Gần
đây giới nghiên cứu và những người yêu thích tìm hiểu về chữ viết – một thành
tố quan trọng của văn hóa VN - đã vui mừng đón nhận công trình "Lịch sử
ngữ pháp và chữ viết dùng chữ cái Latinh của tiếng Việt từ 1615 đến 1919" của
Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly được bảo vệ tại Đại học Sorbonne nouvelle, Pháp năm
2018. Từ công trình này TS Phạm Thị Kiều Ly cùng họa sĩ Tạ Huy Long đã cho ra
đời cuốn sách dành cho thanh - thiếu niên “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ
Quốc ngữ” (tháng
4.2023).
Đây
là cuốn tranh truyện bán hư cấu kể lại câu chuyện hình thành chữ quốc ngữ,
thông qua hành trình của một số nhà truyền giáo tại Việt Nam. Các sự kiện trong
cuốn sách được lựa chọn từ cơ sở tư liệu xác đáng, sắp xếp trong ba phần: Đắc
Lộ ký sự, Chữ quốc ngữ ký sự và Phụ lục. Thông qua cấu trúc các phần nội dung, cuốn
sách dẫn dắt người đọc theo dõi quá trình hình thành chữ quốc ngữ trong bối
cảnh lịch sử - xã hội thời bấy giờ.
Phần I là truyện tranh về cuộc đời Alexandre de Rhodes,
nhưng qua đó người đọc có thể hình dung được một cách cụ thể một hiện tượng
lịch sử mà không nhiều người Việt quan tâm và hiểu biết, đó là là quá trình du
nhập Công giáo vào Việt Nam. Phần II trình bày khái quát nhưng đầy đủ các sự
kiện của quá trình hình thành chữ quốc ngữ dưới dạng thông tin ngắn gọn cho
từng vấn đề (như các câu hỏi và câu trả lời). Phần III Phụ lục rất thú vị,
ngoài những thông tin bổ sung cho nội dung sách toàn diện hơn còn có phần “talk
show” giả định giữa hiện tại và quá khứ, với 3 nhà truyền giáo ở thế kỷ 17 có
vai trò quan trọng trong sự hình thành chữ quốc ngữ.
Bằng
ngôn từ giản dị, dễ hiểu nhưng thể hiện quan điểm khoa học rõ ràng, cuốn sách
giúp người đọc nhận thức tính lịch sử, tính khoa học của sự hình thành chữ quốc
ngữ, vai trò của chữ quốc ngữ tại thời điểm nó ra đời và giá trị lâu dài của
thành tựu văn hóa này.
Cuốn
sách không chỉ dành cho thiếu nhi, mà cả người lớn cũng thu nhận được nhiều
thông tin hữu ích, khách quan.
***
Chữ
quốc ngữ là chữ viết
chung của cả nước. Trải qua gần một ngàn năm bị phương Bắc đô
hộ nhưng người
Việt vẫn nói tiếng Việt. Từ khi giành được độc lập
vào thế kỷ thứ X, các triều đại phong kiến nước ta đã mượn chữ Hán (còn
gọi là chữ Nho) để sử dụng trong
hành chánh, học thuật nhưng chữ Nho chưa
bao giờ có vai trò và được phổ biến như chữ quốc ngữ. Từ thế kỷ 13 người Việt dựa trên chữ Hán để làm
ra chữ Nôm nên muốn học chữ Nôm
thì phải biết chữ Hán. Vì vậy cả chữ Hán và chữ Nôm đều
không thể
phổ biến
trong dân chúng, do
đó ít được sử dụng.
Cuốn
sách “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” kể
lại một cách vắn tắt hành trình truyền giáo các giáo sĩ phương Tây
từ thế kỷ 16 đến Đông Nam Á và Việt Nam (thời đó là Đàng Ngoài và Đàng Trong). Khi truyền đạo, các
giáo sĩ cần phải biết ngôn ngữ bản địa, sau đó cần
có kinh sách để giảng
giải. Vì vậy, để truyền đạo cho người Việt, các giáo sĩ phải học
tiếng Việt.
Từ
nhu cầu đó một số giáo sĩ đã ký âm thẳng tiếng Việt
bằng mẫu tự la-tinh, rồi dùng thứ chữ mới ký âm này dạy
cho nhau nói tiếng Việt. Sau đó tổ chức biên soạn từ điển và in kinh thánh,
giáo lý bằng loại chữ mới này.
Thông
qua cuộc đời của Alexandre de Rhodes và hoạt động của những người “bề trên, tu
huynh” của ông, từ góc độ lịch sử văn hóa, người đọc thấy được quá trình sáng
tạo ra chữ quốc ngữ là công trình của nhiều giáo sĩ phương Tây, trong đó có Alexandre
de Rhodes. Bên cạnh đó là sự đóng góp thầm lặng của nhiều người Việt cùng thời.
Sự ra đời của các công trình được in ấn bằng “chữ Việt” đầu tiên như Từ điển Việt – Bồ - La, Phép giảng tám ngày
đã mang lại cho Alexandre de Rhodes vị
trí đặc biệt trong quá trình này.
Có
thể nói, từ
giữa
thế kỷ 17 trở đi, nhờ dễ sử dụng
bằng cách ghép chữ thành vần nên loại chữ mới bằng
mẫu tự Latin phổ
biến hơn
trong giới truyền giáo và phục vụ nhà thờ. Chữ quốc ngữ phát triển dựa trên nền
tảng tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu và đẹp, phong phú, linh hoạt và biểu cảm. Từ
nửa sau thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 với vai trò tiên phong của các nhà văn
hóa, trí thức người Việt, cùng với sự xuất hiện nhiều thành tố văn hóa mới: báo
chí, các thể loại văn học nghệ thuật, in ấn và xuất bản... chữ quốc ngữ càng có
điều kiện phát triển rộng khắp, đồng thời tác động trở lại làm cho “văn viết”
và “văn nói” của tiếng Việt ngày càng hoàn thiện.
Từ
sau 1945, bằng phong trào “bình dân học vụ” phần lớn dân chúng trước đây “mù
chữ” đã biết đọc biết viết. Ngôn ngữ, văn hóa nhiều vùng miền đi vào chữ viết
càng làm cho chữ quốc ngữ phong phú và tinh tế, nhiều sắc thái và giàu đẹp hơn.
Từ đó chữ quốc ngữ có ý nghĩa thúc đẩy văn hóa phát triển (văn chương, giáo
dục, khoa học kỹ thuật...) và hội nhập với thế giới.
***
Năm
2018 tôi có dịp đến thành phố Isfahan - thủ đô của Ba Tư từ năm 1598 đến năm
1722 và là một trong bốn trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của Iran. Từ nhiều thế
kỷ trước Isfahan được coi là một trong những thành phố đẹp nhất trên thế giới.
Hiện nay, Isfahan là thành phố có kiến trúc hiện đại bên cạnh nhiều kiến trúc
cổ được bảo tồn rất tốt. Nơi đây có một nghĩa địa lớn, tại đó có phần mộ của
Alexandre de Rhodes. Đúng ngày 5.11.2018 - ngày giỗ lần thứ 358 của (5.11.1660)
chúng tôi đến viếng và khánh thành bia tri ân tại mộ của Ngài. Giữa nghĩa địa
rộng lớn và thoáng đãng như một công viên lớn, hơn 350 năm qua ngôi mộ giản dị
của Cha Đắc Lộ nằm đây, đánh dấu bằng một phiến đá lớn có khắc tên Ngài và được
chăm sóc chu đáo như tất cả những ngôi mộ xung quanh.
Tại
TP. Hồ Chí Minh, từ trước năm 1975 đến nay vẫn có một con đường nhỏ mang
tên Alexandre de Rhodes, con đường rợp
bóng cây xanh kế bên công viên trung tâm thành phố. Đối diện bên kia cũng có
một con đường nhỏ xinh như vậy mang tên Hàn Thuyên, người được cổ sử ghi nhận
là giỏi thơ Nôm và có công với chữ Nôm của Việt Nam. Hành trình chữ viết là một
trong những hành trình đi vào văn minh của nhân loại. Nhờ công lao của bao vị
tiền nhân, bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ, đất nước ta đã được tham dự vào
một đoạn đường quan trọng của hành trình ấy.
Công
trình của TS Phạm Thị Kiều Ly và cuốn sách “Người
Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” đã “phục
dựng” quá trình hình thành chữ quốc ngữ một cách khoa học trong bối cảnh lịch sử -
xã hội cụ thể, qua đó nhìn nhận vai trò của các nhà truyền giáo và minh định sự
đóng góp của những người quan trọng nhất. Điều này giúp cho người đọc, nhất là
những người trẻ, có thể tiếp cận lịch sử - văn hóa một cách khách quan.
TP. Hồ Chí Minh, 24.5.2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét