ÁO DÀI - "BẢO TỒN" TRONG XÃ HỘI NHƯ THẾ NÀO?


Áo dài – nhất là áo ngũ thân của nam giới, như nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống khác, được coi là chứa đựng nhiều ý nghĩa về đạo đức, triết lý... Nhưng từ góc độ kỹ thuật sản xuất thì hình thức hay các chi tiết của sản phẩm văn hóa ấy trước khi mang ý nghĩa hay triết lý thì đều bắt đầu từ tính chất của nguyên liệu chính, phụ, tính chất hay những thuộc tính của nguyên liệu sẽ “quy định” kỹ thuật làm ra sản phẩm.
Như áo dài của phụ nữ Việt đã trải qua nhiều lần cách tân và chắc sẽ còn tiếp tục thay đổi. Sự “cải tiến” của áo dài không thể tách rời sự phát triển của kỹ thuật dệt vải, may mặc và những phụ kiện, chất liệu mới. Từ khổ vải hẹp dệt tay khung “ngang người” đến khung rời, rồi dệt máy... Chất liệu phong phú đa dạng phù hợp thời tiết, vệ sinh... Nhiều phụ kiện “kỹ thuật” khác... Vì vậy đã có những “biến tấu” ở cổ áo, tay áo, hiện nay là dây kéo sau thay hàng nút bấm… đó là những thay đổi theo chiều hướng tích cực mang lại vẻ hiện đại cho áo dài. Tuy nhiên, những yếu tố chính tạo nên sự đặc sắc của áo dài của nữ giới như độ dài vạt áo khoảng trên/ngang gấu quần, độ ôm ở vai, eo, kết hợp với quần lụa mềm mại… cần phải bảo tồn và đến nay được bảo tồn khá tốt.
Áo ngũ thân của Nam giới không được bảo tồn và phổ biến đến nay như áo dài nữ, theo tôi vì một vài lý do, trong đó có việc nam giới tham gia cộng việc và giao tiếp xã hội nhiều hơn trong thời gian Pháp xâm lược VN, vì vậy chịu ảnh hưởng về trang phục và nhiều yếu tố văn hóa khác nhiều qua tiếp xúc xã hội. Trang phục nữ bao giờ cũng được bảo tồn tốt hơn theo nguyên lý “văn hóa mẹ”. Nếu coi áo dài truyền thống của nữ là một loại “quốc phục” thì áo dài ngũ thân cài khuy của nam giới cũng có giá trị như vậy. Tuy nhiên, phục cổ nhưng nếu đừng quá nệ cổ thì chiếc áo ngũ thân có lẽ vẫn cần sự cải tiến – trên cơ sở bảo tồn một số yếu tố cơ bản như hình dáng, đơn sắc, khuy áo - cho phù hợp với thời này.
Chiếc áo dài của phụ nữ Việt nhờ sự cải tiến vậy mà đã tồn tại qua nhiều thời kỳ lịch sử. Hay nói cách khác, chiếc áo dài phụ nữ không phải gánh vác tránh nhiệm nặng nề về “ý nghĩa, triết lý” nên nó tự “giải phóng” để thích nghi với thời gian mà vẫn giữ được tính chất “biểu tượng văn hóa” của phụ nữ Việt. Áo dài nữ xưa hay áo ngũ thân là lớp trầm thích văn hóa sẽ được gìn giữ "nguyên bản" cho đời sau chiêm ngưỡng bằng các phương thức bảo tồn như bảo tàng và phương tiện kỹ thuật, truyền thông đa phương tiện khác.
Muốn gìn giữ “tâm hồn Việt”, dung hòa giữa truyền thống và hiện đại thì cần có sự hiểu biết đến nơi đến chốn về văn hóa nói chung và từng thành tố nói riêng, như trường hợp chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời tránh tâm lý “so sánh” với những trang phục cổ các quốc gia khác, so sánh với xu hướng thời trang của thế giới rồi mặc cảm tự ti hoặc tự tôn quá đáng. Ung dung tự tại khi hiểu rõ “ta là ai, ta như thế nào” thì sẽ vừa giữ gìn vừa phát triển văn hóa truyền thống phù hợp thời đại mới.
@ Note nhân #midnighttakls 26 về Cổ phục việt qua áo ngũ thân truyền thống.
Hình: trình diễn áo dài ngũ thân truyền thống.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...