Trải nghiệm tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên

 Hôm qua mình được NAG Minh Hòa rủ đi trải nghiệm Metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên. Từ năm 2021 mình đến khảo sát khu vực đang xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành, sau đó đi bộ theo đường hầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son... Nay trở lại Nhà ga trung tâm Bến Thành đã khá hoàn thiện, đặc biệt khu vực tầng mái toplight luôn hiện lên những hoa văn rất đẹp dưới ánh sáng mặt trời (mà sao nhiều nơi trang trí cứ phải lấy hình tượng hoa sen nhỉ, hoa cúc hay hoa khác cũng đẹp mà?). Dãy máy bán vé tự động, cửa soát vé tự động, thang cuốn và những thiết bị kỹ thuật khác đã được lắp đặt, chỉ chờ ngày đón khách chính thức.

Như nhiều chuyến tàu trong thời gian vừa qua, các chuyến tàu sáng thứ bảy 8/6 dành cho một số đối tượng nhân dân thành phố. Đi thử nghiệm nên chưa áp dụng đúng quy trình chuẩn (ra vào ga, lên xuống tàu...), chưa dừng tại các ga, nhiều người đi lên xuống tàu vẫn thói quen như đi thời bao cấp là dồn ở các toa đầu, chen chúc lên xuống, không để ý hướng dẫn lên xuống được vẽ dưới đất... Nhưng nhìn cảnh bà con già trẻ lớn nhỏ đều háo hức, dù không ít người từng đi metro ở nước ngoài, mới thấy công trình này thực sự có ý nghĩa với người dân thành phố.

Còn vài điều cần chỉnh sửa (như tấm hình dưới đây ghi “đi bến xe Suối Tiên” tiếng Anh lại dịch “Đi Bến xe Suối Tiên” là “For Suối Tiên terminal”)... Ga Bến xe Suối Tiên nằm tại Bến xe Miền Đông mới. Sao không đặt luôn là Ga Bến xe miền Đông để khỏi nhầm với ga trước đặt ngay khu du lịch Suối Tiên nhưng lại có tên “ga Đại học quốc gia”, vì vậy bà con muốn đi KDL Suối Tiên nhiều người sẽ nhầm. Ở các cửa ga đi từ trong ra ngoài, tấm bảng lớn trên cao cần ghi ngay thông tin hướng ra đến đường nào. Hiện nay thông tin này lại để ở một cái cột nên rất hạn chế tầm nhìn, khi đông người cùng xem thì rất khó. Tóm lại nên làm như các ga metro nước ngoài, các hướng dẫn hành khách họ bố trí mình nên làm giống vậy, vì đó là các chuẩn kỹ thuật đã được đúc kết từ lâu. Đồng thời cho dân mình quen thuộc để khi ra nước ngoài dễ sử dụng metro.

Về truyền thông: ngay từ bây giờ (cũng là muộn) cần có những clip hướng dẫn sử dụng máy bán vé, đổi vé, máy soát vé, cách lên xuống tàu, an toàn trên tàu... để phổ biến trên TV, trên các mạng xã hội, đưa vào dạy trong các trường học... (giống như những clip hướng dẫn an toàn trên máy bay). Chưa có quen đi phương tiện công cộng mà sử dụng ngay phương tiện hiện đại như metro chắc chắn sẽ có những nhầm lẫn, thậm chí tai nạn nếu còn tùy tiện lên xuống.

Phần nội thất các ga chưa được trang trí hoặc bố trí quảng cáo, thông tin về các tuyến metro cùng các ga... Nếu tại mỗi ga – nhất là các ga ngầm như Bến Thành, Nhà hát TP, Ba Son – có những bức ảnh về lịch sử khu vực đó thì rất hay, góp phần lưu giữ một phần lịch sử trên mặt đất đã “biến mất” và giúp hành khách hiểu biết về lịch sử TP. Bên cạnh đó có thể là những tác phẩm nghệ thuật hoặc hình ảnh quảng cáo thật đẹp.

Kết nối giữa metro và các hướng đi và đến của người dân chưa thuận tiện. Tại các ga hình như chưa có bãi gửi xe máy hay cả xe hơi? Như vậy cũng rất hạn chế người đi metro vì phần lớn người dân đi xe máy từ nhà ra đường lớn, nơi có đường metro.

Dù vậy, rất mong tất cả sớm được hoàn thiện để Metro tuyến số 1 nhanh chóng vận hành thương mại, bà con chờ quá lâu rồi... Khi Metro số 1 chưa vận hành thì Metro số 2, số 3... thí có lẽ “nhiều khi ước mơ chỉ là mơ ước thôi” như lời bài hát trong chương trình “Ngày xửa ngày xưa”.

Hình ảnh: NAG Minh Hòa



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trải nghiệm tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên

  Hôm qua mình được NAG Minh Hòa rủ đi trải nghiệm Metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên. Từ năm 2021 mình đến khảo sát khu vực đang xây dựng nh...