Hồi gia đình tôi mới tập kết ra miền Bắc, ở Hà Nội nhà tôi ở khu tập thể bờ sông phía ngoài đê. Dãy nhà cấp 4 vách tre đan trát vữa chia làm nhiều gian, mỗi gia đình một gian. Năm nào cũng chạy lụt, má tôi ôm chị em tôi chạy vào ở nhờ mấy nhà trên phố, còn anh Hai tôi và anh Hai của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình thì ở lại trông nhà. Nói là trông nhà nhưng tài sản có gì đâu, chỉ là để nếu nước có tràn vào nhà thì lo ôm đồ nồi niêu xong chảo mà chạy.
Lần nào chạy lụt về má tôi cũng thấy mấy chai nước mắm hũ mỡ, thùng gạo hết sạch, nhưng tiền để cho hai anh mua đồ ăn thì còn nguyên. Hỏi, hai anh nói: trời mưa lạnh nấu cơm nóng ăn với mỡ và nước mắm ngon rồi, không cần gì nữa. Hai ông anh đâu biết, mỡ và nước mắm ấy là tiêu chuẩn của mấy tháng má tôi để dành ăn dần
***
Hổi đi sơ tán tôi về Hà Tây. Xã Chu Minh (nơi có đình Chu Quyến nổi tiếng) có một đoạn đê dài (chả nhớ đê của sông gì: sông Hồng? Sông Thao?) chạy qua. Đê cao, vững chãi, trên đê có con đường nhỏ do đi bộ, đi xe đạp mãi mà thành. Bờ đê khá dốc có lớp cỏ xanh rì, thế nhưng mỗi khi trời mưa chị tôi đi học qua đây thế nào cũng bị “vổ ếch” bẩn hết quần áo. Có đoạn dưới chân đê rậm rạp đám cây điền thanh, muồng muỗng gì đó, hoa vàng nhỏ xíu mùi hơi hắc, quyến rũ đám bướm đủ màu sắc lượn lờ. Chiều mùa hè lên đê gió mát lộng, bọn trẻ thả diều hay nằm ở vệ đê học bài như cuốc kêu, hoặc tìm cỏ gà ngồi chơi chọi gà... Tôi hay ra đây đón hai chị đi học ở trường cấp 3 bên xã Tiên Phong về (xã Tiên Phong lại là vùng đồi đá ong, mùa hè nóng bỏng chân, mọc toàn cây Ráng – một loại dương xỉ - người bên xã Chu Minh hay qua đó cắt về đun bếp).
Tôi cũng hay lang thang trên bờ đê đi đến đoạn có cái bến của đò dọc, đò ngang, nhìn ngắm những con đò và người qua lại... Vào những ngày cuối xuân đầu hè, thỉnh thoảng có thuyền ghé vào bến bán cá mòi. Ghé vào bờ họ quạt than nướng cá mòi, đàn ông mua ăn ngay, chấm muối ớt và uống rượu, đàn bà mua về kho khô với nghệ, cá mòi kho khô ăn cơm với rau muống luộc nước vắt chanh thì ngon thôi rồi… Mùa nước lũ, từ bờ đê có thể nhìn thấy rất nhiều chiếc thuyền đi vớt “củi rều” từ thượng nguồn trôi về. Đàn ông đàn bà đều chèo thuyền bằng hai chân, còn hai tay thoắn thoắt vớt củi, họ khéo léo tránh được những cây gỗ lớn hay bè tre trôi trên sông. Chỉ một lúc thuyền đã đầy cành cây lớn nhỏ.
Có năm nước mấp mé mặt đê, dân làng suốt ngày “hộ đê”, bọn trẻ ở nhà tha hồ nghịch ngợm. Đến bữa nấu cơm mang ra cho bố mẹ đang ở ngoài đê, chờ bố mẹ ăn vội vàng miếng cơm rồi mang nồi niêu về nhà. Có hôm chưa xong bữa tiếng trống đã vang lên thùng thùng báo hiệu nước lên... bọn trẻ bị người lớn giục đuổi vội vã chạy nhanh về nhà để ôm sẵn quần áo đồ đạc gọn nhẹ, đề phòng nước tràn đê hay nhỡ vỡ đê thì chạy. Nhưng tôi không nhớ là sẽ chạy đi đâu, vì chưa phải chạy lần nào.
***
Mùa hè 1971. Mỹ dừng ném bom miền bắc. Tôi về Hà Nội đúng những ngày căng thẳng vì trận lụt lớn các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đe dọa vỡ đê sông Hồng ở Hà Nội. Năm ấy ba tôi đi chiến trường, nhà chỉ còn hai má con. Má tôi trực ở cơ quan (ngân hàng Hoàn Kiếm trên phố Lê Lai, đối diện vườn hoa có tượng cụ Lê Thái Tổ bây giờ). Vài ba ngày mới chạy về nhà xem xét đồ đạc đã chuẩn bị cho tôi “chạy lụt”. Khu tập thể đã phổ biến, khi nào nghe tiếng kẻng 3 hồi dồn dập như thế như thế... thì nhanh chóng chạy ngay lên dãy nhà 4 tầng là trường học (cả khu có 1 dãy nhà 4 tầng này), mỗi người chỉ được mang 1 balo quần áo và 1 túi đựng thực phẩm, vì rất đông người, sợ không đủ chỗ...
Má về các cô chú xúm lại hỏi thăm ngoài đê thế nào. Má tôi thở dài nói nước lớn lắm, ngồi trên đê khoát nước rửa mặt được...
Theo vikipedia, trận lụt đồng bằng sông Hồng năm 1971 (hay còn được biết đến với tên gọi Đại hồng thủy 1971) là một đợt lũ lụt rất lớn xảy ra ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng vào giữa tháng 8 năm 1971. Do chịu tác động của một tổ hợp thời tiết nguy hiểm nên ở khu vực trên đã xuất hiện các trận mưa lớn, gây vỡ đê và khiến lũ trên các sông lên nhanh, nhiều khu vực đạt tới mức báo động 3. Theo số liệu thống kê thì đã có 594 người thiệt mạng, ngoài ra đã có 20 xã, hay 1 huyện bị ngập hoàn toàn (nhưng chưa rõ tên xã huyện nào) với tổng dân số trong những xã đó bị ngập mất nhà cửa vào khoảng 100.000 người. Về tài sản, trận lụt gây thiệt hại về tài sản khoảng 70 triệu đồng theo thời giá bấy giờ (tương đương khoảng 14 nghìn tỷ đồng bây giờ). Ngoài ra, thiệt hại của nhân dân và các địa phương bị ảnh hưởng từ lũ lụt, dịch bệnh, ngừng trệ sản xuất sau mưa lũ là rất lớn không thể thống kê được.
Đây được xem là trận lũ lụt lớn nhất trong vòng 250 năm qua ở miền Bắc Việt Nam, trong 100 năm qua ở vùng đồng bằng sông Hồng và nó đã đi vào ký ức không thể xóa nhòa của rất nhiều người dân sinh sống tại khu vực này. Trận lũ lụt được một cơ quan thời tiết của Hoa Kỳ xếp là một trong những thiên tai lớn nhất của thế kỷ 20, và mức độ thảm khốc do nó gây ra chỉ đứng sau trận lụt trên sông Dương Tử ở Trung Quốc làm hàng triệu người chết xảy ra năm 1931. Một số nguồn thông tin khác, đi xa hơn, còn xếp trận lũ lụt lịch sử tại đồng bằng sông Hồng này vào danh sách 10 trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử lũ lụt thế giới.
***
Năm nay những ngày tháng 9 này tang thương do bão và lũ lụt lại đang bao trùm miền Bắc... Đau lòng vì những tai họa đã từng xảy ra lại tiếp tục xảy ra như lũ quét, như nước dâng nhanh do mưa, do xả lũ... Thiên tai thì khó tránh nhưng sao khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại mà vẫn khó lường, khó cảnh báo, khó đề phòng? Và hầu như vẫn khó giảm thiểu hậu quả nặng nề...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét