Cùng với xu thế phát triển đô thị trên thế giới là hướng đến mô hình đô thị có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giầu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế trí thức. Trong thời gian sắp tới thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư sẽ được hợp nhất để trở thành Thành phố Hoa Lư. Dựa trên tiềm năng về thiên nhiên - văn hóa - lịch sử của mình, tỉnh Ninh Bình đề ra mục tiêu xây dựng thành phố Hoa Lư là đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu. Sự tiếp cận từ địa – văn hoá tìm hiểu các đặc trưng về lịch sử - văn hóa của sẽ góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho định hướng tỉnh Ninh Bình phát triển bền vững.
Tính
chất ranh giới,
chuyển tiếp của địa hình tự nhiên và lịch sử
Ninh Bình nằm ở vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Tỉnh này cũng nằm giữa 3 vùng kinh tế: vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung. Vị trí này “quy định” cho Ninh Bình tính chất là nơi ranh giới mà không đứt gãy, lại mang tính chất chuyển tiếp của các loại địa hình. Nằm ở một đỉnh trên đáy tam giác châu thổ sông Hồng, Ninh Bình có ba loại địa hình chính.
Vùng
đồi núi và bán sơn địa ở phía Tây Bắc bao gồm các huyện Nho
Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp. Trong
đó khu
rừng đặc dụng Hoa Lư - Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới thuộc
quần thể danh thắng Tràng An.
Vùng đồng bằng: là vùng đất rộng nhất của tỉnh, nơi tập trung dân cư đông đúc nhất chiếm khoảng 90% dân số
toàn tỉnh. Đây là yếu tố quan trọng để xếp Ninh Bình nằm trong vùng đồng bằng
châu thổ sông Hồng.
Vùng ven biển: Ninh Bình có trên 15km bờ biển, là tỉnh có chiều dài bờ biển ngắn nhất Việt
Nam nhưng hàng năm được phù sa bồi đắp lấn ra trên 100m. Vùng
ven biển Ninh Bình đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Như vậy, Ninh Bình có đủ loại địa hình: núi,
rừng, thung lũng, đồng bằng, sông, suối, hồ, biển, đảo. Tính chất chuyển tiếp từ địa hình này sang địa
hình khác
tạo nên sự đa dạng và phong phú của cảnh quan tự nhiên, đặc
biệt là có nhiều thắng cảnh nổi tiếng. Đồng thời cũng tạo ra nhiều tài nguyên tự
nhiên: núi đá vôi, rừng, biển, các loại đất, hệ thống sông,
suối phân bố rộng khắp trong toàn tỉnh.
Không gian tự nhiên này là cơ sở của không gian văn hoá Ninh Bình.
Hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Ninh Bình dày đặc,
liên tục về niên đại. Tuy nhiên có thể nhận thấy những di tích quan trọng vì mang
ý nghĩa đánh dấu sự chuyển tiếp đặc biệt trong quá trình lịch sử của đất nước. Đó
là một số cột mốc sau.
Thời tiền sử trong khu vực hang động núi đá vôi các nhà khảo cổ học đã
phát hiện một số di tích thuộc sơ kỳ đồ đá cũ; di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình sơ
kỳ đá mới. Thời sơ kỳ
kim khí với di chỉ Mán Bạc (Yên Thành, Yên Mô), sau đó là nhiều
di tích thuộc Văn hoá Đông Sơn hậu kỳ kim khí.
Thế kỷ X “giai đoạn bắt đầu chuyển mình” chính quyền
buổi đầu độc lập đã được xây dựng theo hướng “trung ương tập quyền” để có thể
giải quyết tình hình bất ổn của xã hội do sự đấu tranh giữa các yếu tố tập
trung và phân tán, tình trạng xung đột giữa các thủ lĩnh địa phương đe dọa nền
độc lập. Trong giai đoạn này nổi lên sự thành công sáng
chói các dòng họ mang nhiều dáng dấp thủ lĩnh địa phương: họ Khúc, họ Ngô, họ
Đinh và họ Lê, nhưng chính quyền của họ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi.
Trong bối cảnh đó, vùng đất Ninh Bình trở thành trung tâm
của các sự kiện lịch sử vì mang ba ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Thời gian khởi đầu của nền tự chủ: với chiến thắng bạch Đằng năm 938 mở ra thời kỳ độc lập, hay có thể từ trước đó, năm 905
Khúc Thừa Dụ tổ chức một chính quyền tự trị và hệ thống hành chính của người bản
địa. Ninh Bình là nơi mà nền độc lập này được hiện thực hóa cụ thể: Đinh Tiên
hoàng đế và nước Đại Cồ Việt.
Thời
kỳ chuyển
hoá từ mô hình địa phương rời rạc lên mô hình nhà nước tập quyền: nhà nước Đại
Cồ Việt. Đinh Bộ Lĩnh đã chiến thắng các “sứ quân” và xu hướng cát cứ cục bộ
địa phương, thành lập một nhà nước
tập quyền, làm nền móng cho một quốc gia tự chủ từ đó đến ngày nay.
Sự
hiện diện của văn hóa Phật giáo trong hệ thống chính trị mới. Vai trò của nhà sư Khuông Việt như một cố vấn chính trị
trong thời Đinh và Tiền Lê; dấu tích còn lại là những cột kinh Phật mà ngày
nay trở thành tài liệu quan trọng để làm tài liệu để nghiên cứu Phật giáo
Việt Nam thế kỷ thứ X và sự phát triển sau đó.
Ba
ý nghĩa đó tập trung trong khu vực kinh
đô Hoa Lư, bắt đầu từ vua Đinh Tiên Hoàng, gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc
ba Triều đại Đinh - Lê – Lý với các dấu ấn lịch sử. Không chỉ vậy, thế kỷ X và
vùng đất Ninh Bình còn có sự xuất hiện của nhân vật lịch sử Dương Vân Nga. Có
thể coi sự kiện Thái hậu Dương Vân Nga trao quyền bính cho Thập đạo tướng quân
Lê Hoàn vừa mang giá trị phổ quát của lịch sử vừa thể hiện giá trị về giới
trong văn hóa Việt Nam.
Tính chất vừa MỞ vừa ĐÓNG của tự nhiên, của văn hoá
Vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt thống nhất đã xây dựng
kinh đô Hoa Lư dựa trên địa thế hiểm trở, tận dụng điều kiện tự nhiên của
thung lũng với các vách núi đá
vôi làm thành quách vững chắc, hệ thống sông hồ hào sâu hiểm
trở. Kinh đô Hoa Lư là một
"quân thành" phòng ngự vững chắc, vừa tiết kiệm sức người và của lại
vừa đảm bảo đối phó tối ưu về quân sự. Nhưng từ vị trí này Mở ra tầm nhìn từ Hoa Lư đến Đại La - như Chiếu dời đô đã nhận định “ở vào nơi
trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện
nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà
sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn
thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của
bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Từ đó Lý Công Uẩn quyết
định dời đô để muôn đời sau có Kinh thành Thăng Long.
Tính
chất Mở và Đóng còn thể hiện ở hệ thống sông và đèo. Sông Hoàng Long là con sông gắn với những truyền thuyết về
Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ được rồng vàng cõng qua sông chạy thoát khỏi sự truy đuổi
của người chú, có một nhánh là sông Sào Khê mà theo dân gian, bến sông này là nơi Lý Công Uẩn hạ chiếu dời đô để xuống
thuyền tiến về Thăng Long.
Đèo Tam Điệp là ranh giới giữa Ninh Bình và Thanh Hóa (xưa là ranh giới Giao
Châu và Ái Châu),
còn gọi là đèo Ba Dội theo tên Nôm. Đầu thế kỷ X, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền
đã dựa vào sự hiểm trở của Tam Điệp để xây dựng và bảo vệ lực lượng ở Thanh
Hóa, rồi tiến ra đánh bại quân xâm lược Nam Hán ở thành Đại La (năm 931) và
sông Bạch Đằng (năm 938). Phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn của Ngô Thì Nhậm vào
cuối năm 1788 đã góp phần quan trọng trong đại thắng quân Thanh của Quang Trung
Nguyễn Huệ.
Thế kỷ XIX. Biển không là sự ngăn cản
mà là cánh cửa mở rộng của vùng đất Ninh Bình. Năm 1829, huyện Kim Sơn đã được Triều đình nhà Nguyễn
thành lập sau công cuộc khai hoang lấn biển của nhà doanh điền sứ Nguyễn Công
Trứ. Dấu ấn về biển tiến còn in đậm trên đất Ninh Bình. Hiện nay kinh tế biển
đóng vai trò quan trọng ở Ninh Bình. Vùng đất đồng bằng mới ở Ninh Bình có những
giá trị đa dạng sinh học nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ
sinh quyển thế giới.
Ninh
Bình còn được biết đến với vai
trò trung tâm của Công Giáo ở Việt Nam với Giáo phận Phát Diệm và rất nhiều nhà
thờ Công giáo. Thế kỷ XVI - XVII, đạo Thiên Chúa được truyền vào Ninh Bình, dần
dần hình thành trung tâm Thiên chúa giáo Phát Diệm.
Ninh Bình là một tỉnh mở rộng không gian văn hoá Việt xuống
biển Đông.
Tính
chất đa dạng, hoà hợp của con người với tự nhiên, của các cộng đồng dân cư với
nhau
Theo
GS Trần Quốc Vượng, “văn hoá trước hết là thế ứng xử của con người với môi trường
tự nhiên”. Nhưng “văn hoá một khi đã hình thành, cũng là môi trường sống của
con người. Nếu môi trường tự nhiên và môi trường xã hội là điều kiện hình thành
và phát triển của môi trường văn hoá thì ngược lại môi trường văn hoá một khi
đã xuất hiện lại góp phần rất lớn trong việc tạo ra thế ứng xử và lối ứng xử của
con người trong việc không ngừng cải thiện môi trường tự nhiên và môi trường xã
hội”.
Danh
thắng hỗn hợp Tràng An
là một địa danh du lịch tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới
đã được UNESCO công nhận ở Ninh Bình. Nhiều di tích danh thắng nơi đây đã được
Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như Khu du lịch
sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa
Lư... Đây là khu vực điển hình cho tính
chất đa dạng nhưng hòa hợp của điều kiện tự nhiên ở Ninh Bình,
điển hình cho cảnh quan nhân văn bằng việc đưa những công trình mới vào cảnh
quan tự nhiên và cảnh quan lịch sử. Tại đây cộng đồng dân cư đã sống cùng di sản,bảo
vệ và phát triển di sản… từ đó phát triển sinh kế mới là nông nghiệp và dịch vụ
du lịch.
Hệ
thống di tích và lễ hội ở Ninh Bình vô cùng phong phú, đa dạng. Có đến gần 2000
di tích các loại hình, có đến 3 Di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản thei6n
nhiên văn hoá thế giới, hàng trăm di tích quốc gia và cấp tỉnh… Ngoài các kiến
trúc tín ngưỡng tôn giáo, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh, các di tích ở
Ninh Bình nổi bật lên với tín ngưỡng thờ Vua, thờ Thánh, thờ Thần và chiếm số
lượng lớn di tích liên quan đến hai Triều đại nhà Đinh - Tiền Lê. Đồng thời, có thể coi Ninh Bình là vùng Di
sản công giáo vì lịch sử lâu đời, mật độ dày đặc các nhà thờ và lối sống, văn
hóa của cộng đồng công giáo đặc trưng, góp phần cho
sự đa dạng văn hóa của tỉnh và của đất nước.
Từ
hiện tượng nhân
vật lịch sử Thái hậu Dương Vân Nga
không thể không nhận thấy tính dung hợp văn
hoá đặc sắc. Cùng một hành động chính
trị, cùng một hành xử mang tính cá nhân nhưng từ hai góc nhìn dân gian và
“chính thống” sẽ có đánh giá khác nhau do quan niệm khác nhau. Việc dân gian thờ bà cùng hai vua cũng như sự “thể tất” thấu hiểu những ứng
xử của bà trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt là biểu hiện truyền thống mẫu hệ/”tính nữ” bản địa – coi trọng phụ nữ, phụ nữ có vai trò quyết định
khi cần thiết... Trong những thế kỷ về sau truyền thuyết về Dương Vân Nga và việc
thờ cúng bà vẫn tồn tại lâu dài ở Ninh Bình, như một sự phản kháng của
văn hoá dân gian với tư tưởng Nho
Giáo chính thống trong nhà nước phong kiến Đại Việt.
Từ những yếu tố tự nhiên – lịch sử - văn hoá
trên có thể nhận thấy 3 ADN tạo
nên bản sắc Ninh Bình.
-
Tính chuyển tiếp của địa hình tự nhiên và lịch sử
-
Tính kết nối linh hoạt của tự nhiên, văn hóa
-
Tính đa dạng, hòa hợp của cộng đồng
dân cư
ADN là những yếu tố quyết định bản sắc, phản ánh tiến
trình lịch
sử - văn hóa của một vùng đất, một cộng
đồng. AND
văn hoá có tính di truyền nhưng cũng có tính phát triển và biến đổi văn hoá. Do vậy, trong quá trình lịch sử những ADN ngày càng được
củng cố bền vững. Nếu ADN bị thay thế tất yếu dẫn đến mất bản sắc “ta không còn
là ta”. Do đó, ba ADN của Ninh Bình là những điều kiện cơ bản, là cơ sở lịch sử
- xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình nói chung, đồng
thời giảm thiểu và tránh được những nguy cơ làm tổn hại và phá hủy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.
Thương hiệu “đô thị di sản” mang lại danh dự, uy tín và cả
cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Theo GS. KTS Hoàng Đạo
Kính “Đô thị di sản là một chỉnh thể lịch
sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố
vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên
nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy”. Khi Ninh Bình xây dựng “đô thị di sản thiên niên kỷ” thì chắc chắn quá trình đô thị hoá sẽ diễn ra nhanh hơn,
tăng cao nguy cơ khai thác
không đúng cách, quá mức các tài nguyên bản địa (tự nhiên, văn hóa).
Trong bối cảnh xã
hội mới, nhận rõ bản sắc truyền thống là cách thức đảm bảo cho quá trình phát
triển đồng thời với bảo tồn di sản, tài nguyên. Nghiên cứu chuyển biến và tích
hợp những ADN lịch sử - văn hóa vào xây dựng Đô thị thiên niên kỷ, chắc chắn
Ninh Bình sẽ bào toàn và phát triển một di sản độc đáo và bền vững.
TP. Hồ Chí Minh ngày
9.6.2024
Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét