Số phận các di chỉ khảo cổ học: Trách ai vì những vụn vỡ này?


1. Trong sự phát triển bảo tàng học hiện đại có xu hướng “bảo tàng hóa di sản văn hóa”. Theo nghĩa rộng đó là bảo tồn và phát huy tất cả các di sản văn hóa (động sản và bất động sản) đã bị/được đưa ra khỏi môi trường tồn tại ban đầu (di chỉ, di tích khảo cổ) và đặt trong một môi trường nhân tạo do con người tổ chức ra - đó là các bảo tàng. Còn theo nghĩa hẹp đó là một phương án tối ưu và hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngay trong môi trường sinh thái nhân văn, nơi di sản văn hóa được sáng tạo ra và đang tồn tại gắn bó với cộng đồng cư dân là chủ thể của những di sản văn hóa ấy.
Xu hướng này được cụ thể hóa bằng việc xây dựng các “bảo tàng tại chỗ” bao gồm chứng tích của môi trường tự nhiên, của con người  hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt... do một cộng đồng/nhóm cư dân cổ tạo nên trong một bối cảnh tự nhiên – xã hội ở một trình độ nhất định. Chính vì vậy mà di vật từ những di chỉ khảo cổ học thời tiền sử là hiện vật trưng bày không thể thiếu trong các bảo tàng lịch sử xã hội ở vùng miền, quốc gia, đồng thời ý nghĩa quan trọng và giá trị cao hơn nếu được bảo tồn và xây dựng thành “bảo tàng tại chỗ”, vì thông qua những gì cộng đồng dân cư cổ đại để lại (cấu trúc di chỉ, công cụ lao động sản xuất, vật dụng sinh hoạt, tàn tích thức ăn, di cốt người, động vật…) cộng đồng dân cư hiện nay có thể nhận biết điều kiện sống và kỹ thuật sản xuất cùng với sự thích nghi với môi trường tự nhiên của người xưa. Qua đó là lịch sử một vùng đất, một cộng đồng được tiếp nối lâu dài.
Quá trình đô thị hóa đã và đang làm cho nhiều di tích lịch sử văn hóa – đặc biệt là các di chỉ khảo cổ học - bị xâm phạm và hủy hoại. Thực trạng đã gióng lên những hồi còi báo động khẩn cấp nhưng... phổ biến đến mức trở nên bình thường! Vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là quản lý di sản văn hóa đã phản ánh tư duy và trách nhiệm của họ hiện nay không còn đáp ứng và không phù hợp với công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cùng với đó những bất ổn trong quy hoạch đất đai trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và những chính sách kèm theo cũng là “thủ phạm” đã hủy hoại hàng loạt di chỉ khảo cổ học và nhiều công trình di sản văn hóa.

2. Hàng chục năm trước đây di chỉ khảo cổ học nổi tiếng Bình Đa (thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai) cũng đã “biến mất” do nhu cầu đô thị hóa. Từ những năm 1978-1980 di chỉ này đã được khai quật và phát hiện nhiều tư liệu mới về văn hóa khảo cổ Đồng Nai. Tại đây tìm thấy hàng ngàn công cụ đá, đồ gốm, đặc biệt là việc phát hiện bộ đàn đá Bình Đa ngay trong địa tầng cho thấy đàn đá được cư dân cổ chế tác tại chỗ cách đây trên 2.500 năm. Qua đó phản ánh đời sống cư dân thời nguyên thủy thuộc văn hóa khảo cổ Đồng Nai khá phong phú về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên di chỉ này dù có giá trị quan trọng như vậy nhưng trong thập niện 1980 cũng phải khai quật nhiều lần nhằm “giải tỏa” nhường chỗ cho “đô thị hóa” và nay đã trở thành một phường đông đúc của thành phố Biên Hòa.
Đấy là di chỉ khảo cổ dưới lòng đất khi phát hiện và khai quật còn chưa được xếp hạng di tích, còn có di tích tồn tại sừng sững trên mặt đất cũng không thoát khỏi số phận bị phá hoại. Đó là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi niên đại khoảng thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Trải qua hơn hai mươi năm từ khi khai quật và làm hồ sơ xếp hạng (1998), di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi đã thành “phế tích, tàn tích”. Giá trị của di tích đã giảm đi rất nhiều do không được bảo tồn, trùng tu, bị người dân lấn chiếm và ngăn cản, gây khó khăn cho việc tham quan, tìm hiểu nghiên cứu… Di tích bị hư hỏng sụp đổ nặng nề và mới hồi giữa năm 2019, do tránh chấp đất đai kéo dài chưa được giải quyết, người dân đã thuê xe ủi san phẳng, xóa sổ hoàn toàn dấu tích duy nhất còn lại của “xóm Lò Gốm” nổi tiếng của đô thị Sài Gòn.
Gần đây nhất ngay trong tháng 10 và 11/2019 truyền thông dồn dập lên tiếng về việc di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội) bị xâm phạm nghiêm trọng mặc dù vừa được khai quật khẩn cấp, nhưng ngay sau đó việc xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch đã xâm phạm vào khu vực di tích khảo cổ học, thậm chí làm ảnh hưởng đến các hố vừa khai quật còn đang được tiếp tục nghiên cứu.  
Đây là di chỉ khảo cổ học có niên đại và giá trị về văn hóa - lịch sử vô cùng quý hiếm, có thể nói độc nhất vô nhị của Hà Nội. Những di tích, di vật thu được trong những đợt thăm dò, khai quật từ nhiều năm trước đã minh chứng rõ nét nhất cho quá trình cư trú, các sinh hoạt thường nhật và tình trạng sản xuất các ngành nghề thủ công như đúc đồng, chế tác đồ đá, đồ gỗ, đồ gốm, đan lát, dệt vải… của cộng đồng cư dân cổ di chỉ Vườn Chuối qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Đợt thăm dò, khai quật mới nhất gần đây phát hiện thêm di tích mộ táng, vết tích bếp, lò nấu đồng, hố chôn cột, hố đất đen, dải gốm đất nện, cụm gốm, nhiều vết tích thực vật, hiện vật tre, gỗ và nhuyễn thể nằm dưới đáy ao hồ cổ, tàn tích động thực vật... Trong đó đáng chú ý là việc phát hiện 10 mộ táng thời Đông Sơn được chôn cất trong các giai đoạn khác nhau phân bố đậm đặc trong một phạm vi chưa đầy 30m2 ở di chỉ Vườn Chuối. Tất cả những tài liệu thu được từ đợt thăm dò, khai quật di chỉ Vườn Chuối lần này và tư liệu từ các đợt khai quật trước đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cư dân Tiền Đông Sơn - Đông Sơn trong một môi trường sinh thái cụ thể đồng thời có tính tiêu biểu cho không gian văn hóa tiền sử ở khu vực cao đồng bằng Bắc bộ.
Giá trị và ý nghĩa quan trọng của di chỉ Vườn Chuối ở chỗ, đây là một trong số rất ít các di tích có sự phát triển liên tục qua nhiều văn hóa khảo cổ từ Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, góp phần củng cố những bằng chứng của quá trình lịch sử lâu dài và liên tục của đất nước, trong đó vùng đất Hà Nội cổ có một vị trí đặc biệt quan trọng. Do đó cụm di chỉ Vườn Chuối xứng đáng được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa và xếp hạng là di tích khảo cổ học của thành phố Hà Nội.

3. Ba trường hợp kể trên là đều ba di tích khảo cổ học nổi tiếng, có niên đại khác nhau nhưng đều được đánh giá cao về giá trị khoa học và ý nghĩa lịch sử đối với địa phương và cả nước. Sự hủy hoại các di tích này đều có thể thấy từ một nguyên nhân chung: quá trình đô thị hóa ở địa phương mà cụ thể là khu vực có di tích đã tác động trực tiếp làm cho di tích “biến mất”.
Trường hợp di chỉ Bình Đa ở tỉnh Đồng Nai từ cuối thế kỷ 20 chính là tình trạng hiện nay ở các địa phương. Rất nhiều nền văn hóa khảo cổ được phát hiện, khai quật từ thập kỷ 1970 cho đến cuối thế kỷ 20 nhưng cho đến nay đi khảo sát lại thì nhiều di chỉ đã không còn dấu tích.  Tháng 10/2019 tại Hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”, theo khảo sát của Viện Khảo cổ học thì sơ bộ vào năm 2000 có trên 1.000 di tích thời Đông Sơn, nhưng chỉ ít năm sau đó, tình trạng bảo tồn các di tích trở nên đáng báo động: Đầu năm 2019 đã mất trên 50% di tích thuộc thời đại này. Riêng Phú Thọ, Vĩnh Phúc các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương mất tới 90%, nghĩa là gần như bị phá hủy hoàn toàn. Giới khảo cổ cũng nhấn mạnh, có những di tích mà nếu giữ được thì xứng tầm di sản thế giới như di tích Phùng Nguyên ở Phú Thọ là di tích lớn, mở đầu cho thời kỳ tiền Hùng Vương; di tích Đông Sơn ở Thanh Hóa là chứng minh cho đỉnh cao của văn hóa Đông Sơn thời các Vua Hùng. “Một vài thập kỷ không xa, nếu cứ đà “bảo vệ” như thế này các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương cơ bản không còn tồn tại trên đất nước ta...”, PGS.TS Tống Trung Tín Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN nhấn mạnh. Có nghĩa là những chứng tích của thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước đầu tiên không còn nữa.
Còn trường hợp Lò gốm cổ Hưng Lợi lại là một điển hình về sự vô trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo tồn di sản văn hóa, cả từ góc độ ngành văn hóa là Sở Văn hóa Thông tin và quản lý địa phương là quận 8. Ngay từ khi được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1998 đã có sự tranh chấp về nguồn gốc phạm vi của di tích giữa chính quyền quận 8 và một số hộ dân là lớp người đầu tiên đến đây khai phá, cư trú quanh khu lò gốm cổ từ giữa thế kỷ 20. Từ đầu những năm 2000 khu vực phường 16 quận 8, nơi có di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi, phát triển đô thị hóa rất nhanh chóng, giá đất tăng chóng mặt, quanh di tích mọc lên hàng loạt khu nhà mới... Việc tranh chấp khu vực di tích càng trở nên gay go. Do không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để giải quyết nhanh chóng và triệt để nên di tích ngày càng bị “bao vây, cô lập”, thậm chí bị “xẻ thịt” do người dân xây nhà mới thường xuyên đến đây phá di tích để lấy xà bần về đắp nền móng. Và đỉnh điểm là việc di tích bị san phẳng không thể cứu vãn được nữa!
Cùng loại hình di tích khảo cổ trên mặt đất còn có các ngôi mộ cổ hoặc những công trình kiến trúc tuổi đời trên một trăm năm, thậm chí cả những hàng cây cổ thụ là hệ sinh thái không thể thiếu được trong đô thị -  cũng bị bị di dời, phá hủy phục vụ nhu cầu đô thị hóa, nhu  cầu hiện đại hạ tầng giao thông...
Còn với di chỉ Vườn Chuối, chính vì khu vực Vườn Chuối gồm ba gò:Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng nằm trong phạm vi dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư, trong đó phía Tây gò Vườn Chuối lại nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch vành đai 3,5 của thành phố. Việc chủ đầu tư khu đô thị mới tiến hành san lấp và xâm hại khu di chỉ không phải mới gần đây, nhưng chỉ đến khi di chỉ xuất lộ cả mộ táng, các di vật vung vãi khắp nơi, có cả hiện tượng đào trộm lấy cổ vật... thì người dân đã phải lên tiếng và qua truyền thông, cấp quản lý cao nhất về di sản văn hóa là Bộ Văn hóa Thông tin mới “khẩn trương vào cuộc”. Tuy nhiên, sự tích cực của ngành văn hóa và các nhà khảo cổ học chưa đủ để cứu vãn di chỉ quý giá này, mà cần phải có cả sự “vào cuộc khẩn trương” của thành phố Hà Nội vì chính sự bất cập trong quy hoạch đô thị và giao thông đã khiến số phận của một di sản đang bị bào mòn và có thể mất vĩnh viễn nếu không khẩn cấp bảo vệ.

4. Đặt trong bối cảnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì thực trạng phá hủy di sản văn hóa nói chung và di tích khảo cổ học nói riêng ở các địa phương (nông thôn cũng như đô thị) là sự phản ánh mâu thuẫn giữa “bảo tồn và phát triển”. Mặc dù Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đều lấy “phát triển bền vững” làm mục tiêu nhưng không nhờ thế mà mâu thuẫn này được giảm nhẹ nmà ngược lại, ngày càng gay gắt. Không thể không nhận thấy lợi ích có được từ đất đai thông qua sự lợi dụng, lạm dụng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị hóa... là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phá vỡ quy hoạch và hàng loạt bất ổn trong xã hội. Vậy phải bắt đầu từ đâu để giảm thiểu tình trạng này?

Vẫn phải bắt đầu từ một chính sách quan trọng ở địa phương, đó là việc xây dựng và triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm, 10 năm với tầm nhìn xa hơn. Trong đó, phải xây dựng quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa phải được coi trọng và đặt  tầm quan trọng ngang với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời phải được ưu tiên, dành điều kiện thuận lợi và phù hợp để triển khai, đi trước, làm cơ sở cho việc quy hoạch các khu đô thị hoặc khu công nghiệp. Qua khai quật, khảo sát sẽ đánh giá được giá trị của từng di chỉ, di tích và có phương án nghiên cứu hay bảo tồn phù hợp nhằm mục tiêu vừa đạt kết quả về khoa học vừa phục vụ sự phát triển của địa phương. Do đó tầm nhìn của chính quyền địa phương, sự phối hợp liên kết giữa các cơ quan quản lý có liên quan (văn hóa, tài nguyên môi trường, quy hoạch, xây dựng, luật pháp, chính sách...) là điều kiện đầu tiên để quy hoạch bảo tồn di sản được thực hiện.
Quy hoạch bảo tồn di sản thông qua các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản trong nhiều năm gồm: triển khai chương trình khảo sát hệ thống, loại hình di sản văn hóa, hệ thống di tích khảo cổ học dưới và trên mặt đất; Khai quật nghiên cứu các di chỉ khảo cổ học... Từ đó có kế hoạch xây dựng bảo tàng tại chỗ đối với những di tích có giá trị khoa học to lớn, có khả năng chuyển đổi từ “giá trị di sản” thành “tài nguyên di sản”, với những di tích khác thì thu thập hiện vật tài liệu trưng bày tại các bảo tàng. Có như vậy mới tránh được tình trạng phá hủy di tích bừa bãi di tích hoặc phải “khai quật chữa cháy” để cứu vãn di tích. Quy hoạch bảo tồn di sản sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời nâng cao hiểu biết của cộng đồng về ý nghĩa về lịch sử - văn hóa của mảnh đất nơi mình đang sống.
Tuy nhiên, ý thức của chính quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý di sản ở địa phương là yếu tố cực kỳ quan trọng: đó là thường xuyên cùng với các nhà khoa học tuyên truyền giải thích cho cộng đồng về giá trị di tích, kiểm tra, ngăn ngừa sự phá hủy di tích, kịp thời bảo vệ di tích, chủ động đề xuất giải pháp phù hợp với thực trạng bảo tồn di sản văn hóa. Đồng thời, chính quyền địa phương còn đóng vai trò chủ yếu để tác động lên cấp quản lý cao hơn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bằng việc xây dựng, sửa đổi những chính sách “từ trên xuống” nhưng phải được xây dựng  bằng tri thức thực tiễn “từ dưới lên”.

Nguyễn Thị Hậu
Sài Gòn 18.11.2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...