Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu
Thế là thành phố bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường sau ba tuần “dãn cách xã hội”. Thực tế gần một tháng qua người thành phố gần như bị cách ly khỏi sinh hoạt hàng ngày: không đến công sở, không cà phê ăn sáng tụ tập nơi quán xá, gần như không bước chân ra khỏi nhà... Đường phố còn thông thoáng hơn cả mấy ngày tết, thỉnh thoảng vài chiếc xe máy chạy vội vã, ngay cả ban đêm mặt người cũng kín mít khẩu trang.
Thế nhưng nhờ internet người ta không bị “cách ly” khỏi xã hội. Tin tức về tình hình dịch bệnh được báo chí thường xuyên cập nhật, những hoạt động thiện nguyện qua facebook nhanh chóng phổ biến và lan rộng... Người ta vẫn thường xuyên hỏi thăm nhau dù cách đến nửa vòng trái đất, vẫn trao đổi thậm chí tranh luận những chuyện ở tận bên Tây, rồi cãi nhau vì những vụn vặt đời thường... Cuộc sống “trên mạng” vẫn tiếp diễn và còn sôi động hơn trước, chắc vì người ta rảnh hơn.
Nhưng, dẫu được nghỉ ngơi, tạm xa những bận rộn thường nhật thì người ta vẫn mong cuộc sống trở lại bình thường. Sự trì trệ của xã hội vì dịch bệnh - ít hay nhiều, trước mắt hay lâu dài – đều ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Vì vậy, khi tình hình bệnh dịch lắng xuống thì thành phố được trở lại sinh hoạt bình thường, dù chưa phải tất cả. Từ sáng sớm ngoài đường đã có tiếng còi xe, công viên xuất hiện những người đi tập thể dục, các ngõ hẻm sáng ánh đèn từ những ngôi nhà, tiếng mở cửa, tiếng nói chuyện vang lên... Không gian sống động, không còn sự vắng lặng như những ngày trước.
Trên nhiều đường phố các quán ăn sáng như phở, hủ tíu, bánh cuốn... đã đông khách, vài tiệm cà phê lớn chưa mở cửa đón khách nhưng đã thấy nhân viên đến quét dọn sắp xếp bàn ghế... Nhiều quán vẫn nguyên tờ giấy dán ở cửa: quán bán hàng mang về nhà. Tiệm cắt tóc gội đầu nhộn nhịp ra vào, nhất là mấy tiệm dành cho nam giới. Nhiều công sở nhân viên bắt đầu đến làm, trên đường, trong quán mọi người vẫn mang khẩu trang. Tuy vậy ở trung tâm thành phố còn vắng vẻ. Vài ngày nữa khi tất cả các hoạt động trở lại bình thường thì nơi này sẽ như “người đẹp” được “chàng hoàng tử” đánh thức và hồi sinh, “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi” trong sự nhộn nhịp sôi động của nó.
Tuy vậy những cuộc trò chuyện khi gặp nhau hay trên mạng vẫn chưa hết lo âu khi ở nhiều nước dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, nếu “mở cửa” sớm liệu dịch có lại bùng phát như hồi tháng ba? Trong nước người nghèo khó chưa thể gượng dậy sau những ngày không việc làm không thu nhập, sự giúp đỡ của cộng đồng cũng chỉ là tạm thời trong lúc ngặt nghèo... sắp tới sẽ ra sao? Sáng đi chợ tôi nghe mấy chị bán hàng nói chuyện với nhau: “không biết bữa nay cho bán vé số lại chưa, để tui mua giùm bà già hay đi bán gần nhà tui, tội nghiệp hổm rày hai bà cháu đi đâu không biết.”. Chị khác nói: “Ờ, xóm tui có mấy nhà từ ngoài Trung vô làm “thợ đụng”, mấy tuần nay may có cây ATM gạo gần đó nên đỡ đói, nhưng họ chỉ mong có việc đi làm, chớ sống nhờ hoài, ai muốn...”
Ngày mới có niềm vui “hết cách ly” thì lại có nỗi buồn vì vụ tham nhũng ở CDC Hà Nội trong việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống cúm covid-19. Tại sao họ có thể làm điều vô lương tâm ngay vào thời điểm chính phủ lo từng đồng cho chống dịch chữa bệnh, xã hội góp từng ký gạo cứu đói người nghèo... Sự việc đã được phát hiện và xử lý nhưng làm gợn lên một câu hỏi, còn có nơi nào nữa như CDC Hà Nội?
“Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên...”. Bốn mươi lăm năm trước một ngày cuối tháng Tư chiến tranh đã chấm dứt, đất nước hòa bình non sông một dải trở thành sự thật. Tháng Tư này, khi chúng ta đang phải đương đầu chống dịch bệnh thì “ông bạn” láng giếng lại tiếp tục gây hấn trên biển Đông – lãnh hải thiêng liêng từ bao đời của Tổ quốc. Bài ca không quên lại vang lên trong mỗi chúng ta.
Báo THANH NIÊN 26.4.2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét