TRUNG THU


Nhanh thật, cái nóng mùa hạ chưa qua mà một Trung thu nữa lại đến, mặc dù “mùa Trung thu” đã hiện diện trong các tiệm bánh ở Sài Gòn từ đầu tháng Bảy mưa ngâu. Mỗi năm bánh trung thu càng được bán sớm hơn. Ngày xưa, thời bao cấp ở Hà Nội, chỉ qua 10/8 mậu dịch mới bắt đầu bán bánh theo phiếu hay phân phối về các cơ quan. Sau năm 75, ở Sài Gòn bánh trung thu cũng chỉ được bán từ đầu tháng tám, chủ yếu ở Chợ Lớn nơi có nhiều người Hoa. Còn những khu vực khác cũng khoảng mùng 7,8 tháng tám mới bán nhiều. Nhưng sau rằm thì bánh “đại hạ giá” tràn ngập. Nghe nói bánh ấy cũng chẳng phải bánh ế, nhưng làm bằng nguyên liệu rẻ tiền để bán rẻ cho người nghèo, và vẫn lãi rất nhiều. Tuy nhiên, các hiệu bánh nổi tiếng ngày ấy ở SG sau rằm hầu như không “đại hạ giá” để giữ tiếng. Bây giờ, có khi mới 12, 13 chưa rằm đã có bánh hạ giá rồi… Mà bánh ấy thì chắc làm từ đầu “mùa trung thu”, nên ai “tốt bụng” mới có can đảm mua ăn!


Ngày xưa, cứ mỗi ngày Trung thu thế nào tôi cũng nhận được một món quà nhỏ từ nhà thơ Thanh Tịnh – một người bạn rất thân thiết của gia đình tôi. Còn nhớ, bác Thanh Tịnh đi cái xe đạp “cởi truồng”, không phanh không chắn xích không chắn bánh xe… Bác bảo: xe của bác cái cần kêu thì không kêu (ấy là cái chuông), còn cái không cần thì cứ kêu, mà kêu to (ấy là toàn bộ cái xe, nhất là xích xe, cứ lọc xọc lọc xọc miết…). Đêm trung thu thế nào bác cũng mang đến cho tôi một cái bánh dẻo nguyên vẹn, chỉ là nhân hạt sen (cứng quèo), lớp bột bánh cũng khô và cứng… nhưng sao mà ngon thế không biết! Ngon nhất, là vì được ăn cả chiếc bánh ấy, vì bác dành riêng cho mình tôi. Còn một, hai cái bánh mua bằng phiếu, hay cơ quan “phân phối” thì má tôi thường để dành, có năm má gửi biếu các bác chủ nhà hồi đi sơ tán, vì “ở Hà Nội mình còn có khi được ăn, chứ ở nông thôn chẳng có đâu con ạ”.

Một năm vào mùa trung thu, khi ấy mới học lớp 3, đi tàu điện từ chợ Hôm lên Cầu Giấy đến trường Yên Hòa, đi qua phố Hàng Bài, phố Hàng Bông, thấy bán đèn ông sao, lồng đèn con gà con thỏ… cứ mải mê ngắm và ước gì mình có được chiếc đèn ấy. Thèm được cầm cái cán dài dài có dán giấy vòng quanh, được đốt ngọn nến nhỏ xíu trong đèn, được đung đưa nó theo mỗi bước chân… Nỗi thèm muốn mạnh đến ứa nước mắt… Sau này mới hiểu lúc đấy tủi thân quá, sự tủi thân không do ai không vì cái gì, chỉ vì không hiểu sao chưa bao giờ (và không bao giờ vì cho đến nay đã sắp già rồi) mình được có một đồ chơi trung thu như thế!


Từ đầu tháng Tám con gái đã nói: Mẹ, trung thu này tụi con quyên góp mua bánh trung thu, lồng đèn tặng cho bệnh nhi trong Bệnh viện ung bướu mẹ ạ. Vô đó tưởng chỉ có người lớn, vậy mà thấy rất nhiều trẻ em bị bệnh, thương các em quá… Chỉ một dòng thông báo ngắn gọn trên blog thôi, nhiều bạn bè của con gái, bạn bè của mẹ “nhào vô” hỏi thăm, đóng góp, rồi hẹn nhau cùng đi mua bánh cùng đi tặng quà. Một tuần tất bật, một ngày chung tay làm chia sẻ chút niềmvui là một ngày có ích cho các con. Một ngày các em nhỏ không may mắn có thêm niềm tin vào cuộc sống để vượt qua bệnh tật.


Bây giờ vào mỗi mùa trung thu, nhiều nơi vẫn còn có những trẻ em ước mong có một cái bánh nhỏ, một món đồ chơi giản đơn như thế. Người lớn ơi, đừng để các em phải tủi thân! Mỗi người một chút hãy giúp cho các em có được niềm vui nho nhỏ trong ngày Tết của trẻ em, bạn nhé…


1 nhận xét:

  1. Cảm ơn hậu khảo cổ. Để mình nhớ lại sự thèm một miếng bánh Trung thu và một cái đèn ông sao. Cũng như Hậu khảo cổ... mình cũng thèm đến ứa nước mắt đấy Hậu khảo cổ ạ!

    Trả lờiXóa

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...