Đi tìm viếng mộ Trương Minh Ký: Dấu vết danh nhân kẹt giữa bêtông đô thị (Lam Điền)

 https://tuoitre.vn/di-tim-vieng-mo-truong-minh-ky-dau-vet-danh-nhan-ket-giua-betong-do-thi-20200716092857485.htm

Một buổi sáng tháng 7, nhóm mấy người yêu sử Sài Gòn bỗng nảy ra ý định đi tìm viếng ngôi mộ nhà văn Trương Minh Ký.

Ý tưởng này bắt đầu từ nhà giáo Trần Viết Ngạc và nhanh chóng được được ba nữ tiến sĩ là Bùi Trân Phượng, Quách Thu Nguyệt và Nguyễn Thị Hậu hoan hỉ đồng tình.

Chả là trong lúc lục soạn tài liệu viết về Trương Minh Ký và phái đoàn An Nam đi dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng Pháp (1789-1889), nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc xúc động trước tầm vóc của vị trí thức Nam Kỳ từng làm rạng rỡ học giới nước nhà ngay trước thềm thế kỷ 20.

Thế rồi từ Trương Minh Ký lại lần ra một danh nhân khác là Trương Minh Giảng, cùng họ và ở hàng ông nội Trương Minh Ký.

Cả hai đều là người Gia Định, cụ thể là nơi Hạnh Thông Tây đất Gò Vấp. Lần giở đến đó, ông Ngạc sực nhớ ra dường như ngôi nhà từ đường và mộ phần của cả hai ông danh nhân họ Trương này đều từng tọa lạc ở Gò Vấp.

Cuộc hẹn hò để tìm lại dấu tích người xưa khởi đầu như vậy.

Nhưng nhà từ đường và phần mộ của hai ông giờ ở đâu?

Nguyện vọng của những người yêu sử ngày nay muốn tìm lại dấu tích của tiền nhân - những danh thần có võ công văn nghiệp từng góp phần vun bồi mảnh đất phương Nam này - thật buồn cười là không biết bắt đầu từ đâu, dù đã tra thông tin trên mạng.

Tìm đến địa chỉ nhà từ đường họ Trương nhưng cổng đóng, còn phần mộ Trương Minh Ký và Trương Minh Giảng hỏi người xung quanh không ai biết cả.

Không nản, cả nhóm vẫn họp nhau cùng đi một chuyến. Sáng 15-7, mỗi người từ một hướng tụ lại để tìm đến ngôi từ đường ở phường 7, quận Gò Vấp với ý định vào thắp hương viếng nhà họ Trương trước khi viếng mộ.

Thời may, xóm giềng thấy một nhóm người ở đâu lạ hoắc kéo đến gọi cổng mới chỉ tay bảo đi vòng cổng nhỏ phía sau tận bên kia mới gọi được người bên trong. Thì ra nhà từ đường vẫn còn người cháu tên Thanh đời thứ 5-6 (?) trông coi.

Ông Thanh năm nay gần sáu mươi tuổi, nhanh nhẹn giới thiệu gian chính từ đường, giới thiệu ngôi mộ bà hội đồng là vợ của ông Trương Minh Giảng, rồi dẫn cả nhóm đi đến vị trí ngôi mộ Trương Minh Giảng, thì hỡi ôi ngôi mộ bề thế diện tích rộng hơn một ngôi nhà phố hiện đã bị người dân lấn chiếm, chất gạch đá bít lại và xây nhà lấn mất cả đầu mộ.

Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc không kể tuổi tác năm nay đã ngoài tám mươi, cố gắng vẹt cành cây leo vào bên trong bức tường tạm do những người lấn chiếm che chắn, tận mắt chứng kiến nền nấm mộ vẫn còn giữa bộn bề xà bần tạp nhạp.

Lật đá vin cành nhìn ngó một hồi, chợt thấy bức tường chân mộ đã gãy đổ nhưng trên phần còn lại hãy còn lờ mờ một số chữ Hán rêu đã bám dày.

Giá mà ngôi mộ này sớm được giữ gìn vẹn toàn thì đây hẳn là một di tích đáng kể của thành phố. Nhìn những chữ Võ, chữ Chương, chữ Vật, chữ Tam... còn lờ mờ trong rêu phủ, lòng bùi ngùi khó tả.

Theo ngõ hẻm ngoằn ngoèo đi một đoạn nữa là đến nhà mồ Trương Minh Ký. Cũng chịu cảnh bốn bên lấn chiếm xây nhà đến nỗi không ai ngờ giữa ngần ấy công trình bêtông nay vẫn còn lọt thỏm bên trong là một ngôi nhà mồ của vị văn nhân nổi tiếng - là dấu gạch nối vắt từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 trong hành trình văn chương quốc ngữ của nước nhà.

Theo lời ông Thanh, chỗ này là một phần trong khuôn viên đất nhà họ Trương trước kia rộng đến hàng mẫu. Nay giấy tờ thì còn nhưng chỗ này từ lâu nấm mộ đã bị san phẳng, ngôi nhà mồ còn trơ xương - dấu tích xây dựng thời Pháp thuộc trên đất Gò Vấp.

May sao chiếc bia bằng đá hoa cương trên có ghi "CI GIT. Thế Tải Trương Minh Ký. Hàn lâm học sĩ, Tây chức thông sự" bị mẻ góc trên bên trái vẫn còn được ông Thanh gìn giữ, dựng bên án thờ tạm bợ để có chỗ thắp hương tưởng nhớ một bậc tiền hiền.

