MÁ HAI VÙNG TẠM CHIẾM

@ Hôm nay sinh nhật Ba (1922-1985). Con post một truyện ba viết hồi chín năm. Con nhớ Ba 
Không có văn bản thay thế tự động nào.
Liên lạc đưa tôi về xã …
Bây giờ là 12 giờ trưa, trời nắng gắt.
Chúng tôi chống xuồng qua giang đồng lớn. Lúa mơn mởn. Trời trong xanh. Xa xa, rặng cây xanh dọc theo bờ sông. Một hàng cột điện đứng lơ thơ giữa đồng. Vài chiếc xuồng có cà rèm chống về phía chúng tôi. Vang xa, tiếng còi xe hơi “puin, puin!” nghe nôn nã. Mùi dầu xăng quen thuộc phất qua mũi. Tôi đang suy nghĩ thì xuồng chống vô xóm, đi lòn theo mấy bụi tre sau hè.
Anh liên lạc bơi dọc theo xóm và cập sát hè một cái nhà sàn. Anh bước lên, chúng tôi theo sau. Trên nhà một bác gái, đang nằm trên võng. Thấy anh Ba, bác hỏi:
- Mới ra, hả Ba?
Anh Ba cười, đáp lời:
- Dạ … có anh … ở nhà hông?
Chúng tôi còn đang bợ ngợ, chưa biết làm gì thì bác nói:
- Nè, lên nhà. Tới chỗ thì lên nhà, đứng lựng xựng hổng nên!
Nghe lời, chúng tôi vội bước lên nhà, bác biểu:
- Theo tôi đây!
Bác bước trái vô buồng, tôi ôm gói theo sau. Bác vô phòng vén mùng lên, lấy khăn phủi sơ gối chiếu rồi nói:
- Nè, hai cháu nằm đây mà nghỉ cho khỏe.
Rồi bác bước ra ngoài nói chuyện với anh liên lạc.
Hai chúng tôi bỡ ngỡ ngồi xuống giường. Nhà sàn, ba căn nhỏ. Phía trước giữa nhà là bàn thờ Chúa. Hai bên, hai phòng. . Trước nhà, cách hàng ba không đầy 5 thước là lộ xe, kế lộ xe là sông Bassac …
Tôi đang quan sát thì bác bước vô, hỏi:
- Nè, bay tắm chưa?
- Dạ, cháu tắm ở ngoài đồng rồi.
- Được đa. Thôi, tắm rồi thì ở đó nghỉ.
Bác ngồi xuống, rút dưới giường hai cây mía, với lấy cây dao phay trên vách đưa cho tôi:
- Nè, ăn mía đi cho khỏe. Cứ ăn đi, đừng lo. Bay ăn đi rồi ngủ. Chiều “nó” về rồi nói chuyện.
Bình thường tôi ghét những tiếng “bay, mày”. Nghe nó cộc lốc, thô lỗ. Bữa nay, một bà già chưa từng quen biết gọi tôi bằng mày, bay. Cũng hai tiếng đó sao tôi lại nghe nó ngọt, ấm như tiếng con. Tôi nghe văng vẳng như má tôi đương đứng trước mặt tôi, nhìn tôi với cặp mắt ươn ướt.
Tự nhiên tôi buột miệng mời:
- Má ăn với con!
Bà già trả lời:
- Bây ăn đi. Tao ở “ngoài này” ăn hoài.
Vậy là tôi được thêm một bà mẹ. Tình cảm đó đi vào tự nhiên trong con người, không gượng gạo, không miễn cưỡng.
Chiều đến giờ cơm, ba về.
Ba là một ông lão còn sõi. Tóc hoa râm, chòm râu dài phất phơ dưới cằm. Ba đi cắm câu về, thấy tụi tôi, hỏi liền:
- Bay mới ra hả? Thôi, đi ăn cơm!
Tụi tôi ké né ngồi lại. Ba rót rượu cầm ly mời:
- Nè, uống với tao một miếng. Uống đi, uống rồi ăn bắp. Bữa nay có bắp, có cơm trộn ăn ngon lành.
Má tiếp lời:
- Cứ ăn no đi! Còn bao nhiêu, ăn bao nhiêu, còn một chén cháo chia nhau cũng vui.
Rồi má gắp cá bỏ vô chén tôi
Bữa đó, tôi ăn 5 chén bắp ngon lành.
* * *
Đồng chí X… ở nhà má hơn 5 năm rồi. Má thương ảnh lắm. Tối nào, hễ anh đi công tác về trễ, má ngồi trước hàng ba, trông chừng:
- Mẹ! Sao nó về trễ quá vậy cà.
Rồi má nói với tôi:
- Tội nghiệp, nó mần cực quá. Có đêm nó thức viết khuya 1,2 giờ đêm. Bữa nào tao cũng lo có đồ cho nó ăn, mà nó có ăn gì đâu. Bữa nào cũng chừng một chén.
Má thuộc công việc của đồng chí X… lắm. Thuộc là vầy: Biết ảnh sẽ đi đâu? Chừng nào về? Bữa nay có mấy người khách. Vậy thôi, biết để lo nấu cơm, lo để dành đồ ăn.
Có anh liên lạc mới ra, rồi đi xóm.
Má chờ hoài, xăn văn xéo véo;
- Nó nói một chút nó về, để dành bắp cho nó, rồi nó đi biệt hổng về
Một lúc sau, má chép miệng:
- Cha, hổng biết nó ăn cơm đâu?
Ba nằm trên võng vọt miệng nói:
- Bà khéo lo nó đói dữ hông? Nó xàn xạt rồi nó kiếm nó ăn. Chớ nó dễ nhịn hông?
Má lườm ba một cái:
- Ai mà nói nó nhịn đói. Tôi nghe nói nó thèm bắp thì lo nấu cho nó ăn, để dành mà thấy nó hổng về thì trông, vậy chớ ai mà nói nó nhịn đói.
* * *
Má có hai người con đi lính công giáo.
Tôi hỏi tại sao má lại cho đi, má trả lời:
- Tao đâu có cho đi, tao cũng sợ rủi ro chớ. Mà thiệt, khổ quá nghe con. Ở nhà, hổng có đất làm, khổ lắm. Với lại, nó cũng có trong đoàn thể, anh em biểu, nó đi, tao sợ rồi có ngày rủi ro, bay bắn với nhau…
Má nói tới đó, ngập ngừng, ngó ra đường.
Bên ngoài, trời tối om.
Trên bàn thờ Chúa, ngọn đèn lập lòe, mặt Chúa hiền từ, trầm ngâm. Mặt Chúa như dòm má, chứng minh cho lòng má. Má thương con ruột, má thương mấy đứa con kháng chiến Việt Minh! Đứa nào cũng là con, đứa nào cũng thương má. Má ghét Tây. Tại sao lại hai con, mỗi đứa ở một bên? Má lo một ngày kia, Việt Minh chụp đồn, hai bên bắn nhau. Con nào chết, má cũng khóc.
- Chúa ôi! Làm sao đuổi Tây về bển, cho hai con tôi đừng bắn nhau.
Tấm lòng già xúc động, hai giọt nước mắt lăn tròn trên gò má… Má nói nho nhỏ:
- Thiệt, tao cũng nhớ nó quá. Nó gởi tiền về cho tao. Năm ngoái nó giúp tao năm trăm mua lúa, chớ hông thôi năm rồi nguy lắm. Lúa đâu mà nuôi bay?
17-9-1952
Nguyễn Ngọc Bạch (in trong tập này)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...