học đô thị như thế nào, để vừa xây dựng những đô thị có hạ tầng cơ sở hiện đại phục vụ dân sinh tốt, vừa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa và lưu giữ được giá trị di sản văn hóa đô thị, thực sự là một vấn đề nan giải.

Bảo tồn các di tích Khảo cổ học đô thị thường có hai giai đoạn:

- Đầu tiên là tiến hành thu thập thông tin dữ liệu từ nguồn sử liệu chữ viết và các dấu vết vật chất, qua đó những di tích và khu vực liên quan sẽ được nhận biết và kịp thời đưa vào bản đồ khảo cổ học của khu vực. Trên cơ sở đó lập kế hoạch nghiên cứu, ưu tiên khai quật trước những di tích đã bị xâm hại hay có nguy cơ bị xâm hại, như những di tích nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng phát triển như những dự án mở đường giao thông hay các công trình công nghiệp lớn, kể cả khu vực mở rộng của các thành phố các đô thị. Mục tiêu của giai đoạn này là nhằm thông tin đến chính quyền đồng thời có những biện pháp tác động đến những ngành liên quan nhằm thiết lập sự hợp tác, thực hiện đồng bộ các kế hoạch.

- Khi lập dự án xây dựng tại những khu vực nói trên cần có sự tham gia của các nhà khảo cổ và bảo tồn di tích để họ tiến hành điều tra thám sát khu vực chuẩn bị xây dựng. Qua điều tra thám sát nếu phát hiện về di tích khảo cổ học có giá trị thì khẩn trương lập kế hoạch “khai quật cứu hộ” (salvage excavation) trước khi xây dựng công trình để hạn chế tối đa việc phá hủy di vật và di tích trong quá trình xây dựng. Các cuộc “khai quật cứu hộ” và quá trình nghiên cứu tiếp theo, nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu giá trị của di tích, đồng thời đề xuất biện pháp bảo tồn, bảo vệ di tích và di vật phát lộ từ cuộc khai quật.

Đây là điều kiện nghiên cứu “lý tưởng” đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ trên cơ sở cùng mục đích cho một đô thị “phát triển bền vững”: Các nhà quản lý, nhà đầu tư xây dựng không lâm vào tình trạng phá họai di tích hay vi phạm luật bảo vệ di dản văn hóa, các nhà khảo cổ học cũng có điều kiện thuận lợi để khai quật nghiên cứu, không “gây trở ngại” cho quá trình xây dựng. Hai bên cùng chủ động về thời gian kinh phí và tiến độ công việc, mang kết quả tốt cho việc bảo vệ di sản văn hóa.

Hiện nay ở nước ta khá phổ biến tình trạng di tích khảo cổ học bị hủy hoại do xây dựng tự phát của cư dân, do tiến trình xây dựng “theo quy họach” của nhà nước. Các công trình trong các thành phố hầu như không được điều tra thám sát khảo cổ học trước khi xây dựng. Do đó bên cạnh “khai quật cứu hộ” (hay còn gọi là “khai quật giải tỏa”) các nhà khảo cổ thường phải tiến hành các cuộc “khai quật chữa cháy”, tức là khai quật khi di tích đã xuất lộ hay bị phá hủy, nhằm cứu lấy những di tích di vật còn lại. Công việc này rất phức tạp, vì bản chất khai quật khảo cổ học không chỉ là “tìm kiếm cổ vật” mà còn là nghiên cứu di tích. Khi di tích đã bị phá hủy thì việc khai quật càng cần cẩn trọng hơn để có thể mang lại thông tin và nhận định khoa học chính xác. “Khai quật chữa cháy” càng khó khăn hơn đối với những công trình dân sinh vì nó có ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh họat của dân cư. Câu hỏi của ngày hôm nay “di tích hay dân sinh” là sức ép rất lớn đối với các nhà khảo cổ, nhưng câu hỏi “giá trị, ý nghĩa di tích di vật thế nào, vì sao không bảo tồn/ bảo vệ di tích đó?” mà các nhà khảo cổ học phải trả lời cho mai sau cũng đang đè nặng lên vai họ.

