Mỗi khi xuân về những hàng cây những cánh rừng dù chục
năm hay trăm tuổi đều nảy chồi xanh lá. Đất nước vào xuân bắt đầu từ màu lộc
non.
“Mùa xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày
càng xuân”
Tuổi nhỏ của nhiều người đã được học hai câu thơ này cùng
với thông lệ cứ sau tết thì các trường học đều có “ngày hội trồng
cây”. Tùy trường ở nông thôn hay thành phố mà trồng cây trong sân trường, vườn trường, trên
đường làng hoặc trên đồi trọc, ven bờ ruộng... Những cái cây nho nhỏ mới trồng
có rào thưa xung
quanh, nhóm nào trồng
thì chăm sóc cây cho đến khi ra trường.
Nhiều năm sau có dịp quay lại nơi chốn cũ nhìn thấy hàng
cây kỷ niệm xưa ùa về... Cây đã già đi nhưng vẫn là “chứng nhân” cho thời đi học của bao
người không còn trẻ nữa. Có người đi cùng với
con về trường cũ, chỉ vào một cây và nói, cái cây này bằng tuổi cha đấy! Trong
ánh mắt cậu con trai nhỏ cái cây trở nên thân thiết như một người bạn lớn. Mai
mốt, biết đâu cậu sẽ còn quay lại đây để nhìn lại một kỷ vật của cha mình…
Trong sân
trường Đại học KHXHNV (Văn khoa cũ) vẫn còn mấy cây hoàng lan được trồng vào khoảng
cuối thập niên 1970. Hơn
bốn mươi năm đã qua, cây hoàng lan mảnh khảnh hồi nào giờ đã cao lớn bóng rợp một khoảng sân. Trường
nay đã được xây dựng khang trang, tòa ngang dãy dọc. Vậy nhưng năm nào hội
khoa, hội trường sinh viên cũ mới đổ về cũng không thể thiếu những tấm hình được
chụp “dưới bóng hoàng lan” để mà nhớ lại “hồi xưa…”.
Cũng là ký ức
về những hàng cây của thời sinh viên, con đường Tôn Đức Thắng ở quận 1
TPHCM rất quen thuộc với nhiều
người. Nối với đường Đinh Tiên Hoàng – nơi có ba trường đại học từ lâu đời: Văn
khoa, Dược và Nông Lâm, đường Tôn Đức Thắng là nơi chốn êm đềm và lãng mạn của
nhiều thế hệ sinh viên Sài Gòn. Con đường có những hàng cây cao lớn tạo thành
vòm xanh mát rượi ngay cả trưa hè gay gắt nắng. Những tòa tu viện, chủng viện
im ắng sau bức tường cao càng làm cho con đường thêm phần cổ kính. Một khoảng lặng
đáng yêu của đô thành Sài Gòn.
Nhưng hơn một tháng nay ai qua đường Tôn Đức Thắng cũng giật mình thảng
thốt. Hàng cây đã bị chặt
sát gốc đào bật rễ để lại những
cái hố nham nhở... như một
hàm răng đẹp đều đặn bị nhổ trụi còn trơ hàng lợi và những vết thương chưa
lành. Hàng cây không còn, đường nắng hơn, phố nóng hơn, các công trình cổ kính
chơ vơ giữa tiếng ồn và khói bụi.
Đi trên con đường ngày nào rợp mát nay trống hơ trống hoác bỗng thấy mình
trống rỗng vì ký ức êm đềm ngày xưa đã bị trấn lột bởi những nhát cưa thô bạo.
***
Vài năm gần đây nhiều tục lệ cũ được phục hồi, có tục lệ
thời phong kiến như “vua cày tịch điền”, có tục lệ mới như các lãnh đạo, quan
chức trồng cây lưu niệm ở một nơi nào đó. Trồng cây bao giờ cũng là việc nên
làm vì mang lại những lợi ích thiết thực và những giá trị về tinh thần. Trồng một
cây non là biểu trưng cho sự khởi đầu một cuộc sống, một quá trình một giai đoạn
mới. Sự mới mẻ, phát triển và tương lai lâu dài của cây mới được trồng làm nên
ý nghĩa của “tết trồng cây” hay trồng cây lưu niệm nói chung.
Trồng cây là gieo một mầm sống và chăm sóc cho mầm xanh
trưởng thành, chứ nào phải trồng cây vì giá trị bạc tỷ của loài cây đó? Trồng cây
đã trưởng thành hay trồng
một cổ thụ chỉ là sự thể hiện của “chủ nghĩa hình thức” chứ chẳng có ý
nghĩa và giá trị gì. Việc nhổ một cái cây lớn, cây lâu năm mang đến trồng ở nơi
khác là cắt đứt cuộc sống của nó, sao có thể coi là sự khởi đầu như mùa
xuân? Những loài cây có tuổi đời càng
lâu năm càng quý vì nó mang giá trị tích tụ của thời gian.
“Dụng nhân như dụng mộc”, vì vậy, nhìn cách ứng xử với
cây cối cũng hiểu được xã hội đó coi trọng con người hay không? Những giá trị
mà xã hội đó tôn vinh, hướng đến có mang tính nhân văn hay không?
***
Một đời cây vô tư sống mang lại không khí trong lành cho
con người, chết làm vật dụng cho con người. Cây cối cũng có linh hồn, theo
nghĩa nó đã cùng con người trải qua bao biến cố, chứng kiến bao sự kiện của một
nơi chốn một đời người... Xưa nhà có người mất bao giờ cũng buộc cho cây cối
quanh nhà mảnh băng tang, nếu không người ta tin rằng cây sẽ héo khô rồi chết. Nay
trái đất đang “chết” vì biến đổi khí hậu vì ô nhiễm, cây xanh sẽ cứu giúp trái
đất kéo dài sự sống. Trồng cây, giữ rừng chính là kéo dài đời sống con người.
Một con đường đi bộ ven sông lát bằng hàng trăm mét khối
gỗ lim không thể là một công trình thân thiện với môi trường, vì sự “thân thiện”
này phải đánh đổi bằng việc khai thác những cánh rừng lim – loài cây đã có trăm năm sinh sống - từ
Nam Phi. Trên
trái đất này có nơi nào không cần sự sống của cây?
Sài Gòn 5/3/2018
Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét