Qua ba ngày Tết mùng bốn mùng năm đường phố trở lại nhịp sống bình thường. Mùng 7 Tết là ngày Hạ nêu theo tục lệ ông bà để lại. Không cây nêu, không cung tên không vôi bột… Hình như cũng không còn nơi nào làm lễ Dựng nêu và Hạ nêu. Ngay cả khái niệm Cây nêu cũng đang trôi vào quên lãng. Bao nhiêu tập tục đã biến mất trong cái thế giới, trong cái xã hội thực tế đến mức quá thực dụng này. Nhiều thứ trong câu đối Tết ngày xưa đã mất và sắp mất, giờ chắc chỉ những người lớn tuổi là còn nhớ đến:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Sắc đỏ của câu đối tết trong mỗi gia đình giờ rất hiếm. Còn chăng chỉ có ở nơi đình chùa hay thấp thóang trong khu phố người Hoa. Tiếng pháo báo hiệu giao thừa, mở đầu ngày mùng Một Tết cũng đã im ắng từ mấy năm nay. Bánh chưng (và bánh tét) không còn là “đặc sản” ngày Tết. Bước chân ra đường ở đâu cũng có thể tìm thấy nơi bán bánh chưng. Lớn có nhỏ có, gói bằng lá dong cũng có mà bằng lá chuối cũng nhiều. Bánh vẫn xanh màu lá, nhưng không chắc. Nhân bánh vẫn có miếng thịt mỡ và đậu xanh… gọi là. Cũng phải thôi, giờ ăn bánh chưng lấy no làm chính, mấy ai biết thưởng thức miếng ngon từ nhân đậu xanh lựa từng hạt nấu nhỏ lửa cho thật nhừ để có thể thấm đẫm mỡ thịt tan ra trong miệng, miếng bánh nếp chắc dẻo quánh mà ngọt ngào như lắng đọng từ dòng nước ngọt mát chở nặng phù sa.
Bây giờ, bất cứ ngày nào ta vào một quán cơm bụi hay quán café bán cơm trưa văn phòng cũng có thể ăn thịt (nấu) đông giữa Sài Gòn nắng như đổ lửa, không cần phải có cái giá lạnh của mùa đông miền Bắc. Dưa hành bán trong các siêu thị quanh năm, chưa kể tại các cửa hàng thức ăn Hà Nội luôn có nhiều lọai hành củ hành muối. Thức ăn ngày thường chẳng khác ngày Tết bao nhiêu, vị ngon đặc biệt của món ăn ngày Tết theo đó cũng mất dần, chỉ còn lại trong ký ức…
Vậy nhưng mâm cơm cúng ngày Tết vẫn là những món ăn được người bà, người mẹ, người chị chăm chút: Chiều Ba Mươi đón ông bà thì có nồi thịt kho tàu kho bằng nước dừa, hột vịt và từng miếng thịt màu nâu vàng, mỡ trong veo mềm rục, này đĩa thịt đầu heo ngâm dấm trộn vài cọng dưa rau muống xanh điểm lát tỏi trắng lát ớt đỏ sợi gừng vàng, dĩa dưa góp củ cải cà rốt mặn ngọt thơm thơm, đĩa chả giò chiên và rau sống, tô canh khổ qua hầm thịt, tô canh măng tươi hầm chân giò… Tất nhiên không thể thiếu đĩa bánh tét từng khoanh và những món đồ nguội như giò chả, nem, bì… Ngày mùng Ba cúng đưa ông bà không thể không có đĩa Tam sên gồm miếng thịt ba chỉ, con tôm càng xanh và hột vịt luộc, nồi cá kho và tô canh chua, rau củ Đà Lạt xào thịt bò, nấm hương, cần tây… Vẫn biết trước cúng sau ăn, nhưng bữa cơm đông đủ cả nhà, lại có ông bà về chứng kiến, chắc chắn là bữa cơm ngon nhất trong năm!
Tháng Giêng rồi cũng qua nhanh. Người tứ xứ lại dổ vào Sài Gòn. Người về Sài Gòn sẽ lần lượt ra đi. Sài Gòn hơn tám triệu dân, vậy nhưng nỗi cô đơn của sự chờ đợi dường như vẫn ẩn hiện đâu đó trên những con đường. Mùa nắng dần nhường chỗ cho mùa mưa đến sớm…
Em còn nhớ hay em đã quên…*
* Lời trong bài hát của Trịnh Công Sơn
(NOTE CŨ)
Em cũng nhớ câu đối kia, chứng tỏ em cũng lớn tuổi rồi, he he
Trả lờiXóa@ Goldmund: nhớ những thứ trong câu đối ấy. Giải thích thế để em đừng buồn vì "có tuổi rồi", hehe :))
Trả lờiXóa