Những đứa trẻ thời chiến


Bây giờ chiếc ba lô đã trở thành vật dụng quen thuộc khắp nơi của mọi người, cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhưng với thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trước năm 1975, chiếc ba lô là dấu hiệu đầu tiên của chiến tranh trong mỗi gia đình: ba lô xanh màu lá của cha của anh chuẩn bị ra chiến trường, chiếc ba lô bé xíu cho những đứa trẻ xa rời thành phố về vùng nông thôn tránh bom đạn.

Gia đình tôi cũng từng như thế. Khi má tôi mang về nhà mấy chiếc ba lô cũng là lúc gia đình bước vào những năm dài chia ly không biết bao giờ mới đến ngày đoàn tụ.

Một đêm Hà Nội cuối thu, gió mùa đông bắc sớm tràn về, lũ trẻ bốn năm tuổi chúng tôi lần đầu tiên đi sơ tán. Đêm lạnh, ngồi chờ xe đến đón, bọn trẻ ngủ gà ngủ gật trong lòng cha mẹ, người lớn thì thầm trò chuyện lo lắng vì phải xa các con... Bỗng tiếng còi xe vang lên, mọi người giật mình hoảng hốt… Đến giờ tôi vẫn rất ghét tiếng còi xe hơi, bởi vì nó gợi lại hình ảnh một con bé nhỏ xíu tay ôm chiếc ba lô cũng nhỏ xíu ngồi trên xe hơi, xe chạy xa dần, bỏ lại tuổi thơ của tôi.

Những đứa bé bước vào năm tháng sơ tán theo trại trẻ, tự lớn lên mà không có gia đình bên cạnh. Nhiều năm dài xa nhà, bọn trẻ dần không còn khóc vì nhớ cha mẹ nữa, nhưng cứ ngày cuối tuần là chúng lại ra bờ đê đầu làng đứng ngóng... Hễ thấy bóng ai từ xa đeo ba lô đi lại là cả bọn hò reo chạy ra đón... Rồi cả bọn lại im lặng buồn hiu vì không phải là cha mẹ mình lên thăm.

Lớn lên, cũng những chiếc ba lô ấy trên lưng bạn bè tôi ngày rời giảng đường đại học để ra chiến trường. Và sau đó nhiều gia đình đón những chiếc ba lô mang kỷ vật của người con đã hy sinh về với mẹ, của người cha về với những đứa con...

Cho đến bây giờ chúng tôi đã là cha mẹ ông bà, nhưng thời chiến tranh không bao giờ phai mờ trong ký ức. Đó là câu chuyện của những năm nghèo khó, là hình ảnh bom rơi đạn lạc, là cái chết của bạn bè người thân, là lớp học dưới hầm sâu mà mũ rơm vẫn đội trên đầu, sẵn sàng chạy khi tiếng kẻng báo động vang lên... Những câu chuyện mà đôi khi chỉ nhớ lại một chi tiết thôi cũng khiến chúng tôi rưng rưng. Những năm tháng chiến tranh, nỗi chia ly như dứt da dứt thịt, những kinh hoàng bom đạn dội xuống từ bầu trời, sự đói khát, thiếu thốn mọi bề... mà cho đến nay chưa một tác phẩm nghệ thuật nào có thể tái hiện đầy đủ và thấu cảm.

Những ngày chiến tranh bọn trẻ đã lớn lên rất nhanh, không phải chỉ thể chất mà là tinh thần, tự lập sớm hơn, học và biết được nhiều điều từ cuộc sống. Thế nhưng cái cảm giác cô đơn khi xa nhà, nỗi đau khi mất người thân, khi ốm đau khi nhớ cha mẹ của những ngày ấy dường như không phai mờ… Dấu ấn chiến tranh có thể không hiện diện trực tiếp nhưng đã gây ra bất hạnh cho không ít người. Một thế hệ ấu thơ trong chiến tranh tuy được rèn luyện để có sức chịu đựng mà sống tiếp những tháng năm sóng gió sau đó, nhưng cũng đầy tổn thương đi theo suốt cuộc đời.

Mấy chục năm đã qua tưởng như tất cả chỉ còn là ký ức. Nhưng mỗi khi nơi nào đó xảy ra chiến tranh, khủng bố, tỵ nạn..., tôi lại nhớ những ngày thơ ấu sơ tán từ gần 60 năm trước. Chiến tranh ư? Là ông bà cha mẹ sao nỡ để cho những đứa trẻ phải rơi vào hoàn cảnh xa mái nhà ấm êm, xa trường học bạn bè, xa cha mẹ người thân, cắt đứt những đứa trẻ ra khỏi tuổi thơ hạnh phúc, như thế hệ chúng tôi ngày ấy từng trải qua. Những ngày này, nhìn những tấm ảnh những đứa bé Ukraine cùng cha mẹ di tản tránh làn tên mũi đạn, đọc tin tức về chiến sự từ Ukraine lan đi khắp thế giới, ký ức chiến tranh trong tôi và “thế hệ hậu chiến” lại ùa về, nguyên vẹn, buồn bã.

Trẻ thơ là tương lai của đất nước! Người lớn hôm nay cần phải bảo vệ và nuôi dưỡng tương lai bằng hòa bình chứ không phải bằng chiến tranh. Bởi vì gây chiến hay đình chiến đều không khó, nhưng khi tiếng súng đã im thì rất lâu về sau chiến tranh vẫn chưa chấm dứt, nhất là trong những đứa trẻ bị buộc phải trải qua thời chiến!

Nguyễn Thị Hậu

https://tuoitre.vn/nhung-dua-tre-thoi-chien-20220226232105527.htm 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...