Người thực hiện: LÝ ĐỢI
- Nhìn từ góc độ xã hội và văn hóa, theo chị, từ bối cảnh xã hội, hòan cảnh sống như thế nào mà sinh ra các thảm họa về văn hóa, nghệ thuật, ứng xử, nhân văn, tình người…?
Trước hết tôi muốn dùng từ “thảm họa” được đặt trong ngoặc kép. Lý do tôi sẽ xin giải thích sau. Gần đây trên các phương tiện truyền thông khi phản ánh những họat động văn hóa nghệ thuật, xuất hiện một khái niệm mới là “thảm họa” để chỉ việc biểu diễn, trình diễn của một số ca sĩ, người mẫu… tập trung vào 2 lĩnh vực: ca nhạc và thời trang biểu diễn. Thực trạng các lọai bài hát, những kiểu trang phục và cách trình diễn của họ “thảm họa” như thế nào có lẽ không cần nhắc lại ở đây. Vấn đề là vì sao và bối cảnh xã hội như thế nào mà những “thảm họa” đó xuất hiện?
Đầu tiên có thể nhìn thấy một hiện tượng phổ biến trong sinh họat văn hóa nghệ thuật là tính chất nghiệp dư. Dường như có xu hướng khuyến khích, “nuông chiều” tính chất nghiệp dư chứ không đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Tôi không cho rằng phải học ở trường lớp mới là chuyên nghiệp và ngược lại, không học hành bài bản là nghiệp dư, mà tính nghiệp dư ở chỗ không xác định đâu là lĩnh vực chính, là sở trường của mình: ca nhạc, thời trang hay diễn viên điện ảnh… từ đó không chịu lao động, học tập nghiêm túc để vươn lên trình độ cao hơn trong lĩnh vực đó. Do vậy nhiều người làm gì cũng hời hợt, chất lượng nghệ thuật kém, thậm chí họ cũng biết rằng như thế như thế là kém, là xấu… nhưng miễn là kiếm được (nhiều) tiền.
Về xã hội: Có thể cho rằng đặc trưng quan trọng nhất hiện nay là thời đại truyền thông. Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật truyền thông làm cho tốc độ cuộc sống ngày càng nhanh hơn do con người tiếp nhận thông tin nhanh hơn, nhiều hơn, đa dạng phức tạp hơn, và không thể chủ động mà phải tiếp nhận trong tình trạng “bị động”. Tuy nhiên ở những nước mới phát triển như nước ta hầu như xã hội chưa kịp thích nghi với điều đó. Sự thích nghi với “thời đại truyền thông” chính là việc mỗi người và cộng đồng biết điều tiết chọn lọc thông tin một cách có ích nhất cho mình và cho cộng đồng. Tiếc là nhiều người chỉ biết sử dụng và tận dụng truyền thông để có lợi cho mình mà điều đó lại không mang lại lợi ích gì cho cộng đồng, thậm chí còn có hại. Có thể lúc đầu chỉ là vài hiện tượng như một bài hát dở một bộ trang phục hở hang, nhưng truyền thông lên tiếng ào ào, có thể là phê phán nhưng lại không lường được dụng ngược của nó. Người ta bằng bất cứ cách nào (và bằng bất cứ giá nào) để được “có mặt” trên các phương tiện truyền thông, “thảm họa” bắt đầu từ đó. Nếu giới truyền thông “tỉnh táo” và có trách nhiệm hơn trong việc đưa tin, cách đưa tin thì đã không có sự ‘tiếp tay” như thế. “Quyền lực” của truyền thông đã bị lạm dụng quá mức so với chức năng xã hội của truyền thông.
Nên hiểu và nhận diện thế nào cho đúng về thảm họa?
Tôi nghĩ “thảm họa” ở một mức độ sâu hơn, đó là sự lệch chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, về thẩm mỹ nghệ thuật. Đó là việc chạy theo các giá trị ảo vì không cần lao động không cần tài năng, không muốn, không cần vươn tới giá trị thật vì phải lao động thực sự và cực nhọc. Và những giá trị ảo lại được “công nhận” và mang lại nhiều tiền. “Thảm họa” này là sự “cộng hưởng” từ nhiều lĩnh vực trong xã hội. Đó là lý do tôi dùng ngoặc kép cho từ “thảm họa”.
Trong các thảm họa mà truyền thông, báo chí từng đề cập trong thời gian qua, theo chị, thảm họa nào là đáng lưu tâm nhất? Lưu tâm - vì qua đó, nó để lại sức tác động lớn lao và có ảnh hưởng đến những đối tượng khác?
- Tôi cho rằng không có tác động gì lớn lao thực sự, vì nó là ảo, là bong bóng. Nhưng nếu nhìn sâu xa hơn thì chuyện trang phục của ca sĩ diễn viên là đáng lưu tâm nhất, nhất là nữ ca sĩ diễn viên. Trang phục xấu vì không phù hợp nơi chốn, không phù hợp tuổi tác, không phù hợp với bản thân mình… đã đành, nhưng xu hướng “khoe thân” thực sự đáng lo ngại, bởi vì phản ánh một tâm thức: “giá trị” của phụ nữ chỉ ở thân thể họ! Và do vậy phụ nữ chỉ “có giá” khi họ có một thân thể vừa mắt đàn ông! Từ góc độ xã hội đây chính là vấn đề về giới – phụ nữ bị coi thường từ đàn ông và cũng do phụ nữ không biết tự tôn trọng mình.
- Phải chăng, có những thảm họa “bề nổi”, theo nghĩa, sẽ tự sinh ra và tự mất đi theo thời gian? Và có những thảm họa “bề sâu”, khi đã sinh ra thì rất khó để mất đi; hoặc sẽ để lại di chứng nặng nề?
- “Thảm họa bề nổi” phản ánh “thảm họa” bề sâu, cũng là thảm họa thực sự: trình độ văn hóa thấp, giáo dục kém. Cứ nhìn những thảm họa bề nổi thì còn lâu xã hội mới hết định kiến “xướng ca vô lòai” đối với nhiều người trong giới ca sĩ diễn viên. Tôi không gọi họ là “nghệ sĩ” bởi nghệ sĩ là một danh xưng cao quý!
- Theo chị, cộng đồng xã hội có nên hoang mang hay phê phán các thảm họa đang diễn ra xung quanh mình? Hay cần có cách khắc phục nào đó?
- Tôi đọc ở đâu đó một câu nói rất hay có thể áp dụng trong trường hợp này “quyền được im lặng”. Trước những hiện tượng “thảm họa” mong truyền thông và mọi người hãy tỉnh táo, đừng góp thêm “gió” để thành “bão”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét