Nhớ Bảy Bạch, Lục Vân Tiên của sân khấu Nam bộ

 

Nếu Bảy Bạch còn sống, năm nay ông tròn 100 tuổi - cùng tuổi thi sĩ Hoàng Cầm Lá diêu bông (1922 - 2022).

    Ông Bảy Bạch mất, sân khấu Việt hiện đại, đặc biệt là sân khấu Nam bộ, đã vắng thiếu một Lục Vân Tiên đầy tinh thần nghĩa hiệp, hào sảng, phóng khoáng và khí khái rặt chất Nam bộ. Bảy Bạch – một đời “sinh ư nghệ, tử ư nghệ” với sân khấu, đúng như tên cuốn sách của ông: Nguyễn Ngọc Bạch – một đời sân khấu (NXB Tổng hợp TP.HCM, xuất bản năm năm 2020. Sách do con gái út Nguyễn Thị Hậu của ông biên soạn và biên tập).   

    Hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn, trường phái hội họa cá nhân “Tinh tướng họa”, vẽ chân dung ông Bảy làm bìa sách: mái tóc Bảy Bạch bồng bềnh, cặp kính cận gọng lớn và vẻ mặt đầy hưng phấn nghệ sĩ, với một nụ cười mỉm hồn hậu, rất chi là… Bảy Bạch.

    Và tôi ngồi nhớ ông, người nghệ sĩ Nam bộ mang rõ phong cách của Lục Vân Tiên, tinh hoa tính cách người Nam Bộ vào sân khấu, với tràn đầy nhiệt huyết, tận tụy hết mình – đúng tinh thần “Giữa đường thấy sự bất bằng (bình) chẳng tha”.

    Ấn tượng Bảy Bạch

    Ngay từ hồi mới chuyển từ Trường Viết văn Nguyễn Du về làm ký giả kịch trường cho Tạp chí Sân khấu năm 1977, hai vị tổng, phó tổng thư ký của tạp chí này: thi sĩ Lưu Trọng Lư và nhà viết kịch Xuân Trình đã yêu cầu tôi phải “công du” Sài Gòn đặng tìm hiểu, phản ánh tình hình sân khấu của thành phố này. Và phải đến “trình diện”, đối thoại với một nhân vật sân khấu Nam bộ rất đặc biệt: đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch – vốn là Trưởng Đoàn Cải lương Nam bộ, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Trưởng Đoàn Kịch nói Nam bộ, từ trước năm 1975 ở Hà Nội.

    Khi tôi võ vẽ theo nghề bình luận kịch trường thì ông đã kịp trở về TP.HCM sau năm 1975, làm Trưởng Đoàn Kịch Cửu Long Giang (vốn có gốc gác từ Đoàn Kịch nói Nam bộ ở Hà Nội). Sau đó, ông trở thành Phó Tổng thư ký Hội Sân khấu TP.HCM, rồi Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM.

    Đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch.

    Cuốn sách đã tập hợp và tinh tuyển những bài biết của chính Bảy Bạch theo dọc dài năm tháng cống hiến cho sân khấu. Bốn mươi năm, kể từ cột mốc lịch sử tháng 8.1945 cho đến khi ông về cõi tháng 10.1985. Kỷ niệm của tôi với ông đã rơi vào đoạn đời rực rỡ và “hiệp sĩ” nhất của ông – là ở Đoàn Kịch Cửu Long Giang, đoàn kịch căn cơ, lớn nhất, “đổ bộ” từ Hà Nội về quê hương Nam bộ sau bao nhiêu năm “ngày Bắc đêm Nam” của trưởng đoàn Bảy Bạch khi ông lên tàu tập kết ra Bắc.

    Khi tôi được gặp ông lần đầu tại TP.HCM, ông nở nụ cười hồn hậu, gọi tôi thân thương theo cách Nam bộ, là “con nhỏ Hà Nội ký giả kịch trường”. Ông giới thiệu lịch sử Đoàn Kịch Cửu Long Giang, mời tôi xem vở diễn hay nhất của đoàn, giúp tài liệu và đối thoại với tôi về các vai diễn xuất sắc nhất của dàn diễn viên: Văn Thành, Tú Lệ, Thương Tín, Thành Trí, Minh Trí…

    Rất may mắn là Bảy Bạch sau bao năm cống hiến ở vai trò lãnh đạo nhà hát, đoàn hát, và sau bao năm thử nghiệm ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn sân khấu, ông đã “lận lưng” được một nghề rất căn cơ, vốn đã là tảng nền của sân khấu hiện đại, đó là nghề đạo diễn – tác giả của vở diễn.

    Ông Bảy Bạch vô cùng yêu mến và quan tâm đến người xem và thị hiếu thẩm mỹ của họ ở vùng văn hóa phương Nam này. Ông hiểu rõ rằng khán giả còn thì sân khấu còn. Khán giả quay lưng thì sân khấu mất trắng. Song, muốn sân khấu còn, nhất là sân khấu thể loại kịch hiện thực xã hội chủ nghĩa vẫn còn rất mới mẻ, thì nhất quyết phải đề cao tính tư tưởng, tính giáo dục cho vở diễn. Và điều này, phụ thuộc trước hết vào người đạo diễn – tác giả của vở diễn. Vở diễn là phải diễn trên sân khấu cho người xem. Muốn diễn, thì phải có ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn, trên cơ sở kịch bản hay, thì mới có vai kịch hay cho diễn viên sắm vai. Và phải có cái diễn thì mới có cái để xem.

    Đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch với các nghệ sĩ cải lương Sài Gòn.


    Cho nên, với tư cách một đạo diễn tự học, tự xây cất ngôn ngữ dàn dựng bằng nghiệm sinh trong thực tế hành nghề, Bảy Bạch đặc biệt yêu quý những đạo diễn người Nam bộ được đào tạo ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa như Thành Trí, Bạch Lan, Đoàn Bá, Minh Trị, Ca Lê Hồng, Huỳnh Nga… Khi làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin kiêm trưởng phòng nghệ thuật, ông phát hiện và mời Minh Trị, Minh Quân, Văn Thơm làm phó phòng, với linh cảm của người quản lý tài giỏi rằng đã giao việc đúng người. Mà đúng người đúng việc thật. Công việc cứ chạy ro ro như không cần người “bẻ lái”.

    Cha - con và hai ngả đường

    Xem phụ lục của cuốn sách này, với cái tên Nhớ người ra đi, mới thấu suốt rằng bạn bè sân khấu và người thân của Bảy Bạch đã thấy thiếu vắng khi ông dứt áo ra đi khỏi cõi trần ai này, kinh khủng đến thế nào. May mắn nhất là ông còn để lại những chữ và chữ mà ông đã ghi chép miệt mài, ròng rã suốt 40 năm sống chết vì nghề.

    Và ông đã để lại giữa đời một sản phẩm cũng thật đẹp dù không phải là sản phẩm sân khấu: tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, tưởng chẳng liên hệ gì đến nghề sân khấu của cả đời ông Bảy. Cha và con đã không đi chung đường nghệ thuật dù ông Bảy rất cưng chiều con gái út Nguyễn Thị Hậu.

    Gia đình đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch ở Hà Nội năm 1973 (TS. Nguyễn Thị Hậu đứng bìa phải).

    Người chính gốc An Giang, ông vẫn giữ giọng Nam bộ khi tập kết, ở Hà Nội hàng hai mươi năm, có thể thay giọng Bắc để giao tiếp với người Bắc, nhưng ông vẫn giữ chắc giọng Nam và cách nói Nam bộ, khi khen tôi: “Con nhỏ Hà Nội lanh trí, thạo nghề ký giả kịch trường”, làm tôi thấy thú vị đáo để. Nguyễn Thị Hậu trưởng thành trong vòng tay cha êm đềm, không bị “chỉ định” phải nói giọng Nam, càng không bắt phải theo nghề cha. Cô cứ lanh lảnh giọng Hà Nội như chuông và báo tin cho cha biết đã thi đỗ Khoa Diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 TP.HCM. Ông Bảy nghiêm nghị, lập tức mời con gái “đối thoại sân khấu”, và đơn giản chỉ bảo: muốn làm nghề diễn viên sân khấu thì phải có tài năng, nhất thiết phải có tài năng mới làm được.

    Hậu nghĩ: “Cha nói phải củ cải cũng nghe”.

    Hậu nghe lời cha, thi vào Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM và được giữ lại trường giảng dạy. Và sau đó được giáo sư Trần Quốc Vượng hướng dẫn, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khảo cổ học. Ông Bảy mừng hết biết trước thành công của con gái út với lời lẽ không thể giản dị và hạnh phúc hơn: “Rồi con cũng nối tiếp được nghề dạy học của cha, dạy tiểu học hay đại học thì cũng là người thầy con à”. Sau ngày mất cha, Hậu và má cùng chị em trong gia đình bị hẫng hụt, chênh vênh trong một thời gian dài, không thể nào nguôi.

    Gia đình Hậu vẫn như trước khi cha mất, mâm cơm gia đình vẫn dành cho ba một đôi đũa, một cái chén và mọi người vẫn như có ý ngóng chờ ba về ăn cơm nhà… Hậu nghĩ trong nước mắt rơi ngược vào lòng: Ba cô – Bảy Bạch đã sống đời giản dị của một người cộng sản, đẹp như thế và đến thế…

    PGS-TS. Nguyễn Thị MinhThái - Ảnh: TLGĐ

    https://nguoidothi.net.vn/nho-bay-bach-luc-van-tien-cua-san-khau-nam-bo-33888.html?fbclid=IwAR2p0-_FV1ppr_expDZSHRejkCOMtwZKhQ3XRlx5kwaAqrcY7ptSz_7CZJM

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

      Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...