NHỮNG MẢNH VỠ (28)

Phóng sinh

Ngày rằm tháng Bảy chủ nhà mời thầy chùa về tụng kinh, mua cá phóng sinh xuống hồ nước trước nhà. Bữa tối ăn món cá chiên giòn liền khen ngon. Thằng con hồn nhiên khoe: cá bắt trong hồ nước nhà mình đấy.

Chủ nhà vỗ đùi đánh đét: hay, tay này buông tay kia vớt, nhà mình vẫn được tiếng từ bi!


Halloween

Mới bước đến cửa mọi người đã nhao ra trầm trồ: Ồ! hóa trang ấn tượng quá! Nó giật mình bước vào phòng vệ sinh, một gương mặt lạ hoắc trong gương đang nhìn nó đầy nghi hoặc. Nó chợt nhớ: hôm nay vội đi nên nó không trang điểm gì cả, định bụng khi đến đây sẽ tìm mua một cái mặt nạ.

Mà có khi chẳng cần mặt nạ, vì có ai nhận ra cái mặt thật của nó đâu.


Phân công hợp lý

Rắn, rết và rùa ngồi nhậu với nhau. Nửa chừng hết rượu, 3 đứa bàn nhau xem đứa nào phải đi mua. Rắn nói để rết đi mua vì nó nhiều chân nên đi nhanh nhất. Rùa đồng ý, Rết hăng hái đi ngay. Rùa và rắn ờ nhà chờ hòai, ăn hết cả mồi mà rết vẫn chưa mang rượu về. Rắn bò ra ngóng thì thấy rết vẫn đang loay hoay ở cửa. - Trời, sao mày còn ngồi đây? – Tao đi giày chưa xong, rết đáp.

Sự có lý không phải lúc nào cũng hợp lý.

TIẾNG PHONG CẦM TRÊN ĐƯỜNG PHỐ POTSDAM

Thành phố Potsdam một chiều tháng chín se lạnh nắng vàng rực rỡ.

Khu phố trung tâm tấp nập du khách, dãy cửa hàng nhộn nhịp người mua sắm, ăn uống, tán gẫu, dạo chơi… Bỗng đâu tiếng phong cầm rộn vang cả một đọan đường. Giai điệu của những bài hành khúc Liên Xô không lẫn vào đâu được. Tiếng nhạc kéo tôi đi về phía một nhóm mấy người đàn ông trung niên trong bộ quân phục Xô Viết vừa đàn vừa hát, chân dập nhịp nhàng, thân mình lắc lư theo tiếng nhạc sôi động. Lời hát tiếng Nga vừa quen vừa lạ. Lâu lắm rồi mới được nghe những giọng nam phối bè “đặc Nga” như thế.

Giai điệu làm sống lại một thời chưa xa, thời mà đối với nhiều người Việt Nam đất nước Liên Xô vô cùng thân thuộc dù có thể chưa từng đến đó. Tôi cũng chưa một lần đến nước Nga, chỉ biết và yêu mến nước Nga qua các tác phẩm văn học cổ điển và văn học Nga – Xô Viết. Rất nhiều tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, những dịch giả thời ấy thấu hiểu ngôn ngữ Nga giàu cảm xúc và đã chuyển ngữ bằng thứ tiếng Việt trong sáng, uyển chuyển và tinh tế. Qua đó “tâm hồn Nga” đến với người Việt Nam như không có khỏang cách không gian, không còn khỏang cách thời gian, chỉ còn sự đồng cảm sẻ chia của những CON NGƯỜI. Hồi nhỏ, khi biết đọc, cuốn sách đầu tiên tôi tìm thấy trong tủ sách của ba tôi là cuốn Bông Hồng Vàng của Pauxtopxki do Vũ Thư Hiên dịch. Tôi vẫn nghĩ đây là một may mắn vì số phận đã mang đến ngay cho tôi vẻ đẹp của văn học từ Bông Hồng Vàng. Cho đến bây giờ đây vẫn là cuốn sách tôi yêu qúy nhất, thường đọc lại mỗi khi muốn tìm cho mình một chốn bình yên, một niềm an ủi.

