MỘT THỜI CHƯA XA

Cuối những năm 1980, khi ấy mới bắt đầu bước vào thời kỳ “mở cửa”, đời sống của phần đông cán bộ viên chức còn rất khó khăn. Nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Hội và Sài Gòn, không có đất cát ruộng vườn gì để trồng trọt cải thiện, hầu hết cán bộ nhà nước xoay xở đủ nghề làm thêm, từ may gia công đến bỏ mối hàng, từ trông xe phụ bàn ở nhà hàng đến nuôi gà nuôi heo trong những căn hộ chung cư chật hẹp… Gia đình tôi cũng như mọi nhà, cũng làm thêm đủ việc. Má tôi ngăn một góc sân nuôi mấy con heo. Nhờ làm ngân hàng nên bà mua được cám heo với giá mậu dịch. Hàng ngày đi làm về chị dâu tôi xếp hàng mua rau muống, phần tôi thì tối nấu cám heo. Ai về sớm thì cho heo ăn, có bữa cả nhà về trễ mấy con heo đói kêu ầm ĩ… Có lần heo bịnh má tôi lo đến mức muốn… bịnh theo!

Người bạn của tôi lúc ấy sống với ba đứa con trong căn nhà phố khang trang của gia đình chị. Cả nhà đã vượt biên nhiều năm không có tin tức. Chị mới lấy chồng, chồng chị không chịu đi nên chị ở lại. Chị là con út, ốm yếu từ nhỏ, lấy chồng rồi có 3 đứa con đúng lúc đời sống khó khăn nhất nên khá vất vả. Từ nhỏ không quen làm gì ngòai việc nội trợ nên hầu như chi tiêu trong nhà đều trông vào đồng lương ít ỏi của chồng chị. Được một thời gian vợ chồng bàn nhau bán ngôi nhà đang ở, nhưng lúc ấy không bán được vì là nhà của người “vượt biên” dù chị có tên trong hộ khẩu ở đó. Một thời gian sau chị nhận được tin tức gia đình. Rồi cha mẹ chị giúp tiền bạc cho chồng chị ra đi. Chị ở lại và chờ đợi chồng đến nơi ổn định sẽ đón vợ con qua sum họp, dù chưa biết đến bao giờ… Vậy nhưng chồng chị đã lấy người khác – một phụ nữ anh gặp trong chuyến vượt biển dài ngày. Có lẽ những nguy hiểm của chuyến đi đã làm họ gắn bó với nhau, và có lẽ cũng vì anh không muốn vợ con mình cũng phải chịu những gì anh chứng kiến trong chuyến đi kinh hòang ấy…
Nhận được tin anh lấy vợ, tinh thần và sức khỏe của chị suy sụp tưởng như chị đã bỏ lũ trẻ mà đi theo ông bà. Cha mẹ chị tìm mọi cách gửi tiền gửi đồ cho chị sinh sống để chờ cơ hội bảo lãnh. Nhưng chị đã gượng lại, cố gắng nhận may gia công, chiều đi nhận trả hàng, sáng và tối miệt mài đạp máy. Thấy chị vất vả cơm nước con cái nên thời gian may đồ không được bao nhiêu, bạn bè giúp tìm người phụ việc nhà. Lúc ấy tôi nuôi con bằng đồng lương đi dạy thiếu trước hụt sau nên cũng cần việc làm thêm.

Đến giúp việc cho chị, tôi chỉ biết chị đang chờ gia đình bảo lãnh đi nước ngòai. Còn chị cũng coi tôi như những người giúp việc mà trước kia gia đình chị vẫn có. Hàng ngày buổi sáng tôi lên lớp hay làm việc khác, từ 3 đến 6 giờ chiều tôi đến nhà chị, dọn dẹp giặt giũ và tắm rửa cho bọn trẻ khi chúng đi học về, nấu cho mẹ con chị mấy món ăn đơn giản. Thỉnh thỏang rảnh rỗi chị vào bếp và nấu ăn rất ngon dù chỉ là những món ăn bình thường. Chị bảo chị được mẹ dạy rất kỹ việc bếp núc. Giúp chị mà tôi cũng học được nhiều chuyện nội trợ. Tôi không tò mò chuyện nhà chị, chị cũng không hỏi tôi về hòan cảnh gia đình. Chị kỹ tính nhưng nói năng nhẹ nhàng dễ nghe, hàng tháng gửi tiền công để trong bao thơ, đưa tận tay với lời cám ơn thật lòng. Tôi làm việc nhà chị cũng như việc nhà mình, các con chị cũng rất quý tôi. Vì vậy cả hai chẳng có gì phải phiền hà. Chúng tôi dần trở thành bạn với nhau.

Được một thời gian đâu khoảng 4, 5 tháng gì đó, tình cờ chị biết tôi là giáo viên đi làm thêm. Số là gần nhà chị có mấy em sinh viên trọ học, hôm đó tôi vừa đến cửa nhà chị thì gặp các em. Các em chào tôi và hỏi cô đi đâu ạ? Chị ra mở cổng, nghe sinh viên hỏi thế thì nhanh nhẹn trả lời: à, đây là cô em của bác đấy! Hôm ấy chị và tôi nói chuyện với nhau rất lâu. Hóa ra chúng tôi có nhiều điểm giống nhau: cùng là con út được cha mẹ cưng chiều, lấy chồng rồi cũng vất vả hơn các anh chị em. Chị bảo, nếu không lập gia đình sớm thì chị đã học sư phạm và cũng sẽ là một cô giáo như tôi. Đấy là nghề chị mơ ước từ nhỏ. Với chị hình ảnh cô giáo dịu dàng trong chiếc áo dài là một điều thánh thiện nhất! Vì vậy chị rất áy náy khi phải để tôi giúp việc nhà. Tôi bảo, tôi có một người chị khỏang tuổi chị, cũng con cái bận rộn suốt ngày. Giúp chị cũng như giúp chị gái mình. Vả lại, giúp việc nhà là công việc kiếm tiền đàng hòang, không vì thế mà mình mất “tư cách”, tôi nghĩ thế. Chúng tôi vẫn giữ công việc cũ và mối quan hệ tốt với nhau nhưng chị âm thầm tìm việc khác cho tôi. Rồi một hôm chị dẫn tôi đến cơ sở may mà chị vẫn làm gia công, tôi được mượn máy may và bắt đầu nhận hàng về nhà làm.

Khỏang năm 1994 thủ tục bảo lãnh của cha mẹ chị hòan tất. Trước khi đi chị nhắn tôi đến chơi. Lúc ấy tôi vẫn đi dạy nhưng không còn may gia công nên ít gặp chị. Nghe tôi nói lúc này làm thêm là đi nấu tiệc đám cưới nên thu nhập khá hơn, chị xót xa sao giáo viên mấy em cực quá…
Từ đó tôi không nhận được tin chị…Chắc rằng cuộc sống của chị và các cháu bên ấy mọi sự tốt lành. Chiều nay đi ngang con phố nhỏ có ngôi nhà củả chị ngày nào, bỗng nhớ chuyện cũ của một thời chưa xa...

8 nhận xét:

  1. Chị còn nhớ tên của chị ấy hông? Trái đất tròn lắm. Biết đâu sẽ có 1 ngày gặp lại nhau cho xem!

    Còn không, cho em xin tên của chị ấy đi. :) :)

    Trả lờiXóa
  2. Đọc thương lắm chị ạ.
    Dù là chuyện xưa.
    Những người mẹ thời 'làm thêm' thật quá vất vả. Những năm 80s em còn nhỏ, nhớ mẹ em cũng vất vả lắm để cả nhà đủ ăn, nhưng chắc em không thể cảm nhận hết.
    Bỗng có lúc tản mạn chuyện xưa thế này, viết ra thấy nhẹ, hén chị?

    Trả lờiXóa
  3. @ Dã quỳ: nhớ chứ. Nhưng để tùy Duyên em ạ, nếu còn gặp nhất định sẽ gặp :)
    @ Lana: uh, có lúc chị ko muốn nhớ về một thời như thế này. Nhưng đã đến lúc cần cho qua dù ko thể quên, em nhỉ.

    Trả lờiXóa
  4. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, em tin có chắc chắn có duyên sẽ gặp, vì bản thân em cũng đã gặp rất nhiều chuyện tưởng chừng hi hữu.
    Nhớ về những cuối năm 80, cho dù cuộc sống có vất vả hơn hiện tại, nhưng vẫn thấy có gì êm ái quá

    Trả lờiXóa
  5. Nhớ lại những việc đã từng làm thời bao cấp mà tự thấy cảm phục mình.

    Trả lờiXóa
  6. Mà thật ra, nếu không có những ngày khốn khó đấy thì bây giờ có khi lại không thấy trân trọng lắm những gì mình đã gặt hái được nữa chứ các anh chị nhỉ???

    Những gì của "một thời đã qua" nhiều khi không muốn nhắc, không muốn nhớ ....Nhưng không có nghĩa là phải lãng quên, phải không ạ ?

    Giữa mẩu chuyện chị kể, em thấy có bóng dáng của cả mẹ em và gia đình em trong đấy. Nhói lòng gì đâu!

    Trả lờiXóa
  7. Có dịp, có khoảnh khắc nào đó nhớ lại một thời của mình thấy thật là hạnh phúc bạn a!

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...