Facebook luôn hỏi: bạn đang nghĩ gì? (1)

Bi giờ tui đang nghĩ về những cái gọi là LẠC ĐỀ.

Chấm bài thi, tiểu luận hay cả luận văn, đề tài NCKH tui không sợ gì bằng khi gặp những bài lạc đề. Có rất nhiều kiểu lạc đề, phổ biến nhất là giữa câu hỏi hay tên của đề tài và nội dung bài viết chả ăn nhập gì với nhau cả. Thông thường là những cái tựa nghe rất hay và… mới nhưng nội dung thì chả có gì mới, thậm chí quá quá cũ là khác, cũ với nhiều người và cũ ngay với người viết. Dạng thứ 2 là tựa nghe rất hòanh tráng, phức tạp… nhưng nội dung thì đơn giản. Như là chỉ mở (cái gì đấy) ra xong rồi… để đấy, chả biết làm gì nữa, thậm chí chả có gì để nhìn ngắm và cũng chả có ích gì. Dạng thứ 3 là đề một đằng làm một nẻo: ví dụ làm bài thi về di tích đền tháp văn hóa Chămpa thì lại viết một… bài thơ về cảm thán về chế độ mẫu hệ Chăm :D

Còn một số dạng lạc đề từng phần, hay lệch trọng tâm… Nói chung là có cái gì thì viết ra cái ấy bất chấp câu hỏi, vấn đề đặt ra là gì?

Gặp những bài như vậy đọc vô cùng mệt mỏi vì không thể đọc ẩu nhận xét đại, không thể xem lướt rồi phán bừa… Vì nói/ viết cái gì mình ko chắc chắn tự dưng phải ngập ngừng, có khi nói đúng cũng thành sai vì người nghe không tin vào điều mình nói :D Đành phải cố gắng hết sức bình sinh đọc hết, thậm chí đọc đi đọc lại. Hù, mãi rồi cũng xong, và may mắn chưa gặp phản ứng vì được nhiều người tán thành nhận xét của mình. May mắn hơn là bài lạc đề được sửa lại tốt hơn.

Khi lên lớp tui cũng sợ mình đi lạc đề, ra ngòai quá xa bài giảng làm “cháy giáo án” về nội dung và thời gian. Hihi, được cái tui canh giờ khá tốt, hiếm khi cho sinh viên ra chơi hay ra về trễ mà thường sớm hơn vài phút, kể cả khi không mang đồng hồ trên tay. Chả đến nỗi như cái máy nên lần nào cũng ráng có chút xíu cái mới để khoe với sinh viên như tư liệu mới hay là một chuyện vui trong các chuyến đi chẳng hạn… Nói chung là đều dính dáng ít nhiều đến bài giảng. Không đến nỗi làm người nghe ngơ ngác “ủa, bả nói gì vậy ta?!”. Cũng may sinh viên không đến nỗi làm tui phải dọa “các em không trật tự là cô giảng lại từ đầu đấy!!!”.

Nhưng mà này, trong cuộc sống vẫn có những người luôn ở tình trạng “lạc đề” đấy, mà lại "lạc" giống như những dạng trên. Gặp người như vậy thiệt là “mệt cầm canh” luôn vì luôn phải cân nhắc đắn đo khi tiếp xúc, khi nói chuyện, không khéo lại “xung đột” mất zui.

Hihi, khi TV và đầu DVD khác hệ thì, nói theo bọn trẻ bây giờ là potay.com.

SÔNG DAKBLA

Khúc sông ven một buôn nhỏ. Chiều. Gió. Mây. Thuyền độc mộc. Khi đi xa mới thóang một tiếng chuông nhà thờ mảnh như khói bếp...

Sài Gòn: một đô thị – thương cảng bẩm sinh

Sông Sài Gòn là giao thông đường thuỷ quan trọng nhất, cảng Bến Nghé (bến Bạch Đằng), xưởng đóng tàu Ba Son là vị trí tiền tiêu, cửa ngõ giao dịch buôn bán với tàu nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc như rạch Thị Nghè, kênh Bến Nghé, kênh Tẻ, rạch Cầu Kho. Kênh Tàu Hũ nối liền các tỉnh miền Tây và cảng Bến Nghé, là con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hoá khác.

Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn. Khu vực đường Tôn Đức Thắng, rạch Thị Nghè, đoạn sông Bến Nghé gần Ba Son đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật gốm gia dụng bằng đất nung của người Việt, người Hoa, người Chăm như nồi đất kiểu nồi đồng, ấm nấu nước, siêu nấu nước, nồi ơ có tay cầm, đèn tráng men trắng, bình vôi, hũ sành, ghè ống… Nhiều hơn là đồ gốm hoa văn men xanh trắng gồm gốm Bát Tràng, gốm Phúc Kiến, Quảng Đông… có cả loại gốm sứ triều Nguyễn đặt Trung Quốc làm. Khu vực này chỉ là một phần của cảng Bến Nghé xưa gồm một hệ thống các bến – chợ dọc rạch Thị Nghè từ đoạn sông Sài Gòn (quãng công xưởng Ba Son) kéo dài theo rạch Bến Nghé vào tận Chợ Lớn, có thể còn theo cả kênh Ruột Ngựa nối liền với hệ thống sông Vàm Cỏ. Là trung tâm thương mại, giao lưu của một vùng sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, hàng hoá của hệ thống thương cảng Sài Gòn gồm sản phẩm của các ngành nghề thủ công được tổ chức thành phường hội tập trung ở các khu vực nhất định như Xóm Chiếu, Xóm Chỉ, Xóm Lò Vôi, Xóm Lò Gốm… trong đó nghề làm gốm phát triển lâu dài và rực rỡ nhất (...)

Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn được quy hoạch trở thành một đô thị – thương cảng kiểu phương Tây: từ hạ tầng cơ sở như đường bộ thay thế giao thông trên kênh rạch, hệ thống điện, đường cống ngầm thoát nước, xử lý chất thải và vệ sinh thành phố…) đến việc phát triển những ngành nghề dịch vụ, hình thành tầng lớp thị dân và lối sống, văn hoá đô thị, khu dân cư, khu thương mại, nhà thờ, quảng trường, công sở, các thiết chế văn hoá đô thị (thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, sân vận động…)

Những kiến trúc lớn như trụ sở công ty vận tải biển Hoàng Gia (bến Nhà Rồng), nhà thờ Đức Bà, nhà Bưu điện, nhà hát Thành phố, bảo tàng Thành phố, bảo tàng Lịch sử, trụ sở Toà án, trụ sở UBND thành phố… hợp thành khu trung tâm ngay từ khi thành phố chỉ mới có vài trăm ngàn dân, trở thành những công trình tiêu biểu cho sự phù hợp giữa kiến trúc với công năng nên không hề lạc hậu dù đã hơn một thế kỷ trôi qua.

Trong tiến trình lịch sử không thể phủ nhận một điều, với vị thế là thương cảng trung tâm kinh tế – văn hoá, có tầm giao lưu và ảnh hưởng đến khu vực rộng hơn, Sài Gòn luôn được coi là thành phố tiêu biểu và đại diện cho Nam bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cũng cần lưu ý rằng, trong một thời gian dài Sài Gòn là thủ phủ của chính quyền thực dân và thủ đô của chính quyền miền Nam trước năm 1975, vì vậy Sài Gòn còn có đặc điểm của một thành phố từng là trung tâm chính trị. Những yếu tố trên đây hợp thành và tạo nên một đô thị cổ Bến Nghé – Gia Định, một thành phố Sài Gòn độc đáo khác với Hà Nội hay Huế – hai thành phố cũng là trung tâm của cả nước trong những giai đoạn khác nhau…

bến bình đông xưa
và nay

CHỦNG VIỆN KON TUM

Chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Bước qua cổng tas ẽ bước đi thư thái dưới hai hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX, gồm nhiều hiện vật, các bút tích... của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Cũng có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh này.

Mua được cuốn "Dân làng Hồ" của cha P. Dourisboure (1825 -1890). Cũng như nhiều công trình khác của những nhà truyền giáo, những nhà nghiên cứu người Pháp về Tây Nguyên, khi đọc những cuốn sách như vậy càng khâm phục tác giả vì hiểu rằng khi có đức Tin người ta sẽ có sức mạnh để làm được tất cả, vượt qua tất cả.

Mình thích các công trình, cuốn sách như vậy vì đã mang lại cho mình nhiều hiểu biết về vùng đất tuyệt vời này. Tây Nguyên - qua các học giả Pháp, lại làm cho mình thấy gần gũi và thân quen hơn.


NGỤ CƯ

1.

Bạn hiện ra trong ô cửa chát. Tám với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện siêu sao đến những chuyện ầm ĩ trên báo vừa qua, chuyện khoa học đến chuyện chính chị chính em, chuyện công việc đến chuyện bồ bịch... của người khác. Vẫn không dấu được vẻ hoang mang của sự cô đơn.

À, chuyện của bạn thì mình có thể kể lại bằng một số truyện 100 chữ đấy, lúc nào "mua" bản quyền của bạn nhé: cafe bệt Hàn Thuyên? Cơm trưa Bông Giấy? hay một bữa bia bọt ở vỉa hè Pasteur? Tùy nhé. Hehe, mình được tiếng là chiều bạn bè mà

Chỉ tiếc mình lại chẳng có nhiều niềm vui đủ để mua đứt "bản quyền" sự cô đơn của bạn...

2.

Lượn lờ trên mạng nhận thấy nhiều điều hay hay. Đọc các com của bạn bè ở nhà mình và nhà hàng xóm, nhiều còm làm "em cười một mình" - chắc là trông... buồn cười lắm :), nhiều lúc thán phục sự thông minh của các bạn ấy. Người xưa nói chẳng sai, người biết hài hước, nhất là hài hước với chính mình, phải là người thông mình. cực :)

Hhihi, hay nhất là nhìn thấy sự “theo dõi, truy đuổi” của ai đó với ai đó, và ngược lại là sự “trốn chạy” bằng cách này kiểu khác của ai đó. Đôi lúc ngẫm nghĩ chả biết mạng và đời phần giống nhau hay phần khác nhau nhiều hơn…?

3.

Đồng hồ đã chỉ sang ngày mới. Càng khuya xóm trên mạng càng vắng vẻ. Thi thỏang mới có người post entry mới, thi thỏang mới có comment. Tự nhiên thấy giống một xóm nhỏ tòan dân ngụ cư vào ngày giáp tết, ai nấy về quê, xóm vắng, buồn, như là một thời đã qua...

Giữa người với người cũng có những mối quan hệ tình cảm kiểu "ngụ cư" như thế. Quen đấy rồi xa đấy. May thì giữ lại chút gì trong nhau. Mà thường thì quên nhanh lắm. Cuộc sống bề bộn thế, nhiều mối quan tâm thế, nhiều điều suy tính thế... Đôi lúc tự trách mình sao cứ giữ mãi ký ức tươi rói vậy, như mới ngày hôm qua... Thật là thân làm tội đời .

4.

Cái này người ta gọi là "lâu lâu buồn một chút... cho vui".


Hình chỉ có tính minh họa :D

CAO NGUYÊN

Chưa ra khỏi thành phố Pleiku thì Biển Hồ đã hiện ra long lanh trong nắng sớm. Trên đọan đường ngắn rợp những hàng thông vẫn xanh, nhiều cặp cô dâu chú rể đang tạo dáng chụp hình đám cưới, trông họ thật rạng rỡ. Bạn vừa khéo léo lách xe vòng qua đám chụp hình vừa nói vui “tươi cười cho đã rồi hai ba lại năm ly dị”, ‘cưới em anh có lời mừng, bao giờ ly dị xin đừng quên anh” ai đó đọc nhanh câu thơ làm cả xe cười ồ.
Trong cái nắng cao nguyên đã bắt đầu gay gắt gió từ Biển Hồ lồng lộng mang lại hơi se lạnh đầu đông. Mọi người háo hức chụp hình từ góc này góc khác. Cảnh nơi nào cùng đẹp, bạn bè ai cũng rạng rỡ niềm vui. Đứng trên cao nhìn xuống Biển Hồ dường như không còn mênh mông như nhiều năm trước… Biển Hồ như nhỏ hơn, còn mình như rỗng hơn lơ lửng trong ồn ào vui vẻ…
Đường từ Pleiku lên Kon Tum không còn vẻ hoang vắng. Ven đường đã có nhiều ngôi nhà, khang trang có mà tạm bợ cũng có. Hầu hết xây dựng theo kiểu nhà phố, cũng giống hệt như những con đường khác trên đất nước này. Nếu là người ít đi lại có thể sẽ không biết con đường này đi đến đâu nếu những cột cây số không hiện ra báo rằng còn 30, 20 rồi 10 km nữa là đến Kon Tum. Cố tìm một cái gì đó quen thuộc trên con đường này… và chỉ còn nhận ra “người quen” duy nhất là vài vạt dã quỳ nho nhỏ ven đường. Dạo xưa dã quỳ rực rỡ trải dài ngút ngát dọc đường đi. Có khi cả một triền hoa vàng đột ngột hiện ra hút mắt. Chỉ muốn được lao vào dang tay chạy giữa những bông dã qùy vướng vít quấn quýt quanh mình.
Tháng mười một rồi. Có lần em bảo sẽ đưa chị lên cao nguyên đón dã quỳ đầu mùa. Hứa hẹn, hẹn ước… Tiếng Việt mình hay thế…
Thì cao nguyên đấy, cao mà có còn nguyên đâu, nhỉ...

VẺ ĐẸP CỦA SÀI GÒN CŨ ĐANG DẦN BIẾN DẠNG

(LĐ) - Với đô thị, luôn luôn tồn tại sự “ngập ngừng” giữa việc bảo tồn di sản và phát triển. Là một đô thị lớn, TPHCM càng khó khăn khi giải quyết quan hệ này.

tttt
Bà Nguyễn Thị Hậu.

Chúng tôi trao đổi với bà Nguyễn Thị Hậu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM - về việc bảo tồn di sản lịch sử Sài Gòn - TPHCM.

Trái với những quan niệm thông thường về “tuổi” của TPHCM, bà từng lên tiếng rằng đô thị này không trẻ như người ta vẫn nghĩ. Bà có thể giải thích thêm về điều đó?

- Cho đến nay, Sài Gòn vẫn được coi là một “vùng đất mới 300 năm”, một “thành phố trẻ” hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những dấu tích trên vùng đất Sài Gòn đã cho biết nơi đây từng là một “cảng thị cổ” từ khoảng đầu công nguyên. Đến nay đã qua 20 thế kỷ, trong bất cứ giai đoạn nào, vùng đất Sài Gòn vẫn giữ vị thế địa lý trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và giao lưu kinh tế - văn hóa của vùng đất Nam Bộ.

Mặc dù số lượng di tích tiền - sơ sử khai quật còn ít, nhưng đều là những di tích tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển của thành phố, là những mắt xích quan trọng nối liền từ khoảng 3.000 năm trước đến nay. Một trong những con đường hình thành nền văn minh Óc Eo đã thể hiện khá rõ từ các di tích khảo cổ học ở TPHCM nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung. Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn.

Bà có thể cho biết sơ bộ về các dấu tích vật chất phản ánh lịch sử văn hóa vùng đất này?

- Những dấu tích vật chất phản ánh lịch sử văn hóa vùng đất này không còn nhiều. Những di tích thuộc loại hình kiến trúc - nghệ thuật thường là những công trình tôn giáo tín ngưỡng. Được xây dựng từ khoảng hơn trăm năm với vật liệu gỗ là chính, nên nhiều di tích đang xuống cấp trầm trọng, đòi hỏi cần được trùng tu ngay. So với Hà Nội hay Huế, thì loại hình này ở Sài Gòn không nhiều, niên đại muộn, đặc trưng kiến trúc - trang trí thể hiện sự giao lưu văn hóa đậm nét, nhiều chiều... Hệ thống mộ cổ ở thành phố mang tính tiêu biểu cho loại hình di tích này của cả Nam Bộ, tuy đã được khảo sát, khai quật một số di tích, nhưng nhìn chung vẫn chưa được chú ý đúng mức. Đặc biệt, quá trình chỉnh trang đô thị và đô thị hóa đang trực tiếp “đe doạ” các di tích đặc thù này.

Một loại hình di tích nữa là các ngôi nhà cổ hiện nay gần như chưa được sự quan tâm và đầu tư bảo vệ, bảo tồn từ phía các cơ quan chức năng của Nhà nước. Nhiều cá nhân sở hữu nhà cổ đã gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh phí và phương pháp trong việc bảo tồn. Đó là chưa kể đến việc “sức ép” từ nhu cầu cuộc sống hiện đại đòi hỏi họ phải cơi nới, có khi phá bỏ để xây một ngôi nhà mới tiện nghi hơn.

Di tích “Sài Gòn 300 năm” còn có các công xưởng, nhà máy, công trình xây dựng, máy móc từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 mà ngày nay được xếp vào loại hình di tích của ngành “khảo cổ học công nghiệp và đô thị”. Vì vậy, đây cũng là một thế mạnh của di sản lịch sử thành phố.

Toàn cảnh TPHCM. Ảnh: Internet
Toàn cảnh TPHCM. Ảnh: Internet

Và chúng ta đã “tận dụng” lợi thế này ra sao, thưa bà?

- Hệ thống bảo tàng của thành phố có thể phong phú hơn nhiều địa phương, song nội dung và hình thức trưng bày chưa có sự thay đổi lớn. Tuy các bảo tàng đã tiến hành sưu tầm một con số đáng kể hiện vật, song phương thức sưu tầm, nhất là loại hình cổ vật, vẫn phổ biến cách thức mua từ các sưu tập tư nhân. Vì vậy, hạn chế lớn nhất là nguồn gốc di vật không thể rõ ràng chắc chắn, chưa kể hiện tượng nhiều di vật đã được sửa chữa, tuy “đẹp” về hình thức, nhưng giá trị nguyên gốc - giá trị quan trọng nhất cho việc nghiên cứu - đã bị mất đi ít nhiều.

Nhìn lại sự phát triển của Sài Gòn trong vài thập kỷ qua, điều dễ dàng nhận thấy là vẻ đẹp của sự quy hoạch đồng bộ, lâu dài, của phong cách kiến trúc sang trọng mà tiện dụng, của những chi tiết trang trí thanh thoát mà ấn tượng đang dần biến dạng, biến mất, do nhiều nguyên nhân. Chính vì vậy, nhiều di sản vật chất đã biến mất, hệ quả tất yếu là những di sản tinh thần cũng bị mai một, trong đó rõ ràng nhất là sự biến mất, nhạt đi của “không gian văn hóa sông nước” trong nội thành thành phố.

Và theo bà, để giữ cho tương quan phát triển - bảo tồn được cân bằng, chúng ta cần làm gì?

- Đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, lại không tuân thủ quy hoạch cũng như chưa có hoạch định rõ ràng, các vùng ngoại ô có tiềm năng về khảo cổ học cần được đặt trong bản đồ khảo cổ học chung của miền Đông Nam Bộ để thấy được mức độ quan trọng của khu vực này.

Cũng như những thành phố khác, khi giải quyết mâu thuẫn giữa việc bảo tồn kiến trúc cổ với việc phát triển công trình mới, thì phần thiệt thòi luôn về phía kiến trúc cổ. Để bảo vệ những di tích này không chỉ cần có kiến thức khảo cổ, bảo tồn nói chung, mà cần có cả một ngành “nghiên cứu khảo cổ kiến trúc” phục vụ việc bảo tồn các kiến trúc này.

Đa phần dân chúng quan tâm đến các di tích là do nhu cầu “hưởng thụ cá nhân” về tinh thần, chứ chưa phải là xuất phát từ ý thức đối với cộng đồng và xã hội. Cần có những giải pháp đẩy mạnh sự tham gia của người dân vào việc bảo vệ các di tích này một cách tích cực, như “khảo cổ học cộng đồng” chẳng hạn.

NHỚ THẦY TRẦN QUỐC VƯỢNG


Tôi chỉ là một trong số hàng ngàn học trò đã được học với Thầy Trần Quốc Vượng, nhưng lại học trò nữ (duy nhất) ở Sài Gòn đi theo chuyên ngành Khảo cổ .Với Thầy ngay từ những khóa đầu tiên của khoa Sử Đại học Tổng hợp TP.HCM sau năm 1975 (nay là Đại học KHXH&NV TP.HCM). Tôi đã lựa chọn cái nghề luôn phải“đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” ngay từ khi được học những bài đầu tiên về Khảo cổ của Thầy Trần Quốc Vượng, Thầy Hà Văn Tấn từ năm thứ II. Có lẽ nhờ vậy tôi được Thầy biết đến,“nhớ mặt đặt tên” và cho ra Hà Nội làm luận văn tốt nghiệp với Thầy, rồi Thầy lại hướng dẫn soạn giáo án giảng dạy. Sau này còn “bị” nhiều bạn bè“tị nạnh” vì được Thầy coi là một trong vài học trò ruột.

Tôi nhớ mãi giờ đầu tiên Thầy Vượng lên lớp: Một người đàn ông khoảng 40 tuổi nhanh nhẹn bước vào giảng đường, trán cao, mắt tinh anh, quần jean áo thun “cá sấu”, vai khoác túi dết, tay cầm điếu thuốc 3 số cháy dở, thong thả nói rõ từng tiếng “Chào các ông các bà sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, tôi là Trần Quốc Vượng…”. Ngày ấy chúng tôi ở Sài Gòn được học nhiều thầy cô từ Hà Nội vào giảng dạy, buổi đầu bao giờ giáo vụ Khoa Sử cũng đưa thầy cô vào lớp và giới thiệu trân trọng. Thầy Vượng là người duy nhất phá bỏ lệ thường và làm nhiều người ngỡ ngàng vì hình dáng rất “Sài Gòn” của một ông Thầy Hà Nội. Còn tôi, tôi chợt giật mình vì những hàm nghĩa trong lời chào ấy – thầy gọi chúng tôi là “sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn”! – bởi vì lúc đó chúng tôi không được gọi là “sinh viên” mà chỉ là “học sinh đại học”, và Đại học Văn khoa vừa sát nhập với Đại học Khoa học để thành trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, với cơ cấu những khoa, ngành theo mô hình từ những năm 1960 của Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Bắt đầu những giờ học Thầy Vượng – những buổi trò chuyện vô cùng thú vị về mọi vấn đề. Giờ Thầy Vượng nghe thì thật thích, nhưng ghi thì thật khó vì hình như chẳng có gì liên quan đến Khảo cổ, để khi “đốn ngộ” thì mọi cái đều là Khảo Cổ ! Chỉ khi nào hiểu được những gì Thầy nói trong sự liên tưởng, liên hệ với nhiều vấn đề khác thì mới có thể ghi chép được bài giảng – tư tưởng của Thầy – bằng ngôn ngữ của mình, chứ chẳng thể nào ghi chép được bằng ngôn ngữ của Trần Quốc Vượng ! Do đó, không chỉ “động não” ngay trên lớp mà khi về nhà vẫn phải tiếp tục suy nghĩ để có thể bổ sung vào bài ghi, xâu chuỗi những kiến thức mà qua cách trình bày của Thầy tưởng như tản mạn thành một/ vài nhận thức cụ thể của mình. Một câu nói vui của dân Nam Bộ mà Thầy rất thích và hay nói “Coi zdậy, mà hổng phải zdậy, mà đúng là zdậy…”. Và Thầy bảo, là sinh viên phải biết suy nghĩ như thế! Sau này mới hiểu Thầy đã khai tâm cho chúng tôi một triết lý của Phật giáo Thiền tông: Khi chưa học Thiền ta nhìn núi là núi, ta nhìn sông là sông. Khi đang học Thiền ta thấy núi không còn là núi, sông không là sông. Nhưng sau khi đã chứng ngộ Thiền, ta lại nhìn ra giản dị: Núi là Núi, Sông là Sông.

Dạy về các nền văn hóa khảo cổ Việt Nam nhưng Thầy lại bắt đầu bằng câu hỏi: “Các ông các bà có biết vì sao Đại học Văn khoa Sài Gòn có Khoa Sử - Địa không?”. Câu hỏi làm chúng tôi ngạc nhiên, vì ngay từ giờ học Lịch sử đầu tiên trong trường Đại học, chúng tôi đã được biết rằng truyền thống nghiên cứu khoa học xã hội ở VN là “Văn Sử bất phân”: Các công trình sử học quan trọng đồng thời là những tác phẩm văn học tiêu biểu cho từng thời kỳ, và ngược lại, nhiều tác phẩm văn học cũng được sử dụng như những tư liệu lịch sử. Bằng câu hỏi này Thầy Vượng đã mở ra cho chúng tôi kiến thức đầu tiên về Địa -Văn hóa, Địa - Chính trị , một khái niệm khoa học hiện đại mà bất cứ người học Sử, làm Sử nào cũng cần nắm vững. Có thể diễn giải đơn giản khái niệm này là “ Lịch sử – đó là địa lý trong thời gian và Địa lý – đó là lịch sử trong không gian”. Sau này, một lần tôi có dịp đưa Thầy đi khảo sát hệ thống các di tích khảo cổ vùng rừng ngập mặn ở Cần Giờ-TP.HCM. Khi biết sẽ đi bằng xe jeep theo con đường mới đắp băng qua vùng đầm lầy nước mặn, Thầy hỏi tôi, giọng không bằng lòng: “Thế ngày xưa dân vùng này cũng đi bằng đường bộ à?”. Khi nghe tôi trả lời chỉ đi xe jeep đến huyện, từ đó sẽ dùng ghe theo đường nước là các sông, rạch, tắt, ngọn…chằng chịt ngang dọc để đến những giồng đất đỏ- nơi lưu lại dấu tích cư trú của người tiền sử - Thầy có vẻ vui và ra điều kiện: “Tôi chỉ đi đường bộ một lần, lúc về cô cho tôi đi bằng đường sông nhé”. Và Thầy trò tôi đã lang thang ngược dòng Đồng Nai từ cửa Cần Giờ về đến ngã ba Nhà Bè, chiêm nghiệm một vùng trời mây sông nước bây giờ vẫn còn dáng vẻ hoang sơ lạ lẫm mà bồi hồi nhớ lại câu ca của những người lưu dân đi mở đất thuở xa xưa: “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”…

Tôi ở Sài Gòn nên không có may mắn như những bạn bè khác được đi nhiều nơi với Thầy, cũng chưa bao giờ được đi khai quật khảo cổ do Thầy hướng dẫn. Nhưng hầu như tất cả các di tích khảo cổ ở vùng đất Sài Gòn mà chúng tôi phát hiện và nghiên cứu đều đã được Thầy đến tận nơi, có khi ngay trong lúc khai quật, để “thăm thú”, để hỏi han, để khơi gợi cho chúng tôi một “idea” nào đó. Tuy thầy không có điều kiện để trực tiếp hướng dẫn chúng tôi trong các công trình khoa học nhưng Thầy luôn là người phản biện tuyệt vời, thấu hiểu và nâng đỡ những ý tưởng khoa học mới mẻ của học trò với trách nhiệm của một nhà khoa học chân chính và tấm lòng nhân hậu của một người Thầy! Thầy ở Hà Nội và thường xuyên dịch chuyển khắp trong và ngoài nước, nhưng mỗi khi có dịp “hành phương Nam” thì bao giờ Thầy cũng ghé vô Sài Gòn 1,2 ngày, có khi chỉ là 1,2 giờ quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi luôn là người được Thầy gọi đi đón, rồi sau đó cùng vài học trò khác ngồi với Thầy ở quán Vườn Cau, Vườn Dừa nào đó và hầu Thầy mấy lon bia…Ở đó có thể hỏi Thầy bất cứ chuyện gì mình đang phân vân, chưa rõ hay chưa biết, và nghe Thầy hỏi chuyện này, chuyện khác mà biết rằng, đó là chỗ mình còn đang yếu, đang thiếu, đang dốt… Thầy Vượng thương học trò lắm, chẳng bao giờ Thầy trách giận chúng tôi cho dù có lúc chúng tôi đã làm Thầy buồn lòng vì không hiểu Thầy, cho dù chúng tôi chưa đạt được những gì mà Thầy luôn kỳ vọng.

Học Thầy đã lâu lại ở xa Thầy nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần gặp Thầy, tôi luôn cảm nhận nỗi cô đơn của Thầy ngày một đầy hơn. Dường như trên con đường khoa học gập ghềnh vạn dặm, trên những nẻo đường đời quanh co đầy bất trắc Thầy đã không có lấy một người bạn đồng hành, dù quanh Thầy bao giờ cũng tấp nập những người, ồn ào và náo nhiệt… Ở Thầy không chỉ có kiến thức rộng lớn, sâu sắc, tư duy linh hoạt, sắc sảo mà Thầy còn có cả một nỗi lòng lắng đọng, ẩn sâu bên trong cái vẻ “bạc đời” đôi khi đến mức kỳ cục! Nỗi lòng ấy tựa như những ca khúc đơn côi của Trịnh Công Sơn … Và như lời một bài hát của Trịnh mà Thầy trò tôi vẫn thường ngâm nga“sống trên đời cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”, ở Thầy Vượng là sự trân trọng, lòng bao dung với những điều bình dị trong cuộc sống, và cũng là thái độ không thỏa hiệp với những gì làm cho con người trở nên tầm thường: sự dối trá, phản bội, lòng ghen ghét, đố kỵ…vốn có không ít trên cuộc đời này…

Tiễn đưa Thầy rời xa cõi tạm vào một ngày bão xa, trời lúc mưa lúc tạnh… Nơi quán nhỏ quen thuộc gần Viện Khảo cổ học, tôi lại ngồi với những người bạn thân như mỗi khi tôi từ Sài Gòn ra. Quanh bàn gần như đông đủ những học trò ruột của Thầy mà sao vẫn vắng lạnh quá... “đời người như gió qua” … Một ly rượu đặt ở đầu bàn dành cho Người vẫn ngồi chỗ đó, Thầy Trần Quốc Vượng của chúng tôi, và của riêng tôi…

Hà Nội , ngày 12/8/2005

Trở lại Kon Tum.

Cách đây vài năm tôi thường lên đây hầu như mỗi năm một lần, khi thì sư tầm hiện vật bảo tàng, khi thì giám định cổ vật giúp một vài nhà sưu tập, khi thì điền dã ở các di tích khảo cổ hay các buôn làng. Thời gian di chỉ Lung leng (H. Sa Thầy) đang được Viện KCH khai quật thì lên thường xuyên hơn, vì đây là công trường khai quật di chỉ tiền sử lớn nhất của VN, đã mang lại những thông tin rất mới về tiền sử Tây nguyên và cả khu vực Đông Nam Á.

Lần nào cũng vậy, Nhà thờ Gỗ ở thành phố Kon Tum là nơi tôi thường xuyên trở lại. Chỉ để ngắm nhìn, để đắm mình vào bầu trời xanh cao nguyên trong không gian không rộng lắm luôn tĩnh lặng... Ngồi trên những bậc thềm và Bình tâm, thấy mọi cái đã qua dù may mắn hay rủi ro, cũng đều như có sự sắp đặt nào đấy...

Hình như đấy vẫn được coi là số phận.

NGƯỢC VỚI HÒANG HÔN

Chiều đông, nắng nhạt hanh hao. qua sông Hồng chưa hòang hôn mà sương đã dâng là là mặt sông. Những rặng tre ven đê làm nhớ lại những ngày thơ ở nơi sơ tán, một mình đi trong đường làng lạnh căm căm tối đen như mực, cảm giác tủi thân như một đứa trẻ bị bỏ rơi... Rất nhiều năm sau cảm giác này không mất mà luôn trở lại trong mỗi chuyến đi.

Đối diện với sự vô tận của bầu trời, đối diện với vòng tròn của ngày và đêm, càng hiểu hơn sự phù du của cuộc sống...

entry cho sinh nhật công chúa Boom Bóom



Sinh nhật Công chúa Bóom Bóom năm nay con cũng vừa đi làm được vài tháng, nhưng trong mắt mẹ, con vẫn bé bỏng như ngày nào. Cái ngày mà con đi nhà trẻ, nhớ mẹ con bỏ ăn mấy ngày liền, cô bảo mẫu sợ mất điểm thi đua đòi trả con về cho mẹ. Cái ngày con đi mẫu giáo, mỗi sáng phải dỗ con bằng quần áo đẹp thì con mới chịu đến trường. Cái ngày con học cấp 1, trưa về thấy bà lão bán trái cây ngồi ế ẩm bên hè, con nước mắt vòng quanh xin mẹ mua giùm vì tội nghiệp bà quá. Năm con thi đại học, mẹ lo đứng lo ngồi còn con cứ tỉnh queo. Kết quả con đậu vào lọai điểm cao. Và giờ đây con gái mẹ là cô gái 24 tuổi có nụ cười hồn nhiên và đôi mắt trong veo lạ lùng…

Bblog đã trở thành thế giới quen thuộc của mấy mẹ con mình. Những buồn vui, trăn trở, giận hờn, vui sướng… con thường tỏ bày trên blog. Blog còn là nơi con nói về tình yêu thương dành cho cha mẹ, về tình cảm thân thiết của hai chị em, cả những lần con mượn blog để xin lỗi vì đã làm cho mẹ buồn lòng… Từ blog mẹ gần con hơn, hiểu con hơn qua những entry như thế. Và con - như một người bạn nhỏ - cũng hiểu mẹ hơn từ những gì mẹ không thể nói bằng lời…

Blog còn là nơi đầu tiên con đăng những truyện ngắn con viết, như những lời tự sự của tuổi mới lớn, đôi lúc buồn nhưng con vẫn nhìn đời thật trong sáng. Blog là nơi con tập dịch truyện mà giờ đây trên mạng nhiều người đã quen thuộc với nick Dennis Q và trông chờ những bản dịch online của con. Sách con dịch được in gần nhiều bằng sách của mẹ rồi đấy.

Con gái vẫn bảo, con sẽ ở với mẹ đến khi nào mẹ chán mẹ đuổi… cũng không đi. Uh, để xem con gái có giữ lời không nhé? Với mẹ, hai chị em con luôn là những cô gái xinh đẹp và ngoan nhất. Dù ngày “các con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy” sẽ đến, nhưng mẹ vẫn thầm mong chẳng bao giờ mẹ con mình phải xa nhau.

Thêm một tuổi, con sẽ trưởng thành hơn. Buớc vào đời nếu con sống chân thành thì con sẽ nhận được nụ cười từ những người xung quanh. Nếu những va chạm không tránh khỏi có thể sẽ làm con bị tổn thương thì con cũng hãy giữ mãi sự hồn nhiên và đừng đánh mất trái tim nhạy cảm dịu dàng, con gái nhé!

Note của chị Biển Vàng :)

Với em Hậu tào lao thì nhiều ...nhưng hôm nay mới thấy em nói chuyện một cách nghiêm túc,say sưa về cuốn sách em vừa cho ra mắt,về những Kỷ niệm khi đi khảo oổ vùng đất Nam bộ ..tôi mới cảm nhận được công việc bao năm về trước của em vất vả thế nào.nếu không có tình yêu và sự đam mê chắc hẳn sẽ không có cuốn sách về Khảo cổ này.

Một ngạc nhiên thú vị là rất đông người đến nghe ở nhiều độ tuổi khác nhau,họ hỏi về khảo cổ thì ít mà hỏi về vấn đề Bảo tồn thì nhiều...,rất nhiều câu hỏi được đặt ra của sinh viên,của Kiến trúc sư,của người đẫ từng làm công việc quản lý trong Nghành Văn hóa,một số cá nhân...khiến không khí trong phòng trở nên sinh động !! Ít nhiều buổi nói chuyện của em Hậu hôm nay đã góp thêm cho tiếng nói chung trong việc trân trọng và bảo vệ di tích của người Việt -không những xưa kia mà cả chính ngày hôm nay !

Thời gian cũng có hạn...mọi người như vẫn con muốn níu lại thêm vì còn bao điều chưa kịp nói..nhưng phải về thôi nắng đã quá trưa rồi...

BV (fecebook.com)

BV và Hậu
Em Hậu ký tặng sách
Ký tặng...
...

Bé này lên xin chứ ký thay cho bố ...


Sau khi kết thúc mọi người ngồi lại chụp hình..

THƯ MỜI THAM DỰ BUỔI GIỚI THIỆU SÁCH

THƯ MỜI

Các anh chị và các bạn thân mến.

Tuần này, thứ bảy ngày 13/11/2010, vào hồi 9g sáng, tại Phòng lạnh, Cà Phê Thứ Bảy tổ chức buổi Cà Phê Sách giới thiệu cuốn KHẢO CỔ HỌC BÌNH DÂN NAM BỘ VIỆT NAM –TỪ THỰC NGHIỆM ĐẾN LÝ THUYẾT của hai tác giả:

TS Nguyễn Thị Hậu và Th.S Lê Thanh Hải.

Trình bày: TS Nguyễn Thị Hậu

Chủ trì: TS Bùi Văn Nam Sơn

(Cà phê thứ Bảy tại góc ngã tư Ngyễn Đình Chiểu và Phùng Khắc Khoan, Q1)

NGÀY MƯA

Chớm đông, cuối mùa mưa mà vẫn còn những cơn mưa bão như giữa mùa mùa hè.

Ngày mưa, nếu công việc rảnh rỗi một chút, tôi thường ra ngồi ở bộ bàn ghế kê ngòai hiên. Ngồi và làm một việc gì đó, nghe tiếng mưa rào rào trên mái ngói, nhìn những hạt mưa đan xéo nối nhau rơi xuống mà tưởng như ai đó làm đứt sợi dây chuyền kết bằng những hạt pha lê trong suốt. Ngồi đó nghe hơi mát lạnh thấm vào da thịt, thấy mình trong veo…

Ngày mưa. Nếu không bắt buộc phải đến cơ quan (hay là có thể trốn được công việc), tôi mang laptop đến một nơi nào đó, một ly cà phê ít sữa thật đậm thật nóng, và lang thang trên mạng. Ngó nghiêng nhà người quen người lạ, buôn dưa với bạn lạ bạn quen, có lúc cười một mình (chắc lúc đó nhìn hổng giống con giáp nào) có lúc lại bần thần… Thế giới phẳng có quá nhiều điều dù không mấy quan tâm nhưng vẫn làm mình suy nghĩ.

Ngày mưa. Những chuyến đi hiện về. Này là họp hành này là cà phê vỉa hè, này là lang thang phố cổ bảo tàng di tích… Có lần được gặp người bạn chỉ quen qua mạng nhưng như thân thiết tự khi nào. Di chuyển liên miên, tưởng mọi cái đã trượt ra ngòai ký ức vậy mà vẫn còn neo lại đó. Đủ sức nặng để làm chùng cà ngày mưa.

Ngày mưa. Nếu đang phải làm việc dù gấp đến mấy tôi cũng bứt mình ra, một phút thôi, để đắm mình vào cảm giác thật lạ kỳ khi mưa, dù “nắng mưa là chuyện của trời” từ bao giờ, đâu có gì là lạ khi cuộc đời đã mấy chục năm qua…

Ngày mưa… Chợt nhận ra quanh mình thật trống trải dù có khi ngồi cùng những người bạn. Dường như lúc mưa trái tim mình cũng trú mưa dưới một mái hiên nào đó, quanh nó là những trái tim xa lạ. Cùng bâng quơ chuyện trời mưa nắng, rồi những trái tim kia cũng lần lượt nhập vào dòng xe chảy ngòai mưa. Chỉ còn một mình nó. Muốn lao ra dầm mình trong màn mưa nhưng rồi lại thôi. Có ai ngăn cản đâu, chỉ là tự nó thấy không còn muốn phiêu lưu nữa.

Bỗng dưng muốn “nhái” một lời ca của Trịnh : Ngòai phố trời mưa đôi tay anh là bếp lửa nồng…

TIẾNG PHONG CẦM TRÊN ĐƯỜNG PHỐ POTSDAM

Thành phố Potsdam một chiều tháng chín se lạnh nắng vàng rực rỡ.

Khu phố trung tâm tấp nập du khách, dãy cửa hàng nhộn nhịp người mua sắm, ăn uống, tán gẫu, dạo chơi… Bỗng đâu tiếng phong cầm rộn vang cả một đọan đường. Giai điệu của những bài hành khúc Liên Xô không lẫn vào đâu được. Tiếng nhạc kéo tôi đi về phía một nhóm mấy người đàn ông trung niên trong bộ quân phục Xô Viết vừa đàn vừa hát, chân dập nhịp nhàng, thân mình lắc lư theo tiếng nhạc sôi động. Lời hát tiếng Nga vừa quen vừa lạ. Lâu lắm rồi mới được nghe những giọng nam phối bè “đặc Nga” như thế.

Giai điệu làm sống lại một thời chưa xa, thời mà đối với nhiều người Việt Nam đất nước Liên Xô vô cùng thân thuộc dù có thể chưa từng đến đó. Tôi cũng chưa một lần đến nước Nga, chỉ biết và yêu mến nước Nga qua các tác phẩm văn học cổ điển và văn học Nga – Xô Viết. Rất nhiều tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, những dịch giả thời ấy thấu hiểu ngôn ngữ Nga giàu cảm xúc và đã chuyển ngữ bằng thứ tiếng Việt trong sáng, uyển chuyển và tinh tế. Qua đó “tâm hồn Nga” đến với người Việt Nam như không có khỏang cách không gian, không còn khỏang cách thời gian, chỉ còn sự đồng cảm sẻ chia của những CON NGƯỜI. Hồi nhỏ, khi biết đọc, cuốn sách đầu tiên tôi tìm thấy trong tủ sách của ba tôi là cuốn Bông Hồng Vàng của Pauxtopxki do Vũ Thư Hiên dịch. Tôi vẫn nghĩ đây là một may mắn vì số phận đã mang đến ngay cho tôi vẻ đẹp của văn học từ Bông Hồng Vàng. Cho đến bây giờ đây vẫn là cuốn sách tôi yêu qúy nhất, thường đọc lại mỗi khi muốn tìm cho mình một chốn bình yên, một niềm an ủi.

Suốt thời thanh niên, cùng nhiều bạn bè chúng tôi không ai không thuộc vài bài hát Nga, nhất là "Cachiusa" – bài hát quen thuộc đến mức mọi người đều nghĩ đây là một bài dân ca Nga. Những bài hát đến với người Việt từ những bộ phim nổi tiếng như "Pie Đại Đế", "Sông Đông êm đềm", "Khi đàn sếu bay qua", "Số phận một con người", "Bài ca người lính"... Đến những ngày đầu tháng 5/1975 thanh niên ở Sài Gòn cũng bừng bừng lời ca "Thời thanh niên sôi nổi" Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ. Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ. Để ngàn đời bền vững Tổ Quốc ta. Trời cao muôn ngàn năm chói lòa... Rồi lời ca trầm hùng "Cả tình yêu trao cuộc sống có thấy chăng ơi cuộc đời tình ta thắm nồng" trong bài "Cuộc sống ơi ta mến yêu người". Vở kịch "Câu chuyện Irkust" được mọi người nhớ đến nhiều hơn từ bài hát "Xi-bê-ri nở hoa". Rồi ca khúc "Chiều Maxcơva" là một trong những bài hát trữ tình nổi tiếng chúng ta được nghe nhiều nhất mỗi năm vào những ngày lễ của nước Nga. Riêng tôi rất thích những bài hát mang âm hưởng dân ca Nga như bài “Cây liễu”, “Cánh đồng Nga”, “Tuổi 18”, “Cây thùy dương”…Còn nhớ có một thời gian tôi học tiếng Nga với một cô giáo người Nga. Ngày mùng 7 tháng 11 năm ấy trường tổ chức biểu diễn văn nghệ, khi nghe tôi hát bằng tiếng Nga “Tuyệt vời… những cánh đồng lúa nước Nga, người là tuổi trẻ là ước mơ của chính tôi…”, đôi mắt cô giáo rơm rớm. Từ đó cô luôn âu yếm gọi tôi bằng cái tên rất Nga là Natasa.

Những giai điệu Nga đã trở thành một phần ký ức tuổi trẻ chúng tôi.

Ở các thành phố châu Âu ta vẫn gặp những “nghệ sĩ đường phố”. Nhưng nhóm nhạc Nga trên đường phố Potsdam hôm nay đã cho tôi thêm một sự bất ngờ trong thời gian ngắn ngủi tôi ở nước Đức. Giữa thủ đô Berlin khu tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân trong thế chiến thứ 2 vẫn còn đó dù chính thể Liên Xô, Đông Đức không còn tồn tại. Và ở đây, nơi gắn liền với sự kiện Hiệp ước Potsdam lịch sử (1), những người đàn ông trong quân phục Liên Xô vẫn đàng hòang biểu diễn những bài hát Nga – Xô viết trên đường phố. Quen thuộc là thế nhưng khi nhìn những gương mặt Nga trong bộ quân phục, nghe những bài hát thân thuộc thủa nào, có gì đó như ngậm ngùi, như luyến tiếc…khiến tôi không thể dừng chân lâu hơn. Gần đó, trên ghế băng dài mấy người phụ nữ Đức ngồi nghe như đang hòa mình với bài hát, chân nhịp nhịp, đôi tay vung lên quay cùng điệu nhạc. Có lẽ họ cũng như tôi đang nhớ lại ký ức một thời đã qua.

Đi xa rồi vẫn nghe tiếng phong cầm day dứt một giai điệu thật đẹp mà cũng thật buồn “Giờ này anh về đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đòan, đã dấn bước cùng tôi trên chặng đường xa…”.

Trên bầu trời xanh cuối thu những đàn chim đã bắt đầu bay về phương Nam.

(1) Tháng 7 năm 1945, các lãnh tụ Đồng minh - gồm Thủ tướng Anh Wilston Churchill và người kế nhiệm Clement Attlee, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin và Tổng thống Mỹ Harry Truman - đã gặp gỡ để ký kết Hiệp ước Potsdam phân chia nước Đức thời hậu chiến tại lâu đài Schloss Cecilienhof cách Potsdam không xa.



"LÉN CHỤP" Ở BẢO TÀNG

Năm 2004 khi tham quan bảo tàng này tui là khách VIP vì sang dự hội nghị của tổ chức bảo tàng quốc tế, vì vậy được phép chụp hình. Bây giờ xem lại bảo tàng đã được trưng bày hòan tòan mới, không được phép chụp hình nhưng mê quá đành phải chụp lén :D Nội dung vẫn vậy nhưng hiện vật khác (vẫn có nhiều cổ vật như đồ gốm và các hiện vật khảo cổ), nhiều mô hình được phục dựng trong bảo tàng. Màn hình cảm ứng để tăng cường việc cung cấp tư liệu cho người xem, trưng bày phong phú hơn. Trẻ em nhiều lứa tuổi đến học trong bảo tàng : mẫu giáo và tiểu học đông nhất.

Bảo tàng nằm ngay cạnh cung điện được phục dựng hòan tòan trên nền cũ, tạo thành một quần thể di tích ở trung tâm thành phố Seoul, thu hút nhiều khách tham quan.

Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...