Đây là ngôi nhà mồ song táng, giờ chỉ còn lờ mờ dấu vết hai khuôn hình chữ nhật trên nền ximăng, là nơi vợ chồng nhà văn Trương Minh Ký từng chọn làm nơi gửi nắm xương sau một đời tận dốc lòng tận hiến cho quê hương.

Cây bút và danh thần lừng lẫy

Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, Trương Minh Ký viết khoảng chục đầu sách, từng làm chủ bút Gia Định Báo đến 16 năm, chính là một "công thần" khai mở chữ quốc ngữ thời kỳ đầu.

Ông vốn tên thật là Ngôn, nhưng vì theo học thầy Trương Vĩnh Ký, rất hâm mộ và nể phục thầy, nên ông thêm vào tên Ngôn của mình chữ Kỷ nữa, là thành chữ Ký.

Và văn đàn Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 chứng kiến hai cây bút lừng lẫy đều họ Trương tên ký là thầy trò Trương Vĩnh Ký và Trương Minh Ký.

Trương Minh Giảng còn là vị danh thần lừng lẫy hơn.

Trương Minh Giảng từng làm tổng tài Quốc sử quán chủ trì biên soạn bộ sử thực lục cho triều đình, lại từng cầm quân đánh giặc Xiêm, đánh qua khỏi đất Cao Miên, được vua phong tước Bá, là người có công xây dựng mối quan hệ giữa nhà Nguyễn với Cao Miên, được vua cho giữ đất Trấn Tây Thành.

Chính ông xứng đáng xem là vị tướng viễn chinh sớm nhất của Việt Nam thời cận đại với ấn chương "Trấn Tây Thành tướng quân" mà ông Trần Viết Ngạc còn giữ được hình ảnh.


Cả nhóm chụp với ông Thanh trước cổng từ đường - Ảnh: L. ĐIỀN


Góc tường phía chân mộ Trương Minh Giảng còn lờ mờ các chữ Hán trong rêu - Ảnh: L. ĐIỀN


Bên ngoài nhà mồ Trương Minh Ký, hiện lọt thỏm giữa các nhà cao xung quanh - Ảnh: L.ĐIỀN






VỀ NHỮNG TÁC PHẨM "NHÌN LẠI QUÁ KHỨ"

Đọc THUYỀN của NGUYỄN ĐỨC TÙNG.

Có lẽ đã có nhiều bài viết rất hay về cuốn sách này qua hai cuộc giới thiệu sách và gặp gỡ tác giả ở HN và Huế, nói khá đầy đủ về nội dung, bút pháp, tâm thức, cảm xúc... của người viết và nhiều người đọc. Tôi là một người đọc bình thường, và là người trong một gia đình cũng có những người ruột thịt đã vượt biển vào khoảng thời gian được kể lại trong THUYỀN.

Tôi đọc THUYỀN trong một buổi chiều Sài Gòn mưa tầm tã, cảm giác bị lạc trong màn mưa dày đặc tối trời có lẽ góp phần làm cho tôi đồng cảm sâu sắc hơn về nỗi bất an và tai họa của những người trên THUYỀN qua từng trang sách của Nguyễn Đức Tùng.
Khép lại trang cuối, tôi bỗng nhớ tới một từ tôi học được từ những ngư dân đảo Lý Sơn. Cứ sau mỗi chuyến đi biển gặp bão tố hay tai họa, trở về bờ một thời gian sau họ vẫn còn một cảm giác, gọi là SAY BỜ.

Có lẽ THUYỀN của Nguyễn Đức Tùng chính là cảm giác Say Bờ... Đến bờ, ở trên bờ đã rất lâu, nhưng những gì chứng kiến, trải qua trên biển vẫn còn đó, không dữ dội hoảng loạn nhưng vẫn đầy ám ảnh và đau đớn...


Phim THE READER (ĐỘC GIẢ - 2008) 

Tôi xem lại phim Độc giả (The reader) giữa những ngày tình hình Israel và Iran đang ác liệt.Điều làm tôi nhớ để xem lại phim này (dù xem đã lâu) chính là đoạn cuối. Luật sư Michael đến Boston tìm gặp một nạn nhân của trại tập trung, nơi mà Hanna từng làm cai ngục ở đó. Khi ấy nạn nhân ấy là một cô bé bị bắt cùng cả gia đình. Tại phiên tòa xử Hanna, Michael đã gặp hai mẹ con nạn nhân với tư cách là nhân chứng. Và bây giờ khi Hanna đã chết, anh tìm đến người phụ nữ này để thực hiện “di chúc” của Hanna.

Machael đưa cho cô ấy chiếc hộp trà bằng sắt trong đó có tiền mà Hanna muốn gửi lại cho cô gái với lời nhắn “tùy ý sử dụng”. Người phụ nữ nói, đại ý:
- Tôi chẳng thể làm gì với số tiền này. Nếu tôi đưa cho một tổ chức nào đó liên quan đến cuộc diệt chủng Do Thái, tôi thấy như mình đang xá tội. Tôi không muốn và không đủ tư cách làm vậy.
Michael trả lời: Tôi đang nghĩ đến một tổ chức thúc đẩy xóa mù chữ chẳng hạn?
- Tốt lắm. Người phụ nữ trả lời
Michael như trút được gánh nặng, anh hỏi: cô có biết một tổ chức Do thái nào không?
- Lĩnh vực nào cũng có tổ chức Do Thái. Nhưng mù chữ cũng là vấn đề lớn của người Do Thái. Sao anh không tự tìm và gửi tiền cho họ?
Người phụ nữ giữ lại chiếc hộp trà bằng thiếc... nó gợi cho cô nhớ lại chiếc hộp đựng kỷ vật mà hồi nhỏ cô mang vào trại tập trung, nhưng đã bị lấy mất vì có những dòng chữ Do thái trên đó.
Chỉ một đoạn ngắn thôi mà để lại quá nhiều suy nghĩ và liên tưởng.
Trải qua những tội ác trong chiến tranh (và cả tội ác thời hậu chiến), sự trừng phạt, trả thù không bao giờ mang lại cho nạn nhân (của cả hai thời kỳ) sự quên lãng. Vì vậy tha thứ hay khoan dung đều hề không dễ dàng. Muốn hay không muốn tha thứ chỉ là chuyện cá nhân, nhưng quan trọng hơn là có thẩm quyền để làm điều đó hay không? Thẩm quyền ấy, thường là của cả một cộng đồng từng là nạn nhân, từng phải chịu đựng bất công, tội ác! Thẩm quyến của cộng đồng sẽ quyết định hành xử tha thứ hay không. Nhưng cộng đồng lại là tập hợp của nhiều cá nhân. Ý chí của cá nhân có thể tác động đến ý chí cộng đồng hay không?
Như trong THE RAEDER, cả hai bên đều chân thành, tôn trọng sự thật lịch sử và “cảm xúc lịch sử” của nhau. Vì vậy đã bắt đầu “đến gần nhau hơn” từ một điểm chung: nhìn nhận và góp phần giải quyết những vấn đề của ngày hôm nay. Chưa thể tha thứ cho quá khứ nhưng có thể cùng thay đổi hiện tại và tương lai! Cũng là cách tự hòa giải với ký ức đau buồn của chính mình!
Tôi xem khá nhiều phim nước ngoài có chủ đề chiến tranh và hòa giải, và những phim ấy đều mang thông điệp nhân văn: con đường hòa giải với ký ức có quá nhiều cái hố của thù hận, chia cắt. Muốn thay đổi cần bắt đầu từ một hòn đá có khi chỉ đủ chèn vào một hố nhỏ trên đường, giúp cho một người đi đường không vấp té... Và cứ thể, mỗi người với từng viên đá nhỏ có thể giúp con đường bằng phẳng hơn, chứ không dùng để đào thêm những hố sâu và gây thêm thương tích cho chính mình, cho người khác... Cần lắm, sự kiên nhẫn và lòng khoan dung.

20.6.25
#vaiphimvuaxem [lâu qúa mới viết lại mục này]
Tìm mãi mới có 1 tấm hình của đoạn phim trên 🙂



TRÔI ĐI NHỮNG BỒNG BỀNH của hoạ sĩ Vũ Hoàng Tuấn

 Mình rất thích tranh của Vũ Hoàng Tuấn, có lẽ vì mình "cảm" cái chất dân gian hóm hỉnh, hay chất sang cả mà sâu lắng "kiểu Phái" trong nét vẽ hiện đại của anh.

Xem tranh của anh dù một mình hay giữa đông người, cũng nhận ra sự bồi hồi không thể chia sẻ cùng ai, dường như đang trở về một giấc mơ hoang nào đấy...
Từ lâu rồi, hai chị em chỉ biết nhau qua FB. Cho đến một bữa Tuấn mang đến tận nhà tặng mình 1 bức tranh mà mình rất thích. Lúc đó mới gặp nhau lần đâu... Có lẽ cũng chỉ mới gặp 2, 3 lần gì đó thôi, Tuấn nhỉ 🙂
Nhưng mà bọn cùng cầm tinh con Cún thì nhận ra nhau nhanh lắm 😃
Chúc mừng Vũ Hoàng Tuấn nhé, chúc mừng cả gia đình nhỏ ấm áp của Tuấn nữa 🙂
Vài bức tranh trong triển lãm của anh, hình từ Mai Art Space

Đọc thêm bài trên báo Tuổi trẻ về tác giả và triển lãm này













DẤU ẤN VĂN HÓA ĐÔNG SƠN Ở NAM BỘ - VIỆT NAM

  (trích tham luận tại HTKH 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, 1924 - 2024)

Thời đại kim khí Việt Nam có ba trung tâm văn hóa phát triển rực rỡ: Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Đồng Nai ở miền Nam. Mỗi trung tâm có truyền thống và bản sắc riêng, thông qua giao lưu văn hóa – kỹ thuật mỗi nền văn hóa đã lưu lại dấu ấn đặc biệt của các nền văn hóa khác.

Vùng đất Nam bộ đã phát hiện một số di vật thể hiện dấu ấn của văn hóa Đông Sơn, tuy ít ỏi nhưng là hiện vật đặc trưng của nền văn hóa này. Tìm hiểu về giao lưu văn hóa có thể nhận thấy ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn đến những vùng xung quanh tùy thuộc vào mức độ tương đồng và khác biệt với những nền văn hóa ở đó. Những dấu ấn của văn hóa Đông Sơn ở Nam bộ phản ánh mức độ và cách thức văn hóa Đồng Nai tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn.

....

Cơ sở của sự giao lưu văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai

Đây là hai nền văn hóa hình thành và phát triển chủ yếu ở lưu vực hai con sông lớn: sông Hồng và sông Đồng Nai, là tiền đề của hai nền văn minh. Do đó chúng đều có ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa quan trọng như nhau. Từ những yếu tố cơ bản của một nền văn hóa khảo cổ, có thể nhìn nhận một số tương đồng và khác biệt của hai nền văn hóa này[1].

Địa hình cư trú của dân cư văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đồng Nai.

Xuất phát của hai nền văn hóa này đều từ vùng trung du – đồi phù sa cổ của sông Hồng/sông Đồng Nai. Giai đoạn phát triển cuối – sơ kỳ sắt – thì hệ thống di tích đã lan rộng đến tận ven biển. Nếu văn hóa Đông Sơn lấy sông Hồng làm tuyến phát triển chính, bên cạnh đó còn có lưu vực sông Mã, sông Cả thì văn hóa Đồng Nai cũng lấy lưu vực sông Đồng Nai làm tuyến chính, cùng với đó là lưu vực sông Bé và sông Vàm Cỏ.

Văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai đều có thể phân chia thành những “loại hình” theo địa lý: Đông Sơn núi/đồng bằng/ven biển; Đồng Nai đồi bazan/phù sa cổ/ngập mặn. Trong đó, dân cư văn hóa Đông Sơn phát triển đời sống phong phú nhất ở đồng bằng sông Hồng còn dân cư văn hóa Đồng Nai có đời sống phong phú nhất là vùng ven biển, vì sông Đồng Nai chưa kịp tạo lập được một vùng đồng bằng như sông Hồng. Đồng thời, vùng cửa sông Đồng Nai nằm trên tuyến đường biển vùng ĐNA có mối quan hệ giao lưu sôi động trong thời hậu kỳ kim khí.

Về quan hệ giao lưu và lan tỏa của hai nền văn hóa Đông Sơn, Đồng Nai

Văn hóa Đông Sơn có xu hướng giao lưu theo dòng chảy của sông Hồng từ phía bắc xuống; trong khi đó ảnh hưởng và giao lưu ở văn hóa Đồng Nai nổi rõ yếu tố từ biển Đông vào. Đến giai đoạn sơ kỳ sắt yếu tố văn hóa lục địa khá nổi trội trong văn hóa Đông Sơn (thể hiện qua những bộ sưu tập công cụ – vũ khí đồng/sắt) còn trong văn hóa Đồng Nai yếu tố văn hóa biển càng rõ ràng (nhất là qua đồ trang sức và đồ gốm của nhóm di tích Giồng Cá Vồ/ Giồng Phệt/ Giồng Lớn/ Gò Ô Chùa).

Trong mối quan hệ với với văn hóa Sa Huỳnh – trung tâm kim khí ven biển miền Trung và là “vùng đệm” thì mối liên hệ Đông Sơn – Sa Huỳnh không nhiều: vài ngôi mộ vò trẻ em, một vài trang sức thủy tinh, khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, tìm thấy chủ yếu ở khu vực giáp ranh (Bắc Trung bộ). Có lẽ đây là sản phẩm của giao lưu trao đổi. Còn văn hóa Đồng Nai lại có quan hệ chặt chẽ và nhiều chiều với văn hóa Sa Huỳnh: thể hiện trên đồ gốm, trang sức, táng thức mộ chum; khu vực giáp ranh Nam Trung bộ (Hòa Diêm – Khánh Hòa) càng đậm nét. Tuy nhiên, cần nhìn nhận mối quan hệ này biểu hiện sự “đồng quy văn hóa” của các nền văn hóa Biển, thể hiện qua hệ thống các di tích ven biển và hải đảo Đông Nam Á mà W. Solheim đã chỉ ra trong truyền thống gốm Sa Huỳnh – Kalanay.

          Táng thức mộ chum/vò (Sa Huỳnh và Đồng Nai) hay táng thức mộ thuyền (Đông Sơn) tuy khác nhau về hình thức nhưng cùng phản ánh một tín ngưỡng về cái chết. Trong các mộ chum ở Cần Giờ có chôn theo “cà ràng” – loại bếp gốm độc đáo dùng trên ghe, thuyền; nắp đậy mộ vò ở hang Manungui đảo Palanwan ở Philippines có núm cầm hình thuyền với 2 người đang chèo, hay mộ quan tài hình thuyền trong văn hóa Đông Sơn… đều thể hiện ý nghĩa: quan tài hình thuyền hay mộ chum/vò đều tượng trưng cho “phương tiện” chuyên chở linh hồn qua thế giới bên kia. Trong ý nghĩa này văn hóa Đông Sơn và Cần Giờ – Đồng Nai gần nhau hơn vì cùng tục chôn nguyên thi thể.

Kỹ thuật luyện kim: Di tích văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai đều không tìm thấy nhiều công cụ, vũ khí bằng sắt, khác với văn hóa Sa Huỳnh đồ sắt khá phổ biến, hầu hết là đồ tùy táng tìm thấy trong mộ chum. Tuy nhiên văn hóa Đông Sơn và Đồng Nai có kỹ thuật đúc đồng phát triển đến đỉnh cao: nhiều di tích là công xưởng, phổ biến khuôn đúc hai mang, khuôn đúc liên hoàn… Trong các loại vũ khí thì cả Đông Sơn và Đồng Nai đều có “qua đồng” – một loại hiện vật được coi là có nguồn gốc từ phía văn hóa Hán. Một hiện vật nguồn gốc văn hóa Hán có mặt trong cả ba nền văn hóa là gương đồng.

Đặc biệt trống đồng “kiểu” Đông Sơn trong văn hóa Đồng Nai có trường hợp sử dụng rất đặc biệt:  Trống đồng được sử dụng làm nắp đậy chum trong táng thức “mộ chum gỗ” ở Phú Chánh (Bình Dương) là sự kết hợp hai yếu tố đặc trưng của hai văn hóa. Ngoài ra trong những chum gỗ còn tìm thấy bộ “công cụ dệt gỗ” 23 hiện vật gồm trục dệt, dao dệt, lược chải sợi và các thanh có nấc. Đây là những kết cấu của loại khung dệt mà hiện nay một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên và Đông Nam Á vẫn còn sử dụng[2], cả ở ĐNA hải đảo[3].

Về truyền thống văn hóa tạo dựng nhà nước sơ khai thời đại kim khí: Nền văn minh sông Hồng phát triển trên cơ sở kỹ thuật luyện kim trình độ cao và nông nghiệp lúa nước, được định danh là “văn minh lúa nước” và trở thành truyền thống “bốn ngàn năm”. Văn hóa Đông Sơn trở thành cốt lõi của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc và được “tái hiện” trong văn minh Đại Việt sau một ngàn năm “Bắc thuộc”.

          Văn minh sông Đồng Nai phát triển trên cơ sở kinh tế nông nghiệp nương rẫy và giao lưu “kinh tế biển”; sau này vương quốc Phù Nam phát triển trên nền tảng nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long sự thịnh đạt của cảng thị Óc Eo - Nền Chùa. Văn hóa Đồng Nai với những di tích “Tiền Óc Eo” là nguồn gốc bản địa của văn hóa Óc Eo thời Vương quốc Phù Nam.  Khi vương quốc Phù Nam sụp đổ, “truyền thống” Óc Eo còn kéo dài thêm nhiều thế kỷ, không thể không có vai trò cội rễ của văn hóa Đồng Nai.

Yếu tố “biển” trong văn hóa Đồng Nai phổ biến trong hệ thống các di tích thời sơ kỳ sắt ven biển Đông nam bộ và tái hiện mạnh mẽ trong văn hóa Óc Eo. Trong văn hóa Đông Sơn yếu tố bin không phải là chủ đạo tuy có loại hình Đông Sơn ven biển, nhưng “nguồn gốc biển” lại hiện diện trong truyền thuyết khởi nguồn Âu Cơ và Lạc Long Quân.

Như vậy, từ sự tiếp cận môi trường sinh thái và đặt trong bối cảnh văn hóa rộng hơn, những tương đồng và khác biệt của văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai đã chứng minh cho sự đa dạng của đời sống và văn hóa các nhóm dân cư thời tiền sử trên đất nước ta. Sự tương đồng hay khác biệt đều xuất phát từ “thế ứng xử” với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội – trong đó có những mối quan hệ giao lưu nhiều chiều của chủ nhân hai nền văn hóa này. Những tương đồng là điều kiện cần có để thực hiện quá trình giao lưu văn hóa, để có thể tiếp nhận những gì phù hợp và tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển nội tại và toàn khu vực. Những khác biệt là điều kiện cần đủ để có các cách thức khác nhau trong chọn lọc, thay đổi những gì tiếp nhận từ một nền văn hóa khác, từ đó tạo ra yếu tố mới mang đặc điểm riêng, độc đáo. Duy trì và phát triển sự khác biệt độc đáo góp phần cho sự đa dạng của toàn khu vực ĐNA. Cả văn hóa Đông Sơn và văn hóa Đồng Nai đều có những đóng góp quan trọng như vậy.


[1] Nguyễn Thị Hậu, 2014, Văn hóa Đồng Nai và văn hóa Đông Sơn – Những tương đồng và khác biệt. HTKH kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn. Bảo tàng lịch sử quốc gia. Hà Nội

[2] Hồ sơ Bảo vật quốc gia Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh – Bình Dương. Cục Di sản văn hóa.

[3] Kết quả khảo sát của tác giả và đồng nghiệp tại Hoa Liên, Đài Loan, tháng 3.2024. Hoa Liên là nơi có một số cộng đồng dân cư bản địa, họ vẫn bảo tồn những nghề truyền thống như săn bắt, dệt vải... Công cụ dệt vải của họ khá giống những hiện vật tìm thấy trong mộ chum Phú Chánh ( Bình Dương). Hoa Liên cũng là nơi có những di tích chế tác đá ngọc, mà nhiều trang sức bằng đá ngọc trong văn hóa Đồng Nai có xuất xứ nguyên liệu từ đây.

TS. Nguyễn Thị Hậu






Yếu tố Biển – sự đồng quy văn hóa của giai đoạn “tiền Óc Eo” ở Nam bộ và Văn hóa Sa Huỳnh

 NGUYỄN THỊ HẬU

Trích bài đăng trong THÔNG BÁO BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA, 2019

...

Nhìn trên bản đồ Đông Nam Á, biển Đông có thể coi như một vùng “biển kín” bởi sự che chắn của lục địa châu Á và các quần đảo kéo dài từ Đài Loan qua Philippine đến Borneo. Trong biển Đông có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do đó vào thời tiền sử con đường giao thông để thực hiện giao lưu, thương mại được thực hiện ven biển theo các dòng hải lưu chịu ảnh hưởng của địa hình vùng biển và do chế độ gió mùa quyết định. Đông Nam Á còn được gọi là khu vực “Châu Á gió mùa” nên cư dân cổ đã tận dụng điều kiện này để di chuyển từ đảo, quần đảo vào đến liền và ngược lại.

