XÂY DỰNG KHU PHỐ ĐI BỘ - KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI DÂN THAM GIA

Nguyễn Khoa

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng khu phố đi bộ trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng là kinh phí để thực hiện. Khi chúng tôi đặt vấn đề: “có nên để Nhà nước và nhân dân cùng làm” không? Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng phụ trách nghiên cứu văn hóa xã hội của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đã có cuộc trao đổi rất thú vị với chúng tôi xung quanh vấn đề này.

“Nhà nước và nhân dân cùng làm” là giải pháp được nhắc đến trong rất nhiều chương trình chỉnh trang đô thị của thành phố. Ở không ít địa phương, nhiều người dân đã mệt mỏi với những khoản đóng góp. Vậy nên làm thế nào để có thể thực hiện giải pháp này với tinh thần tự nguyện của người dân?

Bà Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi, quan điểm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” không chỉ là hướng tới việc vận động người dân đóng góp tài chính mà còn là, và chủ yếu, kêu gọi cộng đồng đóng góp sức lực và cả những ý tưởng để cùng với Nhà nước trong việc hình thành nên một khu phố đi bộ như mong muốn. Sao cho người dân nhận thức được rằng không gian văn hóa đó là của mình, cho mình. Tuy nhiên Nhà Nước phải đóng vai trò chủ đạo trong việc lập kế hoạch, xây dựng chương trình, thiết kế kỹ thuật… kể cả về kinh phí thực hiện. Người dân tham gia một phần công việc và kinh phí nào phù hợp. Ví dụ: Đầu tiên cơ quan chức năng hãy thiết kế nhiều mẫu gạch lát vỉa hè, các phương án trồng cây cỏ, hoa tạo mảng xanh, những mẫu trang trí mặt tiền nhà ở, cửa hàng… sao cho đẹp, hài hòa, ấn tượng đặc sắc… Người dân lựa chon và tham gia thực hiện trong điều kiện cho phép, nhằm tạo ra được những không gian đô thị hài hòa, đặc trưng cho từng khu vực. Chỉnh trang đô thị nói chung trong đó có việc xây dựng một khu phố đi bộ - một không gian sinh hoạt công cộng cho nhiều thành phần dân cư là công việc đòi hỏi có tính kỹ thuật và mỹ thuật, vì vậy không nên để người dân tự phát làm. Tôi đã chứng kiến một số đô thị ở miền Tây Nam bộ khi yêu cầu người dân chủ động gắn một ống sắt nhỏ trước cửa nhà để làm nơi cắm cờ cho đẹp và trang trọng, thì lại “quên” hướng dẫn người dân cách làm. Vì vậy nhiều người đã “vô tư” để cho ống sắt chồi lên trên vỉa hè tới gần 1 tấc, rất nguy hiểm cho người đi trên vỉa hè.

Nếu chỉ kêu gọi người dân đóng góp tiền cho Nhà nước thực hiện thì sẽ không khuyến khích ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn các công trình Nhà nước làm, vì việc đóng tiền tạo ra tâm lý “nộp thuế” cho xong. Nếu để người dân tham gia vào một phần việc nhất định mà họ được lựa chọn theo sở thích thì “khi người ta trực tiếp đồ mồ hôi, công sức để làm một việc gì đó, người ta sẽ trân trọng và giữ gìn thành quả lao động của mình nhiều hơn”. Tôi tin rằng, nếu Nhà nước thiết kế các mảng xanh trên vỉa hè và kêu gọi người dân cư ngụ ở đấy tham gia trồng cây (theo thiết kế) thì chắc chắn cây sẽ được người dân quan tâm, chăm sóc nhiều hơn, từ đó ý thức bảo vệ mảng xanh trồng trước nhà, ý thức bảo vệ, trân trọng những giá trị khác trong đô thị của người dân cũng sẽ được tăng lên. Đó là chưa kể đến tình huống nếu cứ kêu gọi người dân đóng tiền, không những người dân sẽ cảm thấy bị sức ép mà trong nhiều tình huống sẽ xuất hiện những băn khoăn trong việc sử dụng nguồn tiền này.

Tham gia bằng công sức, bằng hiện vật cũng là những khoản đóng góp mà không phải người dân nào cũng có thể thực hiện được…Hơn nữa, sự tham gia lẻ tẻ của từng người dân sẽ khó cho ra một không gian hài hòa-một trong những yếu tố rất quan trọng trong việc tổ chức không gian ở khu phố đi bộ.

Bà Nguyễn Thị Hậu: Sự đóng góp này tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Để mọi người dù nghèo hay giàu đều có thể tham gia cùng thành phố xây dựng không gian sống sạch đẹp cho chính mình và một khu phố đi bộ đẹp cho chung thành phố, đồng thời cũng là để hạn chế tình trạng người dân tham gia lẻ tẻ, khó quản lý, Nhà nước cần có sự bàn bạc với chính quyền địa phương, cụ thể là đến từng tổ dân phố trước khi đưa ra phương án chỉnh trang đô thị. Phần việc nào phù hợp với khả năng của người dân thì để người dân làm. Tuy nhiên, việc làm này nên cùng làm trong phạm vi từng khu phố dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chức năng. Tôi đã từng thấy, ở nhiều đô thị lớn trên thế giới vào mỗi dịp lễ hội chính quyền địa phương bao giờ cũng khuyến khích người dân tham gia trang trí phần không gian công cộng trước cửa nhà mình. Nhà nước chỉ đưa ra những yêu cầu kỹ thuật cơ bản nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cháy nổ…phần còn lại để người dân sáng tạo. Nhiều nơi còn tổ chức cuộc thi cho các họat động này. Những việc làm thường xuyên như vậy đã làm cho người dân rất vui và thêm gắn bó, yêu thương thành phố của mình. Tôi đã từng rất ấn tượng với những khung cảnh như vậy và tôi chắc nhiều du khách khác cũng cùng cảm nghĩ với tôi. Nếu TPHCM tổ chức được một khu phố đi bộ với những sinh hoạt cộng đồng như thế, tôi tin rằng nó sẽ là điểm du lịch vô cùng hấp dẫn cho du khách trong và ngòai nước, là điểm nhấn quan trọng trong các tuyến điểm du lịch của thành phố.

Cùng với người dân, không ít doanh nghiệp cũng rất muốn tham gia chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên cũng có sở ngành chức năng lo ngại rằng đây là trò quảng cáo trá hình và thường yêu cầu các doanh nghiệp này xây dựng một đề án “xin” được đóng góp khá phiền toái. Điều này đã làm nản lòng không ít doanh nghiệp, bà nghĩ sao về thực tế ấy?

Tôi không hiểu tại sao lại có sự lo ngại này. Sự tham gia của doanh nghiệp là điều rất tốt bởi họ có tiềm lực kinh tế dồi dào. Nếu có điều gì chưa yên tâm, Nhà nước có thể đưa ra những yêu cầu cụ thể và đề nghị doanh nghiệp chấp hành. Theo tôi, việc này cần được giải quyết trên tinh thần trân trọng ý thức vì cộng đồng của doanh nghiệp, vì những lợi ích của sự đóng góp này mang tới cho thành phố. Tôi lấy ví dụ, khi làm con đường gốm sứ chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đã có một số ý kiến cho rằng một vài doanh nghiệp tham gia tài trợ “treo logo quá lớn” trong bức tranh chỉ để quảng cáo cho mình, từ đó “phủ nhận” cả sự đóng góp của doanh nghiệp. Tôi nghĩ như vậy không hay. Nếu nhận thấy logo đó ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bức tranh gốm thì Ban tổ chức và doanh nghiệp cùng bàn bạc để sửa lại. Rõ ràng, nếu cứ có thành kiến với doanh nghiệp thì Hà Nội đã không thể có con đường gốm sứ - một công trình văn hóa “xã hội hóa” mà Thủ đô Hà Nội có thể tự hào vì được ghi vào kỷ lục Ghi –net.

Cám ơn bà.

Báo Sài gòn giải phóng 15/8/2011

CHUYỆN CỔ TÍCH VÀ NHỮNG CÁI KẾT KHÁC NHAU

Có khi mưa ngòai trời...

Chẳng biết từ bao giờ tôi có thói quen café một mình, có khi buổi sáng nhưng thường thì vào buổi chiều khi đi làm về. Chiều nay cũng vậy, lại một mình với ly café không đường. Quán nhỏ thì thầm một bài hát thật buồn Lên xe tiễn em đi… chưa bao giờ buồn thế…trời mùa đông Paris…suốt đời làm chia ly… Những bài hát chia ly bao giờ cũng làm người ta xao xuyến và day dứt… dường như mình là người có lỗi trong sự chia ly ngày trước. Chia tay nhau, đôi khi chẳng vì ai cả, chỉ vì thế thôi… Đọc ở đâu đó về “sự/trạng thái lưỡng lự”… Chia tay, có khi là chấm dứt một sự lưỡng lự có thời hạn để bước vào một cuộc lưỡng lự khác, kéo dài suốt cả cuộc đời. Nhưng cuối cùng thì vẫn phải có một quyết định gì đó chứ…

Cổ tích thường có một câu chuyện, đại khái có nàng công chúa xinh đẹp dịu hiền, được làm vợ một chàng hoàng tử đẹp trai, giàu có, tài giỏi. Nàng luôn được chồng yêu thương chiều chuộng… nói chung là nàng có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Chàng hoàng tử còn đưa nàng giữ chùm chìa khóa của tất cả các căn phòng trong lâu đài to lớn họ đang sống. Và chàng dặn rằng, nàng có thể mở cửa mọi căn phòng, những căn phòng chứa toàn vàng bạc châu báu, hoa thơm cỏ lạ, là niềm vui, là sự hài lòng, là những điều tốt đẹp… Duy chỉ có một căn phòng ở cuối lâu đài là nàng không được phép mở, nhưng chàng cũng không bao giờ nói với nàng trong căn phòng đó có gì… Rồi một lần, tình cờ đứng trước căn phòng đó, lại có chìa khóa trong tay, lại không bao giờ nghĩ rằng chồng mình có điều gì bí mật, lại không thắng được sự tò mò rất đỗi đàn bà, nàng công chúa bèn mở cửa căn phòng bí mật… và tất nhiên, nàng nhìn thấy đầu lâu của những nàng công chúa khác…Kết thúc câu chuyện thế nào mọi người đều đã biết…

Kết luận sau khi nghe câu chuyện này là gì? Đem hỏi những người phụ nữ tuổi từ U.30 đến U.60 (theo kiểu Game Show Chung sức của HTV: câu hỏi này chúng tôi đã khảo sát trong 100 người, và…) đáp án được nhiều người lựa chọn nhất là: Đàn bà - nếu “may mắn” được làm công chúa thì hãy cứ là một nàng công chúa, hãy chỉ nhìn những gì chồng cho/ cho phép nhìn thấy (những gì tốt đẹp – hay là có vẻ tốt đẹp). Đừng mong/ muốn/ đòi/ hỏi được nhìn/ thấy/ biết/ hiểu điều gì khác… Cứ thế thì sẽ chẳng có gì xảy ra… Thế nhưng nếu đã lỡ nhìn/ thấy/ biết/ hiểu thì sao? Thì hãy giả vờ như chưa/ không có gì xảy ra, dù có thể với một số (không ít) phụ nữ cái sự giả vờ này “hơi bị khó”!

Đấy là cái kết luận “thuần túy lý thuyết” mà những người phụ nữ trên rút ra. Tuy nhiên trong cuộc sống bây giờ “cổ tích” này thường có một/ vài kết thúc như sau:

1) Hoặc nàng công chúa không bao giờ muốn/ dám tò mò tìm hiểu căn phòng bí mật của chồng (hỏi làm gì, nếu anh ấy/ ông ấy/ lão ấy… bảo rằng trong đó có… thì sao. Làm gì được anh/ ông/ lão ấy nào, có khi còn bị thế này, thế khác…);

2) Hoặc nếu do tình cờ/ cố ý biết được sự thật, đau đớn vì bị tổn thương nhưng đầy lòng tự trọng, nàng công chúa bèn ra đi (tất nhiên, nếu chồng nàng tử tế để cho nàng ra đi, hoặc sau khi đã hành hạ nàng chán chê …);

3) Nhưng cũng có thể, sau khi đau đớn vật vã kể lể khóc lóc hay là nổi “cơn tam bành” lên… nhưng khi được/ bị chàng dỗ dành/ dọa nạt/ đánh đập, nàng quá chán nản/ sợ hãi… bèn tặc lưỡi “bỏ qua”… vẫn tiếp tục sống như thế, như thế, trở nên dửng dưng, với tất cả…

Và 4) Cứ thế cho đến một lúc nào đó, có thể chính nàng công chúa lại có một căn phòng bí mật…Và khi ấy cổ tích sẽ bắt đầu với hướng ngược lại. Nhưng có lẽ chỉ có một kết thúc mà thôi… (!).

Mà thôi… chiều đẹp thế kia mà cứ ngồi “triết lý” vụn làm gì nhỉ… Hãy cứ cà phê một mình mà ngắm chiều tím loang vỉa hè, mà mơ màng chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe… Rồi sau đó thì về nhà thôi, để tiếp tục cái cuộc lưỡng lự đã bắt đầu từ hơn hai chục năm qua… Lưỡng lự vì nó chẳng giống hẳn một phương án nào trong ba (à, bốn) phương án kể trên…

Tôi thì như thế, còn bạn thì sao…?

Nói thêm.

Có bạn bảo rằng tôi “quá cực đoan!”. Có lẽ vậy, vì tôi chẳng đưa ra được một kết thúc nào “có hậu” cả, mà đã là Cổ tích thì thường là/ cần phải kết thúc có hậu (bây giờ những chuyện gì kết thúc tốt đẹp người ta cũng hay bảo: như cổ tích!). Vậy thì, tôi sẽ nêu ra cái kết thúc thứ nhất – có hậu như những câu chuyện cổ tích khác. Đó là:

1) Sau khi bí mật bị bật mí, chàng hoàng tử bèn ăn năn hối lỗi, thề sống thề chết sẽ không bao giờ tái phạm lỗi lầm… và nàng công chúa lòng đầy bao dung, tha thứ cho chồng. Từ đó họ sống yên ổn bên nhau cho tới khi đầu bạc răng long… Còn căn phòng chứa đầy di tích của “lỗi lầm” được khóa cửa vĩnh viễn, chìa khóa bị bẻ ra, nghiền nát vụn thành bột, gửi gió cho mây ngàn bay

Đến đây có thể coi như hết chuyện. Nhưng, sự đời cứ hay rắc rối thế, cái thứ bột nghiền từ chiếc chìa khóa ấy bay khắp bốn phương trời, các chị em phụ nữ hít phải, và từ đó câu chuyện xuất hiện các kết thúc như trên… Tất nhiên thứ tự tiếp theo với mức độ “bi quan” tăng dần là 2, 3, 4, và 5.

Hy vọng khi có thêm một kết thúc có hậu, bạn sẽ không phải lưỡng lự khi chọn lựa đoạn kết cho câu chuyện cổ tích của mình.

Nhưng mà biết đâu đấy…

SINHGAPORE (1)

Sông ngang thành phố

Bên vịnh Mariana

Vươn ra biển

Nét cổ xưa dù thành phố chỉ mới vài chục năm

Cây xanh giữatrung tâm tài chính

Thành phố bên bờ biển

Lịch sử trên đường phố

Dãy nhà phố cổ ven sông vẫn được bảo tồn, dãy hàng quán phục vu khách du lịch

Cầu cổ giữa những tòa nhà hiện đại.
Nhà cũ sơn lại màu tươi tắn, lạ mắt, thu hút khách "ngó nghiêng"

VIẾT CHO MÙA THU

Mùa thu thiếu nữ

Một chiều tháng tám (âm lịch) nhiều năm về trước có một cô bé đi chiếc xe mini thong thả dọc con đường lúc đó còn có tên 30 - 4, ghé vào công viên trưóc dinh Thống Nhất cô ngồi bệt trên bãi cỏ, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ thong thả buông từng tiếng lan xa trong gió, nhìn vạt nắng nhạt cuối đường mà nhớ quá chừng mùa thu nơi cô vừa ra đi…

Nơi ấy có lá sấu rụng vàng vỉa hè, bà cụ hàng nước chè mỗi sáng sớm gom lá quanh gốc cây, từng nhát chổi gượng nhẹ như sợ làm đau những chiếc lá. Khói bếp than vấn vít, hương chè Thái ngòn ngọt chan chát ủ trong ấm tích quyện trong hơi sương mong manh… Thoáng dịu mát mùa thu đã hiện diện. Lòng người chùng lại, ngẩn ngơ…

Nơi ấy có đầm sen cuối hè hương hoa lẫn vào hương lá. Sen tàn lá già vẫn vướng vít bên nhau. Có lần cô đã ở bên đầm sen ấy cả ngày chỉ để xem người ta câu cá, hái sen, cắt lá… mà hình như không chỉ có thế…

Nơi ấy có con đường vàng ánh đèn trong mưa hoa sữa, vành bánh xe lăn chầm chậm trong đêm, có người đưa cô về, để khi vô tình nghiêng đầu chạm nhẹ vào lưng người ấy, lần đầu tiên cô nhận ra mùa thu thiếu nữ…

Nhận ra để rồi chia tay.

Từ buổi chiều Sài Gòn bên nhà thờ Đức Bà năm ấy, và nhiều năm sau nữa, cứ tháng tám về cô lại tìm đến khoảng không gian tĩnh lặng nào đó giữa thành phố đông đúc này, một mình, để lắng nghe dường như mùa thu thiếu nữ trở về…

Từ buổi chiều Sài Gòn bên Nhà thờ Đức Bà năm ấy, và nhiều năm sau nữa, cứ mỗi thu cô lại kiếm cớ trở về nơi có những vỉa hè vàng lá sấu, nơi có đầm sen có con đường ngày nào… Đầm sen đã mất xe đạp cũng chẳng còn…

Mùa thu thiếu nữ đã quá xa xôi…

Sài Gòn có mùa thu không?

Có lần bạn hỏi mình như thế. Lúc ấy mình phân vân chưa biết trả lời thế nào cho bạn hiểu… Dù Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng thì với mình, Sài Gòn vẫn đủ bốn sắc Xuân Hạ Thu Đông. Như thời gian này chẳng hạn. Mỗi sớm đi làm ngang qua công viên đã thấy lá vàng ngày lại nhiều hơn, chiều tối về hơi sương đã lảng bảng mờ những ngọn đèn vàng. Và hơi lạnh se se, cảm giác cô đơn ngọt ngào không thể chia sẻ cùng ai…

Sài Gòn có mùa thu không? Tháng Chín về làm người ta xao xuyến khi đi trên những con đường nhạt nắng. Không khí vẫn oi nồng để lòng bỗng nhẹ lâng nghe những ngọn gió từ biển vào nhẹ nhàng lướt trên ngọn lá xanh mướt ngòai kia… Cây như cao hơn, trời như xanh hơn, và tiếng chuông nhà thờ như vang xa hơn…

Sài Gòn có mùa thu không…? Quán cà phê khuất nẻo, nhạc tiền chiến miên man không cần lời. Cơn mưa chiều giữ chân người ngồi quán. Ly cà phê nhạt đá dường như còn nguyên, khói thuốc mong manh. Giá mà lúc ấy giữ lại được một chút mơ hồ…

Sài Gòn có mùa thu không…? Tháng chín Sài Gòn da diết nỗi nhớ những gì đã qua những người đã xa… Thời gian làm quên mau mà thời gian cũng làm nhớ sâu. Nỗi nhớ như sợi dây thật mảnh mà thật sắc cứa vào ký ức vỡ òa kỷ niệm. Vết cứa không nhìn thấy mà sao không thể liền.

Nơi bạn ở cũng bắt đầu mùa là vàng. Rừng thưa ngút ngát trên xa lộ đi hòai chỉ một màu lá vàng, những sắc vàng nâu vàng đỏ vàng xanh phủ kín mặt đất. Trời xanh thăm thẳm… Ngắm cái màu xanh trong vắt ấy không hiểu sao người ta như thấy mùa tuyết trắng đang đến gần. Mùa thu nơi bạn ở ngắn ngủi lắm…

Mình biết, mùa thu Sài Gòn dài mãi trong nỗi nhớ người đi xa…


( Note cũ, mới đăng SGGP cuối tuần, 20/8/2011)

TRUYỆN RẤT NGẮN VỀ THÁNG BẢY

Cầu Ô thước

Trước khi anh đi công tác xa họ tổ chức đám cưới đúng vào tháng bảy âm lịch. Cha mẹ hai bên lo lắng vợ chồng họ sẽ như “Ngưu lang Chức nữ”. Họ cười, bây giờ có internet, email, chát chit, điện thọai, webcam… có xa xôi gì đâu khi hàng ngày gặp nhau trên mạng?

Một năm qua. Anh trở về. Sống chung dưới một mái nhà mà bỗng nghe xa ngái…

Chẳng ai muốn bắc Cầu Ô thước dù đã nhiều tháng bảy mưa ngâu…

Ăn chay

Tháng bảy, quán ăn chay đông nườm nượp. Người đến đây như chứng tỏ mình cũng chay tịnh như ai, dù các món ăn chay đều phỏng theo món mặn.

Giữa quán hàng rực rỡ nhiều màu áo bỗng xuất hiện một bóng nâu sồng. Nhiều ánh mắt nhìn theo lạ lùng: “Thầy chùa mà cũng ăn chay?”.

Đạo đời như không phân biệt khi nhiều người tự hỏi như thế!

Xá tội vong nhân

Tháng bảy mùa xá tội vong nhân. Những ngôi chùa lớn nhỏ sáng tối đông người lui tới đèn nhang.

Tháng bảy mưa Ngâu… Sài Gòn áp thấp nhiệt đới, phố xá khuất trong mưa, nhà cửa mờ sau màn nước.

Từ trong ngôi chùa lớn một chiếc xe hơi sang trọng chạy ra. Qua vũng nước đọng ở cửa chùa làm nước bắn tung tóe lên người ông già bán vé số đứng nép dưới mái hiên.

Mô Phật. Ông già khẽ nói.

Mô Phật. Giọng trầm bổng mấy Thầy ngồi trên xe cũng nói.

Cúng cô hồn

Tháng bảy, cô hồn đi đến đâu cũng được ăn uống no nê, chay mặn đủ cả.

Đến một nhà kia mâm cao cổ đầy sơn hào hải vị, quần áo nhà xe tiền vàng hàng mã cao cấp. Cô hồn sung sướng nhào vô. Bỗng qủy sứ hiện lên xua đuổi: “Nhà quan lớn chỉ cúng cho cô hồn quan lớn!”


Nhang đèn

Đèn chê nhang:

- Cái gì mà lập lòe như ma trơi!

Nhang đáp:

- Tui lập lòe nhưng tui tự cháy, lại còn có hương thơm.

- Thơm thì lát cũng hết. Ta đây sáng cả ngày.

Vừa nói xong mất điện, đèn tắt. Bình bông trề môi:

- Sáng nhờ điện mà cũng bày đặt chảnh!

Vu lan

Từ sáng sơm anh chị đã rối rít chuẩn bị nhang đèn hoa trái lên cúng chúa cùng món tiền công đức khá lớn. Mẹ anh hỏi: Chiều mấy giờ về để mẹ nấu cơm?

- Mẹ đừng chờ. Sư Thầy đã mời tụi con ăn cơm chay nhà chùa.

Xe chạy. Mẹ đứng đó tần ngần. Lễ Vu lan mà mẹ vẫn một mình cơm nước như mọi ngày.

Bàn thờ

Trên bàn thờ các lọai nhang, đèn, bình bông, mâm ngũ quả đồng thanh chê bai đĩa xôi gà: cái thứ “trần tục” kia sao lại ngồi cùng với bọn thanh cao chúng ta nhỉ?!

Cúng xong đĩa xôi gà được mang đi. Tất cả còn lại vẫn để nguyên từ ngày này qua ngày khác… Tấm hình đen trắng trên bàn thờ trông lạc lõng giữa những thứ đồ gốm xanh đỏ lòe lọet.

Từ bi

Hai chị em đã có gia đình. Chồng chị làm ăn khá giả. Nhà chồng em nghèo khó. Rằm tháng bảy cũng là ngày giỗ cha, em lật đật mang con về nhà từ bữa trước, thức khuya dậy sớm đi chợ nấu ăn. Tới giờ cúng vợ chồng chị về xêng xang xe hơi, cả nhà mừng rỡ.

Xong đám, người nhà chuẩn bị quà cho chị một giỏ bánh trái ngon lành, giỏ cho em là mấy món đồ ăn còn lại. Chiếc giỏ nhỏ mà bước chân em nặng trĩu.

(Note cũ)

Ở phía mùa thu

Nếu không kể những lần gặp trên mạng thì bạn và tôi chỉ mới gặp nhau một lần, và có lẽ là duy nhất.

Vậy mà sao thấy gần nhau đến thế, nửa lời cũng hiểu, dù chỉ là những trao đổi có phần “khách sáo”. Tôi đã thử lý giải tại sao, mãi mới nhận ra rằng hình như tôi mến bạn vì chính bạn, và còn vì bạn đang ở nơi mà trong ký ức tôi, là phía của một mùa thu tím…

Năm ấy tôi đến thành phố của bạn, vì công việc, một mình, với trái tim đang tổn thương nặng nề… Sau giờ làm việc tôi hay ngồi café một mình, ngắm dòng người qua lại, tưởng như đang sống cùng những con người thế kỷ 18, 19 mà tôi vô cùng yêu mến qua những trang tiểu thuyết đọc từ thời thơ ấu, và ước gì có một người bạn thân bên cạnh. Lúc ấy chúng ta chưa hề biết nhau, chính xác hơn là tôi không có một người quen nào ở nơi ấy. Ở đấy, trong cái thành phố khỏang 10 triệu dân, bao nhiêu người khác và có thể cả bạn đã đi qua… Một mình, nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy nỗi cô đơn trọn vẹn hơn, nỗi buồn trọn vẹn hơn, và khao khát cũng trọn vẹn hơn…

Nhiều năm đã qua, mùa thu tím nơi bạn ở luôn trở về với tôi, mỗi năm lại đau đáu hơn… Đôi khi tôi vẫn thầm trách thành phố của bạn, vì đã làm cho trái tim bị tổn thương của tôi không sao lành lặn được.

Mà đúng ra là tôi phải tự trách mình. Đau đáu như thế mà vẫn mong ngày quay về với mùa thu tím…

Những hẹn hò từ đây khép lại, thân nhẹ nhàng như mây…

Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời, như một lời chia tay…

Nếu không kể những lần gặp trên mạng thì bạn và tôi chỉ mới gặp nhau một lần, và có lẽ là duy nhất...

(note cũ)

Chuyện trên đường (6) - ĐI MÁY BAY KHỔ THẬT!



Tất nhiên, khổ nhất là phải (thường xuyên) nghe câu thông báo “xin lỗi quý khách vì lý do kỹ thuật nên chuyến bay VN… bị chậm giờ, giờ dự định khởi hành là…Chúng tôi thành thật xin lỗi quý khách”. Nếu chậm 30 phút đã là may mắn lắm rồi vì có khi chậm 45 phút đến… vài giờ! Vì vậy nên mang theo sách để đọc hay máy tính có 3G (đừng mong có wifi ở phòng chờ, trừ phòng VIP), vào mạng xem linh tinh giết thời gian (à mà bị nhiều người giết thế mà thời gian chả bao giờ chết, phục bạn Thời Gian quá cơ).
Đi máy bay “khổ” vì cảnh chen nhau lên/ xuống máy bay. Dù ai cũng có số ghế của mình, lần lượt ai cũng được (phải) lên/ xuống máy bay... Lên máy bay trước thì cũng… bay cùng mọi người, mà xuống trước thì cũng chờ lấy hành lý như mọi người… vậy mà vẫn chen lấn. Có lẽ vì chờ đợi lâu quá nên (có cảm giác) nhanh hơn một chút cho đỡ sốt ruột chăng?
Đi máy bay “khổ” vì mấy người cứ oang oang điện thọai lúc máy bay sắp cất cánh, vừa hạ cánh, dù đã được tiếp viên nhắc nhở rằng như vậy có thể gây ra tai nạn nhưng họ vẫn không tắt điện thọai. Họ nói đủ thứ từ chuyện làm ăn đến chuyện linh tinh, chào hỏi, tạm biệt, thông báo mới đến…Tòan những chuyện không có gì khẩn cấp đến mức phải nói ngay lập tức, nói nhiều nói to như vậy.
Đi máy bay “khổ” vì ngồi gần mấy người hay tám, “nhiều chuyện” suốt gần 2 giờ bay. Mà nào chuyện có ra chuyện: tự khen, khen lẫn nhau, chê bai nói xấu người khác, thậm chí cả chuyện riêng tư vợ chồng… có người còn nói bậy kinh hồn. Haizzzz….
Đi máy bay “khổ” vì phải xem đi xem lại cái phim hài hước bằng những tình huống “đùa vui”. . Có lẽ vì không quen “văn hóa đùa” của Mỹ chăng mà mềnh lại thấy nhạt nhẽo không cười nổi khi thấy người khác bị rơi vào tình trạng lố bịch dù trong phim ảnh. Dù vậy xung quanh bà con vẫn cười hô hố.
Đi máy bay “khổ” vì xuất ăn chục lần như một, chả có gì khác. Túm lại trên máy bay món ăn vật chất món ăn tinh thần đều nghèo nàn, thể hiện quan điểm lập trường nhất quán trước sau như một từ năm này qua năm khác.
Đi máy bay tuyến quốc ngọai thì ít khi gặp cái khổ thứ nhất, những cái khổ còn lại thì tuyến quốc nội quốc ngọai gì gì cũng giống nhau hết. … Ui giời, quên mất, nói lại cho rõ đây là hàng không So - di E - nai và mềnh đi cùng nhiều người đồng hương (nước Vệ của bạn Lái Gió).

Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...