ƯỚC MONG CỦA MỘT THẾ HỆ (báo Người Lao động Xuân 2025)

 Nguyễn Thị Hậu

Năm 2025 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Ngày 2.9.1945 thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngay sau đó nhà nước non trẻ đã phải bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Rồi sau hiệp định Geneve 7.1954, Việt Nam bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, cả nước lại bước vào cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ kéo dài hơn 20 năm. Trong thời gian đó dù năm 1973 hiệp định Paris được ký kết mở ra cơ hội hoà bình nhưng phải đến ngày 30.4.1975 mới thực sự chấm dứt chiến tranh, mở ra kỷ nguyên Hoà Bình - Thống nhất đất nước!

1.

 Năm mươi năm trôi qua, dài hơn gấp đôi thời gian những gia đình tập kết trải qua “ngày Bắc đêm Nam”, những gia đình di cư không nguôi “nỗi nhớ mùa đông”… Thế hệ tôi sinh ra, lớn lên trong chiến tranh và thời bao cấp, trưởng thành trong giai đoạn đất nước “mở cửa” bắt đầu phát triển, vì vậy ký ức sâu đậm nhất của chúng tôi là ngày “non sông liền một dải”. Đó là ngày bao nhiêu người được trở về quê hương, bao nhiêu gia đình sum họp, bao nhiêu nụ cười trong những ngày đầu hoà bình ấy. Nhưng cũng có bao nhiêu nước mắt đã rơi vì những người không bao giờ trở về, vì những người sẽ ra đi vì những lý do khác nhau…

Nhưng, chiến tranh dù kéo dài đến đâu cũng chỉ là hiện tượng bất thường cần phải và buộc phải chấm dứt! Đất nước hoà bình là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để mọi người có cuộc sống bình an, bình thường. Những năm đầu sau ngày thống nhất dù khó khăn chồng chất, lòng người ngổn ngang, nhưng đời sống “hoà bình, thống nhất” vẫn có ý nghĩa nhất đối với mỗi người, với cả đất nước.

Thực tiễn cuộc chiến tranh Việt Nam đã cho thấy, một đất nước có chiến tranh sẽ gây tác động bất ổn đến toàn thế giới, cuộc chiến “nhỏ” có thể để lại những hậu quả lâu dài không chỉ cho những “người trong cuộc”. Thậm chí có thể tạo ra sự thay đổi lớn trên phạm vi toàn cầu. Mỗi đất nước yên ổn phát triển, không gây hại, xâm lấn đến những đất nước khác, các quốc gia tôn trọng nhau và hợp tác với nhau sẽ tạo nên nền hòa bình trên thế giới. Hòa bình là trạng thái xã hội hòa thuận, nhân ái và không có sự xung đột đối đầu. Hòa bình là sợi dây kết nối con người, các cộng động bởi vì loài người có điều kiện bình ổn để phát minh, sáng tạo, phát triển mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường sự hiểu biết về các nền văn hóa và sự hợp tác với tất cả quốc gia. Hòa bình để thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và nhân văn trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Thế hệ những người đã trải qua năm tháng chiến tranh ác liệt thực sự cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của hai chữ "hòa bình" vang lên từ sau 1975. Hoà bình còn là tiền đề quan trọng nhất cho công cuộc thống nhất đất nước, cho hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc. Một đất nước từng trải qua hơn hai trăm năm lịch sử “đàng trong, đàng ngoài”, gần một trăm năm bị chia cắt ba kỳ Bắc Trung Nam, hơn hai mươi năm chia đôi Nam Bắc… càng thấm thía nhu cầu thống nhất “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” như lời thơ Xuân 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể nói mục tiêu cao cả nhất của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta là để thống nhất đất nước, hoà bình đi cùng với thống nhất mới thực sự trọn vẹn! Thống nhất không chỉ là sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải mà quan trọng nhất là sự đồng lòng của trăm triệu người Việt Nam trong và ngoài nước, cùng chung mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, nhân dân ấm no hạnh phúc, đất nước hùng cường “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

2.  

Trưa ngày 30.4.1975 cả Hà Nội đổ ra đường hòa chung niềm vui “giải phóng miền Nam” trong tiếng loa vang vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Sau tháng 5.1975 tôi từ Hà Nội vô Sài Gòn, theo chuyến xe cơ quan má tôi đưa cán bộ vào Nam tiếp quản. Gia đình tôi về ngôi nhà của ông bà tôi ở Phú Nhuận và ở đó cho đến nay. Rất nhanh tôi quen biết các bạn đồng trang lứa ở đây. Lúc đầu hơi xa lạ vì tôi là “cô nhỏ nói tiếng Bắc kỳ”, nhưng chỉ qua một mùa hè với những hoạt động sôi nổi, chúng tôi đã trở thành bạn bè. Mùa hè, ban ngày chúng tôi theo trường học tham gia công tác xã hội như giữ trật tự giao thông đường phố, phân phát báo Sài Gòn giải phóng đến các công sở trường học, buổi tốt tập văn nghệ những bài hát cách mạng ở nhà một ai đó... Lúc ấy các bạn trẻ đều hồ hởi còn những người lớn tuổi khá dè dặt. Cuộc sống những tháng đầu sau ngày hòa bình sôi nổi nhưng cũng nhiều thấp thỏm.

Những năm sau đó, hòa bình không còn trọn vẹn vì cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Nhiều bạn tôi lên đường nhập ngũ, có bạn đã hy sinh. Chúng tôi ở lại thành phố và nhiều vùng miền khác, vừa đi làm vừa vất vả kiếm sống trong thời bao cấp. Thành phố hiện đại từng là “Hòn ngọc Viễn Đông” bỗng thành một cái làng “tự cung tự cấp” như thời kháng chiến!

 Nhiều người còn nhớ thời kỳ ấy mọi người đều làm bất cứ gì để có thể cải thiện cuộc sống, từ nuôi heo nuôi gà trong nhà, nuôi cá trê phi trong bể ngay dưới... gầm giường, may hàng gia công, bỏ mối hàng, phục vụ quán ăn, dán bao thơ cho bưu điện, làm gia công cho các cơ sở sản xuất, chạy “mánh mung” bán thước lá, thuốc tây lậu, bán hàng “ở bển gửi về”... Nhiều lề đường thảm cỏ công viên biến thành nơi trồng rau muống rau lang... Nhiều người bỏ phố về quê, nhiều gia đình phải đi “kinh tế mới”... Không ít sai lầm trong chính sách kinh tế thời hậu chiến làm cho thành phố cô lập do “ngăn sông cấm chợ”. Thành phố đã mất đi nhiều sức mạnh vốn có, mai một những tiềm năng, nhất là tiềm năng về con người!

Tuy nhiên, dù thành phố được xây dựng và phát triển theo ý chí và quan điểm của các thể chế qua các thời kỳ lịch sử, nhưng sự vận hành là theo những quy luật khách quan của đô thị. Đó là, các đô thị/thành phố là nơi tập trung các hoạt động của tiền tệ, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp/công nghiệp nhẹ. Nếu sự định hướng và vận hành của chính quyền không phù hợp quy luật cơ bản đó thì thành phố sẽ biến thành “một cái làng lớn”. Lúc đó sẽ xảy ra sự rối loạn thậm chí đình trệ mọi mặt, và người dân sẽ bằng mọi cách để “tự cứu mình” như một câu nói phổ biến thời bao cấp. Có thể nhận thấy tình trạng này tái hiện trầm trọng trong năm 2021 khi toàn thành phố bị “cô lập” vì đại dịch Covid.

Và rồi như mọi sự trái quy luật khác, “cùng tắc biến”, thành phố là nơi đầu tiên “xé rào” để đưa sự vận hành theo đúng quy luật phát triển. TP. HCM là nơi tập trung những thực tiễn đòi hỏi cả nước phải “đổi mới”. Từ đó thành phố dần lấy lại vị thế trung tâm kinh tế lớn và vai trò “đầu tàu” của cả nước.

Thế hệ thanh niên ngày ấy mỗi người mỗi hoàn cảnh, đi theo những ngả đường khác nhau... Sau này khi gặp lại chúng tôi thường nói với nhau, sao hồi đó tụi mình cực quá vậy mà ai cũng vui, ai cũng vượt qua và bây giờ cuộc sống đều ổn định. Ngẫm lại, lúc đó ai cũng tâm niệm: phải sống, phải làm sao cho con cháu không còn chịu cực như mình, và làm sao cho thành phố mình, đất nước mình ngày càng khá hơn. Hòa bình Thống nhất rồi, không thể trở lại tình trạng khốn khó như thời chiến tranh nữa! Đơn giản vậy thôi!

Bây giờ, nhờ mạng xã hội chúng tôi dần liên lạc lại được với những người ở xa. Khi gặp lại các bạn thường hỏi một câu như là lời chào: Sài Gòn bây giờ thế nào? Không chỉ những người ở xa, ngay những người thành phố đôi khi cũng giật mình ngạc nhiên khi thành phố đã mở rộng và cảnh quan thay đổi từng ngày.

Sông Bến Nghé, Tàu Hũ, Kinh Đôi, kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè “nổi tiếng” kênh đen với những ngôi nhà chênh vênh cọc gỗ che kín mặt nước đọng đầy rác rưởi, bây giờ đang được nạo vét, kè bờ, nay đã là những con kênh xanh giữa lòng thành phố, dọc hai bờ kè mát bóng cây xanh, vườn hoa. Khu quận 4 bên kia cầu Khánh Hội nổi tiếng “xã hội đen” một thời… Giờ những xóm nhà lá lụp xụp trong những con hẻm nhỏ chằng chịt hầu như biến mất. Những gương mặt con người nơi đây dường như đã bớt đi nhiều vẻ lo toan khắc khổ. Còn vùng trũng Nhà Bè mênh mông dừa nước, đất vàng phèn mặn ngày nào, giờ đã là đại lộ Đông Tây với 8 làn xe chạy giữa khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đẹp như mơ…

Những làng xóm, ruộng vườn phía Gò Vấp, Tân Bình hay Hóc Môn, Củ Chi… cũng đã thành đường, thành phố mới. Tốc độ đô thị hóa ở Sài Gòn khá nhanh, trong khi việc quy hoạch thành phố còn chưa theo kịp sự phát triển, vì vậy không tránh khỏi sự lộn xộn và có phần chưa đẹp trong cảnh quan đô thị. Thành phố vẫn là nơi “đất lành chim đậu”, hội tụ những từng con người từ mọi miền đất nước đến đây sinh sống, góp phần làm nên sự đổi thay của thành phố.

3.

Năm mươi năm hòa bình, dù thành phố đổi thay đến đâu thì vị thế địa – văn hóa, địa – kinh tế của TP. Hồ Chí Minh cũng không thay đổi. Từ Nhà Bè nơi gặp gỡ đôi dòng sông lớn Đồng Nai – Sài Gòn, là vị trí “trời cho” mà được “người chọn” để xây dựng thành Gia Định rồi đô thị sài Gòn, tạo dựng những đặc trưng và bản sắc tiêu biểu cho vùng đất Nam Bộ.

Vị thế đó nay được duy trì như thế nào? TP. Hồ Chí Minh nay là “giao lộ trung tâm” của nhiều trục đường giao thông quan trọng: ra miền Trung miền Bắc, lên miền Đông và Tây Nguyên, xuống miền Tây – đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó có thể đi sâu vào lục địa đến nhiều quốc gia châu Á và xa hơn nữa... Không chỉ ở vị trí kết nối đường bộ, tính chất sông nước của một đô thị Nam bộ còn được nâng tầm cao hơn ở TP. Hồ Chí Minh. Đây là một thành phố hướng biển thể hiện qua hệ thống cảng thị hiện đại vào loại hàng đầu ở ĐNA. Hiện nay cùng với hệ thống cảng biển hiện hữu trong khu vực Đông Nam bộ, trong tương lai cảng trung chuyển Cần Giờ sẽ là một trung tâm mới của ĐNA. Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển tính chất cởi mở, linh hoạt, luôn đổi mới và tiếp thu và phát triển những thành tựu kinh tế - văn hóa – khoa học kỹ thuật mới của thế giới.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có những dự án phát triển đôi bờ sông Sài Gòn, hướng đến mục đích cao nhất là lợi ích bền vững cho cộng đồng. Có thể coi sông Sài Gòn là biểu trưng dòng chảy của lịch sử thành phố. Từng là nơi khởi lập, xây dựng thành phố với những biểu tượng như chợ Bến Thành, Bến Bạch Đằng, những con đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Lê Duẩn... Xa hơn về phía biển, sông Sài Gòn còn mang trong mình chứng tích “chiến khu rừng sác” ác liệt thời chiến tranh. Hay “Khu dự trữ  sinh quyển thế giới” chính là dấu ấn một thời gian khổ trồng lại rừng ngập mặn, mở đường ra biển của huyện Duyên Hải ngày ấy.

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, bởi vì mọi dòng sông đều không cam chịu bị biến thành “ao tù nước đọng”. Khơi thông hơn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và những kênh rạch trong thành phố, cũng là khơi thông tư duy, ý chí, hành đồng của “người Sài Gòn” – những con người không để quá khứ níu kéo trì trệ mà dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm! Sài Gòn luôn là hợp lưu của những dòng chảy dân cư, kinh tế, văn hóa. Năm 2025 - năm mươi năm thống nhất, và chỉ còn hai mươi năm nữa – 2045 đất nước tròn một thế kỷ dân chủ cộng hòa, TP. Hồ Chí Minh phải trở thành một thành phố hiện đại – văn minh, biểu tượng của hòa bình – hòa hợp. Mong lắm thay! 

TP. Hồ Chí Minh 1.12.2024




 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ƯỚC MONG CỦA MỘT THẾ HỆ (báo Người Lao động Xuân 2025)

  Nguyễn Thị Hậu Năm 2025 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Ngày 2.9.1945 thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngay sau ...