Vài ý kiến về lễ hội

(Tuổi trẻ 31/1/2012)

Lướt qua lịch tháng Giêng ta thấy lễ hội dân gian dày đặc. Ý nghĩa của Lễ chủ yếu là tưởng nhớ người có công với làng xóm, với đất nước, nhắc nhớ những phong tục tốt đẹp; phần Hội là vui chơi giải trí nhưng cũng lồng vào đó sự “truyền đạt kinh nghiệm” về làm ăn, thi sự khéo léo giỏi giang, sức khỏe, ẩm thực… Xưa kia lễ hội thường mang đặc trưng riêng của từng làng/ liên làng (hội làng), do đó nó được gìn giữ bảo tồn bởi chính cộng đồng “làng” do nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, do nhu cầu vui chơi, do cộng đồng tổ chức và thực hiện, tham gia từ Lễ đến Hội, vai trò của chính quyền “xã, huyện, tỉnh” rất mờ nhạt.

Từ khoảng mươi năm nay “nở rộ” việc phục hồi và khuếch trương cả về quy mô và ý nghĩa nhiều lễ hội xưa. Sự phục hồi và khuếch trương này làm tăng thêm số lượng lễ hội, phần nào đáp ứng “nhu cầu” của các địa phương về tăng số lượng di sản văn hóa (tương ứng là phong trào công nhận di tích Lịch sử – Văn hóa các cấp từ địa phương đến quốc gia), có thể thỏa mãn “thành tích bảo tồn Di sản văn hóa” nhưng thật sự đã làm mất đi sự độc đáo, đa dạng và nhất là làm biến dạng ý nghĩa đích thực của lễ hội khi những yếu tố thực dụng “hiện đại” xuất hiện trong cả phần Lễ và phần Hội. Lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) và lễ Khai ấn Đền Trần là hai ví dụ điển hình.

Phải chăng, thay vì “nhà nước tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống; bài trừ các hủ tục và chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và hoạt động lễ hội” như Điều 25 của Luật Di sản văn hóa quy định, thì hầu như lễ hội nào cũng do chính quyền xã, huyện, tỉnh tổ chức từ nghi lễ đến dịch vụ của hội. Thậm chí, dưới danh nghĩa “xã hội hóa các hoạt đồng văn hóa”, “phục vụ du lịch”… đã có xu hướng mỗi năm tổ chức hoành tráng, phô trương hơn để có thể nâng cấp lễ hội địa phương thành lễ hội quốc gia, để theo đó quy mô và kinh phí ngày càng lớn hơn, trong đó kinh phí nhà nước là không hề nhỏ.

Tư duy “thành tích” trong việc bảo tồn di sản văn hóa, mục đích tổ chức lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu danh, lợi không chính đáng và cách thức khai thác giá trị kinh tế của lễ hội… Chỉ khi nào khắc phục được những điều đó thì lễ hội mới thực sự là của cộng đồng, mới thực sự bảo tồn được những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa.

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/475378/Cung-cong-dong-nhin-lai-le-hoi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...