Suốt thời thanh niên, cùng nhiều bạn bè chúng tôi không ai không thuộc vài bài hát Nga, nhất là "Cachiusa" – bài hát quen thuộc đến mức mọi người đều nghĩ đây là một bài dân ca Nga. Những bài hát đến với người Việt từ những bộ phim nổi tiếng như "Pie Đại Đế", "Sông Đông êm đềm", "Khi đàn sếu bay qua", "Số phận một con người", "Bài ca người lính"... Đến những ngày đầu tháng 5/1975 thanh niên ở Sài Gòn cũng bừng bừng lời ca "Thời thanh niên sôi nổi" Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ. Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ. Để ngàn đời bền vững Tổ Quốc ta. Trời cao muôn ngàn năm chói lòa... Rồi lời ca trầm hùng "Cả tình yêu trao cuộc sống có thấy chăng ơi cuộc đời tình ta thắm nồng" trong bài "Cuộc sống ơi ta mến yêu người". Vở kịch "Câu chuyện Irkust" được mọi người nhớ đến nhiều hơn từ bài hát "Xi-bê-ri nở hoa". Rồi ca khúc "Chiều Maxcơva" là một trong những bài hát trữ tình nổi tiếng chúng ta được nghe nhiều nhất mỗi năm vào những ngày lễ của nước Nga. Riêng tôi rất thích những bài hát mang âm hưởng dân ca Nga như bài “Cây liễu”, “Cánh đồng Nga”, “Tuổi 18”, “Cây thùy dương”…Còn nhớ có một thời gian tôi học tiếng Nga với một cô giáo người Nga. Ngày mùng 7 tháng 11 năm ấy trường tổ chức biểu diễn văn nghệ, khi nghe tôi hát bằng tiếng Nga “Tuyệt vời… những cánh đồng lúa nước Nga, người là tuổi trẻ là ước mơ của chính tôi…”, đôi mắt cô giáo rơm rớm. Từ đó cô luôn âu yếm gọi tôi bằng cái tên rất Nga là Natasa.

Những giai điệu Nga đã trở thành một phần ký ức tuổi trẻ chúng tôi.

Ở các thành phố châu Âu ta vẫn gặp những “nghệ sĩ đường phố”. Nhưng nhóm nhạc Nga trên đường phố Potsdam hôm nay đã cho tôi thêm một sự bất ngờ trong thời gian ngắn ngủi tôi ở nước Đức. Giữa thủ đô Berlin khu tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân trong thế chiến thứ 2 vẫn còn đó dù chính thể Liên Xô, Đông Đức không còn tồn tại. Và ở đây, nơi gắn liền với sự kiện Hiệp ước Potsdam lịch sử (1), những người đàn ông trong quân phục Liên Xô vẫn đàng hòang biểu diễn những bài hát Nga – Xô viết trên đường phố. Quen thuộc là thế nhưng khi nhìn những gương mặt Nga trong bộ quân phục, nghe những bài hát thân thuộc thủa nào, có gì đó ngậm ngùi…khiến tôi không thể dừng chân lâu hơn. Gần đó, trên ghế băng dài mấy người phụ nữ Đức ngồi nghe như đang hòa mình với bài hát, chân nhịp nhịp, đôi tay vung lên quay cùng điệu nhạc. Có lẽ họ cũng như tôi đang nhớ lại ký ức một thời đã qua.

Đi xa rồi vẫn nghe tiếng phong cầm day dứt một giai điệu thật đẹp mà cũng thật buồn “Giờ này anh về đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đòan, đã dấn bước cùng tôi trên chặng đường xa…”.

Trên bầu trời xanh cuối thu những đàn chim đã bắt đầu bay về phương Nam.

(10/2010)

Mắm kho cá linh và phạm trù đại lịch sử- macro history

Phiếm luận của ông đồ Phạm Hoàng Quân

Bữa cơm chiều thứ bảy, vợ chồng bàn về thực đơn ngày mai, mình thỉnh thoảng mới ăn cơm ở nhà, bà xã ưu tiên cho quyền lựa chọn.

Ngày mai kho mắm, động vật gồm cá linh, tép sông và thịt ba rọi, chủ đạo là cá linh, thực vật gồm cà tím, khổ qua, tai tượng, bông súng, chuối sống, đậu rồng, dưa leo, rau thơm, …và phải tiến hành chùi rửa cái nồi đất cũ và kiếm mớ than củi nữa. Hình ảnh mấy con mắm sặc hiện lên, được nấu nhừ tan, vớt xương bỏ ra, nêm gia vị, bắc lửa liu riu thịt ba rọi xắt mỏng cho vô trước, kế đến là cà tím, khổ qua xắt miếng lớn, ớt cho vô, rồi đến tép, rồi sau cùng là mớ cá linh đầu mùa từ từ cho vô, khói than với khói hơi mùi mắm hoà quyện bay lượn. Tôi khoái chí với chủ trương đột ngột sáng suốt của mình, không kịp thời kho mắm ngày mai, tháng sau mà về thì cá linh lớn trộng, xương cứng ngắc.

Bàn bạc xong thực đơn ngày mai thì cũng vừa xong bữa, đi loanh quanh trong xóm một hồi, trở về nghe bà xã nói, anh ơi tháng này thiếu, mai 29 ăn chay.

!!!

Sự kiện nồi mắm kho cá linh không hình thành trên thực tế được có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là do hệ thống lịch pháp, nông lịch hay lịch can chi hoặc gọi là âm lịch hay quen gọi là lịch ta có nhiều tháng thiếu, không như lịch tây chỉ một tháng hai 28 ngày dễ nhớ. Kế đến là do sự tác động hay ảnh hưởng của nền văn hoá Phật giáo, vùng đất nam bộ cổ Phù Nam này nhiều nhà không phải theo đạo Phật hẳn hoi nhưng có tục thờ Phật và ăn chay ít ngày trong tháng. Rồi việc ăn 2 ngày chay trong tháng ( rằm, mùng một) hay 4 ngày chay trong tháng (14, rằm, 30, mùng một) hay nhiều hơn lại là quy ước riêng của từng nhà. Lại phân nhánh mà nói, theo vùng địa lý thì nam bộ gần gũi với Phật giáo Nam tông, tông phái này vốn không ràng buộc việc chay mặn, nếu mấy vị tỳ kheo Tích Lan xửa xưa chịu đi bộ xa xa, để phái Nam tông chiếm lĩnh địa bàn trước khi Bắc tông từ Trung Hoa ập đến thì không chừng kế hoạch nồi mắm kho cá linh nhiều khả năng thành hiện thực. Lại rẽ một nhánh nữa mà nói, tại sao bảo rằng nồi mắm kho “ nhiều khả năng thành hiện thực”, tức chưa chắc chắn sẽ thành, bởi nếu không nhằm vào ngày chay mà do thời tiết, sáng sớm mưa bão ầm ào, chuyện chợ búa đành phải gác lại. Hoặc có khi không mưa không bão mà do tác động xã hội, tỉ như đột nhiên anh em bà con lối xóm rủ rê tiệc lớn tiệc nhỏ vân vân, tức cũng phải liệt vào những lý do gây trở ngại việc kho nồi mắm.

Kế hoạch kho mắm và bữa cơm mắm kho là tiền đề và kết thúc một sự kiện diễn ra cách nhau có một đêm, cuối cùng thành ra là một sự kiện chưa xảy ra. Mặc dù sự kiện chưa xảy ra nhưng cũng rút ra được bài học lịch sử như sau : Khi trù tính việc gì cần phải coi kỹ cả hai thứ lịch âm dương; xem thiên văn hoặc truy cập thông tin thiên văn nếu trình độ thiên văn chưa vững; tìm hiểu về không gian văn hoá đặc biệt là tín ngưỡng nơi địa bàn mà kế hoạch sắp thực hiện; tìm hiểu hoàn cảnh xã hội.

Sở dĩ kế hoạch kho nồi mắm cá linh bị thất bại, nguyên nhân chính là do nhân vật chủ trương chỉ chú trọng vào yếu tố địa lý phong thổ, thiếu quan tâm đến các yếu tố thời gian, không gian và con người như bài học lịch sử đã nêu.

Định Tường, tối Chúa nhật ngày 29 tháng Bảy âm lịch năm Tân Mão

Hiệu chỉnh vào tối ngày 31 tháng 8 năm 2011 tại Gia Định.


TuỔi trẻ cuối tuần, ngày 30/10/2011 đăng với bút hiệu HỒ VIÊN

TRÊN CẦU TÌNH YÊU (PRAGUE)


Một ngày thu tôi đến Prague. Thành phố hiện lên đẹp như trong bộ phim cổ tích “Ba hạt dẻ dành cho lọ lem” của Tiệp Khắc (tên cũ của Cộng hòa Sec và Slovakia) tôi xem hồi xưa, khoảng thập niên 70 thế kỷ trước. Từ trên tầng tháp của Nhà thờ Con Gà nhiều người mải mê ngắm nhìn toàn cảnh Prague hiện ra dưới tầm mắt. Quảng trường trung tâm có hàng ngàn du khách, đúng mười hai giờ trưa đồng hồ thong thả hồi chuông, chú gà vàng hiện ra từ tòa tháp cao nhất, và những vị thần lần lượt đi qua ô cửa nhỏ… Một thoáng cổ tích trong nhịp sống sôi động của thành phố du lịch nổi tiếng.

Cũng như nhiều thành phố châu Âu, Prague có những cây câu bắc ngang con sông Vlata chia đôi thành phố. Bạn đưa tôi đến “cầu tình yêu”,cây cầu nổi tiếng bởi những bức tượng dọc hai thành cầu, còn nổi tiếng hơn vì là nơi mà du khách truyền nhau rằng “cầu gì được nấy”. Trời mùa thu thời tiết thất thường, vừa nắng vàng rực rỡ đấy mà chỉ một cơn gió lạnh trời đã đầy mây xám, rồi lác đác những hạt mưa… Thoáng chốc sau mây tan bầu trời lại xanh thắm, xanh như thể là ngày thu cuối cùng… Từ cây cầu này toàn cảnh lâu đài trên đồi trở nên hiện ra hùng vĩ, đẹp mê hồn. Dưới kia, con sông Vlata trong vắt dịu dàng trôi giữa đôi bờ những lâu đài, nhà thờ, rặng cây, đường phố…
Địa điểm du lịch nổi tiếng này quả là được “khai thác” triệt để không gian từ trên cầu đến những cảnh quan xung quanh, nhưng vẫn mang lại cảm giác thảnh thơi nhẹ nhõm cho du khách dạo chơi. Trên cầu là những quầy hàng nho nhỏ bày bán đồ lưu niệm bằng gỗ, bằng da, bằng thủy tinh pha lê “Tiệp” nổi tiếng. Những người họa sĩ vẽ chân dung, du khách cười thích thú khi xem những bức biếm họa ngộ nghĩnh về mình. Và âm nhạc. Những nhóm nhạc chơi những thể loại khác nhau, rộn rã tươi vui khiến người ta bất giác nhún nhảy lắc lư, hay êm dịu gợi nhớ điệu valse sang trọng chốn cung đình… Giữa không gian ấy vút lên giọng hát trong vắt của một người phụ nữ khiếm thị. Cả một “dàn nhạc” ở ngay bên cạnh chị, trong chiếc máy CD trên chiếc bàn nhỏ phía sau.

Ave Maria! maiden mild!

Listen to a maiden's prayer!

Thou canst hear though from the wild,

Thou canst save amid despair…

Chị đứng đó trong bộ đồ trắng giản dị, say đắm cất tiếng hát, đôi bàn tay chắp trước ngực rồi mở rộng như muốn gửi tiếng hát đến tận trời xanh. Giọng hát chị khi trẻ thơ như Robertino, khi nồng nàn như Celine Dion… Chị cứ hát, không biết xung quanh mình có ai dừng lại lắng nghe ai lơ đãng đi qua. Dòng sông dưới kia, những đám mây trên bầu trời kia, cả cơn gió cuối thu cả những dòng người qua lại nơi đây… trong khỏanh khắc tất cả như ngừng lặng. Mẹ như rất gần, tưởng như ta có thể chạm vào đôi bàn tay mềm mại của Mẹ, như được thành trẻ thơ trong đôi mắt dịu hiền của Mẹ. Bỗng thấy cuộc đời như trong sạch hơn, con người tốt đẹp hơn, như vừa rũ bỏ hết những nỗi muộn phiền…

Đặt khẽ vài đồng tiền vào hộp nhỏ dưới chân chị, tôi bước đi. Tiếng hát vẫn vút lên

We bow us to our lot of care,

Beneath thy guidance reconciled;

Hear for a maid a maiden's prayer,

And for a father hear a child!

Ave Maria!

Đến bên bức tượng thiêng nổi tiếng, tôi đặt tay lên, nhắm mắt, và cầu nguyện.

Đi rất xa rồi mà tiếng hát vẫn theo tôi…

Ave… Maria…

Một góc nhìn về lịch sử


Tôi thường đọc những bài khảo cứu về lịch sử của tác giả Nguyễn Đức Hiệp trên một Website về Văn học – Nghệ thuật. Các tiêu đề như Khảo cổ học soi sáng văn minh Đông Sơn, Angkor xưa và nay, Người cổ Đông Nam Á… và nhiều bài khác (có và chưa có mặt trong tập sách này) đã làm tôi chú ý vì đây là những nội dung cần thiết cho việc nghiên cứu và giảng dạy của tôi. Và cũng vì tò mò nữa, bởi qua vài dòng tiểu sử ngắn ngủi, tôi được biết tác giả đang làm việc ở một lĩnh vực dường như chẳng liên quan gì đến sử học, dân tộc học và khảo cổ học!

Đầu năm 2007, trong chuyến anh Nguyễn Đức Hiệp về thăm nhà tình cờ tôi có dịp gặp anh. Qua câu chuyện trao đổi về việc khai thác và sử dụng những nguồn sử liệu mà cả anh và tôi cùng quan tâm, tôi được biết anh sắp xuất bản một cuốn sách tập hợp những bài viết đã đăng tải trên một số Website trong và ngoài nước. Lúc đó tôi nói đùa với anh “Vậy là em không phải mua sách vì thế nào cũng được tác giả tặng?!”. Không ngờ sau đó tôi nhận được e-mail của anh “đặt hàng” tôi viết vài lời giới thiệu cuốn sách với bạn đọc! Thiệt tình, tôi bỗng thấy ngần ngại quá vì chưa bao giờ (và cũng không quen) viết một bài có tính chất “trịnh trọng” như thế! Vả lại, tôi nghĩ đây là một cuốn sách về lịch sử, nếu được một người có uy tín khoa học trong ngành giới thiệu thì tốt hơn… Mang nỗi ngại ngần này bày tỏ với anh thì anh bảo, muốn tôi viết như một người đọc đã quan tâm và chia sẻ cùng anh những vấn đề lịch sử – văn hóa Việt Nam mà anh đề cập trong cuốn sách. Vì vậy, không dám viết Lời giới thiệu nhưng cũng không thể chối từ, tôi – với một chút “liều lĩnh” vốn có của người làm khảo cổ và cả một chút lãng mạn của người đã có dịp trải nghiệm nhiều vùng đất bằng bước chân mình – muốn được chia sẻ cảm nghĩ đồng thời cũng là một vài nhận thức của mình sau khi gấp lại những trang cuối cùng của cuốn sách lý thú này.

Trong cuốn sách của mình, anh Nguyễn Đức Hiệp đã có những bài mang tính khái quát về đặc điểm của Khoa học hiện đại. Qua việc hệ thống triết lý khoa học thời hiện đại, mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo, anh đã làm rõ hơn một trong những nguyên tắc “sống còn” của Khoa học xã hội ngày nay: nghiên cứu liên ngành – đa ngành không chỉ trong các ngành Khoa học xã hội với nhau mà còn với nhiều ngành Khoa học tự nhiên và Khoa học kỹ thuật. Vấn đề nghiên cứu phải được đặt trong bối cảnh rộng hơn về không gian, thời gian và cả về nội hàm của nó. Tất nhiên, muốn làm được điều đó thì người nghiên cứu cần có nội lực tri thức, đầu tiên là tri thức từ nguồn tư liệu của vấn đề. Trong phạm vi khoa học lịch sử, một câu hỏi đã được đặt ra từ lâu, đó là có hay không có, và làm thế nào để có một “lịch sử khách quan”, khi mà nền sử học luôn chịu ảnh hưởng của một xã hội nhất định, khi mà cùng với độ lùi của thời gian lịch sử sẽ được nhìn từ nhiều góc độ, chiều kích khác nhau. Vì vậy nguồn sử liệu phong phú hơn nhưng cũng nhạt nhòa hơn, thậm chí có khi sai đúng khó lường… Trả lời câu hỏi này như thế nào tùy thuộc vào việc xác định phương pháp luận cơ bản để tiếp cận những nguồn sử liệu. Tiếp cận tư liệu mới là phương pháp có tầm quan trọng đặc biệt, qua đó nhà sử học sẽ thể hiện sự khách quan khoa học trong khi nhìn nhận, đánh giá những vấn đề lịch sử mới, đặc biệt khi đặt ra, đặt lai những vấn đề lịch sử không mới!

Phần nội dung về lịch sử con người ở Đông Á và Đông Nam Á, anh Nguyễn Đức Hiệp đã tóm tắt một số công trình lớn gần đây trong việc nghiên cứu gien di truyền đem lại nhiều nhận thức mới về nguồn gốc loài người ở hai khu vực trên. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, nguồn gốc “sinh học” chỉ là một phần của lịch sử văn hóa tộc người ở Đông Á và Đông Nam Á (và nói chung trên thế giới). Chính xác hơn, trong mỗi một Con người xã hội luôn có hai nguồn gốc: Con người sinh họccon người Văn hóa. Tuyệt đối hóa nguồn gốc sinh học mà không đặt con người trong bối cảnh của một quá trình lâu dài tiếp xúc, tiếp nhận, thích ứng, biến đổi của một cộng đồng tộc người trong môi trường sinh thái – nhân văn nhất định thì dễ sa vào thái độ “tự hào” đến mức cực đoan khi cho rằng, mọi thành tựu văn hóa – văn minh của khu vực Đông Bắc Á là từ Đông Nam Á mang lên, như một sự đối trọng với tư tưởng “bành trướng văn hóa” đã từng phổ biến trước đây là nguồn gốc văn minh Đông Nam Á do văn minh Hoa Hạ truyền bá xuống. Cho đến nay không ai có thể phủ nhận được thành tựu văn hóa quan trọng nhất mà khu vực Đông Nam Á đã đóng góp cho thế giới, đó là việc cư dân văn hóa Hoà Bình từ khoảng 10 ngàn năm cách ngày nay đã phát minh ra nghề trồng trọt. Văn hóa Hòa Bình là một văn hóa khảo cổ phân bố rộng khắp khu vực Đông Nam Á thời cổ (bao gồm cả phía Nam sông Dương tử – vùng Hoa Nam ngày nay). Địa bàn phân bố chính của nền văn hóa này là vùng thung lũng chân núi, trước núi, thềm sông cổ. Di tích thường được tìm thấy trong những hang động, mái đá. Môi trường tự nhiên với “hệ sinh thái phổ tạp” phong phú các giống loài thực vật và động vật thủy sinh đã được con người khai thác làm thức ăn, tiến tới thuần hóa nhiều loại thực vật và là nơi đầu tiên thuần hóa một số giống lúa hoang. Để rồi vào khoảng 4,5 ngàn năm cách ngày nay, nghề nông trồng lúa nước mới thực sự phát triển xuống vùng châu thổ các con sông lớn ở Đông Nam Á. Sự hiểu biết nguồn gốc sinh học của con người, hiểu biết văn hóa – sự ứng xử của con người với tự nhiên – là cơ sở cho tri thức về nguồn cội văn minh Đông Nam Á – Việt Nam. Nhận thức được điều này, ở một khía cạnh nào đó giup xóa bỏ ẩn ức tâm lý “nhược tiểu” từ lâu nay ảnh hưởng đến việc nghiên cứu lịch sử – văn hóa Việt Nam.

Do nghề nghiệp nên tôi có dịp đi đến nhiều vùng miền trên đất nước ta. Có lẽ vì thế mà tôi có sự đồng cảm vơi nhiều bài khảo cứu của anh Nguyễn Đức Hiệp về những vùng đất ở quê hương anh đã qua, đã đến. Mỗi lần về Việt Nam anh lại đi đến và khám phá những vùng đất khác nhau. Từ những chuyến đi đó, bằng một tình cảm trân trong trên cơ sở những tư liệu phong phú nhiều bài bút ký khoa học đã ra đời. Những tư liệu lịch sử khô khan đã trở nên sống động với văn phong giản dị, từ ngữ chính xác và dễ hiểu, lập luận khoa học khúc chiết nhưng nhẹ nhàng. Các vấn đề lịch sử – văn hóa Việt Nam như Văn minh Đông Sơn, Nguồn gốc triều Trần hay về văn hóa Champa, văn hóa Oc Eo… hay vấn đề về cội nguồn Bách Việt ở Đài Loan… có lẽ không phải là vấn đề mới, nguồn tư liệu anh Nguyễn Đức Hiệp dày công sưu tầm chắc cũng đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khi hệ thống và tập hợp một cách chọn lọc, có sự đối chiếu so sánh, tán đồng hay phản bác dựa trên chứng cứ khoa học xác đáng thì tác giả đã giúp người đọc nhận thức rõ hơn nội hàm khoa học của những vấn đề này, tránh được một số định kiến – nếu có – từ nội dung có phần “nhạy cảm” của nó. Tất nhiên, mỗi bài khảo cứu tác giả chỉ giới hạn ở một vài nội dung, nhưng người đọc thì luôn mong muốn nó được thể hiện trọn vẹn hơn, đầy đặn hơn, trên cơ sở những tài liệu mới hơn… Ví như lĩnh vực khảo cổ học, một số phát hiện và nhận định mới chưa được cập nhật trong những bài viết về Sài Gòn – miền Đông Nam bộ, về những di tích đền tháp Champa, phế tích văn hóa Oc Eo… Tôi đã trao đổi với anh Nguyễn Đức Hiệp nhưng không muốn anh sửa chữa lại trong tập sách này, vì cũng là một sự ghi nhận việc tiếp cận tài liệu trong nước ở những thời điểm khác nhau của Anh. Chắc rằng khi tái bản anh sẽ bổ sung và chỉnh sửa.

Một cảm nhận ngày càng rõ trong tôi sau khi đọc hết tập sách này: những biến cố chính trị, những sự kiện lịch sử rồi cũng sẽ qua đi. Cái còn lại vĩnh viễn trong ký ức những thế hệ con người chính là ý nghĩa và giá trị nhân văn của những biến cố, sự kiện ấy… Lịch sử không thể tách rời Văn hóa, hay nói đúng hơn, nhận thức – ghi nhớ – lưu truyền lịch sử, đó là Văn hóa.

Sự say mê nghiên cứu về lịch sử của anh Nguyễn Đức Hiệp làm tôi nhớ đến một kinh nghiệm từ cuộc đời khoa học của giáo sư Dân tộc học Nguyễn Đức Từ Chi, một người Thầy tôi có may mắn được học ở Đại học. Kinh nghiệm đó là, muốn nghiên cứu lĩnh vực nào thì tốt nhất đừng công tác tại cơ quan chuyên môn về lĩnh vực ấy … Ngoài việc tránh được những “phiền phức” do cơ chế quản lý, việc này còn mang lại một lợi ích lớn hơn, đó là người nghiên cứu sẽ tránh được lối mòn, sự khuôn sáo, định kiến, hạn chế sự ảnh hưởng bởi “tâm lý đám đông” trong nghiên cứu khoa học xã hội… Tất nhiên, điều này đòi hỏi người nghiên cứu phải có bản lĩnh khoa học vững vàng.

Ngày nay, các Website trên mạng Internet là nơi thể hiện sự bình đẳng trong quyền được thông tin và quyền được nhận thông tìn khoa học, bình đẳng về sự hiện diện cũng như chịu sự phán xét của công chúng đối với các công trình khoa học. Các bài khảo cứu của anh Nguyễn Đức Hiệp cũng không nằm ngoài quy luật đó trước khi được tập hợp thành một công trình để xuất bản chính thức. Tuy nhiên từ góc nhìn của anh, giá như cuốn sách mang tiêu đề “Khoa học soi sáng lịch sử – văn hóa” thì sẽ nói được nhiều điều hơn nữa về nội dung của nó…

Đó cũng là một chút tiếc nuối của người đọc đối với một cuốn sách mà mình tâm đắc.

Ảnh : Bìa sách “Khoa học soi sáng lịch sử ”

Sách in tháng 4/2007 nhưng do trục trặc kỹ thuật nên không phát hành. Các bạn có thể đọc những bài viết của tác giả Nguyễn Đức Hiệp tại đây:

http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action=detail&id=869

Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...