“Hội ngộ gốm Nam Bộ”












Cuộc hội ngộ tổ chức tại khu du lịch Bình Quới 1 vào sáng nay, 4/3/2012, do một nhóm anh chị em sưu tầm cổ vật ở một số tỉnh Nam bộ cùng tổ chức. Thông tin được đưa lên website phomuaban.com và trên facebook từ sau Tết, mình cũng đã dự định là phải đến để xem đồ gốm Nam bộ - lọai hình cổ vật yêu thích của mình. Chưa kịp „đăng ký” với Ban tổ chức thì các anh các bạn đã nhắn và gọi điện thọai mời đến chơi, làm mình càng nóng lòng.

Đến đây mình được gặp nhiều nhà sưu tầm nổi tiếng chuyên dòng gốm Nam bộ: gốm Cây Mai, gốm Sài Gòn, gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu... Cùng với các anh chị đã có tuổi và có quá trình lâu năm sưu tầm gốm Nam bộ, cuộc hội ngộ lần này còn có những bạn trẻ nhưng cũng là nhà sưu tập đáng nể, khi mà các bạn sở hữu nhiều món đồ „độc” đã đạt giải cao trong cuộc Hội ngộ này, trong đó có một bạn vừa là đồng nghiệp vừa là học trò khi mình còn làm ở Bảo tàng Lịch sử. Hồi đó 2 cô trò cùng say mê sưu tầm hiện vật cho... bảo tàng, say mê làm sách giới thiệu sưu tập cổ vật. Khi công việc ở Bảo tàng không còn thuận lợi nữa thì cả cô và trò đều ra đi... Bây giờ học trò trở thành doanh nhân và là nhà sưu tầm cổ vật có uy tín. Mình thì không có điều kiện tiếp tục làm khảo cổ (đi khai quật) nhưng vẫn ráng học hỏi thêm. Được cái là mỗi lần hội cổ vật gặp nhau thì các anh chị, các bạn đều nhắn mời, đến đó xem cổ vật, trao đổi và học được nhiều điều. Đặc biệt là cuộc hội ngộ này mình được gặp nhiều bạn đã biết nhau trên blog (yahoo plus và facebook).

Gốm Nam bộ - đối tượng chính của cuộc hội ngộ (vui là chính) này, hầu hết được sưu tầm trong dân gian. Có thể nhận biết một số đặc điểm của lọai gốm này:

- Niên đại khỏang đầu công nguyên đến nửa sau thế kỷ 20: chia làm 3 giai đọan: Gốm Óc Eo (thế kỷ 1- 7), Gốm hậu Óc Eo (thế kỷ 8,9 – thế kỷ 16,17), và gốm Nam bộ từ thế kỷ 18 – nửa sau thế kỷ 20, trong đó giai đọan thế kỷ 19 – giữa thế kỷ 20 là phát triển nhất.

- Chức năng phổ biến là lọai gốm gia dụng sinh họat trong gia đình, trong đình chùa, gốm trang trí kiến trúc... ngay những hiện vật có tính mỹ nghệ cao thì cũng có chức năng sử dụng thật sự chứ không chỉ là tác phẩm „mỹ nghệ” để trưng bày ngắm nghía.

- Gốm Nam bộ thể hiện sự giao lưu tiếp nhận rất nhanh những mẫu mã mới, với những chức năng mới, thích nghi với những lối sống và sinh họat mới.

- Về kỹ thuật sản xuất thì mình đã tìm hiểu khi khai quật lò gốm cổ Hưng Lợi ở quận 8. Sau đó vài lần viết và có in trong sách „KCH bình dân Nam bộ”. (Nhân đây „khoe” luôn, có nhiều anh chị gặp mình và nói đã xem cuốn này, rất thích, vì nhiều thông tin khoa học nhưng dễ hiểu và không khô khan. Thật tình mình rất vui, không phải vì được khen mà vì cuốn sách có ích cho các anh chị).

Từ năm 1998, khi bắt đầu tìm hiểu nghiên cứu lọai gốm này, mình đã rất yêu tính chất bình dị và phổ biến của nó: từ dân thường đến nhà giàu có đều có thể mua và sử dụng các lọai sản phẩm gốm Nam bộ. Trang trí hoa văn cũng giản dị, gần gũi với cuộc sống người bình dân. Mặt khác, thị trường của gốm Sài Gòn, Biên Hòa, Lái Thiêu là cả Nam bộ, thậm chí cả Campuchia. Khỏang trong nửa đầu thế kỷ 20 khi thương nghiệp Nam – Bắc phát triển mạnh thì gốm Nam bộ còn theo chân các thương nhân ra các nhà giàu có, một vài đình chùa ở miền Bắc, miền Trung. Nếu không xuất phát từ đặc trưng lịch sử - xã hội và cả đặc trưng văn hóa Nam bộ để nghiên cứu thì dễ dẫn đến quan niệm: gốm Nam bộ không có gía trị đặc biệt, vì niên đại muộn và không mang tính mỹ thuật cao, vì quá... bình dân.

Trở lại cuộc hội ngộ Gốm Nam bộ, đây là một họat động của cộng đồng, do cộng đồng tổ chức và vì chính lợi ích của cộng đồng. Ban tổ chức đã tiến hành cho „thi” online trước khi trưng bày và chấm trực tiếp trên hiện vật. Ban giám khảo gồm 5 nhà sưu tầm Gốm Nam bộ có tiếng tăm đã làm việc nghiêm túc để lựa chọn các hiện vật vào chung kết. Ở đây chỉ nói đến 3 tiêu chí chủ yếu để xem xét các cổ vật là: 1/ tính độc đáo, độc bản; 2/ tính rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ: ghi rõ lò sản xuất, tiệm đặt hàng hay thậm chí là cá nhân, niên đại; và 3/ tính mỹ thuật: trang trí màu sắc hoa văn, sự nguyên vẹn... Ngòai kết quả chấm điểm của BGK còn có kết quả bình chọn của những người tham dự Hội ngộ hôm nay. „Bỏ nghề” khá lâu nhưng kết quả bình chọn của mình gần như trùng với kết quả của BGK, cũng chưa đến nỗi lục nghề, hehe.

Hội ngộ „Gốm Nam bộ” hôm nay khá vui, sinh động, không quá „thủ tục” mà vẫn thực hiện hết chương trình đề ra. Phải nói là BTC đã rất chu đáo và linh họat, những người tham gia cũng rất thiện ý vui vẻ, kể cả cuộc đấu giá nho nhỏ ủng hộ kinh phí cho cuộc hội ngộ. Những họat động như thế này, theo mình, chính là thực hiện „xã hội hóa” việc bảo tồn di sản văn hóa, nhưng xuất phát từ cộng đồng chứ không trông chờ phụ thuộc vào sự tổ chức của nhà nước. Qua đó cộng đồng sưu tầm cổ vật cũng có dịp gặp gỡ trao đổi, nâng cao sự hiểu biết về cổ vật, giá trị của di sản văn hóa càng được phổ biến rộng rãi hơn trong xã hội.

1 nhận xét:

  1. Chào chị Hậu.

    Sáng nay em ở nhà đợi chị gái Đỗ Quyên & anh trai Quang Hào qua để làm một số việc sau cuộc Hội ngộ.

    Đang trong thời gian đợi chờ, em vào đây đọc trộm bài viết hay của chị...He he, để chút chị gái và anh trai đến sẽ khoe sau.

    Được gặp chị tại Hội ngộ, em rất vui.

    Em kính chúc chị đầu tuần vui khỏe, hạnh phúc.

    Em Phong Lưu

    Trả lờiXóa

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...