Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã có chủ trương giữ lại biệt thự cổ trăm tuổi (nhà lầu ông Phủ) ở phường Bửu Long, TP Biên Hòa để làm bảo tồn.
Chiều 26-9, Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai thông tin Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kết luận, cho chủ trương giữ lại công trình biệt thự trăm tuổi "nhà lầu ông Phủ" để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Nội dung này được đưa ra sau khi Tỉnh ủy Đồng Nai nghe các sở ngành báo cáo và cho ý kiến.
Tiếp đó, Tỉnh ủy Đồng Nai giao cho Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của biệt thự trăm tuổi. Đồng thời có giải pháp thi công tuyến đường ven sông Đồng Nai, bảo đảm các quy định của pháp luật.
Như vậy sau khi dư luận lên tiếng về việc giữ lại căn biệt thự trăm tuổi, tỉnh Đồng Nai đã tiếp thu, lắng nghe và quyết định giữ lại căn biệt thự trên.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, nhà lầu ông Phủ có kiến trúc Pháp, 100 năm tuổi.
Căn biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh xây dựng năm 1922, hoàn thành năm 1924, có cấu trúc tương tự tòa bố Biên Hòa và là tư gia lớn nhất tỉnh Biên Hòa thời bấy giờ, với vật liệu xây dựng toàn bộ đặt mua từ Pháp, được chở về bằng tàu biển.
Biệt thự này từng là bối cảnh quay bộ phim nổi tiếng Người đẹp Tây Đô vào năm 1996. Năm 2016, biệt thự này từng được chính quyền đưa vào danh mục di tích, nhưng người nhà của căn biệt thự từ chối.
Khi thành phố Biên Hòa làm dự án đường ven sông Đồng Nai, cơ quan chức năng định giá bồi thường ngôi biệt thự cổ này số tiền gần 5,4 tỉ đồng.
Qua khảo sát, cơ quan chức năng ghi nhận khu vực quy hoạch để thực hiện dự án sẽ "lấn" vào nhà lầu ông Phủ khoảng 9m, tương đương khoảng một nửa biệt thự này nằm trong phạm vi quy hoạch thực hiện dự án.
Sau khi dư luận lên tiếng, một số sở, ngành ở Đồng Nai có ý kiến nên mua luôn ngôi biệt thự trăm tuổi để có sự quản lý của Nhà nước và làm công tác bảo tồn.
https://tuoitre.vn/dong-nai-quyet-dinh-giu-lai-biet-thu-tram-tuoi-de-bao-ton-20240926174923835.htm
@ Biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh ven sông Đồng Nai: Phá hủy công trình cổ là có lỗi với thế hệ sau
Liên quan căn biệt thự cổ của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh (nhà lầu ông Phủ) nằm ven sông Đồng Nai có nguy cơ bị xóa sổ để làm đường, TS Nguyễn Thị Hậu - tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM - chia sẻ với Tuổi Trẻ quan điểm. Bà Hậu cho biết nhà cổ và biệt thự là công trình cư trú, một trong số chín loại hình di sản đô thị. Trong đó biệt thự là một trong những kiến trúc đặc trưng của đô thị.
Ngôi biệt thự cổ không có lỗi
Bà Hậu phân tích các đô thị ở Nam Bộ có khá nhiều biệt thự giống như biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh với tuổi đời trên dưới trăm năm.
Xét góc độ khảo cổ học, biệt thự này kiến trúc Đông Tây kết hợp. Bên ngoài (lầu, có mái, có vườn trước, vườn sau...) mang dáng dấp của biệt thự phương Tây.
Bên trong là nội thất bố trí phục vụ lối sống phương Đông, cụ thể là người Việt hoặc người Hoa, có tiềm lực về kinh tế. Nhà lầu ông Phủ cập nhật xu hướng kiến trúc mới, thuận tiện, bền vững, thỏa mãn được nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Căn biệt thự này còn nằm trong không gian cảnh quan đô thị Biên Hòa xưa, tạo điểm nhấn cho một vùng, phản ánh nét văn hóa cởi mở, phù hợp lối sống mới.
