Tạp chí MẸ YÊU BÉ phòng vấn
1. Cách đây không lâu, nhà phê bình Nguyễn Hòa có chia sẻ một khái niệm mới “sự chuyển dịch của Tết”. Dường như Tết bây giờ mọi sự đã khác đi rất nhiều. Theo chị, Tết bây giờ có gì đáng yêu? Và có gì đáng buồn?
Tôi cũng nghĩ rằng đã có nhiều thay đổi sinh họat trong dịp Tết, đang có “sự chuyển dịch” từ “truyền thống, hướng nội” sang “hiện đại, hướng ngọai”. Nếu trước đây ngày Tết mang ý nghĩa đón chào năm mới và sum họp gia đình thì giờ đây, ý nghĩa đón chào năm mới đã “dịch chuyển” đến sớm hơn, vào dịp Noel đến Tết dương lịch. Đó là vì nhịp sống đô thị và công nghiệp đã khá phổ biến ở các thành phố lớn, nơi mà có rất nhiều người nhập cư vào thành phố lao động, học tập, làm việc… Quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa giữa nước ta và thế giới cũng mang đến những sinh họat mang tính quốc tế như Tết dương lịch là dịp có nhiều sinh họat văn hóa giải trí từ lễ hội đến những chương trình trên các phương tiện truyền thông… Bài hát Happy New Year của ABBA vang lên khắp nơi từ Noel tới Tết Âm lịch… Do đó, có lẽ ý nghĩa ngày Tết giờ đây chủ yếu là lưu giữ truyền thống sum họp gia đình và mừng thọ ông bà cha mẹ.
Ngày trước lo cho ba ngày Tết phải từ cả tháng trước, chủ yếu lo Ăn Tết: mua trữ nhiều lọai thực phẩm gạo nếp bánh kẹo măng miến đậu xanh bánh tráng, rồi mua rau làm các lọai dưa muối… Từ ngày Ông Táo 23 tháng Chạp đã lo mua thịt làm thức ăn sẵn như giò chả, rồi mấy ngày Tết loay hoay nấu ăn cúng kiếng, có đi đâu cũng quanh quanh bà con, láng giềng, ít đi chơi xa…
Ăn Tết, chơi Tết bây giờ có nhiều dịch vụ, từ các lọai thực phẩm đến các tour du lịch. Nhất là ở thành phố thì hầu như không cần phải quá lo lắng đến việc ăn uống, vì chỉ cần có tiền đi siêu thị một buổi là có đầy đủ. Bây giờ lo Chơi Tết hơn, từ tháng 9 tháng 10 đã tìm tour du lịch Tết mua sớm vì sợ hết chỗ. Sài Gòn, Hà Nội ngày Tết vắng hoe, dân tình về quê, đi du lịch trong ngòai nước… thành phố yên tĩnh lạ lùng…
Câu ca dao “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” thì đã mất cây nêu tràng pháo, còn câu đối thì gần đây được phục hồi lại với nhiều ông đồ trẻ viết thư pháp chữ Việt nhiều hơn chữ Nho… Hương vị ngày Tết có lẽ không ngon như xưa, khi mà chỉ đến Tết mới được ăn bánh chưng giò chả bánh mứt, còn bây giờ thịt mỡ dưa hành bánh chưng thì ngày thường muốn ăn lúc nào cũng có. Hoa đào hoa mai thì nhiều hoa giả nở quanh năm… đẹp mà vô hồn.
Tất cả những điều đó vẫn làm cho Tết đáng yêu vì cái vẻ “truyền thống mà hiện đại” của nó, mà cũng có một chút ngậm ngùi, dường như cái bận rộn của sự lo lắng, cái tình nghĩa của sự thiếu thốn, cái ấm áp của sự sum họp… đang mất đi đã mang theo ký ức của nhiều thế hệ…
2. Cái Tết với người Việt mình là kỳ sum họp gia đình, là lúc để ông bà nói chuyện đạo lý với cháu con, là lúc con cái báo hiếu cha mẹ. Hơn hết cả là một dịp để gia đình gắn bó hơn. Nhưng xem ra, khái niệm này đã ít nhiều phôi phai, nhất là ở thành thị. Chị có nghĩ vậy?
Không chỉ dịp Tết mà ở thành phố ý nghĩa này trong những ngày giỗ cũng bị phôi phai ít nhiều. Thật ra nhịp sống công nghiệp ảnh hưởng khá nhiều đến lối sống đô thị. Tuy nhiên, theo tôi phần lớn những gia đình Việt Nam vẫn còn giữ được tập tục này ở những mức độ khác nhau, bởi vì không phải gia đình nào cũng có ông bà cha mẹ ở cùng, không phải lúc nào cũng có điều kiện về thăm ông bà vào dịp Tết, nhất là tàu xe dịp Tết khó khăn như hiện nay…Bù lại bây giờ có điện thọai, có internet, không chỉ trong nước mà ở nước ngòai cũng có thể thăm hỏi ông bà cha mẹ bất cứ lúc nào. Vì vậy, cũng có nhiều điều kiện để thể hiện sự hiếu đễ với cha mẹ ông bà. Qua đó tình cảm gia đình cũng gắn bó hơn.
3. Một nhà nghiên cứu nói, những phong tục, thói quen được coi là truyền thống đẹp của người Việt mỗi dịp Tết dường như chỉ còn trong báo Tết và tờ… Heritage thôi, chứ đời thường chúng ta đón Tết vội vàng, cái gì cũng ồn ã. Quan niệm của chị về vấn đề này?
Nhiều phong tục tập quán xưa nay chỉ còn trong ký ức thế hệ trước, và cũng may là có báo chí, sách vở ghi lại, lưu truyền cho đời sau. Không thể bắt cuộc sống hiện nay giữ nguyên tất cả phong tục cũ vì có những điều không phù hợp, không thuận tiện cho cuộc sống hiện đại. Bảo tồn truyền thống không phải là luôn luôn giữ nguyên mọi truyền thống. Cái gì không phù hợp thì tự cuộc sống sẽ thay thế, và “truyền thống” cũ sẽ còn lại ở sách vở, báo chí, phim ảnh… Phương tiện kỹ thuật tạo điều kiện cho ta “vật thể hóa” di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn truyền thống cho thế hệ sau biết về quá khứ.
4. Gia đình chị thường chuẩn bị và đón Tết như thế nào?
Cả nhà tôi đều đi làm nên thường từ ngày Hai mươi ba Ông Táo mới bắt đầu mua sắm, chủ yếu là đặt mua trước một số đặc sản hay thực phẩm ngon để biếu ông bà và vài người thân. Nhiều năm rồi nhà tôi không gói bánh tét bánh ít, má tôi thích tự gói bánh nấu bánh vì thói quen, vì muốn cho các cháu gái tập làm, nhưng con cháu đi làm sát Tết mới nghỉ nên không ai làm phụ bà và không muốn ảnh hưởng sức khỏe của bà. Bù lại gia đình hay nấu các món truyền thống, vừa để cúng theo đúng phong tục ông bà, vừa để tập cho con cái biết và làm. Và đi chợ Tết thì bao giờ cũng đi cùng con gái, như khi xưa tôi đi cùng má tôi vậy. Hình ảnh mẹ và con gái đi chợ có lẽ là ký ức đẹp của nhiều phụ nữ ở bất cứ thời đại nào…
5. Chắc chắn chị là người theo dõi sự chuyển biến của nhịp sống mỗi khi Tết đến. Chị thấy Tết Sài Gòn xưa và Tết Sài Gòn bây giờ có giống nhau không?
Tết Sài Gòn xưa và nay giống nhau là… cái nắng nóng có khi gay gắt, khác cái Tết giá lạnh của Hà Nội. Xưa nay người Sài Gòn đều thích chơi Tết, đi ra ngòai ăn tiệm, có bạn bè thường rủ nhau ra hàng quán, ít khi bày vẽ nấu nướng ở nhà. Và cũng hay mua thực phẩm làm sẵn: việc đặt giò chả, bánh chưng bánh tét ở Sài Gòn phổ biến từ rất lâu rồi, có lẽ do lối sống đô thị các dịch vụ phát triển sớm. Người Sài Gòn trọng lễ nghĩa nhưng không quá câu nệ chuyện phải đi thăm viếng họ hàng vào dịp Tết, họ có thể đến thăm vào trước hay sau Tết miễn là thuận tiện cho cả hai bên.
Còn nay, Sài Gòn ngày càng có nhiều người từ nơi khác đến làm ăn, vì vậy Sài Gòn ngày càng nhiều quán ăn, đặc sản của các vùng miền. Ngày Tết ở Sài Gòn bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn khác nhau chứ không chỉ có những món truyền thống. Rất nhiều người nhập cư về quê ăn Tết nên thường khỏang mùng Hai mùng Ba họ lại lên Sài Gòn chuẩn bị đi làm, lúc đó bạn bè mới gặp nhau… kéo ra quán nhậu. Tết cũng là dịp Sài Gòn còn đón nhiều người Việt sống ở nước ngòai về ăn Tết cùng gia đình. Ngày Tết ở Sài Gòn các khu vui chơi giải trí, rạp phim rạp hát, hàng quán bán như ngày thường, nhiều quán bán ngay từ sáng Mùng Một, “ăn theo” là dịch vụ giữ xe và những hàng rong khác… Tất nhiên, giá cả cũng là giá Tết! Tết còn là dịp “kiếm thêm” của nhiều người, một khía cạnh nào đó có thể coi là sự “phân phối lại thu nhập” (một cách tự phát) trong dịp Tết của những tầng lớp khác nhau trong xã hội.
6. Con gái chị cũng đã trưởng thành, hẳn là những quan niệm và phong cách sống của hai thế hệ sẽ khác nhau. Có khi nào có sự “xung đột” trong việc chuẩn bị đón Tết giữa hai mẹ con?
May mắn là trong gia đình tôi không có sự xung đột đó, có lẽ do hòan cảnh công việc bận rộn nên trong nhà cũng gia giảm ít nhiều những tục lệ cũ, đồng thời những việc như đi chợ Tết, bữa cơm cúng Ông Táo, cúng trưa Ba Mươi đón ông bà ở nhà mình và về nhà ngọai vào chiều Ba Mươi (nhà nội thì ở xa, vài năm mới có thể về ăn Tết), cúng Giao thừa, Mùng Một, Mùng Ba đưa ông bà… thì vẫn giữ, không quá bày vẽ thức ăn cầu kỳ nhưng nếu không còn những tục lệ này có lẽ không còn là Tết Việt Nam nữa. Nói chung ngày Tết cả nhà cùng lo bếp núc rất vui.
7. Bây giờ có rất nhiều gia đình trẻ thích đi du lịch mỗi khi Tết đến, một phong cách nghỉ lễ điển hình được du nhập từ phương Tây. Chị có nghĩ, đó là hệ quả tất yêu của đời sống công nghiệp, quá bận rộn mưu sinh và phải biến ngày lễ Tết ông bà thành ngày riêng tư ngơi nghỉ?
Giới trẻ có thu nhập trung bình khá trở lên bây giờ mưu sinh cũng khó khăn vì không chỉ là kiếm tiền mà còn là làm việc sao cho xứng với đồng tiền được nhận. Vì vậy nếu dịp Tết mà có điều kiện đi du lịch nghỉ ngơi, mở mang kiến thức thì theo tôi cũng không nên khắt khe bắt phải ở nhà. Tuy nhiên, Tết nào cũng đi xa nhà thì lại không hay, cũng như các gia đình trẻ chỉ thích ăn tiệm mà để bếp nhà lạnh tanh thì… dễ ‘có chuyện” lắm, vì văn hóa Việt Nam mình, bữa ăn không chỉ là ăn, mà còn là sinh họat gia đình, duy trì văn hóa gia đình. Ngày Tết lại càng nên như vậy.
8. Theo chị, giới trẻ nên đón nhận Tết hôm nay như thế nào là vừa đủ (trong mắt nhìn của những người trung niên như thế hệ chị)?
“Vừa đủ” là khi cái gì cũng… vừa đủ: mua sắm thực phẩm, quần áo, đồ dùng, phân bố thời gian cho việc nghỉ ngơi, thăm viếng cha mẹ, đi chơi, giải trí… Tùy vào hòan cảnh điều kiện của từng người mà nhu cầu “vừa đủ” cũng khác nhau. Cần có và rèn luyện “kỹ năng” sử dụng thời gian và tiền bạc thì mới biết thế nào là “vừa đủ”. Mặt khác, các bạn trẻ nên biết dung hòa nhu cầu của mình và nhu cầu của cha mẹ - nhất là khi sống chung - để tránh xung khắc, mất vui trong mấy ngày Tết.
Sài Gòn 8/12/2011
Người thực hiện: DƯƠNG BÌNH NGUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét