“CÃI LẠI SỐ PHẬN”

(Trò chuyện với Lê Ngọc Sơn)

- Theo chị, đâu là nét tính cách nổi bật của một dân tộc trường tồn được cho đến nay?

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã nhận xét: tính cách nổi bật của người Việt - tôi xin nhấn mạnh là ta đang nói về người Việt, dân tộc chiếm đa số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam - là linh hoạt, biểu tượng của tính linh hoạt này là NƯỚC. Không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Việt từ NƯỚC còn mang nghĩa là QUỐC GIA. Tính linh hoạt này được hình thành từ sự ứng phó với điều kiện tự nhiên nhiều thuận lợi và cũng đầy bất trắc, từ hoàn cảnh lịch sử luôn phải đối phó với những đe dọa xâm lược và đồng hóa từ bên ngoài.

- Nếu xét ở khía cạnh đấu tranh để sinh tồn, theo chị, người Việt thích ứng thế nào với bất trắc của thời cuộc (thiên tai, địch họa, kể cả sự mục ruỗng của các triều đại phong kiến…) để tồn tại?

Theo tôi, đã có nhiều thành ngữ đã cho biết về nhiều khía cạnh của “cuộc đấu tranh sinh tồn” này (tuy nhiên tôi muốn dùng từ “thích nghi/ thích ứng” hơn). Ví như: “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, “nước đến chân/ trôn mới nhảy”… Ta hay cho rằng những câu thành ngữ này mang nghĩa tiêu cực, nhưng nghĩ kỹ có lẽ đó chính là cách ứng xử của người Việt trước những bất trắc: cố gắng thích ứng, và khi không thể thích ứng/ thích nghi được nữa thì (bắt buộc phải/ sẽ) thay đổi.

- Trong xã hội phong kiến, việc “cãi lại thời vận” cũng là việc mà người dân không cam chịu sự đè đầu cưỡi cổ bởi các bạo chúa, và họ thay đổi cường quyền. Chị có ý kiến gì về vấn đề này?

Đọc trong sử cũ ta thấy đã ghi nhận nhiều cuộc “khởi loạn” của nhân dân chống lại sự áp bức của các bạo chúa, vì “con giun xéo lắm cũng phải quằn”. Cuộc đấu tranh có thể mang đến thắng lợi là lật đổ triều đại bạo chúa đó, tuy nhiên, trong xã hội phong kiến, những cuộc khởi nghĩa này không mang lại “thời vận mới” thực sự lâu dài cho người dân, mà cuối cùng cũng chỉ là “cuộc đổi đời” từ sự thống trị của dòng họ này sang dòng họ khác mà thôi.

(Mà ngay cách đặt vấn đề của các bạn là “cãi lại thời vận” đã cho thấy hàm ý rằng, cái sự cãi qua cãi lại này… thường chẳng đi đến đâu!)

- Chúng ta đã từng có những oan sai trong cải cách ruộng đất, đấu tố, cải tạo công thương… thế nhưng sau đó nhiều người bị oan sai vẫn quyết chí để vươn lên. Chị có chia sẻ gì?

Như đã nói ở trên, việc tự vượt qua khó khăn để tồn tại là một đặc điểm dân tộc nhưng cũng là tính cách của từng người Việt. Cái cần tìm hiểu là họ – những người bị hàm oan - đã vượt qua sự cùng cực bằng cách nào? Hoàn cảnh xã hội thế nào sẽ tạo ra cách thức vượt qua khó khăn của mỗi người như thế, và điều đó đã để lại nhiều dấu ấn về tâm lý, về tình cảm, về nhận thức… cho thế hệ sau.

- Trong thời điểm hiện nay, khi mà các chuyên gia kinh tế đánh giá là nền kinh tế của chúng ta khó khăn nhất trong 20 năm qua. Là một người nghiên cứư lịch sử - văn hóa, chị có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên?

Có lẽ lời chia sẻ của tôi với các bạn là: cần có ý chí tự lập và biến ý chí ấy thành hiện thực, không nên quá trông chờ vào hoàn cảnh (gia đình, xã hội…). Xã hội thay đổi khi mỗi chúng ta thay đổi – đấy là kinh nghiệm thật sự từ lịch sử của nhiều quốc gia.


1 nhận xét:

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...