Trải nghiệm tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên

 Hôm qua mình được NAG Minh Hòa rủ đi trải nghiệm Metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên. Từ năm 2021 mình đến khảo sát khu vực đang xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành, sau đó đi bộ theo đường hầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son... Nay trở lại Nhà ga trung tâm Bến Thành đã khá hoàn thiện, đặc biệt khu vực tầng mái toplight luôn hiện lên những hoa văn rất đẹp dưới ánh sáng mặt trời (mà sao nhiều nơi trang trí cứ phải lấy hình tượng hoa sen nhỉ, hoa cúc hay hoa khác cũng đẹp mà?). Dãy máy bán vé tự động, cửa soát vé tự động, thang cuốn và những thiết bị kỹ thuật khác đã được lắp đặt, chỉ chờ ngày đón khách chính thức.

Như nhiều chuyến tàu trong thời gian vừa qua, các chuyến tàu sáng thứ bảy 8/6 dành cho một số đối tượng nhân dân thành phố. Đi thử nghiệm nên chưa áp dụng đúng quy trình chuẩn (ra vào ga, lên xuống tàu...), chưa dừng tại các ga, nhiều người đi lên xuống tàu vẫn thói quen như đi thời bao cấp là dồn ở các toa đầu, chen chúc lên xuống, không để ý hướng dẫn lên xuống được vẽ dưới đất... Nhưng nhìn cảnh bà con già trẻ lớn nhỏ đều háo hức, dù không ít người từng đi metro ở nước ngoài, mới thấy công trình này thực sự có ý nghĩa với người dân thành phố.

Còn vài điều cần chỉnh sửa (như tấm hình dưới đây ghi “đi bến xe Suối Tiên” tiếng Anh lại dịch “Đi Bến xe Suối Tiên” là “For Suối Tiên terminal”)... Ga Bến xe Suối Tiên nằm tại Bến xe Miền Đông mới. Sao không đặt luôn là Ga Bến xe miền Đông để khỏi nhầm với ga trước đặt ngay khu du lịch Suối Tiên nhưng lại có tên “ga Đại học quốc gia”, vì vậy bà con muốn đi KDL Suối Tiên nhiều người sẽ nhầm. Ở các cửa ga đi từ trong ra ngoài, tấm bảng lớn trên cao cần ghi ngay thông tin hướng ra đến đường nào. Hiện nay thông tin này lại để ở một cái cột nên rất hạn chế tầm nhìn, khi đông người cùng xem thì rất khó. Tóm lại nên làm như các ga metro nước ngoài, các hướng dẫn hành khách họ bố trí mình nên làm giống vậy, vì đó là các chuẩn kỹ thuật đã được đúc kết từ lâu. Đồng thời cho dân mình quen thuộc để khi ra nước ngoài dễ sử dụng metro.

Về truyền thông: ngay từ bây giờ (cũng là muộn) cần có những clip hướng dẫn sử dụng máy bán vé, đổi vé, máy soát vé, cách lên xuống tàu, an toàn trên tàu... để phổ biến trên TV, trên các mạng xã hội, đưa vào dạy trong các trường học... (giống như những clip hướng dẫn an toàn trên máy bay). Chưa có quen đi phương tiện công cộng mà sử dụng ngay phương tiện hiện đại như metro chắc chắn sẽ có những nhầm lẫn, thậm chí tai nạn nếu còn tùy tiện lên xuống.

Phần nội thất các ga chưa được trang trí hoặc bố trí quảng cáo, thông tin về các tuyến metro cùng các ga... Nếu tại mỗi ga – nhất là các ga ngầm như Bến Thành, Nhà hát TP, Ba Son – có những bức ảnh về lịch sử khu vực đó thì rất hay, góp phần lưu giữ một phần lịch sử trên mặt đất đã “biến mất” và giúp hành khách hiểu biết về lịch sử TP. Bên cạnh đó có thể là những tác phẩm nghệ thuật hoặc hình ảnh quảng cáo thật đẹp.

Kết nối giữa metro và các hướng đi và đến của người dân chưa thuận tiện. Tại các ga hình như chưa có bãi gửi xe máy hay cả xe hơi? Như vậy cũng rất hạn chế người đi metro vì phần lớn người dân đi xe máy từ nhà ra đường lớn, nơi có đường metro.

Dù vậy, rất mong tất cả sớm được hoàn thiện để Metro tuyến số 1 nhanh chóng vận hành thương mại, bà con chờ quá lâu rồi... Khi Metro số 1 chưa vận hành thì Metro số 2, số 3... thí có lẽ “nhiều khi ước mơ chỉ là mơ ước thôi” như lời bài hát trong chương trình “Ngày xửa ngày xưa”.

Hình ảnh: NAG Minh Hòa



 

MỜI CÁC BẠN ĐỌC BÀI DỰ THI CỦA MÌNH TRÊN VNN NHÉ

 CÀNG NHIỀU NGƯỜI XEM CÀNG CÓ CƠ HỘI TRÚNG THƯỞNG :)

Bài dự thi Chuyện Của Những Dòng Sông do báo Vietnamnet tổ chức. MỘT ĐỜI NGƯỜI QUA ĐƯỢC MẤY DÒNG SÔNG

Là tiến sĩ sử học nhưng Nguyễn Thị Hậu là một cây bút viết báo khét tiếng. Báo của chị vừa tung tẩy chất văn vừa chặt chẽ bởi của nhà khoa học và cũng ngồn ngộn thông tin của sử. Chị lại là người con của miền Tây nhưng sinh ra và lớn lên miền Bắc giờ định cư Sài Gòn, tức là toàn gắn với sông.
Những năm gắn với số 7 của chị là câu chuyện những con sông cụ thể. Chị hoài niệm "Một đời người qua được mấy dòng sông"- ừ nhỉ, để qua được những dòng sông mà không trôi tuột ký ức đi ấy, chúng ta phải sống hết bao nhiêu phần đời của mình, những phần đời dùng dằng níu giữ, những phần đời mãi cứ phập phồng trong ta, những cuộc đời làm ta thắc thỏm...


Một thoáng sông Gianh. Ảnh: Minh Phong


Sông Thu Bồn có thể coi là “cái nôi” của hai di sản thế giới. Ảnh: Hồ Xuân Tịnh



Sông Đồng Nai là nguồn lực của vùng kinh tế trọng điểm. Ảnh: Lê Hoàng Phong 





CĂN CƯỚC VÙNG ĐẤT – TRĂN TRỞ TỪ CHUYỆN TÁCH NHẬP

 

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, giai đoạn 2023 - 2025, cả nước dự kiến sẽ có 49 huyện và 1.247 xã phải sắp xếp lại và điều chỉnh địa giới hành chính. Theo đó sẽ giảm 13 huyện và 624 xã. Thời gian qua một số nơi đã thực hiện triển khai thực hiện Nghị quyết 595/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Điều này khiến cho nhiều địa danh có từ hàng trăm năm trước bị biến mất, thay vào đó là những địa danh mới, khiến dư luận xôn xao, thậm chí bất bình.

Trước thực tế này, hai nhà nghiên cứu văn hóa là TS. Nguyễn Thị Hậu (Hội Khoa học lịch sử TPHCM) và TS. Trần Đức Anh Sơn (Trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng) đã có cuộc trò chuyện xung quanh việc “làm sao giữ được tên làng khi phong trào ‘khắc xuất, khắc nhập’ cứ tái diễn ở nước ta?”.

TS. Trần Đức Anh Sơn (TĐAS): Sau một thời gian tạm lắng, nay phong trào “nhập / tách” ở nước ta lại “hồi sinh”, gây nhiều xáo trộn trong xã hội. Trong đó, có việc đổi tên các xã, huyện bị sáp nhập thành những địa danh hành chính mới, theo kiểu cơ học (như xã Quỳnh Đôi nhập với xã Quỳnh Hậu thì có tên mới là xã Đôi Hậu), khiến người dân ở các địa phương bị sáp nhập bất bình và phản ứng, vì tên quê cha đất tổ của họ tự dưng bị khai tử bởi một chủ trương (mang tính thời đoạn, biết đâu sau đó lại sửa sai). Chị nghĩ sao về chuyện này?

TS. Nguyễn Thị Hậu (NTH): “Phong trào” sáp nhập các địa phương (từ việc sáp nhập các tỉnh như trước kia, đến nay là sáp nhập các huyện, xã, thôn...), sau đó sinh ra những địa danh hành chính mới, một lần nữa lại làm dấy lên những phản ứng từ cộng đồng và sự lo ngại từ giới nghiên cứu lịch sử văn hóa. Có thể thấy sự tiếc nuối khi nhiều địa danh dân gian, địa danh hành chính mang tính lịch sử biến mất, thay vào đó là những cái tên mới, tên “ghép” vô hồn, thậm chí vô nghĩa.

“Địa danh là tên gọi các địa điểm được biểu thị bằng những từ riêng”. Đặc điểm nổi bật của địa danh là có tính lịch sử, là sự đa dạng về ngôn ngữ. Địa danh thuộc đất nước/vùng miền/cộng đồng tộc người nào, sẽ được đặt tên theo ngôn ngữ của dân tộc, đất nước đó. Địa danh phản ánh quá trình hình thành, đặc điểm của các yếu tố địa lý tự nhiên và văn hóa, phản ánh những nét đặc sắc về kinh tế, xã hội của từng địa phương. Vì vậy, hệ thống địa danh dân gian, địa danh hành chính lịch sử của một địa phương rất quan trọng, thậm chí có địa danh trở thành một “dấu chỉ” văn hóa hay một dấu ấn lịch sử.

Đối với địa danh hành chính rất nên cân nhắc khi thay đổi, đặt mới. Lịch sử nước ta trải qua nhiều triều đại, nhiều biến cố xã hội nên có nhiều sự thay đổi địa danh, ứng với thay đổi phạm vi không gian làng, xã, huyện, tỉnh... Điều này gây ra không ít khó khăn cho việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa, đặc biệt khi cần minh định một sự kiện, một nhân vật lịch sử. Không hiếm trường hợp nhiều địa phương đã xảy ra tranh chấp, mất đoàn kết vì việc này.

TĐAS: Đúng rồi. Đang yên đang lành, tự nhiên trên ban xuống cho một tờ A4 thế là cái tên làng mình hàng trăm năm tuổi bỗng dưng biến mất, thậm chí tệ hơn là làng mình, xã mình lại mang tên cái làng, cái xã bên cạnh, vốn xưa nay không được hữu hảo trong quan hệ, thì không ồn ào, không mất đoàn kết mới lạ. Tôi đồng ý với chị là tên làng, xã, huyện, tỉnh, hay nói theo ngôn từ nhà nước, là địa danh hành chính, thì có tính lịch sử và sự đa dạng ngôn ngữ. Ngoài ra, địa danh hành chính còn phản ánh quá trình thành lập làng xã, vai trò của dòng họ (chẳng hạn các làng Cao Xá, Ngô Xá, Phùng Xá… do người của các dòng họ Cao, Ngô, Phùng… lập ra), địa hình (xóm Bãi, xóm Cồn, thôn Bàu…), nghề nghiệp truyền thống của địa phương đó (làng rèn Hiền Lương, làng đệm Phò Trạch…)… Cho nên, đổi địa danh mà không tính đến các yếu tố này thì coi như thua, vừa làm xáo trộn xã hội, vừa đánh mất bản sắc và đặc tính văn hóa của địa danh / địa phương; đồng thời gây khó khăn trong quản lý hành chính xã hội.

NTH: Cải cách hành chính nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước một cách hiệu quả hơn là việc cần làm. Tuy nhiên, với những quy định mới về sắp xếp các đơn vị hành chính huyện, xã, thôn... càng cần phải được nghiên cứu cẩn trọng. Đặt để địa danh mới (cũng như tên đường phố ở các đô thị) là một khoa học chứ không thể tùy tiện. Dễ nhận thấy một quy luật, văn bản hành chính sử dụng ngôn ngữ nào, thì ngôn ngữ ấy sẽ phổ biến và lấn át ngôn ngữ địa phương. Vì vậy nếu thực sự muốn bảo vệ sự đa dạng văn hóa - cũng là tôn trọng đặc trưng văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi vùng miền, thì bên cạnh sự thống nhất các “thuật ngữ” trong văn bản hành chính để sử dụng thuận tiện trong quản lý nhà nước, cần phải duy trì hệ thống ngôn ngữ địa phương và sử dụng các địa danh quen thuộc, đã phổ biến trong xã hội.

 Việc thay đổi hay xóa bỏ các địa danh không chỉ làm mất đi một “di sản ký ức” mà còn làm mất đi một nguồn “vốn xã hội” từ giá trị văn hóa của địa danh. Những địa danh dân gian biểu thị các yếu tố tự nhiên (tên sông, núi, kênh rạch...), như ở Biên Hòa (Đồng Nai) có địa danh nổi tiếng Cù Lao Phố nay thay bằng phường Hiệp Hòa; cầu Gành - cầu đường sắt quan trọng trên sông Đồng Nai, sau khi bị một xà lan đâm làm sập, bỗng trở thành “cầu Ghềnh”... Hay ở TPHCM, địa danh bằng phương ngữ như “bùng binh” thay bằng “vòng xoay”, các giao lộ nổi tiếng như Ngã sáu Phù Đổng, Ngã bảy Lý Thái Tổ, ngã tư Phú Nhuận... thay bằng “nút giao”,... Thực trạng này không những làm nghèo tiếng Việt mà còn làm mất đi sự đa dạng, phong phú của văn hóa vùng miền.

