VỀ BẢO TÀNG LÚA GẠO VIỆT NAM (nhân một cuộc chuyện trò với bạn)

1. VN nằm trong vùng đông nam á là một trong những cái nôi của nghề nông sớm nhất thế giới. Dấu tích của nghề trồng trọt đã được tìm thấy trong các di tích thuộc nền Văn hóa Hòa Bình cách này khoảng 10.000 năm cách nay. Từ thời kỳ này cư dân cổ đã biết thuần hóa rồi tiến tới trồng trọt các loại cây có củ và một số loại thực vật như bầu bí. Đông nam á cũng là nơi có giống lúa hoang Oryza Sativa sau này được thuần hóa và trồng trọt nhiều ở đây. Từ khoảng 4000 năm cách ngày nay vùng trung du và đồng bằng sông Hồng trở thành địa bàn chính của nghề nông trồng lúa. Từ đó nông nghiệp lúa nước trở thành ngành kinh tế chủ đạo, góp phần quan trọng cho việc hình thành và phát triển nền văn minh nông nghiệp của người Việt cổ.

2. Việc đặt ra vấn đề thành lập “Bảo tàng nông nghiệp VN” là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Với một bề dày lịch sử 4000 năm, văn minh nông nghiệp trồng lúa VN xứng đáng và cần phải có một bảo tàng riêng để có thể phản ánh một cách toàn diện và đa dạng các giống lúa và cây trồng từ xưa đến nay, các phương thức trồng lúa ở những vùng miền trên đất nước ta: từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu long hay dọc dải đồng bằng nhỏ hẹp ven biển miền Trung. Từ miền núi, trung du phía bắc đến Tây nguyên… Mỗi vùng tùy theo điều kiện tự nhiên có những phương thức canh tác truyền thống khác nhau. Trong quá trình người Việt đi về phía Nam cũng đã sáng tạo ra những phương thức kỹ thuật mới, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm cư dân tại chỗ và cải tiến những kỹ thuật mang theo từ quê nhà. Từ những phương thức canh tác khác nhau sẽ có những phức hệ kỹ thuật khác nhau: các loại nông cụ, cách thức sử dụng nông cụ ở mổi vùng miền, những kỹ thuật hỗ trợ như giống má, thủy lợi, phân bón… của nghề trồng lúa hay các cây trồng khác…
Ngoài trồng lúa VN còn là xứ sở của nhiều cây trồng khác nữa, vì vậy cũng cần được thể hiện trong bảo tàng nông nghiệp VN. Từ khoảng cuối thế kỷ 19 chúng ta còn có nghề trồng các cây công nghiệp do người Pháp du nhập vào (cao su, cà phê…) và từ nửa sau thế kỷ 20 phát triển các trang trại trồng cây ăn trái. Ở Nam bộ “văn minh miệt vườn” xuất hiện sớm, sản phẩm trồng trọt trở thành hàng hóa lưu thông rộng rãi trong nước, thậm chí ra nước ngoài chứ không còn mang tính chất tự cung tự cấp nữa.

3. Về ý tưởng thành lập “Bảo tàng lúa gạo VN”: Có thể là một phần của bảo tàng Nông nghiệp VN nhưng cũng có thể là một bảo tàng riêng trưng bày về “sản phẩm sau thu hoạch” của nghề trồng lúa: LÚA --- GẠO / NẾP---- CÁC SẢN PHẨM ẨM THỰC như cơm (nấu trong nồi, nướng trong ống tre, đồ xôi…), các loại bánh, bún, phở, nấu rượu… Gạo, nếp chế biến được rất nhiều món ăn vì vậy cách thức chế biến, vật dụng chế biến… cũng vô cùng phong phú, đa dạng theo vùng miền và theo thời gian. Có nhiều loại thức ăn trước đây chỉ dành cho những dịp đặc biệt nay phổ biến hàng ngày, nhưng cũng có nhiều món ăn cổ truyền đang có nguy cơ “biến mất” trong xã hội công nghiệp, do đó giá trị văn hóa “phi vật thể” như kỹ thuật chế biến, ý nghĩa của nó cũng mai một, thậm chí biến dạng…
Liên quan đến lúa gạo là công cụ chế biến lúa gạo và các nghề thủ công như nghề làm các loại cốm, bún, phở, bánh hỏi, các loại bánh… Rồi cách ăn các loại bánh (ví dụ cách làm bánh xèo miền Trung và Nam bộ khác nhau thế nào, những thứ rau ăn kèm, các loại nước chấm… các “biến thể” của bánh xèo là bánh khọt, bánh khoái chẳng hạn…). Hay về cách làm bánh chưng, bánh tét cũng đã là một nội dung vô cùng hay của bảo tàng này.
Nói đến lúa gạo là nói đến văn hóa ẩm thực VN: có thể trưng bày về đồ gốm dùng trong nấu nướng, ăn uống… hoặc các vật dụng bằng các chất liệu khác nhau… Rồi “cơ cấu” bữa ăn hàng ngày, bữa ăn có tính chất nghi lễ (đám giỗ, đám cưới, lễ hội…). Các nghi lễ, lễ hội đều có liên quan mật thiết với văn hóa ẩm thực.

4. Tại Seoul (Hàn quốc) có một bảo tàng tư nhân, nhỏ thôi, trưng bày sản phẩm từ rơm rạ: các loại dép, áo, những đồ chơi của trẻ em, các vật dụng khác… thu hút khá nhiều khách tham quan. Nhiều du khách đến xem đã mua các sản phẩm “lưu niệm” bán tại bảo tàng. Hay Bảo tàng về Kim chi cũng vậy: trưng bày quy trình trồng các loại rau, cách thu hoạch, cách làm các loại kim chi, cách chế biến món ăn từ kim chi, các loại đồ gốm liên quan… Tại đó còn có nhà hàng cho du khách thưởng thức các món kim chi.
Tại các bảo tàng này trưng bày sản phẩm đồng thời chiếu phim về cách thức làm ra và sử dụng những sản phẩm ấy. Rất sinh động, hấp dẫn và làm cho khách tham quan nhớ lâu. Một cách thức giới thiệu, quảng bá về văn hóa Hàn Quốc rất có hiệu quả.
Ở VN có thể thành lập rất nhiều bảo tàng như thế, nhỏ thôi nhưng chuyên sâu vào một chủ đề nhất định. Các doanh nghiệp mà sản phẩm của mình đã có thương hiệu “hàng hóa” nếu làm bảo tàng về ngành nghề của mình thì sẽ tạo dựng được cả thương hiệu về văn hóa. Ví dụ bảo tàng cà phê , bảo tàng gốm sứ, hay bảo tàng về một (hoặc nhiều) món ăn nổi tiếng của VN…
Ở Trung quốc, gần như những nơi bán các sản phẩm “đặc sản” đều kết hợp trưng bày (một mức độ nhất định) về cách chế biến và các loại sản phẩm. Điều này góp phần tạo được sự tin tưởng cho khách đến tham quan và mua sản phẩm của họ, cũng đồng nghĩa với việc gìn giữ thương hiệu (chất lượng hàng hóa, thái độ phục vụ, chế độ hậu mãi…)
Luật di sản văn hóa VN từ năm 2002 đã quy định về loại hình bảo tàng tư nhân và điều kiện thành lập, tuy nhiên đến nay vẫn phổ biến trưng bày các sưu tập cổ vật. Nếu các doanh nghiệp đều chú ý đến việc “lập bảo tàng” sản phẩm của mình thì sẽ làm tăng thêm giá trị văn hóa của sản phẩm, góp phần tích cực gìn giữ và quảng bá văn hóa VN, đồng thời làm cho “văn hóa bảo tàng” trở nên quen thuộc và phổ biến hơn trong đời sống người dân.

2 nhận xét:

  1. Nếu có bảo tàng lúa gạo, em thích được nhìn thấy giống gạo gì đỏ đỏ ngày xưa ấy chị?

    Trả lờiXóa
  2. ý tưởng hay quá, em ủng hộ nhiệt liệt chị đứng ra chủ trì vụ này hén :-)

    Trả lờiXóa

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...