Sáng nay tui phải tham dự một cuộc họp. Những người đăng đàn phát biểu nói về thông tìn thì hầu như đều “lên án” các mạng xã hội, nhất là blog, vì cái gọi là “ảnh hưởng tiêu cực” của nó. Nghe những lời phát biểu tui ngờ rằng nhiều người trong số họ có lẽ chỉ nghe nói về mạng xã hội và blog chứ chưa biết nó là gì, càng chưa bao giờ tự mình “lang thang trên mạng” để xem và hiểu nó như thế nào. Tui post lại entry này nhưng cũng nghĩ rằng mấy người ấy có (biết) đọc đâu?!
Thật ra tui thấy cái kiểu tư duy “cái gì xa lạ với TÔI là… XẤU” * đang rất phổ biến trong các quan chức quản lý nhà nước về văn hóa – nhất là trong lĩnh vực thông tin và văn học nghệ thuật!
[* “Bất cứ cái gì thuộc về con người không xa lạ với tôi” – câu châm ngôn yêu thích của Karl Marx]
NGHIỆN INTERNET – NÊN HIỂU NHƯ THẾ NÀO?
Ngày 6/8/2009 tại Biên Hòa, báo Đồng Nai và Hội Tâm lý giáo dục Đồng Nai phối hợp tổ chức hội thảo “Nghiện internet và game online – thực trạng và giải pháp”. Tại buổi hội thảo mọi người nói nhiều về tác hại đối với sức khỏe và tinh thần của “nghiện internet và game online”, và cũng như nhiều hội thảo khác, người ta nhấn mạnh mặt tiêu cực của các hiện tượng xã hội khi mà nhà nước “bất cập” không quản lý được! Nhưng hầu hết các tham luận và ý kiến chỉ nói đến “nghiện game online” mà không đề cập đến “nghiện internet” (có lẽ vì sự nhạy cảm của nó chăng?!)
Nếu không nhìn thấy mặt tích cực, hay nói cách khác, không hiểu rằng internet đáp ứng nhu cầu rất cơ bản của con người và xã hội là quyền được thông tin và biết thông tin, thì sẽ luôn xảy ra tình trạng “bất cập” trong quản lý nhà nước! Thông tin là nhu cầu của con người ở mọi thời đại, mọi xã hội. Vì vậy các phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại để phục vụ nhu cầu đó. Thông tin không chỉ là “thông tin”, mà còn là sự giao lưu, giao tiếp, còn là sự bày tỏ, thể hiện con người cá nhân trong sự tương tác với cộng đồng và xã hội.
Xã hội VN cổ truyền thông tin theo kiểu “mõ làng”, đó là cơ chế chỉ có 1 lọai thông tin, 1 chiều thông tin, người tiếp nhận thông tin “bị động” vì chỉ có nghe chứ không có/ không được phản hồi, không được đối thọai để hiểu và chủ động tiếp nhận thông tin. Cách thông tin này không tạo điều kiện cho người ta giao tiếp, giao lưu để hiểu đúng, hiểu rõ thông tin mình đang tiếp nhận, càng không khuyến khích người ta bộc lộ chính kiến, ý kiến, quan điểm đối với những thông tin ấy. Cách thông tin này chỉ phù hợp với xã hội xưa đa số là người mù chữ.
Thế giới đã và đang chuyển đổi, phát triển mạnh mẽ. Internet mang lại cho con người thông tin đa dạng, nhiều chiều, phong phú… đồng thời tạo điều kiện cho con người bộc lộ ý kiến, quan điểm cá nhân. Trong môi trường xã hội “ảo” (mà không ảo) con người đang thể hiện quyền và trách nhiệm của mình với xã hội khi bộc lộ ý kiến, quan điểm của mình, đồng thời qua trao đổi, tranh luận thảo luận, con người cũng nâng cao hiểu biết và tri thức cho bản thân. Internet cho con người sự bình đẳng trong việc tiếp nhận cũng như cung cấp thông tin. Những thông tin trên Internet cũng bình đẳng trong sự phán xét của người sử dụng. Và cũng như mọi sản phẩm văn hóa khác, Internet cũng đào thải rất nhanh những gì không có giá trị.
Để “phòng chống” hiện tượng “nghiện internet” gây tác hại cho người sử dụng - như nghiện game online nói riêng, phương thức đơn giản nhất là những phương tiện truyền thông khác hãy chia sẻ “chức năng” thông tin của internet, chia sẻ nguồn thông tin từ đó, tạo điều điện cho con người giao tiếp trao đổi với nhau nhiều hơn, bằng nhiều hình thức khác nhau, tức là chia sẻ “thị phần” của internet. Khi Internet không còn “độc quyền” của sự phong phú, đa dạng, nhiều chiều về thông tin thì nguy cơ “nghiện internet” sẽ giảm thiểu. Internet sẽ còn phát triển hiện đại hơn để đáp ứng như cầu ngày càng cao của con người. Đã là “nghiện internet” thì dẫn đến việc “cai nghiện”. Và cũng như mọi bệnh nghiện khác, sẽ có một tỷ lệ nhất định “tái nghiện”. Khi đó “bệnh” sẽ nặng hơn, tất nhiên, chữa trị sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần!
Và cũng như mọi thành tựu KHKT khác, tùy vào cách con người sử dụng có thể sẽ mang lại kết quả tốt cũng có khi mang lại hậu quả xấu. Không thể tránh khỏi hiện tượng sử dụng internet cho những nhu cầu “bản năng thấp hèn” như nhiều người đã lên án1. Song không vì thế mà chỉ nghĩ đến việc chống mặt tiêu cực của nó. Tận dụng và phát huy mặt tích cực của internet là một cách hạn chế mặt tiêu cực, bởi vì thời đại nào thì phương tiện ấy, internet và các phương tiện truyền thông khác sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.