CẢNH QUAN ĐÔ THỊ SÀI GÒN – ĐƯỜNG TÔN ĐỨC THẮNG

Nguyễn Thị Hậu

Cảnh quan đô thị là một khái niệm rộng bao gồm các yếu tố cảnh quan tự nhiên (sông nước, địa hình, thảm thực vật tự nhiên…) và cảnh quan nhân văn (gồm quy hoạch, kiến trúc…), cùng với đó là các hoạt động xã hội có tác động và ảnh hưởng đến cảnh quan như thương mại, dịch vụ… Cảnh quan đô thị khu vực trung tâm luôn được coi là tiêu biểu, điển hình, đặc trưng cho lịch sử phát triển đô thị, đồng thời phản ánh thái độ của cộng đồng và chính quyền đô thị đối với lịch sử và văn hóa của đô thị đó.
Đặc điểm cảnh quan đô thị Sài Gòn, theo ý nghĩa trên, gồm 3 yếu tố là: 1/ đô thị sông nước (kinh tàu Hũ, Kinh Đôi, Kinh Tẻ, sông Bến Nghé, Rạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè…); 2/đô thị kiểu phương tây (Các tuyến đường chính vuông góc hoặc song song với các con kinh rạch quan trọng tạo thành ô bàn cờ, khu vực trung tâm từng ô phố có chức năng chủ yếu như hành chính, thương mại dịch vụ, cư trú… đi cùng với đó là các kiểu kiến trúc phù hợp); và 3/ đô thị đa dạng văn hóa (có thể nhận biết các yếu tố văn hóa Việt – Hoa – Khmer, Pháp… trong di sản văn hóa vật thể và phi vật thể).
Cảnh quan kiến trúc khu vực Đồng Khởi – Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi – Lê Thánh Tôn hội tụ đầy đủ cả ba yếu tố trên: sông nước, cây xanh, đường lớn, nhà đẹp, và là khu vực lâu đời nhất của đô thị Sài Gòn thời Nguyễn (Thành Gia định 1790) và thời Pháp (từ giữa thế kỷ XIX). Đây là “tâm” của khu vực trung tâm thành phố (quận 1 và một phần quận 3).
Đường Tôn Đức Thắng là một trong những tuyến cảnh quan điển hình này. Đây là con đường với cảnh quan bờ sông “trên bến dưới thuyền” dọc bến Bạch Đằng, điểm bắt đầu của các con đường lớn từ bờ sông đến khu trung tâm (Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi). Trên con đường này có di tích Cột cờ Thủ Ngữ, có bến đò Thủ Thiêm nổi tiếng một thời, có tòa nhà trụ sở Hải Quan, khách sạn Majestic, khách sạn Riverside, công trường Mê Linh và tượng danh tướng Trần Hưng Đạo, Doanh trại Hải quân, công xưởng Ba Son, Các công trình tôn giáo như Đại chủng viện Thánh Jyse, Dòng kín Cát Minh, Tu viện Thánh Phaolo… Đặc biệt những hàng cây xanh hơn trăm năm trên đoạn đường này cũng như ở các con đường nhỏ gần đấy như Nguyễn Du, Nguyễn Trung Ngạn, Đồn Đất… làm nên một khoảng xanh rất đặc trưng “Sài Gòn”. Nó hòa hợp tuyệt vời với những công trình tôn giáo còn khá nguyên vẹn ở đây, tạo nên không khí trầm mặc, bình yên, cổ kính giữa một đô thị sôi động đêm ngày.
Dưới lòng đất đường Tôn Đức Thắng còn ẩn chứa nhiều di tích khảo cổ học của cảng thị Bến Nghé. Những năm 1990 - 2000 khi một số công trình bắt đầu xây dựng trên đoạn đường này, Bảo tàng lịch sử TPHCM đã khảo sát tại đây và thu tập được những sưu tập gốm sứ độc đáo, có nguồn gốc từ nhiều nơi, nhiều loại hình kiểu dáng, từ lò quan đến lò bình dân…
Với lịch sử hình thành lâu đời và những di sản văn hóa trên mặt đất, dưới lòng đất như vậy, đường Tôn Đức Thắng mang đặc thù của cảnh quan trung tâm đô thị Sài Gòn, cần thiết phải được bảo tồn và hết sức cân nhắc khi “can thiệp” vào khu vực này. Việc xây cầu Thủ Thiêm từ con đường này chắc chắn sẽ phá hủy cảnh quan và ảnh hưởng lớn đến những công trình kiến trúc ở đây, cũng đồng nghĩa với việc xóa bỏ một phần lịch sử đô thị Sài Gòn!
Nói đến cảnh quan đô thị là nói đến văn hóa đô thị, không chỉ là những thiết chế văn hóa mà còn là lối sống thị dân, với nghĩa vật chất và ý nghĩa tinh thần của khái niệm “sống”. Chính vì vậy trong những tiêu chí đánh giá “đô thị đáng sống” thì cảnh quan đô thị luôn là một tiêu chí quan trọng. Các quốc gia phát triển trên thế giới hiện nay đều coi việc bảo vệ, bảo tồn cảnh quan đô thị như là một nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền đô thị.
Trình độ dân trí và “quan trí” ở một đô thị, có thể nhận biết một cách khá chính xác, bằng thái độ ứng xử và việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị. Bởi vì một đô thị văn minh không chỉ có phương tiện giao thông, công trình hiện đại mà còn có và cần phải có cả chiều sâu lịch sử văn hóa.
(Người Đô Thị tháng 9/2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...