Năm 2005 trong chuyến đưa hiện vật Văn hóa Champa qua Pháp trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimer tại Paris, lần đầu tiên tôi có một nhận thức rõ ràng về “tính chuyên nghiệp” trong công việc.
Từ trước vẫn hiểu đơn giản, sự chuyên nghiệp là được học hành bài bản về một nghề nào đó, một công việc nào đấy, được làm đúng nghề đào tạo (có một thời gian dài ta có Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp – tức là các trường dạy nghề). Nhưng còn tính chuyên nghiệp trong công việc là như thế nào… thì tôi vẫn hiểu mù mờ, không thể phân định rạch ròi. Có lẽ vì chưa biết hay không quan tâm đến điều này chăng?
Ngay từ lúc mới đặt chân đến Paris tôi đã nhận thức được ngay “tính chuyên nghiệp” trong quy trình công việc và trong tác phong làm việc của những người đồng nghiệp. Đây là một vài ghi chép của tôi lúc ấy.
“…anh bạn đồng nghiệp làm việc ở bảo tàng Guimet đã đón tôi ngay khi tôi ra khỏi máy bay và đưa tôi ra ngoài bằng cửa an ninh, không phải qua khu vực làm thủ tục. Lý do: vì tôi đi “áp tải” những cổ vật đưa sang Pháp trưng bày nên cần phải nhanh chóng đến khu vực hàng hóa để nhận những kiện hàng đặc biệt này.
Thủ tục nhận lô hàng quan trọng như vậy không ngờ rất đơn giản và nhanh chóng, nhanh chóng và đơn giản hơn khi chúng tôi làm thủ tục gửi hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất (có lẽ vì đây là nhận chứ không phải xuất cổ vật chăng?). Cùng với anh bạn đồng nghiệp người Pháp và một số công nhân của một hãng chuyên đóng gói và vận chuyển hàng hóa, chỉ trong khoảng 30 phút chúng tôi đã hoàn tất mọi giấy tờ, đưa 30 thùng hàng rất nặng lên 4 chiếc xe tải “chuyên dụng” rồi về thẳng Paris.” (Paris, mùa thu tím)
“Cùng làm việc với chúng tôi là những nhân viên các bộ phận nghiệp vụ bảo tàng, công nhân của một công ty chuyên vận chuyển và đóng gói cổ vật. Họ có phong cách làm việc hết sức chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ, mỗi người đều thành thạo công việc của mình, thực hiện đúng chức trách đồng thời tự giác về kỷ luật lao động. Dù công việc phải tiến hành khẩn trương, hầu như không ai nói chuyện phiếm trong giờ làm việc mà chỉ có vài trao đổi ngắn gọn, nhưng không khí làm việc vẫn khá thoải mái vì mọi người đều có trách nhiệm, quan hệ giữa những người đồng nghiệp hầu như không vướng bận điều gì. Do đó mọi việc nhỏ hay lớn luôn được tiến hành một cách suôn sẻ, hoàn thành đúng thời hạn, kết quả tốt và hiệu quả lâu dài.” (Tản mạn về người Paris)
Đơn giản hơn, như mình vẫn nói: người nào việc nấy (nhà thơ Bùi Chát sửa lại “người nào việc nào, người nấy việc nấy” – cho chính xác hơn!). Ngay cả khi tôi ngỏ ý muốn tham quan kho hiện vật thì người phụ trách trưng bày nhã nhặn nói: Xin lỗi bà việc ấy thuộc một bộ phận khác, còn tôi chỉ làm việc với bà về cuộc trưng bày sắp tới. Nghe vậy tôi hiểu ngay giới hạn công việc của mình trong chuyến công tác này, và nếu cần thì đề nghị việc này với ai.
Như vậy, có lẽ “tính chuyên nghiệp” – theo cách hiểu của tôi – là:
- Làm đúng việc của mình 1 cách có trách nhiệm. Muốn vậy phải nắm vững chuyên môn. Không can thiệp vào việc của người khác khi không có chức trách, không có yêu cầu, và khi mình không biết, không vững về việc ấy.
- Quy trình kế hoạch làm việc phải hợp lý, chặt chẽ, rõ ràng. Có thể thảo luận với nhau trước khi tiến hành, nhưng khi đã làm thì tuân thủ cấp trên và các quy trình, kỷ luật lao động. Tôn trọng đồng nghiệp. Sẵn sàng hỗ trợ nhau trong công việc khi có yêu cầu để công việc chung hoàn thành tốt nhất, tức là vì mục đích chung nên không coi đó là việc làm ơn hay chịu ơn.
- Một công việc khi vạch ra kế hoạch đầu tiên người ta đã phải biết ngay ai là người thực thi và cuối cùng, ai là người chịu trách nhiệm! Không ai “nhảy” vào việc của người khác nên không có việc phê bình và quy trách nhiệm lòng vòng, người này ngành này chỉ phê người khác ngành khác mà không nghiêm túc tự phê.
Dông dài về “tính chuyên nghiệp” cũng vì câu chuyện sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét