TRAO ĐỔI VỚI NGUYỄN VĨNH NGUYÊN VỀ “KHẢO CỔ HỌC BÌNH DÂN…”

- Khảo cổ học bình dân, một mặt đặt di sản khảo cổ vào trong trách nhiệm gìn giữ, quyền lợi thụ hưởng di sản của người dân như chiến lược bảo tồn bền vững. Đó là câu chuyện trên thế giới. Nhưng có vẻ như câu chuyện ở Việt Nam không hề giản đơn khi mà người dân, nhất là người nghèo không có thứ quyền lực để có thể định đoạt mảnh đất dưới chân họ, trái lại, người định đoạt là những ông chủ dự án trọc phú với quyền lực kinh tế mạnh mẽ có thể chi phối cả tầm nhìn nhà chức trách ?

Trả lời câu hỏi này sẽ là một câu chuyện dài vòng quanh bất tận và… Có lẽ tôi chỉ có thể nói rằng, để hạn chế tình trạng này thì luật pháp phải được mọi người mọi cấp tôn trọng và thực thi, cụ thể là Luật Di sản văn hóa Việt Nam.

- Vấn đề bảo tồn di sản khảo cổ cộng đồng hướng tới việc biến phế tích thành những con cá vàng cho công nghệ di sản (heritage industry), nói cụ thể là ngoài phục vụ nghiên cứu thì sẽ giúp người dân sinh lợi bằng cách làm dịch vụ du lịch. Như vậy sẽ đặt ra cho cộng đồng một sự chờ đợi mang tính thực dụng, nghĩa là di chỉ nào đẻ ra tiền thì sẽ lưu giữ, ngược lại thì có thể bán đi. Lúc đó phải chăng khảo cổ học cộng đồng được đặt trước một nguy cơ mới?

Khi nói đến khái niệm “công nghệ di sản” không có nghĩa chỉ là khai thác lợi ích kinh tế từ di sản văn hóa. Tôi cho rằng “công nghệ di sản” còn là quá trình giáo dục cho cộng đồng ý thức bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa. Khi người dân đã có ý thức, có kiến thức và tự giác bảo vệ di sản văn hóa thì dù không/ chưa có lợi ích kinh tế, bản thân sự tồn tại của di sản văn hóa đã là “lợi nhuận tinh thần ” rất lớn để lại cho thế hệ sau. Cũng như trong gia đình, bàn thờ ông bà không thể đem ra kinh doanh nhưng con cháu luôn coi trọng nơi linh thiêng này vì đó là thể hiện của truyền thống gia đình.

- Phần lớn bài viết từ cuốn sách đã được chị công bố trên web, mạng xã hội thời gian qua. Qua những tương tác với bạn đọc cộng đồng mạng, chị cảm nhận như thế nào về mối quan tâm của người đọc đến một lĩnh vực mà bấy lâu khá “kín cổng cao tường”, là khảo cổ? Liệu Khảo cổ học bình dân Nam Bộ có gây sốc với giới nghiên cứu khảo cổ học theo phương pháp chính thống?

Mục đích của việc công bố các bài viết của mình trên các website, blog cá nhân, như trong Lời nói đầu của cuốn sách, là để cho sinh viên mới “nhập môn khảo cổ học”, bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này… có thể tiếp nhận kiến thức khảo cổ một cách dễ hiểu, gần gũi. Từ đó tôi nhận được nhiều sự quan tâm về khảo cổ học nói chung và khảo cổ học Nam bộ nói riêng, thể hiện bằng những trao đổi, nhiều câu hỏi từ bạn đọc. Có câu hỏi rất đơn giản nhưng cũng có câu hỏi rất khó. Cái gì tôi biết thì trao đổi lại, cái gì chưa biết hay không rành lắm thì giới thiệu nguồn tài liệu để người quan tâm tìm hiểu… Nói chung sự tương tác với cộng đồng mạng xã hội đã khuyến khích tôi suy nghĩ viết bài theo hướng này, vì tôi nghĩ khi có nhiều người hiểu công việc của mình thì cơ hội chia sẻ và học tập kiến thức mới sẽ càng nhiều hơn.

Phương pháp nghiên cứu khảo cổ học, dù ở hiện trường hay trong phòng thí nghiệm, đều đòi hỏi sự khoa học nghiêm nhặt. Nhưng từ, và sau những nghiên cứu ấy là các vấn đề lịch sử - văn hóa – xã hội. Vì vậy tôi không nghĩ rằng – và mong người đọc cũng đừng đặt ra sự đối lập giữa khảo cổ học “bình dân” và “chính thống”, vì khảo cổ học bình dân theo cách hiểu của tôi chỉ là sự tiếp nối, một mặt khác của phương pháp nghiên cứu của khảo cổ học chính thống.

- Bên cạnh 2 phần nặng tính chuyên môn (Phân loại và quy chiếu, Khảo cổ học ứng dụng) được viết với tinh thần khảo cổ như một nỗ lực cụ thể tái hiện lịch sử, văn hóa, điểm ký ức... thì phần 1 của sách là những ghi chép dọc đường đầy cảm xúc với những vùng đất đi qua (từ những vùng miền trong nước: Bến Tre, Bình Dương. Phù Lãng... đến những vùng miền xa xôi như Paris, Angkor Wat...) như những cảm xúc cảnh vật, văn hóa, đời sống gợi ra tính khảo cứu cộng với cảm xúc bay bổng du hành nhiều hơn khoa học. Phải chăng chị và Ths Lê Thanh Hải muốn cuốn sách dễ đọc, dễ tiếp nhận, nói khách khác, đây là một hình thức "bình dân hóa" phân khúc độc giả cuốn sách?

Những tản văn, tạp bút được sắp xếp ở phần đầu cuốn sách cũng thể hiện thứ tự "lý thuyết" mà chúng tôi muốn trình bày. Việc ghi nhận lại những nhận biết, nhận thức, cảm xúc... khi đi qua những miền đất lạ hay quen là việc ai cũng có thể làm được, chỉ cần chú tâm một chút thôi. Sau khi đã ghi nhận bằng cách viết nào mình thấy phù hợp nhất, nếu thấy cần thiết phải làm rõ hơn thông tin thì tiếp tục ghi chép "khoa học" hơn một chút: theo kiểu miêu tả của khảo cổ học. Từ dễ dàng đến phức tạp hơn trong việc chuyển tải kiến thức khảo cổ là phương pháp mà chúng tôi đã làm và nhận thấy có hiệu quả. Mặt khác, tôi nghĩ nếu mình làm cho người đọc thích thú về những miền đã qua thì biết đâu, họ sẽ tự tìm hiểu và yêu thương mảnh đất ấy hơn. Nếu yêu thương thì sẽ biết bảo vệ gìn giữ, phải không?Như vậy có phải là "bình dân hóa phân khúc độc giả của cuốn sách" hay không thì tôi cũng không biết nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...