viết tản văn thật dễ?

Đọc tản văn “Quay qua quay lại” của Nguyễn Thị Hậu.

“Tháng Ba, ở Sài Gòn không thấy rõ cái rạo rực sinh sôi của “mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước” như tháng ba Tây Nguyên. Nhưng thoáng đâu đây sức sống bừng lên đỏ rực những chùm bông giấy trên phố, ẩn hiện đâu đó trên gương mặt người thiếu nữ rạng ngời, trên đôi vai vững chãi của chàng trai trẻ. Tháng Ba, mùa nắng đang chầm chập nhường chỗ cho mùa mưa đến sớm…” (Những khoảng lặng Sài Gòn).

“Con đường nhỏ được tráng xi măng bằng phẳng sạch sẽ. Những ngôi biệt thự nhỏ, vài căn nhà phố, một hai ngôi nhà cao tầng nhưng tất cả đều mang vẻ trầm lặng sau những bức tường cũ loang lổ vôi và những cánh cổng sắt tróc sơn mỗi lần đóng mở kêu kin kít. Ngõ yên tĩnh đến mức các số điện thoại quảng cáo dạy kèm học thêm khoan cắt bê tông… cũng buông tha không làm bẩn những bức tường, dường như không nỡ làm ngõ vắng giật mình.” (Ngõ Hoàng Anh).

“Nhớ những sớm mùa đông mù sương, giá lạnh làm ta lười biếng, chỉ muốn nằm trong chăn ấm, bật ngọn đèn nhỏ đầu giường…. Ánh sáng ấm áp soi lên trang sách của một cuốn truyện ngẫu nhiên có được trong tầm tay. …. (Đoản khúc Hà Nội)

Những đoạn văn đầy cảm xúc ấy được trích trong tập tản văn “Quay qua quay lại” của tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu. Góp mặt cùng Những khoảng lặng Sài Gòn, Ngõ Hoàng AnhĐoản khúc Hà Nội ở trên còn có Qúy bà mùa thu, Tháng Tư về, Một ngày hè Tam Đảo, Phố xưa, Hà Nội trong tôi, Những khoảng lặng của Sài Gòn, Thạch Thảo ngày xưa, Ngoại ô, Chiều phai, Gặp lại dã quỳ, Đi qua mùa đông...vv… Có thể nói đấy là những ghi chép dịu dàng, thoảng buồn và nhiều ẩn kín của người đàn bà đa cảm.

Trong tư duy người Phương Đông, thiên nhiên đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là người bạn thân thiết, và hơn thế, khi đánh thức trong ta những cảm giác rất con người (mà cuộc sống náo nhiệt từ lâu tước đoạt). Có thể nói, cảm nghiệm đủ đầy về thiên nhiên cho ta cảm nghiệm đủ đầy về thế giới: sự lắng đọng của tâm hồn, sự hữu hạn của kiếp người: “Hôm đứng trên đỉnh Bạch Mã nhìn xuống đèo Hải Vân uốn lượn rồi mất hút, nhìn xuống phá Tam Giang xa mờ biển lẫn vào mây, nhìn xuống rừng Bạch Mã xanh ngút ngát… chợt ước biến thành hạt bụi hay một giọt sương, tan trong không trung, nhẹ nhàng, không dấu tích. (Một đoạn đường miền Trung)…. và cả sự mất mát mà thời gian đem lại: “Bây giờ, khi cây cầu cổ xưa nối liền thành phố và thị trấn không còn là con đường huyết mạch nữa vì đã có cầu mới thay thế, đi qua thị trấn chỉ còn vài chuyến xe lửa, thị trấn cũng mất đi sự náo nhiệt ngày nào” (Ngoại ô). Vậy đó, “Cuộc sống cứ trôi đi…. Bên dưới cái mặt phẳng đơn điệu của thời gian, ký ức vẫn ẩn sâu, bé nhỏ mà sắc nhọn như gai trên thân bụi tầm xuân mọc đầy khu vườn nhà ai mà có lần đi qua đã ước ao được bước vào” (Những khoảng lặng Sài Gòn)

Ở ta, những người viết tản văn, tạp bút vv... thường chịu đựng ánh nhìn định kiến từ độc giả: “Viết thể loại này không cần dụng công mà chỉ cần có cảm xúc và… thời gian là được”! Thiết nghĩ, cảm xúc cũng có rất nhiều loại. Có loại thô sơ ngớ ngẩn khiến ta chán ghét, có loại thoảng qua tầm thường vô vị, không đọng lại chút ý nghĩa nào nhưng cũng có loại thẳm sâu day dứt….khiến ta bâng khuâng và mãi chìm đắm suy tư ấy. Có lẽ, yêu cầu mật thiết dành cho người viết thể loại này là cảm xúc phải đủ mạnh, đủ gây sự ám ảnh, đủ sức dẫn dắt độc giả vào thế giới riêng tư…. không còn cách nào khác, họ buộc phải có phong cách riêng. Mặt khác, vì cảm xúc là cái không thể sáng tạo cho nên người viết hẳn luôn tươi mới, tràn đầy và trí tuệ; cảm xúc theo đó mà sinh động hơn thay vì chai cứng, lầm lì… theo thời gian.

“Chẳng có gì là dễ dàng”, chị Hậu tâm sự. Vâng, thế nên, yêu cầu chị…. tiếp tục viết !

Hồng Ân

(Báo Văn nghệ TPHCM số 150 ngày 17/3/2011)

3 nhận xét:

  1. Viết ngắn là thử thách cho bất cứ người cầm bút nào.

    Trả lờiXóa
  2. @ VM Cường: thế mà chị dại dột vô tư lao vào đấy, huhu :D

    Trả lờiXóa
  3. Người viết luôn tươi mới- câu này về chị rất chính xác :-)

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...