ĐỌC "NGẮN & RẤT NGẮN" - THANH CHUNG

(Lúc đầu, mình định đặt tên cho entry này là “Những người đàn bà viết”. Nhưng nữ văn sĩ Thiết Ngưng – chủ tịch HNV Trung Quốc đã có “Những người đàn bà tắm” nên mình không muốn bị mang tiếng “đạo văn”. )

“Ngắn & rất ngắn” là cuốn sách “mới ra lò” của hai nữ tác giả: Nguyễn Thị Minh Thái – tiến sĩ Nghệ thuật học và Nguyễn Thị Hậu – tiến sĩ khảo cổ. Chị Thái viết “ngắn”, còn phần “rất ngắn” là của chị Hậu. Có nhiều cuốn sách sau khi đọc xong mình muốn quăng bàn phím đi và “chừa” không viết nữa. “Ngắn và rất ngắn” cũng mang đến cho mình cảm giác như vậy.

Khác với những cuốn sách in chung, hai chị Thái – Hậu đã sắp xếp đan xen những câu chuyện của mình chứ không tách bạch từng phần của mỗi tác giả. Mình nghĩ, ngoài đời chắc hai chị phải là bạn bè thân thiết, có cùng một cách nhìn vào cuộc sống nên khi đem “ngắn” và “rất ngắn” đặt cạnh nhau, người đọc không có cảm giác bị bước hụt trên những bậc cầu thang xây lỗi. Chị Thái “góp gạo” bằng mười truyện ngắn, còn chị Hậu có tới mười một “Mảnh vỡ”, mỗi mảnh được ghép lại bằng ba bốn mảnh nhỏ hơn.

Mở đầu “Bồ côi bồ cút”, chị Thái viết: “Nhân vật chính trong câu chuyện này vẫn còn nguyên bố mẹ. Còn nguyên cả mà vẫn bồ côi bồ cút”. Cảm giác bị “bồ côi bồ cút” ngay trong ngôi nhà có đầy đủ cha mẹ đã làm cho con bé dừng lại không lớn được từ thuở chín mười. Nó lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống của người đàn bà ngoại tứ tuần khiến cho chị suốt đời nhầm lẫn giữa việc tìm chồng và tìm cha.

Phụ nữ khi yêu chẳng khác gì con thiêu thân. Dù cho các đấng mày râu có bất công, tàn nhẫn bao nhiêu, nhưng chỉ cần họ thả ra một lời mật ngọt (chẳng cần biết có bao nhiêu phần trăm là đường hóa học) thì người các “mụ” cũng sẵn sàng “mở lượng hải hà” cúc cung tận tụy, “nâng khăn sửa túi”. Người phụ nữ trong “Ngồi đợi ở bậc thềm” cũng yêu đến mu muội như vậy. Vượt qua mấy ngàn cây số để trở về bên người đàn ông của mình, nhưng đợi cô chỉ có căn nhà” ngổn ngang, bừa bộn, chăn đệm xô lệch, quần áo vương vãi”. Những mẫu thuốc lá “cái nào cũng dựng đứng có lẽ đã được dụi tắt một cách cương quyết”. Ngay cả khi chứng kiến chàng trở về nhà với một người đàn bà khác, cô vẫn mong được ngồi đợi chàng trên bậc thềm mà cô đã buộc phải bỏ lại phía sau lưng. (Ngồi đợi ở bậc thềm).

Viết “ngắn” của chị Minh Thái rất ám ảnh. Cái váy hồng loang màu máu của đứa con chưa kịp hình hài, mềm nhũn dưới sàn; chiếc mũ phớt bị cắm một lưỡi dao lút cán đặt trên bàn thờ; những mẩu thư tình tan như lá vụn dưới chân… hình như chị đã rất quyết liệt chở che cho nhân vật nữ của mình. Và người đàn ông trong câu chuyện, hàng ngày phải đi qua năm tầng cầu thang và một dãy hàng lang dài ẩm thấp, tối tăm sẽ phải gồng mình lên chịu trận mỗi khi “màn huỳnh quang ký ức” tự động bật lên. (Mùi hành lang)

Truyện “Trên cao mờ sương” kể về một bữa ăn tối không có đàn ông của bốn người đàn bà. (Tự nhiên mình cứ hình dung ra “Thiền viện”). “Ừ, mà không có đàn ông thì cũng đã sao?” Tưởng chừng như bốn “nàng” sẽ tha hồ tận hưởng khoảng khắc tự do hiếm hoi, lãng mạn giữa những người “phe ta”. Ai ngờ buổi tối bị vỡ vụn ra bởi những tiếng chuông điện thoại, những tín hiệu bíp bíp của tin nhắn từ những người không hiện diện quanh mâm cơm. Dẫu cuộc hạnh ngộ của bốn người đàn bà chữ nghĩa văn chương không diễn ra theo đúng như dự kiến, nhưng Tam đảo sẽ chẳng thể nào thơ mộng hơn, ấm áp hơn, nồng nàn hơn nếu không có những “kẻ đàn ông xa mặt” ấy.

***

Chị Hậu viết “rất ngắn”, nhưng “những mảnh vỡ” của chị buộc người đọc phải nghĩ rất lâu. Cuộc sống hiện đại với sự hiện diện của Internet ở khắp mọi nơi (kể cả ngay ở trên chiếc màn hình nhỏ xíu của điện thoại di động) khiến chúng ta không còn nhiều thời gian cho sách. “Rất ngắn” của chị Hậu đã lọt vào “khe” rất nhỏ của mấy phút đợi tàu buổi sáng, trên những chuyến xe buýt trở về cuối ngày. Thậm chí ngay cả khi đợi anh “Gúc” kiếm tìm một vài thông tin trên Net, ta vẫn hoàn toàn có đủ thời gian “nhón” lên một “mảnh vỡ” để “ngắm nghía”. Những câu chuyện vu vơ tưởng chừng không đầu không cuối hóa ra lại ẩn chứa những triết lý sâu xa. Để ngăn không cho kiến vào thức ăn, chủ nhà viết chữ “CỨT” rất to bên ngoài. Và rồi hình như loài kiến cũng hiểu ra – không ăn bẩn. Nhưng lại cũng chính chủ nhà không thể ăn được những thức ăn đã giành giật lại từ kiến. (Kiến – trang 61). Thắng lợi gặt hái được từ một kiểu xấu chơi hình như cũng khó nhằn.

Hai vợ chồng giận nhau, vợ chở con về nhà ngoại. Khi biết vợ “mượn cớ” trở về lấy một số đồ dùng (biết đâu lại chẳng có cơ may hàn gắn), người chồng đã thay ổ khóa. “Đàn ông nông nổi giếng khơi” là thế! (Khóa – trang 21)

Gã đàn ông nhiều lần sợ trễ hẹn với bồ đã phóng xe vượt đèn đỏ. Lần nào gặp cảnh sát giao thông gã cũng hớt hải: “thằng nào vừa chở con vợ anh, chú cho anh qua đuổi theo”. Nhưng đến lần hắn nhìn thấy vợ ngồi rất tình tứ sau xe máy của một gã đàn ông khác, gã bị giữ lại lập biên bản. (Đèn đỏ – trang 35). Các cụ bảo “Đi đêm lắm có ngày gặp ma” cấm có sai.

Có rất nhiều mẩu chuyện mình tâm đắc. Thỉnh thoảng nhớ ra cứ cười tủm tỉm một mình. Xin phép chị Hậu đưa lên đây cho mọi người cùng đọc hai mẩu chuyện (coi như thả thính, he he):

BONG BÓNG

ANH LY DỊ VỢ, còn chị một lần gãy đò. Quanh anh là những cô gái xinh đẹp, những người đàn bà sắc sảo. Cạnh chị đôi lúc cũng có một người đàn ông dung dị nào đấy.

Khi quyết định đến với nhau, anh nói: mình cùng neo nhau lại trong cuộc đời chống chếnh này, em nhé!

Từ ấy, bên chị chỉ có mình anh.

Từ ấy bên anh vẫn quẩn quanh những cô gái và những người đàn bà….

Đến một ngày, chị nhận ra cuộc đời mình đang neo vào một chùm bong bóng…

MÈO VÀ CÁ CẢNH

TRONG NHÀ ĐÃ CÓ BỂ CÁ CẢNH, lại còn nuôi một con mèo.

Suốt ngày nó quanh quẩn gần bể cá. Có lúc nó ngồi chầu hẫu bên cạnh, mắt long lanh nhìn những con cá vàng vô tư lượn lờ. Thỉnh thoảng nó thò tay khoắng trong bể làm nước bắn tung tóe, mấy con cá giật mình bơi cuống quýt.

Một lần nó đuổi bắt chuột làm bể cá đổ vỡ tan tành. Nhà thôi không nuôi cá cảnh.

Con mèo cứ tha thẩn chỗ bể cá vỡ. Vài hôm sau nó bỏ nhà đi mất.

***

Lời cảm ơn:

Mình chưa từng gặp chị Hậu ngoài đời. Thấy chị ra mắt sách thì mon men đánh tiếng nhờ Lana xin giúp. TC xin chân thành cảm ơn hai tác giả: Chị Thái và chị Hậu. Cảm ơn Lana, cảm ơn “ông bưu điện” và cảm ơn Hải Vân – những người đã giúp cho cuốn sách vượt được nửa vòng trái đất để đến với độc giả yêu quý nó.

Nhắn Kim Oanh – Hoa Lục Bình: Tui nghĩ bà Kim nên mua tặng cho hai bà kia mỗi người một cuốn sách của cô giáo mình.

8 nhận xét:

  1. Thanh Chung có tâm hồn nhạy cảm của phụ nữ nên đánh giá chính xác ghê. Em định viết cái review cuốn này của Thái - Hậu, nhưng đọc xong bài này của Thanh Chung thì thấy mình cũng nên "quăng bàn phím đi".

    Trả lờiXóa
  2. VMC: Khiêm tốn quá!
    haukhaoco: Đọc bải của Thanh Chung thêm một lần cảm phục bạn!

    Trả lờiXóa
  3. @ VMC: chị còm bên nhà TC: "Đọc thì đọc mà viết thì viết, đừng vì đọc (ai đó, cái gì đó) mà ko viết nữa". Nói thế thôi chị biết khi đọc được cái gì mình thích có thể ko viết về chính điều đó nhưng mình sẽ viết nhiều hơn về những điều khác.
    @ A Thụy: Cảm và phục phần nào nhiều hơn ạ :DDDD

    Trả lờiXóa
  4. Em đang nôn nao để xem sách của 2 chị nè, đã xem vài mảnh vỡ của chị Hậu thôi, Chị TC viết thật hay. Chờ có dịp bạn bè sang bên này sẽ nhờ Lana (lại là Lana) gửi sang, hi...hi, nhiều lúc em suy nghĩ: sao mà có người lại có thể viết lên được những câu chuyện tuyệt vời như thế, còn mình thì chỉ mấy cái gạch đầu dòng cũng không xong???

    Trả lờiXóa
  5. Chúc mừng chị, khi tác phẩm được phản hồi một cách tuyệt vời như vậy!

    Trả lờiXóa
  6. Giọng viết của chị Thái không đanh đá như ngoài đời, chị nhỉ. Hi hi ...

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn em Hậu không màng xa xôi gửi 2 quyển sách "Ngắn và Rất Ngắn" và "Quay qua quay lại". Và cũng cám ơn Thanh Chung-NY đã gởi bưu điện dùm. Nhận đã mấy ngày mà bận bịu nên chưa xem được. Nay đọc xong bài bình luận thì nhất định thế nào cuối tuần này phải đọc mới được. Chị Yến - VA

    Trả lờiXóa
  8. @ Bebo: hihi, viết để có những người chia sẻ với mình như em ;)
    @ caulong: Cám ơn caulong nha :)
    @ Titi: đanh đá kiểu gì thì vẫn là đàn bà, cũng bộc lộ sự mềm yếu thôi :D
    @ Chị Yến: Chị và T.Chung nhận được sách là em vui rồi :)

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...