THÀNH PHỐ AMBOISE VÀ LÂU ĐÀI CLOS LUCE

 NƠI LEONARDO DA VINCI TRẢI QUA NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI

Nguyễn Thị Hậu

Thung lũng sông Loire (Val de Loire - Pháp) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới do những giá trị văn hóa độc đáo về lịch sử và kiến trúc. “Khu vườn cổ tích khổng lồ của nước Pháp” hiện còn một hệ thống khoảng 40 tòa lâu đài xây dựng từ thời trung cổ, gắn liền với những chủ nhân nổi tiếng và một thời kỳ lịch sử sôi động của nước Pháp. Thành phố nhỏ Amboise là một thành phố điển hình của Pháp. Tại đây lâu đài của dòng họ Amboise xây dựng vào năm 1471. Các vị vua từ Charles VII đến Francois I đã từng sống ở lâu đài Hoàng gia. Mặc dù một số đồ nội thất đã bị phá hủy trong Cách mạng, nhưng lâu đài vẫn giữ lại một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật được trang trí đẹp mắt từ thời kỳ Gothic đến thời Phục hưng. Kiệt tác kiến ​​trúc này là điểm sáng trong kiến ​​trúc Phục hưng Pháp. Từ lâu đài Amboise, bạn có thể đến Château du Clos Lucé ở gần đấy. Đây là nơi mà năm 1516 vua Francis I đã tặng cho danh họa Leonardo Da Vinci khi nhà vua mời ông đến sống ở Pháp. Danh họa nổi tiếng người Ý đã sống tại đây cho đến khi ông qua đời vào năm 1519.

Lâu đài này còn có tên là Clos Lucé, được xây dựng xung quanh một tòa tháp hình bát giác. Mặt ngoài của tòa nhà rất thanh lịch, trang trí bằng gạch màu hồng và travertine trắng, phản ánh kiến ​​trúc tiêu biểu của thế kỷ XV. Từng là “nhà nghỉ mùa hè” của hoàng gia Pháp, có kiến trúc độc đáo và những chủ nhân nổi tiếng nên lâu đài được xếp hạng “di tích lịch sử” khá sớm, nhờ vậy đã tránh được việc phá dỡ hoặc xây dựng lại. Từ năm 1954, tòa lâu đài và toàn bộ khuôn viên trở thành bảo tàng về một giai đoạn cuộc đời và sự nghiệp của Leonardo da Vinci. Bảo tàng được chủ sở hữu cuối cùng của tòa lâu đài là gia đình The Saint-Bris gìn giữ, sưu tầm tài liệu hiện vật và thực hiện trưng bày rất công phu. Từ đó đến nay lâu đài đã trùng tu lớn vài lần, được bảo quản thường xuyên, trở thành một điểm du lịch nổi tiếng với hàng trăm ngàn khách mỗi năm.

Lâu đài nằm giữa một khu vực rộng 7 ha có công viên, rừng và sông. Được xây dựng kiên cố, mặt ngoài làm bằng gạch hồng và đá trắng hầu như không thay đổi từ thời Phục hưng, một lối đi của thành lũy cũ sát bức tường cao bao quanh. Trong lâu đài vẫn còn các phòng sinh hoạt và tiện nghi hàng ngày của Leonardo da Vinci và của những chủ nhân khác, kể cả phòng thí nghiệm, phòng làm việc, đọc sách... Một số phòng được phục hồi vào năm 2011 với các chi tiết và đồ đạc cổ như thời Leonardo da Vinci ở đó. Trong lâu đài trưng bày bản sao ba bức tranh nổi tiếng là Mona Lisa, The Virgin and Child, St. Anne và St. John the Baptist mà khi từ Ý qua Pháp Leonardo Da Vinci đã mang theo. Hiện nay các bức tranh quý giá này đang trưng bày tại bảo tàng Louvre Paris.

Đặc biệt tầng hầm là nơi có các phòng làm việc của danh họa, tại đây ta thấy Leonardo Da Vinci còn là một nhà phát minh, một kỹ sư và một người thợ tự tay vẽ và thiết kế nhiều loại máy móc và các bộ phận của nó. Trong phòng thí nghiệm trưng bày 40 mô hình được phục dựng từ các phác thảo và bản vẽ, đồng thời trình chiếu những hình ảnh 3D sinh động rất hấp dẫn về các phát minh của ông để người xem có thể biết chúng hoạt động như thế nào. Tại đây còn lưu bản vẽ “cầu thang xoắn kép” nổi tiếng được xây dựng tại tòa lâu đài hoành tráng Château de Chambord gần đó, mô hình xe đạp, máy bay và nhiều thiết bị máy móc khác, thậm chí có cả quy hoạch một thành phố và một kênh đào để thuận tiên cho việc đi lại vì thời đó chủ yếu là giao thông đường thủy.

Công viên rộng xung quanh có nhà hàng, quán cà phê, nơi nghỉ ngơi dạo chơi của du khách... Nơi đây thường xuyên triển lãm bằng những phương tiện hiện đại nhiều phát minh của Leonardo da Vinci trong các hoạt động của cộng đồng địa phương, qua đó bảo tàng và nhà danh họa luôn được người dân địa phương tự hào và yêu quý, cũng như niềm tự hào về những lâu đài tuyệt đẹp và nghề làm rượu vang truyền thống của vùng thung lũng sông Loire. Nhờ sự trân trọng và bảo tồn di sản tốt nên vùng này đã đón hàng triệu lượt du khách mỗi năm, kể cả khi các lâu đài đang trùng tu thì lượng khách đến đây cũng không hề giảm sút.

***

Vùng Thung lũng sông Loire với hệ thống lâu đài cổ, trong đó có Château du Clos Lucé -  bảo tàng về Leonardo Da Vinci - chỉ là một số trong hàng chục ngàn bảo tàng, nhà lưu niệm danh nhân, nhân vật lịch sử ở Pháp và nhiều nước châu Âu. Hệ thống này vô cùng phong phú và đa dạng vì hầu như những nhà văn hóa nổi tiếng trên mọi lĩnh vực (nghệ sĩ, nhà văn, nhà khoa học, nghệ nhân của nghề thủ công truyền thống...) đều có nhà lưu niệm hay bảo tàng tại một lâu đài hay ngôi nhà họ từng sinh ra và lớn lên, hoặc nơi khác mà họ sinh sống lâu dài. Tại đó lưu giữ và trưng bày hiện vật về dòng họ, gia đình, cuộc đời và những thành tựu của danh nhân. Một số người có “nhà lưu niệm” ở nhiều địa phương vì nơi đó gắn với một giai đoạn, sự kiện hay thành tựu đặc biệt... Hầu hết các tòa nhà và khu vườn hay công viên, thậm chí khu rừng xung quanh... thuộc gia đình dòng họ danh nhân hoặc sau đó thuộc về người khác, nhưng đều được bảo tồn khá tốt về cảnh quan tự nhiên, kiến trúc công trình và nội thất, đồ đạc hiện vật giữ nguyên vị trí và được bảo quản cẩn thận. Những lâu đài, dinh thự, tòa thành ở đâu cũng có thể coi là nơi lưu niệm hay bảo tàng của các nhân vật lịch sử hay của dòng họ nổi tiếng một vùng.

Bên cạnh đó là hệ thống bảo tàng danh nhân thuộc nhà nước. Có thể vì công trình hay tòa nhà đó không còn ai trong gia đình dòng họ sở hữu, hoặc đã hiến tặng cho nhà nước, có thể do nhà nước hoặc chính quyền địa phương thành lập kỷ niệm những danh nhân lớn của cả nước hay tiêu biểu của địa phương. Dù bảo tàng quy mô lớn hay nhỏ, sở hữu tư nhân hay nhà nước thì cơ quan văn hóa nhà nước vẫn là nơi chịu trách nhiệm về nghiệp vụ (nghiên cứu, hướng dẫn, tư vấn trùng tu, sửa chữa, trưng bày, giới thiệu...), đồng thời chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để di tích tham gia vào du lịch, hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, chú trọng những hoạt động hướng đến và gắn bó với cộng đồng địa phương.

Những chuyến đi của tôi đến nước nào cũng luôn có chương trình tham quan và làm việc tại di tích, bảo tàng, nhà lưu niệm danh nhân... Từ đó tôi nhận thức được một vài điều bổ ích đối với hoàn cảnh Việt Nam: sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống tôn vinh danh nhân văn hóa, giữ gìn di sản, chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, tài sản trên đất đai và hệ thống luật pháp liên quan đến di sản văn hóa đồng bộ... là yếu tố quan trọng, thậm chí là quyết định, hạn chế được sự phá hủy di tích, di sản. Cơ chế “xã hội hóa” trên cơ sở phát huy nguồn lực xã hội bằng hệ thống luật pháp và quản lý nhà nước là điều kiện để cộng đồng thực hiện và phát triển kinh tế di sản. Nhà nước và tư nhân, cộng đồng cùng có lợi, trước mắt là kinh tế nhưng lâu dài là giá trị di sản ngày càng được tích lũy lớn hơn. Đặc biệt, việc cộng đồng địa phương được coi là chủ thể của các bảo tàng, nhà lưu niệm danh nhân đã giúp nâng cao sự hiểu biết về lịch sử - văn hóa địa phương, qua các phương tiện truyền thông hiện đại người dân trở thành những kênh thông tin quảng bá và thu hút du khách, từ đó phát triển thêm nhiều sản phẩm văn hóa, kinh tế của địa phương. 

Sài Gòn 15.8.2020


 P/S. NGHĨ VỀ “NHÀ LƯU NIỆM DANH NHÂN” ở VN

Trong hệ thống bảo tàng VN có một số “bảo tàng danh nhân”. Trong số đó, di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) và Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội có lẽ là nơi được nhiều người dân biết đến. Ở các địa phương có Khu lưu niệm một số vị lãnh đạo, nhân vật lịch sử, nhà văn hóa nổi tiếng... Những bảo tàng/nhà lưu niệm thường do chính quyền các cấp lập ra và hoạt động chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị, cơ quan văn hóa địa phương quản lý và vận hành. Giá trị kiến trúc của các công trình không cao, đồ đạc hiện vật ít ỏi... nên nghèo nàn về nội dung và trưng bày. Ngoài ra có thể coi hệ thống đền, đình thờ cúng những nhân vật lịch sử ở các địa phương gần giống loại hình này, nhưng thuộc về cộng đồng và sinh hoạt theo truyền thống dân gian. Hầu hết những địa chỉ văn hóa này không trở thành sản phẩm du lịch.

Tại các thành phố nhu cầu về nhà lưu niệm, bảo tàng danh nhân là có thật và ngày càng cấp bách. Thành phố là nơi sinh sống và hoạt động của hầu hết danh nhân văn hóa thời cận - hiện đại, khi họ mất đi thì phần lớn tư liệu hiện vật phân tán hoặc bị mất, có trường hợp chính ngôi nhà của họ cũng bị chia năm xẻ bảy hoặc thuộc về người khác, việc xây dựng thành “bảo tàng” hay “nhà lưu niệm” là vô vọng như trường hợp Vân Đường Phủ của học giả Vương Hồng Sển ở TPHCM. Nhiều trường hợp khác không có nhà riêng để có thể xây dựng thành nhà lưu niệm, hoặc nếu có thì chỉ gia đình và số ít bạn bè biết đến. Trừ một vài nhà lưu niệm được du khách quan tâm - như Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại thành phố Huế - còn lại hình thức kỷ niệm danh nhân phổ biến nhất là nhân dịp bao nhiêu năm ngày sinh, ngày mất sẽ tổ chức hội thảo khoa học rầm rộ tại một nơi trang trọng, có đầy đủ ban ngành tham dự... rồi sau đó được lưu niệm bằng “Kỷ yếu hội thảo”.

Hình: internet

Lâu đài hoàng gia Amboise 

 Chateau Royal d'amboise - Cung điện hoàng gia Amboise

 Từ lâu đài Amboise, bạn có thể đến Lâu đài Clos Lucé

 Lâu đài Clos Lucé

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...