'Nên đặt trước công đường cái trống hơn là tượng vua Lý'

TTO - Về sự kiện Tòa án nhân dân tối cao chọn tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý của Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM - vừa có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Online.

* Việc chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý và sẽ dựng tượng tại công sở ngành tòa án, theo chị, chứa đựng những ý nghĩa thế nào về lịch sử, văn hóa?
- Các khái niệm như công lý, tự do, bình đẳng... hầu như được du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 với nền văn hóa Pháp, đi cùng với nó là các thiết chế luật pháp như tòa án, việc xét xử các cấp...
Có thể nói đây là những khái niệm "quốc tế" nên biểu tượng của nó cũng mang tính quốc tế và phổ biến từ lâu.
Nhân vật dùng làm biểu tượng thường là "phiếm chỉ", qua hình tượng nghệ thuật (điêu khắc, hội họa) để thể hiện tư duy và hành vi vô tư, khách quan vì công lý, tự do, bình đẳng... Vị thần công lý tay cầm cân nhưng bịt mắt là một biểu tượng như vậy.
Những biểu tượng văn hóa này đều mang hai chiều kích không gian (phổ biến khắp nơi không phân biệt quốc gia, thể chế...) và thời gian (có giá trị qua nhiều thời đại, thậm chí vĩnh cửu) bởi vì sự nhân văn mang giá trị nhân loại.
Do vậy, trong giai đoạn nước ta hội nhập với thế giới, nhất là hội nhập về hệ thống luật pháp và những thiết chế của nó, việc sử dụng một nhân vật lịch sử Việt Nam như vậy thể hiện tính "đặc thù", làm hạn chế việc tiếp nhận giá trị toàn cầu của lĩnh vực quan trọng này.
Muốn "làm bạn với thế giới" thì cần bỏ bớt những đặc thù mang tính lịch sử riêng biệt, bởi chính nó hạn chế tầm nhìn và sự hòa hợp với thế giới.
* Vua là người đứng đầu nhà nước phong kiến, khái niệm công lý của nhà nước phong kiến so với cách hiểu công lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có chỗ tương đồng như thế nào để chúng ta dựng tượng vua Lý?
- Vua Lý Thái Tông là một vị vua có nhiều công đức và phẩm hạnh. Hai "thành tích" quan trọng mà sử sách ghi chép về ông là vị tướng giỏi trong các cuộc chiến tranh với láng giềng (Lào, Champa) và dẹp loạn ("tam vương") trong nước.
Như vậy, trong vai trò một vị đế vương thì củng cố hệ thống luật pháp chỉ là một trong những việc làm của vua Lý Thái Tông bên cạnh rất nhiều những hành xử khác nhằm mang lại lợi ích cho quốc gia và dòng tộc.
Việc vua Lý Thái Tông ban Hình Thư là một biểu hiện cụ thể của việc "trị nước" không chỉ để hướng dẫn xét xử mà còn để giáo hóa ý thức pháp luật cho quan lại và dân chúng thời ấy.
Nếu chọn ông làm biểu tượng đại diện cho cơ quan thi hành công lý thì chưa thật phù hợp, bởi vì ông là vị vua của thế kỷ XI với nền hành pháp còn khá sơ khai, đơn giản, không phức tạp và vô cùng khó khăn như hiện nay.
Chưa kể quan niệm về vai trò của nhà vua trong xã hội phong kiến là có quyền sinh sát tuyệt đối với "dân đen", có quyền ban "thượng phương bảo kiếm" cho người thay mặt mình xử tội mà không cần xem xét... Hai ý nghĩa đó ngày nay không còn phù hợp nữa.
* Vậy trong chuyện dựng tượng vua để làm biểu tượng công lý rồi phổ biến khắp các tòa án cả nước như thế này có cần lưu ý tránh lãng phí hay không?
- Tôi cho rằng việc dựng tượng đài ở các trụ sở tòa án các cấp, các địa phương hiện nay là lãng phí như nhiều vụ việc xây dựng tượng đài khác.
Chưa kể ba hình mẫu đưa ra chưa thuyết phục về tính nghệ thuật - bởi vì từ một nhân vật lịch sử cụ thể kết hợp với ý nghĩa của một khái niệm hiện đại nên thật khó mà đạt được tính biểu tượng như mong muốn.
Nếu cần nêu cao ý nghĩa công lý của cơ quan tòa án, có lẽ nên đặt trước mỗi công đường một cái trống - biểu tượng của sự minh bạch khi người dân có thể đến "kêu oan" và được kịp thời xem xét - mà trong lịch sử nước ta đã từng có. Tiết kiệm hơn đồng thời mang tính truyền thống!
LAM ĐIỀN thực hiện, Tuổi trẻ online ngày 27/4/2020
Ba mẫu phác thảo tượng Lý Thái Tông Dự kiến tượng được đúc bằng đồng đỏ, kích thước chiều cao của tượng đặt tại trụ sở TAND tối cao là 5,3m. Sau khi tổ chức lấy ý kiến, một số chuyên gia pháp lý đã cho rằng việc TAND tối cao tự ý lựa chọn biểu tượng công lý là tùy tiện. Chưa kể việc đúc tượng để trưng bày trên toàn bộ hệ thống tòa án cả nước sẽ gây ra sự lãng phí không cần thiết… (theo báo TT)
Dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý và xét xử ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...