TỪ MỘT CON ĐƯỜNG



Đường Đồng Khởi có lẽ là con đường nổi tiếng nhất trong những con đường đẹp, buôn bán sầm uất và có tuổi đời xưa nhất của Sài Gòn.

Nằm ở quận 1 đường Đồng Khởi có chiều dài 630 m, bắt đầu từ ngã tư với Nguyễn Du ngay trước mặt Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và kết thúc là đường Tôn Đức Thắng nhìn ra sông Sài Gòn.Trên con đường này tập trung nhiều khách sạn sang trọng, cửa hàng, tiệm cà phê, hiệu sách… đã trở thành địa chỉ văn hóa quen thuộc và in đậm dấu ấn trong tâm trí nhiều thế hệ người Sài Gòn và những người từng đến, từng ở Sài Gòn. Hình ảnh những khách sạn, cửa hàng như thế đã trở thành biểu tượng văn hóa của con đường.

Tại đây khách sạn Continental trong việc trùng tu để có một khách sạn hiện đại đã rất khôn ngoan khi giữ lại kiến trúc cũ, chắc chắn không phải vì nhà đầu tư không đủ nguồn lực xây dựng tòa nhà lên hàng chục tầng để khai thác lợi nhuận từ số diện tích tăng lên rất nhiều.. Nhưng, chắc hẳn chủ đầu tư đã tính đến việc sẽ khai thác nguồn lợi từ “thương hiệu văn hóa” bao gồm vị trí cảnh quan, gíá trị lịch sử - tuổi đời, ký ức của những người từng đến, từng ở khách sạn, giá trị những sự kiện đã diễn ra ở đây, những nhân vật nổi tiếng đã từng lưu trú tại đây. Việc khai thác “lợi nhuận” này ngòai việc tăng kinh phí đóng góp cho thành phố (qua thuế, các dịch vụ khác…) còn mang một ý nghĩa to lớn là đã bảo tồn và khai thác một cách phù hợp và có hiệu quả gía trị di sản văn hóa của thành phố. Đóng góp này tuy “vô hình” nhưng lâu bền vì nó tác động vào tình cảm con người, làm chiếc cầu tiếp nối ký ức của nhiều thế hệ.

Tôi chưa từng lưu trú một ngày nào trong khách sạn Continental nhưng đã nhiều lần dự tiệc, họp hành tại đây. Tất nhiên tôi biết rằng giá cả chi phí dịch vụ ở đây không như nơi khác vì là khách sạn 4*. Không rõ việc xếp lọai khách sạn có tiêu chí nào về giá trị “phi vật thể” của khách sạn đó không? Nếu không thì thật đáng tiếc! Vì giá trị “phi vật thể” có thể “quy đổi” thành “vật thể”: chi phí tại đây cao hơn vì ngòai chi phí cho tiện nghi dịch vụ còn có “phí” từ giá trị lịch sử của khách sạn. Đừng bỏ lỡ những cơ hội vàng như thế để giới thiệu và nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam. Khách đến đây khi chấp nhận chi phí cao có nghĩa là họ hiểu về gía trị “tiềm ẩn” của khách sạn, thể hiện một “đẳng cấp văn hóa cao” vì họ không chỉ quan tâm, đòi hỏi tiện nghi sang trọng mà còn có sự hiểu biết và trân trọng lịch sử - văn hóa của khách sạn đó nói riêng và Việt Nam nói chung.

Có thể người VN chưa quen với cách tính phí cao từ giá trị “vô hình” như vậy, nhưng vì sao không tạo ra một thói quen văn hóa mới? Cũng như các tour du lịch Việt Nam ra nước ngòai đều có việc đưa du khách tham quan bảo tàng của nước sở tại, dù ngay trong nước nhiều người Việt Nam còn chưa có thói quen đến bảo tàng tham quan, học tập và giải trí.

Nói đến đường Đồng Khởi nhiều người nghĩ ngay đến tiệm cà phê Givral nổi tiếng trên con đường này. Cà phê Givral đã từng và sẽ mãi được nhiều người nhớ đến chính vì những giá trị vô hình của nó. Nhưng hiện giờ nó càng nổi tiếng hơn bởi ca khúc “Vĩnh biệt Givral” – C’est fini Givral. Ca khúc này làm ta nhớ đến bộ phim lãng mạn làm rung động bao nhiêu trái tim “Mùa hè cuối cùng ở Capri”, còn bây giờ nó làm nhiều người rưng rưng nước mắt. Một phần quá khứ của mình, một phần quá khứ của Sài Gòn đã không còn nữa. May ra chỉ còn trong ký ức của thế hệ U 50, U 60 trở lên mà nay nhiều người không còn ở Sài Gòn…

Một vùng đất đánh mất ký ức, một thành phố không còn ký ức, những thế hệ con người không có ký ức… chẳng ai muốn điều đó xảy ra. Mong sao sẽ không có những “Givral khác”, sẽ không phải nghe những “C’est fini…” đối với những di sản văn hóa còn lại của Sài Gòn, của Việt Nam.

TẬP TẢN VĂN MỚI IN XONG NÈ ;))



Tập sách tập hợp những tản văn trên blog Hậu khảo cổ.

QUAY QUA QUAY LẠI

Mỗi sáng đi chợ, quay qua quay lại số tiền mang theo bỗng hết vèo... Than với con gái, con gái nói: thì mẹ đứng im, đừng quay nữa... Vậy cả nhà treo nồi lên hết, khỏi nấu gì khỏi ăn gì, nhé?!

Một ngày làm việc, quay qua quay lại thấy thời gian đã hết mà công việc vẫn chưa xong... Than với lính, lính nói: thì cô cứ ngồi im, đừng quay nữa... Vậy các kế họach đề tài, dự án, hội thảo tọa đàm... khỏi làm, lính khỏi lãnh lương lãnh tiền, nhé?!

Một đời, quay qua quay lại đã thấy sang bên kia con dốc, sống hết mình với người mà vẫn không hiểu được con người... Than với bạn, bạn nói: thì đầu óc cứ "treo máy" lên, đừng nghĩ ngợi gì cả... Vậy mỗi đứa bọn mình sẽ sống một mình, đừng thèm liên hệ, đừng thèm quan hệ với ai với cái gì, được không?!

Chỉ riêng thời gian... quay qua quay lại, ngày tháng mất đi nhưng mình lại được thêm nhiều thứ... Tự nói với mình: đừng bao giờ cho rằng mình chỉ bị mất, mất được khôn lường, được đấy mà cũng là mất đấy... trả vay cũng không đợi đến kiếp sau...

Ráng sống sao để trả, và ráng đừng để phải vay...
Nợ tiền nợ bạc chưa hẳn là đã nợ, trả tình trả nghĩa biết bao nhiêu cho đủ...
Phải không?

(Tản văn ngăn ngắn mở đầu tập sách)

NHỮNG MẢNH VỠ (18)


Đám giỗ

Bà mất sớm. Ông lấy vợ kế. Bà Hai không muốn sinh con để toàn tâm chăm lo cho chồng và các con chồng, rồi các cháu nội ngoại. Mấy chục năm trôi qua như thế…
Ông bà lần lượt ra đi.
Một lần đến đám giỗ ông, nhìn lên bàn thờ chỉ thấy di ảnh của ông và bà Cả. Hỏi người nhà: vậy ai thờ bà Hai? Họ tỉnh queo: để bà ở chùa!
Thắp nhang trước bàn thờ bỗng như thấy hình bóng bà Hai vẫn ân cần bên ông.

Vết đau

Hồi yêu nhau. Có lần gọt trái cây cho nàng, anh bị đứt tay. Nàng mặt mày tái mét, ôm cả cánh tay anh hốt hoảng đòi đưa đi … bác sĩ!
Lấy nhau rồi. Một lần thấy tấm hình cưới sắp bị rớt, anh mang búa đinh ra sửa. Loay hoay sợ đụng bể kiếng, búa đập vào tay. Máu tóe ra. Anh xúyt xoa nhờ nàng lấy giùm bông băng, nàng bực bội: Sao anh vụng thế! Chồng với chả con!
Vết đứt tay ngày xưa giờ bỗng thấm đau, đau thấy 36 ông trời!


Cái bóng

Một giáo sư khá nổi tiếng. Ảnh hưởng ông bao trùm nhiều thế hệ học trò. Ông vui mừng vì học trò giống như bản sao của chính mình. Thành công nho nhỏ của học trò làm cho cái bóng uy tín của ông dài hơn một chút.
Ông quên rằng mỗi ngày vào lúc giữa trưa, cái bóng của mình chỉ đủ cho chính mình.
Có học trò đã nhận ra điều đó, cố gắng bước ra ngòai cái bóng của thày. Và đi xa hơn.

Vỉa hè tạp lục (4)



Nhân một buổi tụ tập anh em giang hồ dự khuyết, ko biết thần sắc nàng HKC dư lào mà dịch giả NT Văn dứt thóat đòi coi bói Kiều cho nàng.

Nàng bèn lấy vẻ mặt thành kính, chắp tay nhắm mắt khấn rằng “lạy vua Từ Hải lạy vãi Giác Duyên lạy tiên Thúy Kiều, con tên là HKC sinh ngày z tháng y năm xx. Con xin được biết đường tình diên ra đạo của con. Nó dư lào xin cho con biết dư thế ý…”. Vậy là 3 lần mở đều vào một trang Kiều mà khi bác Văn ngâm nga thì nàng ko hiểu những câu thơ nói cái gì. Bác Văn giải thích cũng rất chi là dài dòng con nòng nọc càng làm rối cả lòng nàng. Mặc dù tự thấy là hơi zô ziên nhưng sốt ruột quá nàng bèn hỏi:
Tóm lại tình diên năm nay của em dư lào hả bác? Không thể từ bỏ thói quen nói có đầu có đuôi từ xuồi đến ngược dù bị một người (không đẹp) giục dã, bác Văn giọng vẫn đủng đỉnh nhưng ném ra những câu chắc như đinh đóng cột gỗ lim: Cô ấy à, số cô là số ruồi bâu chó sủa, cái số mà thi nhơn đã diễn giải là người yêu cô thì ở xa mà người ko yêu cô lại ở gần, hiểu chưa? Úi giời ơi, sao cô Kiều lại cho em một cái “hiện thực” [không XHCN] thế ạ?! Nàng kêu lên, sau đó giọng chùng xuống, để em ngẫm xem, hình như… đúng là như thế, vì cô Kiều đã bầu thế thì dứt khoát phải là như thế.

Yên tâm với quá khứ và hiện tại, nàng thỏ thẻ hỏi tiếp: còn tương lai thì sao ạ? Bác Văn bỗng phấn khởi cao giọng đáp: Trong năm nay cô sẽ có một tình yêu lung linh đẹp sao… với giai vỉa hè! Nàng còn đang chóang thì bác Văn phán tiếp: giai vỉa hè yêu là chuyện thường ngày, nhưng bây giờ sẽ yêu giai vỉa hè đấy nhé!

Anh em giang hồ có mặt lúc ấy xôn xao… nhưng rồi lại nhìn nhau đầy nghi ngại… Qua cơn “sốc” nàng mới dịu dàng thỏ thẻ mà rằng: các anh các em iu qúy, đừng nhìn nhau bằng những đôi mắt mang hình viên đạn như thế, tui đây đã cai nghiện bệnh iu rùi, thuốc rất công hiệu nên không tái nghiện đâu, yên tâm đi! (chả biết thuốc thế nào, có khi dỏm cũng nên, nhưng để tránh cho anh em giang hồ lâm vào cảnh nồi canh xáo măng nàng nói xạo một chút!)

Giang hồ nhìn nhau nhẹ nhõm hẳn, nhưng lại kín đáo thở dài đầy luyến tiếc.

P/S 1: kết quả bói Kiều của bác Ng T Văn sai bét, vì nàng HKC chờ từ năm ngoái đến năm nay chả có ai iu nàng cả thì làm sao nàng í iu lại?! Nhờ vậy anh em Hội vỉa hè vẫn giữ vững khối đại đòan kết tình thương mến thương.

P/S 2: cả nhà xem truyện tranh ở trên chưa? Tuyệt vời! Ngả nón bái phục tác giả :)))

NHỮNG MẢNH VỠ (17)



49. Ngọai tình

Phát hiện anh ngọai tình, chị bóng gió gần xa. Anh mắng “chỉ ghen tuông vớ vấn!”. Đến một ngày chị đưa bằng chứng ra, anh nổi giận. Họ ly dị.
Anh thanh minh với bạn: Chỉ vì chuyện những vớ vẩn mà cô ấy đòi chia tay!
Chị cười buồn, nghĩ: Nếu anh đừng giận dữ vì bị lộ mà hiểu được tâm trạng chị khi phát hiện ra điều đau lòng ấy thì có lẽ chị đã tha thứ cho anh…

50. Bệnh lạ

Nó mắc chứng bệnh lạ. Có khách đến, bảo chào bác Ba đi con thì nó nói “con chào bác Tư”. - Dì Tám về kìa con, thì “Dạ thưa dì Chín”. Nói đi mua 5 ngàn rau thì ra chợ: bán cho con 6 ngàn rau. Bảo sang mời Nội mai qua ăn cơm thì “ba con mời Nội mốt qua nhà”…
Đi khám, bác sĩ bảo: đây là biểu hiện của bệnh “rối lọan số đếm” rất khó chữa khỏi.
Cả nhà bảo nhau: không sao, lớn lên nó sẽ làm lãnh đạo vì có “bệnh thành tích”!

51. Giống nhau

Nhà có cháu bị bệnh down, mọi người phải trông chừng sợ cháu đi lạc. Một ngày ông đi làm về thấy cháu đứng bơ vơ ngòai chợ, lật đật chở về. Tới nhà, thấy… cháu đang ngồi ở cổng chờ ông. Nhìn lại, hóa ra nhầm, người kia cũng bị down nên mặt giống cháu. Bèn chở người ấy trả về chỗ cũ.
Vừa đi vừa nghĩ ngợi: sao cơ quan mình cũng có nhiều người giống nhau thế, dù không phải là down?

Mưa cứ mưa đi

Lại mưa, mưa hoài...
Hôm nay là ngay thứ 3 Saigon mưa tầm tã vào buổi chiều, mưa như bão rớt, như chưa bao giờ được mưa... Thật lạ, chẳng giống Saigon chút nào...
Bạn còn nhớ không, những cơn mưa Saigon dễ thương biết nhường nào. Chiều chiều cơn mưa ào đến thật nhanh, thật lớn, rửa trôi bụi đường làm tan khói xe. Nhưng rồi bỗng chốc những vòm lá ánh lên tinh khôi trong nắng nhạt khi tạnh mưa, cũng bất ngờ như khi mưa đến. Sau vài phút dòng người và xe lại đã tấp nập trên đường.
Giờ này... Đi đâu trên những con đường ngập nước?
Có người ngồi cafe Bông Giấy, nhìn dòng người xe qua lại, nhớ một ngày, và nhớ một người...
Trong quán, con bé tuổi teen cứ ngâm nga bằng một giọng vô cùng cáu kỉnh "Mưa cứ mưa đi ai buồn biết liền..."
Saigon vậy đấy, bạn ạ...

SÀI GÒN, ĐÔI KHI …




Đôi khi có chuyện bực mình, chẳng nơi nào đủ ồn ào để quên đi nỗi bực tức trong lòng.
Đôi khi có chuyện vui vui, chẳng nơi nào đủ yên tĩnh để một mình lắng lại.
Đôi khi có chuyện buồn… dường như không ai đủ thời gian để ngồi bên, im lặng…
Đôi khi cảm giác cô đơn, hình như chưa ai đủ thân để có thể giận khi người ấy vô tâm…
Đôi khi không vui không buồn không bực tức… giữa đông người không đủ để mình thật sự là mình.
Đôi khi … Thế đấy.

SẾN CHÚT COI



Đi từ Long Xuyên về Sài Gòn vào buổi chiếu. Khoảng 5 tiếng đồng hồ trên xe Mai Linh. Bác tài còn rất trẻ và trông lịch sự như một VIP nhưng chiêu đãi hành khách bằng các CD tòan nhạc sến. Hoàn toàn ko có định kiến gì với dòng nhạc này, nhưng quả thật 1 tiếng đầu gần như không chịu nổi những "nếu lỡ chúng mình hai đứa xa nhau...", với "tình đẹp mùa chôm chôm" rồi sang "cây trứng cá" rồi lại đi đào ao thả cá gì đấy... Đến tiếng đồng hồ thứ 2 thì bớt khó chịu, chỉ thấy lời ca và cách hát luyến láy buồn cười, rồi thấy giai điệu cũng buồn buồn, tự hỏi hay là vì nghe nhạc sến vào lúc hoàng hôn??? Rồi đến lúc lẩm nhẩm hát theo vì giai điệu đơn giản dễ thuộc... Khi xuống xe rồi, về đến nhà rồi mà trong đầu vẫn cứ văng vẳng mấy cái bài hát ấy. Khiếp thật là cái sự đơn giản nhưng dễ thuộc lặp đi lặp lại cứ bị nhồi vào tai đúng cái lúc chỉ có một mình ko nói chuyện được với ai .
Thật ra ngồi trên xe cũng có lúc nhớ đủ thứ chuyện linh tinh. Ví như nhớ hai nhóc lúc nhỏ. Xin cho con mèo về thì lại đặt tên là CÚN, suốt ngày cún ơi cún à... con mèo thì cứ đi theo kêu mèo meo, ai cũng phải buồn cười. Dọn cơm ra cứ phải trông vậy mà có khi vẫn bị con cún mèo hất lồng bàn tha mất khúc cá. Tức quá bèn lấy lồng bàn... úp con mèo lại. Hehe, thế là cún ta lê cái lồng bàn khắp nhà, chui cả vào gầm giường mà ko sao ra khỏi lồng bàn được... À ừ, cái kiểu "tư duy" gọi mèo là chó, ko đậy thức ăn mà đậy... mèo thì có thể gọi là HẬU HIỆN ĐẠI đấy nhỉ!!!
Rồi nghĩ miên man sang chuyện khác... những nơi đã qua, những người đã gặp, dù thoáng qua hay thân thiết...
Vậy mà lời ca giai điệu của chôm chôm với trứng cá với cây cầu dừa với rau đắng sau hè... các kiểu cây trái các kiểu dối lừa đau lòng hờn dỗi, các kiểu chim sáo mồ côi hay chim trắng cô đơn... vẫn chui qua tai vào đầu, cho đến giờ ko chịu đi ra.
Hay có khi mình sến như con sên từ trong óc cũng nên :))

Cho con gái yêu







Chúc mừng sinh nhật con gái yêu!
Mong sao cuộc sống của con sẽ luôn tràn ngập Niềm vui và Hạnh phúc!

Cuộc đời không phải lúc nào cũng là những điều tốt đẹp, nhưng đừng để hận thù, ghen ghét, đố kỵ có chỗ trong trái tim. Hãy luôn giữ được tình yêu thương và sự quan tâm đến người thân và mọi người, và hãy luôn mỉm cười, con nhé.

Vẫn biết ngày “con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy” rồi cũng đến, nhưng mẹ tin rằng mẹ con mình vẫn mãi là những người bạn có thể chia sẻ với nhau mọi điều, như nhiều năm qua…

Điều may mắn nhất của mẹ là đã có con và em, và thành công nhất của mẹ là hai cô con gái ngoan hiền. Và cũng như mọi người mẹ khác, với sự thiên lệch thường tình, bao giờ con gái của mẹ cũng là cô gái xinh đẹp nhất!

BÌA SÁCH MỚI




Bạn bè "nhận dạng" cuốn sách này nhé, hãy nhìn kỹ góc trái, khỏang tuần sau sách ra thì nhớ ủng hộ ;))
NGÀY PHÁT HÀNH: 23/7/2010

những mảnh vỡ (16)



Đồng hồ

Nhìn đâu cũng thấy đồng hồ.
Trên tường nhà, trên bàn làm việc, trên màn hình máy tính, trên điện thọai…
Trong phòng làm việc, phòng họp, phòng của sếp, phòng của lính…
Đi công tác: Trong xe hơi, trong khách sạn từ sảnh đến phòng ngủ…
Nhưng tất cả đồng hồ đều chậm nhanh vài phút khác nhau.
Khi xem giờ bất giác chị luôn tự hỏi: đồng hồ nào đúng?
Vì vậy, chị không đeo đồng hồ. Bởi không muốn nghi ngờ chính mình.

Kính

Dạo này mắt kém. Buổi tối đọc sách, nhìn máy tính một chút là mờ hẳn, có khi mỏi mắt, buồn ngủ.
Đi đo khám để mua kính. Chả kính nào vừa mắt vì nơi thì bảo cận, nơi lại nói viễn, có nơi phán “lọan thị”. Thậm chí kính 2 tròng “lọan viễn”, rồi “lọan cận”… vẫn không ăn thua.
Bóng đèn bị cháy, thay bóng mới. Đọc sách, nhìn màn hình máy tính bỗng sáng rõ ngon lành.
Hóa ra mắt kém là tại bóng đèn!

Máy tính

Thân thể người ta chia làm 4 phần: đầu, mình, tứ chi và máy tính.
Thỉnh thoảng máy tính bị virus, như người lâu lâu cảm cúm trúng gió. Cài chương trình diệt virus cho máy. Tự động “chíu chíu” khi virus xuất hiện. Như người uống thuốc cảm khi sốt ho nhức đầu…
Một ngày kia máy bị virus. Tòan bộ những gì đã delete bỗng hiện bằng các file có tên “hồi đó”, không cách gì xóa được.
Phát hiện chấn động: máy tính bị nhiễm virus “tuổi già” từ người.

THÁNG BẢY CHƯA MÀ ĐÃ MƯA NGÂU…



Chiều.Cơn mưa trút xuống ào ào, rồi tạnh thật nhanh, đã tưởng “sau cơn mưa trời lại không mưa” như thi nhơn Bùi Chát chiêm nghiệm, vậy mà lại mưa, mưa lai lai, mưa dai… ko như mưa Sài Gòn như mình vẫn thích.
Ô, mà bây giờ thời tiết nào còn là “Sài Gòn”?
Bây giờ Sài Gòn có những ngày nóng hầm hập như chảo rang, ngột ngạt như ngày hè Hà Nội. Đâu rồi hơi gió sông gió biển lao xao trên phố ngay cả trong những ngày nắng nhất?
Bây giờ mùa mưa Sài Gòn có khi còn vào tháng chạp, có khi tháng tư “tắm Phật” rồi mà vẫn chẳng thấy mưa đâu. Đâu rồi bầu trời nặng nước và hơi gió lành lạnh báo hiệu mùa mưa về khi mùa nắng tháng ba đang còn gay gắt.
Bây giờ Sài Gòn có những cơn mưa dai, xin lỗi cả nhà, như bò đi tè. Đâu rồi những cơn mưa ào đến ào đi, để mặt trời lại vui vẻ ló ra và dịu dàng những tia nắng cuối chiều tạm biệt phố.
Bây giờ Sài Gòn còn có cả mùa đông. Mỗi sáng cuối năm vẫn cần áo lạnh khăn ấm, dù có vẻ như để diện nhiều hơn. Mỗi tối trên phố đôi lứa nép sát vào nhau hơn. Đâu rồi… mà thôi, có cái này cũng hay, vì Sài Gòn trở nên lãng mạn hơn… :)
Mọi người bảo: do biến đổi khí hậu. Sự bất thường khó chịu của thời tiết hiện diện ngày càng rõ ràng. Mình bảo: Người điên thì thời tiết cũng khùng, dzậy thui :D
Nhưng mà chiều nay Sài Gòn vẫn còn cơn mưa mát mẻ, dù là mưa dai như… thì cũng làm nhẹ cả bầu không khí. Hà Nội trong những ngày đang nắng nóng kinh hoàng. Chẳng làm thế nào gửi ra cho bạn một chút hơi mát ẩm ướt của mưa Sài Gòn. Mà này, mùa đông Hà Nội cứ khi mình ra là trời nắng ấm, hay là bây giời mình bay ra có khi Hà Nội sẽ có những cơn mưa rào mùa hạ?
Bạn bảo: Thôi đi, đừng làm HN nóng thêm nữa!
Hic :((

Nhân đọc một bài thơ



Chút quà mọn cho một người đẹp không phải vợ, cũng chẳng phải người yêu

người phụ nữ nghiêng vào tai nói thầm:

“... sau thành công của một người đàn ông

luôn có một người phụ nữ.

sau thảm bại của một người đàn ông

luôn có... rất nhiều phụ nữ...”

tôi hoảng hồn rút lại bài thơ định tặng vợ mình. người phụ nữ đẹp một thời vừa nói với mình câu nói ấy. nụ cười tươi còn ghê gớm hơn buồn.

thôi, tái mặt rút lại bài thơ định tặng vợ,

cái tử tế cuối cùng của một thằng người

lỡ nói dối

phải biết buồn nôn

ĐỖ TRUNG QUÂN (tienve.org ngày 7/7/2010)


Vậy,

Sau thành công của một người phụ nữ thì sao?

- Hoặc không có một người đàn ông nào,

Người phụ nữ ấy mới chỉ thành công một nửa.

- Hoặc là có rất nhiều người đàn ông.

Ô, người phụ nữ ấy còn hơn cả thành công!!!


Sau thất bại của một người phụ nữ thì sao?

- hoặc có một người đàn ông. Nhiều người từng thất bại như thế, đừng lo!

- hoặc là có nhiều người đàn ông. Sự nổi tiếng của nàng có thể sẽ mang lại cho nàng một người đàn ông khác…?

- Hoặc không có người đàn ông nào cả.

Uh, thật sự là không có một NGƯỜI ĐÀN ÔNG nào cả…

Cám ơn bạn bè đã/ vẫn coi mình là "người Hà Nội"

Nguyễn Thị Hậu – người xa Hà Nội yêu Hà Nội (TT&VH)
Ít người biết chị sống ở Sài Gòn đã 35 năm vì chất giọng Hà Nội “đặc sệt” của chị… Không phải chỉ là thói quen, mà đây là chủ ý của Nguyễn Thị Hậu – như một bảo chứng về một mảnh đời sống mà chị không bao giờ quên – mảnh Hà Nội. Bao giờ chị cũng có hai quê, một – Chợ Mới, An Giang, và một – Hà Nội.


1. Vào những năm 1954 – 1955, cha mẹ chị cùng hàng vạn người con Nam Bộ đã tập kết ra miền Bắc. Mãi hai mươi năm sau, những người di cư vì công việc và thời cuộc ấy mới lại đặt chân về quê hương… Hai mươi năm, một thế hệ mới đã kịp ra đời và lớn lên ở Hà Nội – miền Bắc, đó là thế hệ của Nguyễn Thị Hậu – một thế hệ có hai quê.
Năm 1975, thống nhất đất nước, Nguyễn Thị Hậu là cô gái Hà Nội 17 tuổi, bỗng nhận ra mình còn có một miền quê có thật, chứ không phải chỉ trong lời kể. Trong con người chị có sự nhẹ nhàng, tinh tế, thanh lịch của người Hà Nội, và sự mạnh mẽ, chân thành, thẳng thắn của người phương Nam.
Trong chị, ký ức về một Hà Nội nghèo khó mà nên thơ còn mạnh hơn nhiều người Hà Nội cùng thời, vì với chị, Hà Nội là kỷ niệm cần lưu giữ. Đó là những sớm mùa đông, tiếng tàu điện; tiếng ve mùa hè, là kem cốm Tràng Tiền; là hoa violet Hà Nội gần Tết, là đạn bom trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, là đi sơ tán...
Gặp chị giữa đám bạn bè văn nghệ, đọc tản văn và truyện ngắn của chị, không ít người ngạc nhiên khi biết chị là TS khảo cổ học có đóng góp nhiều cho việc nghiên cứu Hoàng Thành - Thăng Long và giai đoạn tiền - sơ sử vùng đất Sài Gòn – TPHCM. Nhìn vẻ bình dân, xuề xoà của chị cùng bạn bè trong những quán cơm bụi, bên cốc bia hơi Hà Nội, khó hình dung chị hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM và là nhà giáo (dạy ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM và nhiều trường khác) và tại Hội khoa học lịch sử Việt Nam, chị là Phó Tổng thư ký. Ở chị, chất hồn hậu, thực chất luôn khiến người ta gần gũi và quý trọng, trước hết như một người bạn hiểu biết, chứ không phải như là một nhà khoa học đạo mạo, càng không phải một quan chức diệu vợi.
Với Nguyễn Thị Hậu, lịch sử là đời sống với đầy đủ nghĩa. Chị say sưa nói về việc phát hiện di tích di vật từ trong lòng đất và những nghiên cứu sử liệu chữ viết để phác dựng lại sự phát triển từ Chạ Chủ (làng Chủ) đến kinh đô Cổ Loa trong thời đại kim khí. Ngành khảo cổ đã tìm thấy ở đây hàng vạn mũi tên, hàng trăm lưỡi cày, rìu cuốc và nhiều trống đồng. Trống Cổ Loa là một trong ba chiếc trống Đông Sơn đẹp nhất và cổ xưa nhất. Cổ Loa sớm trở thành trung tâm giao lưu với nhiều vùng và là trung tâm kinh tế. Trên cơ sở đó vua Thục An Dương Vương đã cho xây dựng tòa thành Cổ Loa. Đây là công trình vĩ đại thể hiện tài trí và sức lực của những tộc người Việt cổ cùng góp công sức xây dựng kinh đô đầu tiên của quốc gia.