Công trình có giá trị lịch sử vì tuổi đời vừa tròn 100 năm, nếu gắn với một số sự kiện hay nhân vật lịch sử thì giá trị lịch sử còn cao hơn. Chưa kể công trình còn có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật tương đối tiêu biểu cho loại hình biệt thự cổ ở Nam Bộ.
Theo bà Hậu, quan điểm di sản phải có tuổi đời ngàn năm hay vài trăm năm là chưa hợp lý. Bởi lẽ mỗi vùng đất có hoàn cảnh lịch sử khác nhau nên không thể so sánh niên đại của di tích.
Bà Hậu nêu quan điểm nhà lầu ông Phủ hoàn toàn không có lỗi khi nằm trong phạm vi quy hoạch đường ven sông. Bởi vì nó hiện diện ở đó trước quy hoạch nên khi mở đường cơ quan chức năng cần "điều tra" về di sản. Có thể căn biệt thự này chưa được đưa vào kiểm kê di tích, di sản nhưng khi công luận phát hiện thì chính quyền cần xem xét, cân nhắc lại khi quy hoạch để không gây tổn hại, thậm chí xóa bỏ di tích lịch sử.
"Thường ở nhiều quốc gia chính quyền địa phương phải chỉnh sửa quy hoạch để có thể bảo tồn di tích. Việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này, theo tôi không quá khó khăn, vấn đề là họ có muốn bảo tồn hay không", bà Hậu nói.
Nguồn vốn từ di sản sẽ rất bền vững
TS Nguyễn Thị Hậu kể bà từng đến biệt thự cổ của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh cách đây vài năm để khảo sát. Nếu công trình này bị phá bỏ thì không chỉ là sự tiếc nuối mà còn có lỗi với thế hệ mai sau, bởi không bảo tồn được những di sản do thế hệ trước để lại, góp phần làm giàu cho di sản văn hóa hiện nay.
Bà cho rằng không phải di sản nào cũng đáp ứng toàn bộ những tiêu chí công nhận là di tích. Trên thế giới, nhiều di sản chỉ cần đáp ứng được hai hoặc ba tiêu chí cũng được công nhận. Những biệt thự như nhà lầu ông Phủ có thể trở thành điểm nhấn văn hóa của tỉnh, của khu vực hoặc thậm chí đưa vào phát triển trong kinh tế di sản hay kinh tế du lịch. Công trình văn hóa này không thể thay thế được đối với giá trị lưu giữ ký ức bởi nếu không còn thì chắc chắn cộng đồng sẽ mất ký ức, thông tin lịch sử bị đứt gãy.
"Nếu muốn tái sử dụng ngôi nhà này để làm kinh tế di sản, du lịch thì chắc chắn phải đầu tư thêm. Nhưng nguồn vốn từ di sản sẽ được phát huy rất bền vững", bà Hậu nói và chia sẻ thêm: "Nếu di tích này chủ nhân vẫn sử dụng đúng chức năng thì di tích sẽ sống cùng với con người khi được con người sử dụng, tương tác thường xuyên. Nhà nước quản lý chắc chắn là không thể đưa ai vào sinh sống, di tích thành bảo tàng. Như thế giá trị sống của di tích giảm đi rất nhiều.
Nhà nước cũng không thể "ôm" mọi thứ để bảo tồn. Điều khả thi nhất là áp dụng chính sách xã hội hóa. Làm sao cho tư nhân nhìn nhận được giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho họ sinh sống, bảo tồn và kiếm lợi được từ di tích. Ở các nước tôi khảo sát, những di tích được tư nhân quản lý được ưu đãi về thuế. Bởi vì bảo tồn di tích là đóng góp rất lớn cho xã hội".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét