HÒA BÌNH KHÔNG CÒN Ở “THÌ TƯƠNG LAI”

 https://nguoidothi.net.vn/hoa-binh-khong-con-o-thi-tuong-lai-28356.html

Nguyễn Thị Hậu

 Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 5 tháng 8 năm 1964, chiến tranh bùng nổ ở miền Bắc. Khi má tôi mang về nhà mấy chiếc ba-lô may bằng vải bạt màu ghi, tôi đâu biết rằng những chiếc ba lô ấy là dấu hiệu chia ly rất lâu của gia đình mình. Sau đó ít ngày anh tôi rồi ba tôi lên đường ra chiến trường.

Trong ký ức của tôi chiến tranh bắt đầu từ đó, và cũng từ đó đến nhiều năm sau nữa hai chữ “hòa bình” luôn được nói đến ở “thì tương lai”. Bao giờ hòa bình sẽ được về Hà Nội không phải đi sơ tán nữa, bao giờ hòa bình cả nhà mình đoàn tụ, bao giờ hòa bình ba má sẽ đưa con về miền Nam, được gặp ông bà nội ngoại. Bao giờ hòa bình...

Những năm đó ước vọng hòa bình luôn gắn liền với thống nhất. Hòa bình là Nam Bắc một nhà, hết chiến tranh là đất nước thống nhất “non sông liền một dải” như bài thơ tôi học thuộc lòng từ thủa nhỏ: Học đi em/ Học đi mà nhớ mãi / Quê hương ta một dải / Từ mũi Cà Mau/ Đến địa đầu Móng Cái...

Còn nhớ một lần tôi phạm lỗi gì đó, ba tôi giận lắm nhưng ông chỉ nói: “hòa bình thống nhứt ba sẽ bỏ con ở ngoài này không cho về quê!”. Tôi khóc nức nở rất lâu... Má tôi đi làm về nghe chuyện liền nói: “hai cha con rảnh quá mà mơ chuyện hòa bình thống nhứt”, rồi vội quay đi nước mắt rưng rưng...

 Giữa năm 1975 giấc mơ hòa bình trở thành hiện thực, cả gia đình tôi sum họp ở Sài Gòn. Rồi tôi được về quê hương nội ngoại ở miền Tây. Khi nghe giọng Hà Nội của tôi bà con ai cũng cười vì “không giống tiếng Việt mình”. Với nhiều người Nam bộ khi ấy, “tiếng Việt mình” là tiếng miền Tây, chớ tiếng Trung tiếng Bắc là nơi nào đó xa xôi lắm... Nhưng chỉ vài năm sau tôi đã rất vui và cảm động khi đi dạy ở đâu cũng được nghe sinh viên nói “thích giọng Hà Nội của cô”.

Bây giờ nhiều tiếng nói, món ăn các vùng miền khác đã phổ biến hơn ở miền Nam, cũng như nhiều sinh hoạt văn hóa của miền Nam đã trở nên quen thuộc ở miền Bắc.

Hậu quả của chiến tranh không chỉ là mất mát đau thương mà còn là sự “đứt gãy” và “phủ nhận” nhiều giá trị văn hóa của quốc gia. Và hòa bình không chỉ là chấm dứt bom đạn mà còn mang lại hiểu biết về văn hóa đất nước mình, về những điều tốt đẹp của đồng bào mình.

***

Từ năm 1975 đến nay, mặc dù có thời gian xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc và cuộc chiến bảo vệ biển đảo, nhưng về cơ bản đất nước ta đã có hơn bốn mươi năm hòa bình – thống nhất. Chấm dứt cuộc chiến tranh ác liệt dài hơn hai mươi năm để “giang sơn thu về một mối” và hòa bình cho nhân dân, nhưng nếu lòng người còn ngổn ngang trăm mối thì thống nhất chưa bền chặt, nhân dân chưa thực sự ấm no hạnh phúc thì giá trị của hòa bình chưa trọn vẹn.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua từ khi kết thúc chiến tranh, ngay sau đó toàn dân phải chạy đua để thoát đói nghèo trong những năm hậu chiến, rồi nhìn quanh thấy đất nước mình phải chạy nhanh hơn để theo kịp thế giới. Cùng với quá khứ hàng ngàn năm liên tục chống ngoại xâm, “cuộc chiến” chống đói nghèo tụt hậu làm cho chúng ta chưa thật sự có tâm thức của một quốc gia hòa bình. Dường như mỗi con người mỗi thế hệ chưa đủ sự tĩnh tâm suy nghĩ về ý nghĩa của hòa bình, về giá trị của cuộc sống hòa bình, chưa tìm thấy cách thức mới và phù hợp cho “người với người sống để yêu nhau” khi đã có hòa bình.

Tinh thần của hòa bình là sự quý trọng mỗi con người, là sự bình đẳng về mọi mặt - nhất là văn hóa - của các cộng đồng, trao đổi học hỏi giao lưu giữa các quốc gia trên thế giới. Từ văn hóa và nhờ văn hóa con người quen thuộc rồi hiểu biết nhau hơn, tôn trọng và yêu thương nhau hơn. Điều đó giúp cho mọi cộng đồng chung sống hoà thuận, giải quyết các xung đột bằng phương thức hòa bình. Trên thế giới các quốc gia tránh được chiến tranh, bảo vệ nền hòa bình dài lâu và cùng nhau phát triển.

Trên bước đường phát triển hội nhập, những giá trị văn hóa mới và tốt đẹp của thế giới tạo điều kiện cho sự hiểu biết và hợp tác giữa tất cả các quốc gia. Những giá trị ấy còn giúp mở rộng tầm nhìn, nâng cao tri thức, mang lại ý thức về độc lập và tự do cho mỗi con người. Hành trình đấu tranh cho Hòa bình và Thống nhất đất nước ta đâu ngoài mục đích Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho mọi người dân và cho dân tộc.

 Tp. Hồ Chí Minh, 26.4.2021






 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...