2. Nguyễn Thị Hậu là một trong những người tổ chức cuộc trưng bày “Cổ vật Hoàng thành Thăng Long” (tại Bảo tàng Lịch sử VN – TPHCM). Với chị, đây không chỉ vì trách nhiệm công việc, mà còn là một lời cám ơn với mảnh đất nơi mình đã lớn lên. Chị nhắc câu thơ nổi tiếng của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:

“Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng.
Từ thủa mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Tôi đủ biết tình chị với Hà Nội. Nó vừa đầy xúc cảm nguyên sơ bồng bột, vừa sâu thẳm của người đã thấm cái lẽ có và mất.
Biết chị là nhà khoa học, và viết văn, tôi và Nguyễn Thị Hậu đã có nhiều cuộc trao đổi, tranh luận về các chủ đề nhân văn. Phải nói, Hậu là người có tư duy thông thoáng và cởi mở. Chị đọc nhiều, chịu lắng nghe, thậm chí chị nghe và hiểu được ngay tinh thần hậu hiện đại do một số văn hữu chúng tôi, vốn hay phổ biến bằng cách phát ngôn và phát tiết khá văng mạng, chủ yếu trong những cuộc nhậu. Thời chị học, chưa có những lý thuyết như thế, nhưng chị rất chịu khó cập nhật. Bởi theo chị, lịch sử là quá trình đi tìm dấu vết con người. Mà đời sống con người, thời nào cũng thế, chứa đầy những điều nghịch dị, không bao giờ xuôi xị và thẳng thớm như nhiều diễn giải giản đơn, vì ngây thơ hoặc vì minh hoạ.
Trong con người chị, dường như mọi việc được sắp xếp gọn gàng đâu ra đấy, mà vẫn rất uyển chuyển. Chị đi nhiều vì nghề nghiệp, và vì thích xê dịch. Nhưng chị cũng là con người của gia đình và con cái. Khoa học, quản lý, văn chương, gia đình, con cái, bạn bè... Tất cả chu toàn vì bản tính thích chăm lo và nhường nhịn của chị. Cộng đồng khoa học biết đến TS Nguyễn Thị Hậu nghiên cứu nghiêm túc, cộng đồng blogger biết đến cái nick Hậu - khảo - cổ vui vẻ, ấm áp.
Và người Hà Nội, luôn nhớ đến Hậu, như nhớ một người Hà Nội.
Cũng như Hậu, luôn nhớ về Hà Nội, nhớ để trở về.
Tôi nhớ những đoạn văn của chị, có thể khiến người ta rưng rưng:
“Bao lần trở về, mình đã muốn cùng bạn lang thang chợ hoa Nhật Tân vào lúc rạng ngày đang sáng, để cùng ngắm những cành hoa đủ màu đủ sắc còn đẫm sương đêm, nồng nàn hương thơm...”


Lê Anh Hoài

"Những mảnh vỡ" trên Tuổi trẻ cuối tuần (4/7/2010)

@ Lam Đìền giới thiệu trên TTCT:
"Mấy năm gần đây ngòai những truyện ngắn xuất hiện dần dà trên các báo, Nguyễn Thị Hậu (với nick name Hậu Khảo cổ) còn vô khối mẩu truyện ngắn - tối đa 100 chữ - tải trên blog cá nhân của chị. Những đọan văn ấy mang dư vị thích thú riêng, có mẩu mang ý tưởng đột ngột như một góc ảnh lạ, có truyện thâm thúy như một lát cắt cuộc sống. Có mẩu giả như cười trên nỗi đau, có trường hợp ngụ ý nghĩa tình nhân bản trong một bối cảnh cuộc đời đang đổi thay chóng mặt... Dù vậy, điều thú vị là mỗi người tự tìm thấy mình (hoặc đâu đó quanh các mối quan hệ của mình) trong những mẩu ngăn ngắn kia, để rồi nhớ mãi trong hành trình bôn ba bất kể ngòai đời hay trên mạng ảo.
TTCT giới thiệu một số mẩu truyện đang được tác giả hậu khảo cổ tuyển chọn để xuất bản



Gãy chân
Đi nhậu về, chồng bị tai nạn xe máy gãy chân, phải nằm một chỗ. Chân bó bột cứng đờ, nặng chịch. Mọi việc đều có vợ ở bên giúp đỡ.
Khuya. Bỗng chồng lăn lộn rồi ngã nhào từ trên giường xuống đất, cái chân lành bị chân bó bột đập mạnh làm sưng vù, tím bầm. Vợ chòang dậy, hỏi: anh sao thế, sao lại ngã thế? Vẫn chưa hết hốt hỏang, chồng trả lời: nằm mơ, thấy đang ngồi trên đường rầy, xe lửa hú còi đến gần rồi mà không sao chạy được! Lại hỏi: làm gì mà ngồi trên đường rầy? – Ngồi nhậu với bạn, tụi nó thấy xe lửa tới đứa nào đứa nấy bỏ chạy mất tiêu!


Bước hụt
Anh chị sống với nhau đã lâu. Vui có mà buồn cũng không ít. Cuộc sống cứ nhàn nhạt, bằng lặng trôi qua. Vất vả qua đi, các con lớn dần… Một ngôi nhà khang trang, đồ đạc mỗi ngày một mới hơn, đầy đủ hơn. Anh cũng vắng nhà nhiều hơn.
Một lần lên lầu vào phòng ngủ, chị thấy anh đang đếm tiền, những cọc tiền 100 ngàn còn mới. Thấy chị, bất giác anh xoay người khom lưng che gói tiền.
Chị đi nhanh ra khỏi phòng. Bước xuống hụt chân chị mới nhận ra các bậc cầu thang nhà mình cao quá.

Khóa
Anh buông lời nặng nề. Sững sờ, cô lẳng lặng đưa con về bên nhà ngoại. Anh gọi điện về nhà bà nhưng chỉ nói chuyện với con.
Vài hôm sau cô về lấy thêm quần áo cho con. Mở cửa vào nhà, cô biết anh vừa đi đâu đó. Trên bàn cái gạt tàn còn vương khói thuốc… Cô bỗng thấy mềm lòng khi ngửi thấy mùi thuốc lá quen thuộc của anh. Dọn dẹp qua loa rồi cô đi.
Mấy ngày nữa, lấy lý do tìm sách vở cho con, cô ghé về nhà, lòng thầm mong sẽ gặp anh, dù trái tim vẫn đau đớn vì những lời anh nói.
Mở cửa mãi không được. Nhìn lại, ổ khóa đã thay.

Tự động
Lần đầu ra sân bay Nội Bài, đứng trước cánh cửa kính dày trong suốt, nó kinh ngạc khi chưa kịp đưa tay đẩy thì cánh cửa đã mở rộng, và vừa bước qua thì cánh cửa cũng nhẹ nhàng khép lại. Nó nhìn quanh, thắc mắc không biết vì sao cửa mở và khép nhanh như thế? Tò mò, nó lại bước ra bước vào lần nữa, cánh cửa vẫn mở và đóng nhịp nhàng. À, có người điều khiển đấy mà. Khoái chí vì phát hiện ấy, nó lẩm bẩm, cho mày mỏi tay chơi! Rồi cứ thế, nó đi qua chạy lại cái cửa ấy nhiều lần nữa.
Cửa vẫn bình thản đóng mở. Còn nó chân mỏi rã rời.

Bong bóng
Anh đã ly dị vợ, còn chị cũng một lần gãy đổ. Xung quanh anh không thiếu những cô gái xinh đẹp, những người đàn bà sắc sảo. Bên cạnh chị, đôi lúc có bóng dáng một người đàn ông dung dị nào đấy.
Quen biết một thời gian dài, họ quyết định đến với nhau. Mở đầu cuộc sống chung, anh bảo: chúng mình hãy cùng neo nhau lại trong cuộc đời chống chếnh này, em nhé!
Từ ấy, bên chị chỉ còn anh là người đàn ông duy nhất.
Từ ấy, bên anh vẫn quanh quẩn những cô gái và những người đàn bà…
Đến một ngày, chị nhận ra cuộc đời mình đang neo vào một chùm bong bóng…

Sinh nhật
Chị lấy chồng, ở nhà chỉ còn em với mẹ.
Có lần sinh nhật em, biết mẹ nấu bữa cơm ngon, em kéo một lũ bạn đến ăn uống quậy phá. Xong kéo nhau đi chơi. Mình mẹ lui cui dọn dẹp.
Có lần sinh nhật chị, mẹ mua một bó hoa hồng thật đẹp và lụm cụm đi xe ôm sang nhà chị. Nhưng vợ chồng chị đã đi ăn nhà hàng.
Hai chị em bàn nhau làm bảo hiểm cho mẹ. Khai hồ sơ, chị em nhìn nhau. Chẳng ai nhớ ngày sinh của mẹ

Chết
Nhà thơ, trong một thời điểm tận cùng trống rỗng, quyết định từ bỏ cõi trần.
Bạn bè không thể hiểu nổi tại sao một nhà thơ trẻ “đầy triển vọng” lại có thể tìm đến cái chết dễ dàng như thế…
Ngày Thơ, sau những màn tôn vinh Thơ, tôn vinh các nhà thơ, tôn vinh những bài thơ của nhau, sau chầu nhậu rượu đầy bia tràn mà người say thật và kẻ say giả bắt đầu tôn vinh lẫn nhau, bỗng nhớ đến người bạn "tài hoa bạc mệnh" bèn “cầu cơ” thăm hỏi tỏ lòng thương tiếc.
Câu trả lời: Tao thấy dưới này cũng như ở trển, chán quá, tao lại tự tử nữa rồi!

Kiến
Nhà đầy kiến. Thức ăn để đâu chỉ một lúc là bị kiến bu vào. Bực mình quá!
Không biết nghe ai nói, nó treo gói đường lên, bên ngòai bọc tờ giấy trắng có ghi chữ CỨT rất lớn. Một ngày, hai ngày, gói đường không hề có một con kiến nào. Tốt, kiến nhà mình cũng biết điều đấy chứ, không ăn bẩn. Nó khóai chí nghĩ. Thế là hễ có gì ăn được nó cũng treo lên, cũng ghi một chữ CỨT ở ngòai bát hay nồi, hay gói, bọc…
Từ ấy thức ăn nhà nó không bị kiến vào. Nhưng rồi nó cũng không thể ăn những thứ ấy được nữa.

Trong lồng
Một chú chim sẻ bay trên xa lộ, chẳng may va vào người đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Cú va chạm mạnh đến nỗi chim sẻ ngất đi. Người đi xe máy thương tình nhặt chú mang về nhà, cho vào lồng và để sẵn thức ăn nước uống.
Tỉnh dậy, chim sẻ nhìn quanh rồi kêu lên “thôi rồi, mình đâm chết thằng cha đi xe máy rồi. Kiểu này chắc tù chung thân!”
Đến bây giờ chim sẻ vẫn yên chí rằng mình đang ở trong cái nhà tù đầy đủ tiện nghi ấy.

Cổ vật
Gã có sở thích sưu tầm đồ cổ. Quanh năm làm ăn vất vả nhưng gã vẫn chắt bóp để mua từng món đồ nho nhỏ. Có lúc vợ con gã còn phải nhịn miệng để gã mua bằng được “hàng độc”. Dần dần gã trở thành đại gia trong giới cổ vật.
Vợ mắc bệnh nan y. Để có trăm triệu chữa bệnh cho vợ, gã quyết định bán món đồ cổ quý nhất. Có người tiếc: bán rồi làm sao mua lại cho được?! Gã cười khà khà: vợ là cổ vật duy nhất không bao giờ tôi muốn bị mất!

Bạn gái
Hai đứa cùng tuổi cùng nghề, thân như chị em. Khó khăn trong công việc nó tin tưởng kể cho bạn nghe. Gặp lúc gia đình bạn đổ vỡ nó cùng chia sẻ.
Không biết từ lúc nào bạn đã giành những mối làm ăn của nó. Người đàn ông của nó cũng vào tay bạn nốt.
Không một lời óan trách nó gây dựng lại chuyện làm ăn, rồi nó cũng tìm được người đàn ông khác. Mọi việc còn tốt đẹp hơn trước.
Mất một người bạn có khi không phải là điều đáng tiếc!

Tu tại tâm
Nhà làm ăn. Tháng đôi lần ngày rằm, mùng Một chị sắm sửa nhang đèn hoa quả đến một ngôi chùa lớn, thành tâm cúng lễ cầu mong làm ăn phát đạt. Khi nhà chùa có việc chị thường công đức những món tiền không nhỏ. Chị trở thành đệ tử thân tín của nhà chùa.
Bị phá sản. Chị vẫn thành tâm đến chùa cúng lễ nhưng tiền công đức không còn sênh sang như trước. Nhà chùa nhìn chị như người bá tánh.
Chị không buồn, tu không tại tâm mới còn sân si như thế.

Lô cốt
Khắp thành phố, đường nào cũng từng đọan dài lôcốt. Kẹt đường. Xe hơi nhích từng mét, xe máy lao lên lề, chui vào hẻm, nhưng rồi trên lề hay trong hẻm cũng vậy… Khói, bụi, mệt mỏi, cáu kỉnh, và cam chịu.
Hàng tháng sau lôcốt mới được dỡ bỏ. Mặt đường nham nhở những vết thương dài, xấu xí.
Đến với nhau, anh và em cũng phải vượt qua biết bao lôcốt ta vô tình dựng lên. Để rồi cuộc sống chung cũng như đọan đường mới được tái lập, nhưng không ai chắc rằng nó sẽ không bị đào xới, vào một ngày kia…

Cọp và mèo
Làng kia ở gần rừng. Gần đây cọp thường vào làng khi bắt con trâu, khi tha con heo. Người tức giận nhưng chẳng làm gì được ngòai việc khua thùng gõ mõ khi cọp… đi rồi. Bèn làm lễ cúng ông ba mươi cầu mong yên bình. Mâm cúng có xôi có heo quay vàng ươm thơm lựng. Mấy chú mèo đánh hơi mỡ màng, quanh quẩn kêu meo meo. Thế là bị người xua đuổi, thậm chí còn bị đánh rất đau.
Mèo bảo nhau: người có giỏi sao ko đánh cọp đi!

Bận
- Mai em ra, anh có bận gì ko?
- Hay quá, em ra đi. Mình sẽ đi chơi đâu đó.
Anh và em có ngày cuối tuần lang thang thật vui.
*
- Mấy bữa nữa em ra, anh có rảnh không?
- Để anh xem… dạo này công việc bận quá…
Em ra và về, chỉ gặp anh chớp nhóang trong bữa cơm trưa muộn màng.
*
- Anh à, em mới ra…
- Anh bận quá, tí nữa anh gọi nhé.
Em hiểu. Ngày xưa em đã nghe anh trả lời người ta như thế.

Lưng
Thời con gái, khi đi với người yêu cô hay ngả đầu vào vai anh, đầy tin cậy.
Lấy chồng, những năm hạnh phúc, khi chồng ôm cô trong vòng tay, cô úp mặt vào ngực anh, âu yếm.
Nhiều năm sau, cô chỉ mong được chồng ôm chòang lưng cô để mang lại cảm giác ấm áp, một chỗ dựa vững vàng. Vì mỗi ngày cô chỉ thường nhìn thấy cái lưng của chồng, chống chếnh và lạnh lẽo.

đêm



Thật ra thức đêm là việc bình thường, bình thường như… buổi sáng thì phải thức dậy vậy.

Đêm yên tĩnh, làm được nhiều việc: viết (những gì mình thích và những cái mình ko thích – lọai này nhiều hơn, khổ thế!), đọc (những thứ mình thích nhiều hơn), nghe (tòan thứ mình thích), hiếm khi xem (dù có nhiều cái mình rất thích). Tỷ lệ thời gian dành cho những việc ấy: viết 5, đọc 3, nghe 1,5 và xem 0,5. Tỷ lệ này thay đổi từng đêm, từng thời gian. Ví dụ dạo này chẳng hạn, viết chiếm đến 7, đọc còn 2 và 1 là cho những việc còn lại.

Đêm yên tĩnh, khi mọi tiếng động từ con người lắng xuống là lúc không gian cất lên tiếng nói. Tiếng lá cây bàng đu đưa ngòai sân, tiếng nụ ngọc lan cựa mình tỏa hương dìu dịu, tiếng ngọn gió ngòai công viên khẽ lướt qua những cây me già, tiếng tấm rèm như nhẹ tơ rón rén dựa vào khung cửa sổ…

Đêm yên tĩnh, khi mọi tiếng động của con người, của không gian lắng lại, là lúc tiếng động của ký ức vọng về… Mơ hồ một giọng nói, mơ hồ một ánh mắt, mơ hồ một lần gặp gỡ, mơ hồ một mối liên hệ mong manh… mơ hồ mà sắc như một lưỡi dao cứa vào đêm không còn yên tĩnh…

Đêm yên tĩnh… chỉ còn lặng lẽ những giọt ký ức chảy ngược vào trong…

Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...