NHỮNG ĐIỂM NHẤN VĂN HÓA ĐÔ THỊ TP. HỒ CHÍ MINH 50 NĂM QUA

 Nguyễn Thị Hậu - BÁO PHÁP LUẬT TPHCM XUÂN 2025

1.     

Đô thị ra đời và phát triển từ chức năng là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa hay kinh tế của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ. Văn hóa đô thị là văn hóa của các thành phố và đô thị, bao gồm một hệ thống các giá trị, niềm tin, sự tự hào, hình ảnh, uy tín, lối sống và các thói quen truyền thống, qua đó tạo nên các chuẩn mực hành vi cho mỗi người dân và cộng đồng thị dân.

Văn hóa đô thị hiện diện trong không gian đô thị, bao gồm các yếu tố không gian tự nhiên (vị trí, địa hình, thiên nhiên) không gian nhân văn (quy hoạch, hạ tầng, các công trình, cảnh quan...), yếu tố thời gian là tiến trình lịch sử, yếu tố dân cư và văn hoá của họ. Đó là môi trường mà ở đó, các nhóm dân cư trở thành một tập hợp xã hội đặc biệt có văn hóa thị dân, tái tạo và phát triển các cấu trúc văn minh đô thị, phản ánh diện mạo riêng biệt của từng đô thị. Đánh giá “văn hoá của một thành phố” không thể không xét đến các yếu tố gắn bó chặt chẽ với nhau là không gian, thời gian, chủ nhân của thành phố đó.

Nếu tính từ khi con người có mặt trên vùng đất Sài Gòn, theo các bằng chứng khảo cổ học trải khắp từ Củ Chi – Hốc Môn – Thủ Đức đến nội thành rồi kéo đến Bình Chánh – Cần Giờ, thì thành phố này có tuổi đời đã trên 3000 năm. Cùng với cả Nam bộ, Sài Gòn không phải là một “vùng đất mới” như như quan niệm xưa nay. Đặc biệt nếu lấy mốc 1790 thành Gia Định được xây dựng theo kiểu phương Tây thì đô thị Sài Gòn hình thành vào loại sớm đã phát triển liên tục trên 200 năm.

Từ nửa sau thế kỷ 19, Sài Gòn được quy hoạch và xây dựng hiện đại hơn. Đó chính là “không gian đô thị” mới, là cơ sở hình thành “văn hoá đô thị” mới của thành phố, cùng với sự tồn tại của không gian cư trú và các thiết chế văn hoá cổ truyền giúp duy trì văn hoá truyền thống của cộng đồng dân cư. Có thể nói ở nước ta, văn minh đô thị Sài Gòn hình thành sớm, phát triển ở mọi khu vực, mọi nhóm dân cư.

2.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, trải qua những biến cố chính trị lớn, kinh tế - xã hội thành phố có những biến đổi sâu sắc. Thời kỳ “bao cấp” ở TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 10 năm (1975 – 1985) nhưng để lại di hại nặng nề không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà còn ở cả văn hóa – xã hội. Từ 1986, cùng với quá trình xóa dần “thời bao cấp” là thời kỳ phát triển kinh tế. Từ đó nhiệm vụ xây dựng “môi trường văn hóa” là điều kiện quan trọng nhất để TP. Hồ Chí Minh lấy lại diện mạo “văn minh đô thị”, tạo nền tảng cho vai trò “đầu tàu kinh tế” cả nước, cải thiện và nâng cao chất lượng sống của mọi tầng lớp nhân dân thành phố. Đó cũng là tiền đề cho tương lai gần, khi TP. Hồ Chí Minh có thể đạt đến quy mô “đại đô thị” trên 15 triệu dân.

Sau năm 1975 dân cư TP. HCM có sự thay đổi lớn về số lượng và tính chất. Một phần dân cư lâu đời rời khỏi thành phố, thay thế vào đó là những lớp người nhập cư đến từ khắp các vùng miền cả nước. Văn hóa thành phố ngày càng đa dạng... Tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh và phức tạp làm cho việc xây dựng lối sống “thành phố văn minh hiện đại” khó khăn hơn. Kinh tế phát triển mạnh mẽ nhưng văn hóa giáo dục chưa phát triển đúng tầm đã gây ra nhiều hệ lụy về đạo đức, lối sống, làm tổn hại nhiều truyền thống tốt đẹp. Quá trình hiện đại hóa và xây dựng hạ tầng cơ sở đã làm hủy hoại, biến dạng nhiều di sản văn hóa như các di tích tôn giáo tín ngưỡng truyền thống. Đặc biệt là sự thay đổi cảnh quan và biến mất nhiều công trình di sản thuộc về “ký ức đô thị” ở khu vực trung tâm đô thị Sài Gòn.

Từ khoảng 2014 đến nay đã có sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức và hành xử của cư dân đô thị về “nếp sống văn minh đô thị”. Nhận thức về giá trị văn hóa và ý thức gìn giữ di sản của cộng đồng ngày càng nâng cao góp phần tác động đến những chính sách bảo tồn di sản của chính quyền thành phố. Chính quyền và người dân có sự quan tâm và cải thiện các quan hệ xã hội theo hướng tích cực. Đặc biệt, nét văn hóa đặc trưng nhất của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh là sự phóng khoáng, năng động, nghĩa tình, nhân ái vẫn được duy trì và lưu truyền như một tài sản quý giá, “làm việc nghĩa” là tính cách của “Người Sài Gòn”, bất kể họ đến thành phố này từ đâu và từ khi nào.

Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh là một đô thị có những đặc trưng tự nhiên và nhân văn độc đáo. Chứng tích của quá trình lịch sử hiện diện trong hệ thống di sản văn hóa, gồm 7 bảo tàng của thành phố và một số bảo tàng ngành, bảo tàng tư nhân, cùng hệ thống di sản lịch sử - văn hóa. Hiện thành phố có 185 di tích đã được xếp hạng, trong đó 02 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 56 di tích quốc gia (02 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử); 114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiên trúc nghệ thuật, 48 di tích - lịch sử); Cùng với đó là hơn 130 công trình, địa điểm được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn công trình nghiên cứu, hàng trăm ngàn loại tư liệu báo chí tại các thư viện và trung tâm lưu trữ... hiện nay được xếp vào loại hình di sản tư liệu.

Di sản văn hóa phi vật thể hiện diện ở thành phố có 2 di sản được UNESCO ghi danh (hát ca trù, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ) và 3 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở quận 5 và Lễ hội Khai hạ - cầu an tại Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt quận Bình Thạnh). Ngoài ra còn nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, lễ hội hiện đại như Đường hoa Nguyễn Huệ vào dịp Tết, sinh hoạt văn hóa mới như các Đường Sách trên khắp địa bàn trong Thành phố.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có 07 đơn vị nghệ thuật công lập và 01 Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh, có 01 Trung tâm Văn hóa và 07 Nhà văn hóa; 24/24 quận, huyện có Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục Thể thao, 24/24 Nhà văn hóa Thiếu nhi; 17/24 quận huyện có Nhà văn hóa Lao động, toàn thành phố có 5 nhà hát đáp ứng được yêu cầu của hoạt động biểu diễn và khoảng 10 sân khấu biểu diễn các thể loại kịch, tạp kỹ. Lớp trầm tích lịch sử - văn hóa tích tụ qua hàng ngàn, hàng trăm năm đã trở thành tài nguyên cung cấp chất liệu cho sự sáng tạo các lĩnh vực của văn hóa – nghệ thuật, điện ảnh. Trực tiếp “hưởng lợi” là ngành kinh tế di sản và du lịch văn hóa.

TP. Hồ Chí Minh có nhiều loại hình sản phẩm du lịch văn hóa, bao gồm: (i) Lịch sử: Bảo tàng và di tích lịch sử; (ii) Công trình và địa điểm văn hóa: Di tích, tòa nhà và địa điểm có giá trị văn hoá/khu vực có ý nghĩa giá trị văn hoá; (iii) Biểu diễn: Chương trình văn hóa và biểu diễn văn hoá và nghệ thuật; (iv) Nghệ thuật: Phòng trưng bày, bảo tàng nghệ thuật và triển lãm mỹ thuật khác (nghệ thuật không biểu diễn); (v) Con người và văn hóa: Phong tục tập quán, văn hóa và lối sống của người dân địa phương. Khu vực trung tâm thành phố, những cảnh quan đô thị Chợ Lớn, các di sản kiến trúc độc đáo bước đầu được tổ chức kết hợp với hoạt động thương mại, ẩm thực truyền thống, đồng thời bảo tồn, dần dần phục hồi những cảnh quan văn hóa – lịch sử để phát huy tiềm năng du lịch văn hóa từ lịch sử của thành phố.

Các loại hình biểu diễn nghệ thuật như cải lương, hát bội hiện nay đang bị mai một, chưa xứng đáng với vai trò là “Tiêu biểu truyền thống nghệ thuật biểu diễn Nam bộ” mà Sài Gòn là nơi tích tụ và đã phát triển đến đỉnh cao. Nhiều sản phẩm văn hóa  - nghệ thuật khác chưa được du khách trong và ngoài nước chú ý do thiếu quảng bá phù hợp và “hiện đại hóa” trong phục vụ. Trước 1975, Sài Gòn là nơi đầu tiên tiếp nhận, du nhập nhiều loại hình “công nghiệp văn hóa” trên thế giới, vì vậy phát triển công nghiệp văn hóa và văn hoá đại chúng luôn là một thế mạnh của đô thị này. Chính quyền thành phố đã xác định trong thời gian tới, bằng nhiều phương thức “xã hội hóa” sẽ xây dựng các “sản phẩm bom tấn” từ nguồn “tài nguyên văn hóa bản địa”. Vừa qua trong “Lễ hội sông nước” đã có một chương trình biểu diễn thực cảnh rất hiện đại và hấp dẫn, tạo dấu ấn và thu hút nhiều đối tượng du khách. Từ kinh nghiệm này sẽ định kỳ tổ chức những sự kiện văn hóa nghệ thuật mang tầm quốc tế như triển lãm Mỹ thuật, liên hoan Phim, Hội chợ sách, lễ hội quốc gia... để từ đó trở thành “thương hiệu văn hóa” cho thành phố.

3.

Mỗi đô thị có quá trình hình thành và phát triển theo quy luật chung nhưng cũng có những đặc điểm riêng từ nguồn gốc cộng đồng dân cư, từ tích tụ văn hóa và truyền thống lịch sử… Tất cả góp phần tạo thành vị thế và đặc trưng riêng của từng đô thị trong quốc gia, trong khu vực, được phản ánh rõ nét nhất qua các thiết chế và sinh hoạt văn hóa. Văn hóa TP. Hồ Chí Minh sau 1975 hòa nhập với văn hóa cả nước, nhưng thành phố luôn là nơi tiếp nhận và lan tỏa nhiều yếu tố văn hóa – kỹ thuật hiện đại, những phương thức kinh tế mới. Đồng thời thành phố vẫn lưu giữ được cốt cách, đặc trưng văn hóa Sài Gòn, Nam bộ: cởi mở, khoan dung, nghĩa tình, luôn lấy thực tiễn làm thước đo và giá trị của sự phát triển xã hội.

Chính quyền thành phố đang xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở khai thác có hiệu quả ba nguồn lực quan trọng: thứ nhất là sự đầu tư của Nhà nước; thứ hai là nguồn lực của các tổ chức xã hội; thứ ba là nguồn lực của nhân dân thành phố.

 "TP. Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì TP. Hồ Chí Minh" không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà còn có những đóng góp quan trọng từ lĩnh vực văn hóa. Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại bắt đầu từ những quyết sách và sự thực thi chính sách của chính quyền trung ương và chính quyền thành phố trên quan điểm Phát triển bền vững. Đó là sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, di sản văn hóa. Bởi vậy, văn hóa chính là “tấm gương” phản ánh bản sắc và trình độ phát triển của TP. Hồ Chí Minh một cách trung thực và rõ ràng nhất.

Ngày 5.11.2024







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHỮNG ĐIỂM NHẤN VĂN HÓA ĐÔ THỊ TP. HỒ CHÍ MINH 50 NĂM QUA

  Nguyễn Thị Hậu - BÁO PHÁP LUẬT TPHCM XUÂN 2025 1.       Đô thị ra đời và phát triển từ chức năng là trung tâm hành chính, chính trị, v...