Khảo cổ học bình dân Nam bộ: Từ thực tiễn đến lý thuyết là tập sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh vừa ấn hành. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh là đồng tác giả. Mặc dù được điều động sang làm quản lý từ mấy năm nay nhưng người phụ nữ quê gốc An Giang này vẫn dành nhiều sự quan tâm đối với khảo cổ, ngành khoa học mà chị đã gắn bó gần 25 năm. Nhận xét về công tác giảng dạy khảo cổ ở bậc đại học với tư cách là một người có nhiều năm làm giảng viên chuyên ngành, chị nói:
Cấu trúc chương trình trong đào tạo khảo cổ học còn nhiều bất cập. Cụ thể là dành hai năm đầu cho chương trình đại cương, dù có môn Cơ sở khảo cổ học. Từ năm thứ ba sinh viên mới bắt đầu học theo chuyên ngành. Thành ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp thường tỏ ra hụt hẫng do không đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc, chưa kể thực tế thường đi nhanh hơn lý thuyết. Để đào tạo nguồn lực khảo cổ tất nhiên vẫncần học những môn cơ bản nhưng việc phân chuyên ban nên được thực hiện ngay từ năm thứ nhất. Thời gian từng môn cần cân đối lại để tăng cường tính chất chuyên nghiệp cho nghề chính. Nhiều ngành khác cũng vậy chứ không riêng gì khảo cổ học.
Khi đi làm khảo cổ, chị có bị hụt hẫng?
Không nhiều lắm. Trước khi chuyển qua làm công tác thực tiễn, từ năm 1981 - 1994, tôi là giảng viên khảo cổ học thuộc khoa Lịch sử, Trường đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh). Thời kỳ này, sinh viên ngành khảo cổ hầu như không có nên tôi có nhiều thời gian tập trung cho công tác nghiên cứu. Với tôi, lý thuyết được trang bị và thực tiễn khá gần nhau. Có lẽ vì chúng tôi được học những giáo sư đầu ngành về khảo cổ học ở nước ta như thầy Hà Văn Tấn, thầy Trần Quốc Vượng… Mặt khác lúc đó họat động khảo cổ chưa phát triển mạnh như bây giờ. Bài học đầu tiên tôi hấp thụ được từ các thầy là “phương pháp liên ngành”. Không đơn thuần là sử dụng kết quả nghiên cứu hay phối hợp với đội ngũ chuyên gia của những ngành khoa học xã hội khác, liên ngành theo tôi hiểu là cùng nghiên cứu một vấn đề lịch sử từ nhiều ngành liên quan. Những góc tiếp cận khác nhau sẽ làm vấn đề rõ hơn, nhất là giúp cho mình có thể điều chỉnh suy nghĩ nhận thức của mình cho đúng với thực tiễn khách quan.
Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh vừa ấn hành Khảo cổ học bình dân Nam bộ: Từ thực tiễn đến lý thuyết, tập sách chị đứng tên chung với một đồng nghiệp. Tại sao lại là “bình dân”?
Những di vật khai quật được, gồm những mảnh gốm vỡ, phương tiện lao động, trang sức, mộ táng… có thể rất giá trị đối với những người làm khảo cổ. Trước hết phần lớn trong đó là sản phẩm của những người bình dân trong quá khứ. Nhưng muốn cộng đồng thấy được giá trị của những di vật, chúng cần được giải mã một cách khoa học nhưng bằng ngôn ngữ bình dân – như người làm ra nó, để mọi người đọc tiếp nhận. Đó là mục tiêu của chúng tôi khi viết tập sách này. Khảo cổ học bình dân cũng là một phần của khảo cổ học cộng đồng, được thừa nhận là xu hướng mới của thế giới hiện nay.
Xu hướng này ra đời như thế nào, thưa chị?
Từ thực tế là trên thế giới có nhiều nơi di tích bị phá hủy một cách vô thức bởi cộng đồng địa phương, chưa kể sự phá hủy cố ý do quá trình phát triển. Khảo cổ học cộng đồng nhằm giúp cư dân tìm hiểu giá trị di tích tại địa phương mình, từ đó họ trở thành những người tình nguyện bảo vệ di tích. Chẳng hạn như Thái Lan có nhiều di tích do người địa phương khai quật dưới sự hướng dẫn nghiêm nhặt của các chuyên gia khảo cổ. Sau khi công việc hoàn tất, các chuyên gia khảo cổ rút đi thì người dân địa phương trở thành người bảo vệ và hướng dẫn viên cho du khách đến tham quan di tích.
Ý chị là đầu tư khai thác di sản cũng là một hình thức bảo vệ các giá trị văn hóa?
Cái lợi lớn nhất của khảo cổ học cộng đồng là giáo dục mọi người về giá trị của di sản. Thu lợi từ di sản văn hóa là một bài toán không đơn giản. Cần biết rằng những gì ông cha mình để lại thực ra cũng không nhiều và không phải di sản nào cũng có thể đầu tư khai thác. Tôi nghĩ nên thận trọng khi “khai thác” di sản lịch sử văn hóa. Đầu tư vào di sản văn hóa rất khác với việc mở một cửa hàng buôn bán cổ vật. Nếu đòi hỏi di sản văn hóa phải cho “tiền tươi thóc thật” thì rất khó làm một cách tử tế. Tôi nghĩ đầu tư vào di sản văn hóa chính là đầu tư vào con người, cho con người, phạm vi địa phương, quốc gia hay quốc tế cũng vậy.
Khảo cổ học cộng đồng còn hướng tới đối tượng là trẻ em. Nhiều bảo tàng trên thế giới bố trí những khu vực cho trẻ em tập khai quật khảo cổ, tập làm đồ gốm hay các nghề thủ công khác theo phương pháp cổ truyền. Hoạt động này vừa giúp các em hiểu được công việc của nghề khảo cổ, giáo dục sự tôn trọng đối với các giá trị lao động, đồng thời khơi gợi niềm ham thích với khoa học này. Hình như ở nước mình cũng như thế giới, ít người hiểu về khảo cổ, những người ham thích khảo cổ lại càng ít hơn.
“Việc những người ham thích khảo cổ lại càng ít hơn” phải chăng là bởi nghề này quá cực nhọc?
Tôi nghĩ cực nhọc chỉ là một phần, có lẽ vì nghề này không kiếm được nhiều tiền chăng? Sinh viên ngành khảo cổ chủ yếu là người ở các tỉnh, dẫn đến hệ quả là những cơ quan khảo cổ ở đô thị lớn, chẳng hạn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, khi có nhu cầu tăng cường cán bộ thì gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng do cơ chế hành chính không khuyến khích người ngoại tỉnh. Cái vòng luẩn quẩn này tồn tại đã nhiều năm.
Nếu vừa làm khảo cổ, vừa chơi đồ cổ thì cũng có thể giải quyết được bài toán tài chính đối với nhà khảo cổ?
Tôi không chơi đồ cổ. Có nhiều lý do. Thứ nhất là “nguyên tắc đạo đức” đối với những người làm bảo tàng. Nếu chơi đồ cổ, tôi sẽ khó giữ được sự khách quan. Thí dụ, trong quá trình đi sưu tầm, khi gặp những món đồ quý hiếm, dễ động lòng tham. Thay vì được đưa về làm tài sản của bảo tàng thì món đồ sẽ trở thành một phần trong bộ sưu tập của mình. Nhiều bạn bè của tôi làm việc ở các bảo tàng cũng không chơi đồ cổ, mặc dù họ rất giỏi về giám định cổ vật. Thứ hai là khả năng tài chính của tôi không cho phép. Đã vào cuộc chơi thì sẽ không lường được sự ham mê sẽ dẫn dắt mình đi tới đâu. Thứ ba, tôi hay nói đùa rằng trong gia đình chỉ nên có một “đồ cổ” là mình. Với tôi, đồ cổ là công việc, không nên đem về nhà.
Công việc vất vả, lại không ra tiền. Vậy “cái được” của người làm khảo cổ là gì?
Phần nào thỏa mãn sự ham thích cá nhân là luôn biết thêm nhiều điều mới lạ. Công việc khảo cổ không bao giờ ngừng nghỉ đối với mỗi cuộc khai quật hay với những khám phá mới. Có lẽ vì vậy rất ít người làm khảo cổ bỏ nghề. Khảo cổ học góp phần dựng lại mọi mặt đời sống của con người trong tiến trình tác động vào thiên nhiên, môi trường sống… Những mảnh vở tiền nhân để lại như những “chữ cái” mà các nhà khảo cổ tìm cách gắn chắp để đọc ra các tầng văn hóa. Lịch sử là một vòng xoáy trôn ốc, những gì đang diễn ra ở hiện tại đều từng thấp thoáng trong quá khứ. Vấn đề là chúng ta có tích cực tìm kiếm hay không mà thôi.
Có ý kiến cho rằng văn hóa Việt Nam vẹn nguyên nhất là thời kỳ trước khi bị xâm lược phương Bắc đô hộ. Liệu rằng khảo cổ có giúp tìm lại được cái lõi văn hóa của tiền nhân?
Đối tượng nghiên cứu ưu tiên của khảo cổ học là những di vật trong thời kỳ con người chưa có chữ viết. Nhiệm vụ của nhà khảo cổ là sử dụng những phương pháp đặc thù để giải mã. Trước đây các học gỉa phương Tây cho rằng thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc là văn minh Hán, Việt Nam không có gì hết. Đó kết luận vội vàng và không thỏa đáng.
Bằng chứng?
Thí dụ như trống chậu, một sản phẩm phái sinh của trống đồng. Phải nói ngay rằng trống đồng không phải của riêng tộc người Việt cổ mà là sản phẩm của nền văn minh Đông Nam Á cổ. Châu thổ sông Hồng từng là một trung tâm của văn hóa trống đồng. Sau khi khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị dập tắt, xâm lược phương Bắc kiểm soát triệt để ngành đúc đồng đề phòng cha ông chúng ta rèn đúc vũ khí để tiến hành khởi nghĩa. Trống đồng cũng bị cấm ngặt bởi đây là biểu tượng quyền lực và tinh thần của những tộc trưởng người Lạc Việt. Trong bối cảnh đó, chúng ta tìm thấy một hiện vật khá quan trọng là trống chậu. Chậu là sản phẩm của nền văn minh Hán, làm bằng đồng thau trong long có họa tiết trang trí hình con cá, hình ô trám… Tuy nhiên, khi lật úp chậu xuống thì hiện vật này có công năng như trống đồng. Phần bề mặt, tức đáy chậu, được các nghệ nhân Việt chạm khắc hình mặt trời, chim lạc, nhiều họa tiết quen thuộc khác của trống đồng. Nói một cách vui vẻ thì trống chậu là hình thức “lách luật” mà bộ máy cai trị hà khắc không thể bắt bẻ. Tư tưởng độc lập của tiền nhân thể hiện rất rõ.
Những yếu tố văn hóa truyền thống của tiền nhân liệu chúng ta có thể áp dụng vào đời sống đương đại?
Theo tôi, nên kế thừa cách ứng xử linh hoạt của tiền nhân trong những hòan cảnh thách đố ngặt nghèo. Cụ thể là tìm cách giữ gìn, bảo vệ giá trị văn hóa cốt lõi trước áp lực đồng hóa khủng khiếp hơn là “bám trụ” vào một lọai hình sản phẩm cụ thể. Thực tế, hiện chỉ còn người Mường là còn giữ một số sinh hoạt liên quan đến trống đồng. Thêm nữa, không phải truyền thống nào cũng phù hợp với cuộc sống đương đại. Bê nguyên xi “truyền thống” đặt vào hiện tại có khi làm hỏng cả truyền thống ấy.
Hiện nay, chị làm việc tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh. Từ một người làm công tác nghiên cứu, chuyển sang làm công tác quản lý, chị có thấy nhớ nghề?
Nhớ chứ. Mười hai năm công tác tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh là khoảng thời gian làm nghề thực sự và rất hứng thú. Mỗi lần đi khai quật đều học được rất nhiều điều bổ ích, nhất là HỌC từ những đồng nghiệp ở các địa phương. Tôi rất quý và trọng kiến thức của họ vì kiến thức của họ luôn “sống”. Dù giờ đây không còn trực tiếp làm khảo cổ nhưng tôi vẫn cố gắng cập nhật thông tin thường xuyên. Những tư liệu mới để giúp soi chiếu kiến thức vốn có, bản thân mình có độ lùi cần thiết để nhìn nhận thấu đáo hơn nhưng tiếc là không có điều kiện để nghiên cứu sâu. Công việc quản lý đã chiếm quá nhiều thời gian của tôi.
Kiến thức khảo cổ có giúp gì cho chị trong nhiệm vụ mới?
Hầu như không giúp ích trực tiếp. Bởi nhiệm vụ của chúng tôi là nghiên cứu giải quyết những vấn đề thành phố đặt ra cũng như tham mưu chiến lược. Phần tham mưu chiến lược còn hạn chế vì hiện có quá nhiều vấn đề bề bộn trước mắt, cần phải giải quyết ngay.
Một trong những vấn đề “cần phải giải quyết ngay” là văn minh đô thị…
Trong chiến tranh, người ngoại tỉnh đổ về Sài Gòn rất nhiều bởi ngoài Sài Gòn là vùng chiến sự. Sở dĩ ta có cảm giác văn minh đô thị thời kỳ đó không “lung tung” là bởi chỉ nhìn vào khu vực trung tâm Sài Gòn, gồm quận 1 và quận 3, có thể được xem là vùng lõi về lối sống đô thị. Thời đó dân nhập cư thường sống ở quận vùng ven và ngọai thành. Và chính quyền thời đó cũng chỉ quan tâm nhiều hơn đến bộ mặt đô thị ở khu trung tâm. Thực tế, từ 1975 đến nay, một bộ phận không nhỏ thị dân đã rời khỏi “vùng lõi”. Khoảng trống để lại được lấp đầy bằng nhiều lớp người chưa quen với nếp sinh hoạt của thị dân. Những người có lối sống thị dân lâu đời đang “nhạt” dần. Cho nên xây dựng văn minh đô thị Sài Gòn theo tôi vẫn phải hình thành được tầng lớp thị dân với hàm nghĩa là cư dân sống ở môi trường đô thị, hành xử theo những quy tắc của văn hóa đô thị.
Kiến thức về khảo cổ học đô thị chỉ hữu dụng với tôi trong những công việc đụng chạm đến di sản văn hóa. Ví dụ như chuẩn bị quy hoạch lớn khu vực Cần Giờ. Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh “đặt hàng” tôi thực hiện một báo cáo điều tra về khu vực này. Theo đó, những di tích nào cần phải giữ lại và những di tích nào có thể khai quật đưa hiện vật vào bảo tàng, để dành đất cho công trình mới.
Được biết chị là người tham gia trực tiếp khai quật một số di chỉ tại Cần Giờ. Đây cũng là đề tài luận án tiến sĩ của chị. Vai trò của Cần Giờ đối với văn hóa Nam bộ nên được nhìn nhận như thế nào?
Theo sự hiểu biết của tôi thì cần Giờ là trường hợp hiếm hoi ngành khảo cổ phát hiện di chỉ cư trú và mộ táng thời tiền sử trong khu vực rừng ngập mặn. Hơn nữa, cuộc sống của cư dân cổ nơi đây có thể nói là khá giả. Nhiều hiện vật mang dấu ấn văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Đông Nam Á… chứng tỏ có sự giao thương với thế giới từ rất sớm. Chúng tôi cho rằng Cần Giờ như một “cảng thị sơ khai”. Ngoài ra, những ảnh hưởng của văn hóa Cần Giờ còn thể hiện trong văn minh Óc Eo ở miền Tây Nam bộ.
Sau này, dưới thời chúa Nguyễn, cửa Cần Giờ được xem là cảng trung chuyển, kết nối với cảng nội địa Cù Lao Phố rồi Bến Nghé, và có thể là cả “tiền cảng” là Côn Đảo.. . “Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”. Câu ca dao quen thuộc này là của những dòng lưu dân đi từ cửa biển Cần Giờ vào đến ngã ba Nhà Bè thì hoặc theo sông Sài Gòn về Gia Định, hoặc theo sông Đồng Nai ngược lên Cù Lao Phố rồi tiến sâu vào nội địa miền Đông Nam bộ.
Có thể hiểu tư duy biển của tiền nhân đã hình thành từ rất xa xưa?
Một đặc điểm quan trọng không thể phủ nhận trong văn hóa Việt Nam là văn minh lúa nước. Sở dĩ tập trung vào văn minh lúa nước vì chúng ta vẫn lấy văn minh đồng bằng – nhất là đồng bằng sông Hồng làm trung tâm. Thí dụ, một thời kỳ dài khi dự báo thời tiết người ta hay dùng cụm từ “tin bão xa” dù bão đã tràn đến vịnh Bắc bộ, ngư dân mình đã phải tìm nơi trú ẩn thậm chí gặp nạn. Đó là hệ quả lối tư duy của những người ngồi ở Hà Nội, trung tâm châu thổ sông Hồng. Hàng ngàn năm “dẫm chân lên đồng bằng” nên đối với người Việt, giá trị cao nhất là đất và đất trồng trọt. Vậy nên hiện tượng các nhà đầu tư địa ốc cứ phân lô bán nền, phá hỏng quy họach và mỹ quan đô thị là cũng có căn nguyên của nó: do nhu cầu lớn – xuất phát từ tâm lý ngàn đời là ai cũng muốn có một mảnh đất của mình. Chỉ khi cùng quẫn, bế tắc thì người ta mới phải từ bỏ lối sống quanh quẩn làm ăn trên mảnh đất cha ông để lại, vượt khỏi lũy tre làng ra đi.
Còn từ miền Trung đổ vào Nam bộ, tư duy biển của tiền nhân bộc lộ mạnh mẽ. Chẳng hạn như giỏi giao thương, buôn bán, giao lưu rộng, tiếp nhận nhiều cái mới lạ… “Đứng trước biển” và theo sự rộng mở của sông nước nên lối sống cũng khoáng đạt hơn, tầm nhìn dường như cũng thóang hơn. Chưa kể tình trạng “gần lửa thì rát mặt” nên càng xa trung ương tập quyền thì tư duy của người ta càng bớt cứng nhắc mà linh họat hơn. Trung ương tập quyền của nhà nước phong kiến nhằm duy trì và củng cố quyền lực. Nhưng bên cạnh đó nếu biết mở với độ cần thiết thì sẽ tạo đà cho sự phát triển. Các Chúa Nguyễn ngày xưa đã từng như thế.
Trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ cần có tư duy về biển như tư duy về đất: tấc biển cũng là tấc vàng. Chỉ có như thế mới thấy hết thấy đúng giá trị của biển, từ đó sẽ có chiến lược phù hợp để khai thác và bảo vệ biển hiệu quả.
Xin cảm ơn chị.
Số 368 ngày 10/9/2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH
Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...
-
Người Việt có một số thành ngữ và sự tích liên quan đến cá trê, như truyện Trê Cóc chẳng hạn. Câu chuyện không chỉ là việc Trê tranh giàn...
-
Một người bạn fb bất ngờ ra đi. Post bài thơ rất hay của bạn. Tôi biết Cao Hải Hà qua mạng Yahoo blog và sau là FB. Vài lần gặp Hà ở chỗ ...
-
Xem lại phim này, suy nghĩ khác hẳn ngày trước. Trước, cảm động vì mối tình của cha Ralph và Mecghi, cho rằng đàn bà yêu thì phải hết l...
Tôi đọc cái này trên báo in. Khâm phục bạn lắm!
Trả lờiXóa@ A Thụy: hihi, phục bằng cái máy giặt ko ạ :)))
Trả lờiXóaChị được làm một nghề độc đáo và rất sâu sắc. Ngưỡng mộ những tri thức liên ngành của chị quớ :-)
Trả lờiXóaChúc mừng chị Hậu nha!
Trả lờiXóaMà, em ghen tỵ lắm đó, phải đấu tranh tư tưởng, vượt qua chính mình mãi mới viết được mấy lời chúc mừng này đó.
PA
@ Titi: cái nghề "hổng giống ai" thôi :))
Trả lờiXóa@ P. Anh: được P.A "ghen tỵ" là một vinh dự cho chị đấy, hehe :DDD