Hiện tượng giống nhau giữa hang Tabon, Hòa Diêm và Giồng Cá Vồ/Giồng Phệt, phần nào cả Giồng Lớn, đặt trong không gian địa lý từ quần đảo Palawan vào vùng biển từ Khánh Hòa đến Cần Giờ sự “án ngữ” của quần đảo Trường Sa với hàng trăm đảo, bãi ngầm bãi cạn... “Nối” các di tích này với nhau theo “đường chim bay” tạo ra một tam giác có ba đỉnh là Tabon – Hòa Diêm – Giồng Cá Vồ /Giồng Phệt mà cạnh đáy của tam giác này rất hẹp. Các nhóm cư dân này khó có thể liên hệ với nhau theo đường thẳng vượt qua quần đảo Trường Sa nhiều bất trắc. Trong khi đó lại có những dấu hiệu cho biết về một con đường vòng theo ven biển phía Nam ĐNA từ quần đảo Philippines qua bán đảo Malaysia, khu vực Borneo và ngược lại, thể hiện bằng những di tích mộ chum đồng đại mang nhiều nét tương đồng ở Philippine, Indonesia, An Giang, Cần Giờ, Hòa Diêm...

....

Như vậy, mộ chum/vò hiện diện khá rõ ràng ở phía Nam ĐNA, con đường di cư/di chuyển ven biển giữa những địa bàn này là “tác nhân” quan trọng của hiện tượng này. Sự giao thoa văn hóa giữa các nhóm cư dân cùng thời, cùng trình độ phát triển, cư trú trên địa  bàn kề cận nhau là hiện tượng mang tính quy luật. Sự giống nhau về táng thức và táng tục hay là thực chất mối quan hệ của các di tích Hòa Diêm, Cần Giờ và các di tích Tabon, Kalanay ngoài quần đảo Philippine cần được nhìn nhận vượt ra ngoài phạm vi hạn hẹp của từng nền văn hóa khảo cổ, nó cần được xem xét trong một không gian biển – ven biển – hải đảo rộng lớn và không chia cắt, vì  đó là không gian sinh tồn chung của các nhóm cư dân Đông Nam Á thời nguyên thủy.

3. Văn hóa Sa Huỳnh và “văn hóa Cần Giờ” nói riêng và giai đoạn “tiền Óc Eo” nói chung đều mang nhiều yếu tố thể hiện mối liên hệ mật thiết với khu vực đảo, quần đảo Đông Nam Á và xa hơn. Đó là những dữ liệu quan trọng để tìm hiểu về nguồn gốc chủ nhân và mối quan hệ của các nền văn hóa trong bối cảnh rộng lớn của Đông Nam Á chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi địa lý “lãnh thổ Việt Nam” ngày nay. Biển Đông từ thời xa xưa cho đến nay luôn có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của khu vực, là con đường mang đến những yếu tố “ngoại sinh” thúc đẩy các nhóm cư dân sơ kỳ đồ sắt phát triển sang một thời kỳ mới, như là từ văn hóa Sa Hùynh phát triển đến văn hóa Champa và nhà nước Lâm Ấp – Champa ở miền Trung, từ văn hóa Đồng Nai, cụ thể là từ giai đoạn “tiền Óc Eo” đến văn hóa Óc Eo ở Nam bộ và nhà nước Phù Nam.

Mỗi văn hóa khảo cổ cần được đặt trong dòng chảy của một bối cảnh và truyền thống văn hóa rộng hơn để có thể nhận biết “chuỗi tiến hoá liên tục những nguồn lực nội sinh. Song... không xem thường những nguồn lực ngoại sinh đến qua biển. Cái lý luận cổ điển “nội sinh quyết định ngoại sinh phù trợ” đã được làm mềm dẻo đi ở cảng Cần Giờ và các cảng thị miền Trung với dải văn hóa Nam đảo và luồng buôn bán quốc tế ven bờ biển Đông” (Trần Quốc Vượng, 1998).

Đấy chính là nội hàm của mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh với các văn hóa cùng thời, trong đó có văn hóa Đồng Nai mà đại diện là các di tích thuộc giai đoạn “tiền Óc Eo” ở Nam bộ.





LÀNG GỐM BÀU TRÚC (NINH THUẬN) BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ - XÃ HỘI MỚI

 Trích phần 3 của bài đăng trên tạp chí Di sản văn hóa số 3(15) 2023

3. Bảo tồn và phát triển nghệ thuật gốm Chăm ở Bàu Trúc trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới

 3.1 Xác định những “ADN của làng gốm Chăm Bàu Trúc”.

Di sản văn hoá Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hoá nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.[1] Chính vì vậy, cộng đồng là chủ thể sáng tạo, lưu giữ, trao truyền và phát triển di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể - các nghề truyền thống nói riêng.

Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Đến nay Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm đã được UNESCO đưa vào “Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Cần lưu ý là chỉ trong 5 năm nghề làm gốm của người Chăm vừa được tôn vinh trong nước và trên thế giới, đồng thời cũng được đưa vào tình trạng cảnh báo sự suy giảm và biến mất của một nghề thủ công truyền thống. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp khẩn cấp và lâu dài, các biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản Gốm Chăm, tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững ở địa phương và cộng đồng dân cư.

Từ ba hướng tiếp cận và từ quá trình lịch sử có thể nhận thấy làng gốm Bàu Trúc có ba đặc trưng cơ bản, quan trọng nhất:

-       Gắn liền với cộng đồng Chăm làng Bàu Trúc

-       Sản xuất thủ công truyền thống từ nguyên liệu địa phương

-       Sản phẩm phản ánh văn hóa Chămpa.

Đây là ba ADN tạo nên bản sắc và dấu ấn riêng của Gốm Bàu Trúc. Nếu thiếu những ADN này thì gốm Bàu Trúc sẽ mất đi lợi thế trong quảng bá và cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước. Để bảo tồn nghề gốm Chăm làng Bàu Trúc thì cần bảo vệ những yếu tố tác động tích cực đến việc duy trì những ADN, đồng thời loại bỏ hoặc hạn chế những yếu tố tác động tiêu cực làm sự thay đổi hoặc biến mất những ADN.

 Cấu trúc, tổ chức và những điều kiện sinh sống của cộng đồng người Chăm làng Bàu Trúc cần giữ được sự ổn định, tránh sự thay đổi nhanh, lớn về dân cư. Không chỉ là tăng dân số (không thuộc cộng đồng người Chăm) mà còn là giảm dân số hay tình trạng “dân số già”,  mà trường hợp phổ biến là những người trẻ đi làm ăn và sinh sống ở nơi khác. Cùng với đó là tình trạng thế hệ trẻ không muốn tiếp nhận nghề truyền thống nhất là như một sinh kế. Tình trạng này làm cho khả năng lưu giữ và trao truyền nghề giảm sút và có nguy cơ thất truyền.

3.2 Bảo tồn làng gốm Chăm “từ bên trong/bên dưới”

Quá trình đô thị hóa là một trong những nguyên nhân tác động vào cấu trúc và tình trạng dân cư của các làng nghề. Không chỉ vậy, đô thị hóa còn làm thay đôi môi trường và những điều kiện tự nhiên cung cấp nguyên liệu cho làng nghề làm gốm: diện tích nguồn nguyên liệu bị thu hẹp hoặc không thuộc về cộng đồng (chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển quyền sử dụng cho nhà đầu tư). Khi không còn nguồn nguyên liệu hoặc khai thác khó khăn, làng nghề hoặc phải nhập nguyên liệu từ nơi khác, hoặc thu hẹp sản xuất về quy mô và mức độ.

Ngược lại, khi nhu cầu sản phẩm tăng cao, nhất là với những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của đời sống đương đại thì quy mô sản xuất được mở rộng, kỹ thuật sản xuất có xu hướng thay đổi “hiện đại hóa”, như làm gốm bằng bàn xoay và nung gốm trong lò chẳng hạn. Yếu tố kỹ thuật mới phù hợp sản xuất hàng loạt, có phần giảm thiểu tỷ lệ phế phẩm, tăng năng xuất… Nhưng sẽ làm biến mất tính chất “thủ công, đơn chiếc” từ quá trình nặn tay và nung thô sơ ngoài trời. Đồng thời, vai trò của người thợ tạo dáng – phụ nữ - sẽ mất đi vị thế quan trọng trong quá trình sản xuất gốm. Một trong những điều hấp dẫn của nghề làm gốm Chăm, một biểu trưng văn hóa “mẫu hệ Chăm” sẽ mai một.

Có thể tăng năng xuất và quy mô sản xuất đồ gốm mà không làm thay đổi tính chất thủ công truyền thống được không? Có thể được! Bằng cách thay thế máy móc, phân công lao động, chuyên môn hóa một số công đoạn trong quy trình làm gốm như công đoạn khai thác và xử lý nguyên liệu, ủ và nhào trộn nguyên liệu. Còn các công đoạn khác thì cần được bảo tồn, nhất là nặn gốm bằng tay và nung ngoài trời.

Một phương thức khác: duy trì kỹ thuật thủ công truyền thống cho những sản phẩm mỹ nghệ độc bản hoặc theo đơn đặt hàng. Giá thành tất nhiên sẽ cao để đảm bảo chất lượng của sự khác biệt. Còn những sản phẩm khác có thể sản xuất hàng loạt để giảm giá thành và phổ biến rộng rãi kiểu “hàng chợ”. Tuy nhiên, điều quyết định để tồn tại và phát triển là là sản phẩm vẫn phải có sự khác biệt, độc đáo!

Đây chính là ADN thứ ba: thể hiện bản sắc cộng đồng Chăm, của văn hóa Chămpa. “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” là sự tích hợp của tất cả các yếu tố: chủ nhân, không gian và văn hóa Cham. Quan trọng nhất, nếu không thể hiện được những yếu tố của “văn hóa Champa” từ truyền thống đến hiện đại thì nghề gốm, làng gốm Chăm sẽ mãi ở tình trạng “bảo vệ khẩn cấp”.

Để bảo toàn “tính bản địa” thì với nghề làm gốm Chăm, trước mắt là cần sự đầu tư tri thức từ các nghệ nhân, họa sĩ, nhà thiết kế… để có những mẫu mã, chủng loại sản phẩm mang đậm bản sắc “văn hóa Chăm” nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của thị trường, hay cao hơn, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn thị trường. Hiện nay, việc đào tạo nghề gốm phải được coi là cấp thiết nhất. Song song với việc duy trì lễ hội thờ cúng ông tổ nghề gốm, cần bắt đầu ngay từ giáo dục lịch sử địa phương về giá trị và ý nghĩa những di sản văn hóa Champa, đào tạo kỹ năng các nghề thủ công (làm gốm, dệt thổ cẩm) tại các trường dạy nghề chuyên nghiệp. Đặc biệt là vai trò của các nghệ nhân “truyền dạy” tại cơ sản sản xuất. Cần thiết liên kết chặt chẽ với các ngành nghề liên quan như mỹ thuật công nghiệp, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, lịch sử - văn hóa… Có vậy những người thợ gốm mới phát triển khả năng sáng tạo lâu dài. Đồng thời khắc phục tình trạng thế hệ thợ gốm trẻ kế tiếp đang ngày càng ít do chưa hiểu biết đến nơi đến chốn về giá trị (lịch sử, văn hóa, kinh tế) của nghề gốm (truyền thống kết hợp với hiện đại).

3.3 Bảo tồn làng gốm Chăm “từ bên ngoài/ bên trên”

Để nghề gốm truyền thống có thể tồn tại và phát triển, quan trọng nhất là quan điểm, chủ trương và định hướng của chính quyền tập trung phát triển nghề gốm, thể hiện từ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến quy hoạch các lĩnh vực, ngành nghề. Tại địa phương ngành Công thương phối hợp với ngành Văn hóa, Du lịch liên kết chặt chẽ tạo điều kiện cho nghề gốm truyền thống phát triển: đề xuất và triển khai các chính sách hỗ trợ như tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gốm tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng điểm du lịch cộng đồng - làng nghề, thống nhất quan điểm Nghề gốm là một tài nguyên văn hóa bản địa, là di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững.[2]

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0 phát triển tài nguyên bản địa nói chung và các nghề thủ công truyền thống nói riêng không thể tách rời sự đầu tư trí thức và công nghệ liên quan từ sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu… Nếu không có tri thức và công nghệ mới hỗ trợ thì tài nguyên dù giàu có đến đâu cũng vẫn chỉ ở dạng “tiềm năng”, thậm chí còn làm trở ngại cho thay đổi tư duy phát triển bền vững.

Theo một chuyên gia, “tính bản địa” là một trong bảy từ khóa quan trọng nhất đối với người tiêu dùng thế kỷ 21 (tiết kiệm, bền vững, công nghệ, bản địa, sức khỏe, đơn giản, tự do) [3]. Chú trọng tính bản địa (tài nguyên, tri thức, văn hóa) để phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu, xây dựng xã hội nhân bản. Tài nguyên bản địa luôn có tiềm năng trở thành sản phẩm mang giá trị văn hóa cao. Từ sản phẩm kinh tế có thể trở thành di sản văn hóa nếu tính bản địa được coi trọng cùng với sự đầu tư tri thức, công nghệ và nguồn lực ngay từ bước đầu khởi nghiệp.

Để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất, để sản phẩm mang tính bản địa, bản sắc cộng đồng thì việc đầu tiên là nên chăng, sản phẩm của địa phương cần được ưu tiên sử dụng tại địa phương. Sản phẩm gốm và thổ cẩm của đồng bào Chăm Ninh Thuận nên được sử dụng phổ biến trong tỉnh, tại các công sở, nhà hàng, khách sản, công trình công cộng khác như bệnh viện, trường học… Sản phẩm còn có thể sử dụng làm quà biếu tặng, lưu niệm có giá trị. Điều này không phải là “độc quyền” sản phẩm mà là sự đánh giá cao một sản phẩm kinh tế của địa phương, thể hiện hiểu biết giá trị và bản sắc văn hóa riêng của tỉnh nhà. Tất nhiên, với mỗi không gian, đối tượng sử dụng khác nhau sản phẩm gốm, thổ cầm cần có chất lượng cao, mẫu mã thích hợp và mang tính mỹ nghệ cao, vừa truyền thống nhưng không thể thiếu tính hiện đại.

Trong chuyến công tác tại Ai Cập gần đây, tôi được nghe nhiều lần từ những hướng dẫn viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý người Ai Cập… một quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Bộ Du lịch và Di sản Ai Cập: “Di sản văn hóa là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hấp dẫn nhất trong tất cả các sản phẩm mà Ai Cập có thể cung cấp trên toàn cầu”. Ở một mức độ nào đó, tôi cho rằng di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Gốm Chăm và những di sản văn hóa của VN cũng cần được xác định và đánh giá như vậy. Đến với thế giới bằng những di sản mang bản sắc riêng độc đáo chứ không phải bằng những thứ “di sản sao chép”, có vậy mới bảo tồn được di sản của chính mình và phát triển bền vững từ tài nguyên văn hóa.



[1] Luật Di sản văn hóa Việt Nam 2001 và 2013

[2] Nguyễn Thị Hậu, 2023, Gốm Cây Mai - Gốm Sài Gòn: Truyền thống và phát triển. ). Kỷ yếu HTKH Nghề gốm cổ Ninh Bình: Truyền thống và Hiện đại. Ninh Bình 4.2023. Tr. 9

[3] Nguyễn Phi Vân, 2017. Chuyên gia thương hiệu Nguyễn Phi Vân: Bảy từ khóa đối với người tiêu dùng tương lai. https://theleader.vn/chuyen-gia-thuong-hieu-nguyen-phi-van-bay-tu-khoa-doi-voi-nguoi-tieu-dung-tuong-lai-20170808085431712.htm

 






Đi tìm viếng mộ Trương Minh Ký: Dấu vết danh nhân kẹt giữa bêtông đô thị (Lam Điền)

  https://tuoitre.vn/di-tim-vieng-mo-truong-minh-ky-dau-vet-danh-nhan-ket-giua-betong-do-thi-20200716092857485.htm Một buổi sáng tháng 7, nh...