Cũng có người cho rằng, địa danh chẳng mất đi đâu khi nó còn được người dân nhắc đến. Điều này đúng mà chưa đủ. Vì địa danh là một loại hình di sản phi vật thể, được lưu truyền qua ngôn ngữ và ký ức, được chính quyền được “vật thể hóa” bằng văn bản. Vì vậy, khi “văn bản vật thể” thay đổi địa danh và phổ biến với tốc độ nhanh chóng và rộng rãi như hiện nay, thì chẳng mấy chốc địa danh cũ sẽ biến mất khỏi ký ức và ngôn ngữ của cộng đồng! Điều này có thể gây nên tâm lý phản kháng văn hóa, khi một yếu tố văn hóa bị biến mất, bị thay đổi không xuất phát từ ý chí và nhu cầu của cộng đồng - chủ thể của văn hóa.

TĐAS: Ở nước ta, nhiều địa danh có lịch sử cả ngàn năm, được lưu lại trong sử sách. Đến thời Nguyễn, cuộc cải cách hành chính dưới triều Minh Mạng (1832 - 1833) đã phát sinh nhiều địa danh mới [riêng ở Quảng Nam, nhiều tên tổng, tên xã ở các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Lễ Dương… được hình thành từ tờ Dụ do vua Minh Mạng ban hành vào tháng Chạp năm Minh Mạng thứ 16 (đầu năm 1836)]. Những địa danh này đã tồn tại gần 2 thế kỷ. Sau Cách mạng tháng 8, nhiều làng xã có sự tách nhập, thay đổi địa giới hành chính: một làng to được tách thành hai xã, hay hai, ba làng nhỏ hợp thành một xã mới. Cấp huyện, tỉnh cũng tương tự. Người dân đã quen với các địa danh này cũng gần 8 thập kỷ, nay lại bị đổi tên, mà lại đổi thành “dở” hơn, thậm chí “dở hơi”, đánh mất gốc tích, xóa bỏ “căn cước văn hóa” của địa danh truyền thống, nên họ phản ứng.

Để tránh tình trạng này, các địa phương có huyện, xã bị “tinh giảm” đợt này, nên thành lập các ban tư vấn, gồm những nhà nghiên cứu Hán - Nôm, chuyên gia về văn bản học, hành chính học, nhà nghiên cứu lịch sử địa phương…, để giúp cho chính quyền rà soát các nguồn sử liệu, địa chí, địa bạ, văn bản hành chính… từ thời quân chủ, thời Pháp thuộc…, truy tìm những địa danh gốc, lâu đời, có ảnh hưởng đến lịch sử - văn hóa của địa phương, để đề xuất các địa danh thích hợp cho chính quyền “đặt lại tên” cho những đơn vị hành chính phải sắp xếp trong đợt này. Tiếp đến, chính quyền cần tổ chức truyền thông về việc “đặt lại tên” cho cộng đồng cư dân ở những này để họ thấu hiểu và đồng thuận, thay vì ban hành mệnh lệnh hành chính về việc sáp nhập/ đổi tên, mà không tham khảo chuyên gia hay cộng đồng dân cư.

NTH: Đúng vậy! Nghiên cứu thay đổi địa danh là một việc làm khoa học, cần có sự tham gia thấu đáo của các chuyên gia lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ... cần được cộng đồng hợp tác và đồng thuận. Nhưng trước hết, những căn cứ để sáp nhập các địa phương dù quy mô lớn hay nhỏ cũng cần dựa trên căn cứ khoa học, không chỉ để “tiện quản lý” hay “giảm biên chế”; tránh tình trạng “tách, nhập” theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” gây ra nhiều hậu quả hậu dài.

TĐAS: Địa danh cũng như nhân danh có nội hàm gắn với: lịch sử, văn hóa, địa lý, ngôn ngữ, nhân học…, chứ không đơn giản là cái tên, dùng để định danh trong lĩnh vực hành chính, quản lý nhà nước. Đổi tên mà làm không khéo, thì lại rơi vào cảnh: “Bây giờ làng, xã lộn nhào. Gọi làm sao, viết làm sao… bây giờ”.

 





 

 

 

Trải nghiệm tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên

  Hôm qua mình được NAG Minh Hòa rủ đi trải nghiệm Metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên. Từ năm 2021 mình đến khảo sát khu vực đang xây dựng nh...